Điều đầu tiên mà những trang viết của Nguyễn Trí ập vào người đọc là những trải nghiệm lạ lẫm về một không gian của những phận giang hồ và hảo hán gác kiếm. Với giọng văn và lối viết rất riêng, Nguyễn Trí dường như thừa kế mạch văn của Sơn Nam, có chút kỳ bí xa xưa hơn của truyện đường rừng Thế Lữ, Thanh Tịnh. Những câu chuyện thô phác nhưng kỳ thực lại rất có ý thức về chữ, những con chữ cứ tự nhiên xô đẩy mà dậy gắt lên xung đột mạnh mẽ.
Như tên gọi của tập truyện, Bãi vàng, Đá quý, Trầm hương dẫn dắt người đọc qua không gian của một vùng Nam Trung Bộ một thời của những mỏ vàng không mấy người trở về có được sự giàu sang, những năm tháng hậu chiến nhao nhác, con người tàn phá thiên nhiên để kiếm cái ăn bằng mọi giá. Nói là một thời đã xa, nhưng qua câu chữ của Nguyễn Trí, bối cảnh ấy hiện lên rõ mồn một.Bên cạnh mảng truyện về đời giang hồ nơi rừng sâu ma thiêng nước độc, với những dân anh chị ham vàng mà nợ ngãi, Nguyễn Trí mở rộng sang cả đề tài rất khó viết là đời sống công nhân khu công nghiệp. Ở mảng này, cái nhìn vẫn đau xót trước những số phận bất trắc của phận nghèo công nhân, cho đến những gái làng chơi dựa vào nhau để tìm chút hạnh phúc tạm bợ. Người đọc bị hút vào mê hồn trận của những mánh lới, những quy tắc dị thường của dân đào vàng hay đao búa phố thị, vắt từ thời chiến tranh cho đến thời kỳ nườm nượp người tứ xứ đổ về các khu công nghiệp miền Đông Nam Bộ kiếm ăn bây giờ.
Nhưng điều nâng tầm truyện của Nguyễn Trí lên một mức cao hơn những ghi chép kiểu ký sự đường rừng, hay chép nhặt dọc đường, là cảm xúc độ lượng của một người đã đi qua tất cả những thăng trầm bi kịch của cuộc đời. Ngay chính đời người viết cũng đã là một câu chuyện ly kỳ. Tác giả ở độ quá tuổi năm mươi, quê gốc Quảng Bình, sinh ra ở Bình Định, phiêu bạt từ Huế lên Tây Nguyên, vào Sài Gòn, hiện định cư ở Đồng Nai. Ông trải qua nhiều nghề như đi tìm trầm, đào đãi vàng, tìm đá quý, chặt củi đốt than, dạy tiếng Anh… rồi bây giờ làm thợ ở Đồng Nai để nuôi hai cháu nội. Nếu là người khác, hẳn sẽ là những cái kết bi đát, những oán hận chồng chất, những bất mãn với đời. Nhưng với Nguyễn Trí, truyện của ông ngấm ngầm bộc lộ một sự nhẫn nại, nhiều khi là lì đòn. Phải chăng phẩm tính đó có từ gốc gác miền Trung của ông, mà cũng là của biết bao con người trên dải đất không mấy màu mỡ, luôn lấy câu “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” làm phương châm sống?
Tuy thế, truyện Nguyễn Trí cũng không thiếu chất lãng mạn. Có khi là cái lãng mạn của một thời trai trẻ còn rớt lại qua cái nhìn trìu mến trước những mối tình trông thấy. Có khi là sự rung động trước cái đẹp của thiên nhiên, nỗi hoài niệm về chốn cao xanh ma mị, nơi công việc đào vàng hay lấy trầm công phu ngang nghệ thuật. Có khi là sự ngưỡng mộ có phần xót xa đối với những phận trai giỏi võ hào hoa mà uổng phí vào những chuyện yêng hùng trời ơi đất hỡi.Có thể nói, 16 truyện trong tập Bãi vàng, Đá quý, Trầm hương lôi người đọc ra khỏi những vụn vặt thị thành, những điệu đà ngôn từ thời thượng, trao cho họ một món lạ đầy tính nguyên bản, điều rất khó đạt được trong nghiệp văn này.
Nguyễn Trương Quý