Home / Tư vấn - Chia sẻ /  Ai là người dũng cảm?

 Ai là người dũng cảm?

Hôm qua không hiểu sao, con hỏi bố thế nào là người dũng cảm. Có phải là người không sợ cái gì, không sợ ai hết hay không?

Để bố nghĩ xem nào. Hồi nhỏ, bố có một người bạn thân tên là Đức. Bố và chú ấy thường cùng đi học về với nhau, đi bộ chứ không có ai đưa đón như các con bây giờ. Bố và chú ấy, cả hai đều sợ sâu róm lắm. Những con sâu đen sì lông lá, con có lẽ chưa nhìn thấy bao giờ. Mỗi lần nhìn thấy sâu róm là hai đứa ù té chạy ra hướng khác. Hôm ấy, trên đường về, cô bạn hàng xóm đi qua cây roi, bị sâu róm rơi vào người, mắc trên áo. Cô bé khóc thét lên, sợ đến nỗi không dám lấy tay gạt sâu xuống đất. Chú Đức cũng sợ, mặt tái mét. Cứ tưởng chú chạy xa, ai ngờ chú đến gần cô bé, nghiến răng phẩy con sâu xuống và lấy chân di nát. Lát sau bố đi cạnh vẫn còn thấy tim chú ấy đập thình thịch. Hẳn chú Đức đã rất sợ. Thế nhưng, vì bạn, chú đã vượt qua nỗi sợ của mình để giúp bạn. Đấy thực sự là một việc làm rất dũng cảm.

Một câu chuyện khác nhé. Hôm thứ bảy, cả nhà mình về quê chơi, đi bằng xe ôtô con của chú Vinh, rất thích. Ở đó đến tối ra thì xe bị xịt cả hai lốp! Chú Vinh xem xét một lúc rồi phát hiện ra rằng xe bị ai đó xì lốp chứ không phải thủng săm. Lúc đó có một thằng bé lảng vảng bên cạnh, và chú Vinh trong lúc nóng giận đã túm lấy thằng bé ấy, một mực cho rằng chính nó đã phá xe! Thằng bé khóc ầm lên mà chú Vinh vẫn giữ đó, dọa đưa về nhà mách bố mẹ, để chừa cái thói phá phách đi. Con có nhớ lúc sau có một thằng bé khác, đen, gầy, lò dò đến nhà bà mình để tìm gặp chú Vinh không? Nó nói: “Cháu xin lỗi chú, lúc nãy cháu trót nghịch xì hơi lốp xe, chứ không phải bạn này!”. Khi ấy, bố thấy chú Vinh không nói gì, hình như đã hoàn toàn hết giận. Chú Vinh chỉ nói: “Lần sau đừng nghịch như thế nữa nhé. Các chú sẽ phải mất công bơm xe, rất vất vả!”. Thằng bé lí nhí “Vâng ạ” và tròn mắt lên ngạc nhiên khi chú Vinh xoa đầu nó và bảo: “Dũng cảm lắm!”. Đúng vậy đấy, biết vượt qua nỗi sợ bị phạt mà nhận lỗi, đó cũng là dũng cảm! Nhất là nếu vì lỗi của mình mà người khác bị phạt oan, thì càng cần phải nhận lỗi, con nhỉ?

Hồi hè năm ngoái, mẹ con đi công tác một tháng. Bố biết con rất nhớ mẹ. Buổi tối, đôi khi con nằm chuẩn bị ngủ mà chảy cả nước mắt vì nhớ mẹ, bố biết chứ. Vì hàng ngày, mẹ thường xoa lưng cho con, kể chuyện cho con, thủ thỉ với con đủ thứ chuyện. Thế nhưng khi mẹ gọi điện về, con chỉ nói: “Con rất nhớ mẹ” mà không lèo nhèo đòi mẹ về với con. Con chỉ chảy nước mắt một chút trong bóng tối mà không muốn cho ai biết. Con vẫn lo ăn uống, học hành ngoan ngoãn, vì con biết, mẹ cần đi xa để làm công việc được giao. Con không muốn mẹ phải lo lắng bận tâm vì con. Bố cho rằng, đấy là sự dũng cảm. Con đã biết dũng cảm chịu đựng nỗi buồn của mình để không ảnh hưởng đến người khác, để người khác được vui. Không phải ai cũng làm được thế đâu, con ạ.

Con đã 6 tuổi. Bố thường bảo, con lớn rồi, phải tự làm lấy mọi thứ. Nhưng bố biết, con rất sợ khi một mình ra phòng tắm buổi tối để đánh răng hay đi tè trước khi đi ngủ. Con cứ loanh quanh ra ra vào vào, mãi rồi mới làm được các việc ấy. Có lần con bảo con sợ ma vì buổi tối, ánh trăng hay ánh đèn hắt qua khe cửa vào đúng cửa buồng tắm. Khi con đánh răng xong, bố khen: “Giỏi!”. Ý của bố là: “Con dũng cảm lắm!”. Con biết vượt qua cái sự “sợ ma” để làm một việc cần thiết mà không phiền đến một ai khác phải đứng cạnh con. Con còn biết tự “trấn an” mình bằng cách bật hết các đèn lên, hát véo von khi đi ra nhà tắm. Con rất thông minh và dũng cảm!

Con đi học về hay kể chuyện, có anh lớp lớn đánh bạn lớp dưới, anh ấy rất khỏe, anh ấy không biết sợ ai. Không biết sợ ai, như thế có phải là dũng cảm không nhỉ? Chưa chắc!

Con người không ai là không có nỗi sợ, con ạ. Mà đó là chuyện rất bình thường. Biêt tự mình chiến thắng nỗi sợ ấy để làm một việc tốt cho mình, cho bạn – đó chính là sự dũng cảm. Người dũng cảm thường là người trung thực và biết yêu quý mọi người xung quanh. Như con của bố vậy.

 Ký tên: Bố tấn (Bố ơi vì sao? – TSGD Nguyễn Thụy Anh)

About DuongMy

Scroll To Top