Home / Tư vấn - Chia sẻ / Tự lập

Tự lập

Cháu chào cô Thuỵ Anh.

Năm nay cháu đã là học sinh cấp 3 rồi. Ở tuổi này, cháu muốn tự lập hơn, tự quyết định một phần cuộc sống của mình. Nhưng bố mẹ cháu lại luôn coi cháu như một đứa nhỏ và muốn bao bọc, quyết định mọi thứ giúp cháu. Cháu biết tất cả chỉ là do bố mẹ yêu thương cháu nên không muốn cháu gặp khó khăn. Điều này làm nhiều lúc cháu cảm thấy gò bó, thiếu đi sự riêng tư. Bởi vì theo cháu, bố mẹ nên để cháu va chạm với nhiều thử thách hơn trong cuộc sống, phải học cách tự đối mặt với gian nan để sau này không phải bỡ ngỡ khi một mình bước vào đời. Cháu được biết, ở các nước châu Âu, châu Mĩ, trẻ em đã phải học cách tự lập khi còn rất nhỏ. Cháu nghĩ đó là điều rất tốt. Nhiều lần cháu muốn nói với bố mẹ rằng để cháu tự quyết định nhưng cháu rất sợ bố mẹ buồn. Bây giờ cháu phải nói sao để bố mẹ thay đổi suy nghĩ đây? Cháu mong nhận được lời khuyên của cô.

Cháu xin chân thành cảm ơn.

Vũ Hải Yến

Khu 2, Thị trấn Phố Mới, Quế Võ, Bắc Ninh

——————-

Hải Yến thân mến,

Cảm ơn em đã chia sẻ với cô, Hải Yến à.

Cô rất hiểu những mong muốn hợp lý của em, một bạn trẻ đã sắp đến tuổi trưởng thành. Cái gì bố mẹ cũng quyết hết thì mình cảm thấy mất tự do, đôi lúc còn nghĩ mình không được tôn trọng, bị người lớn đánh giá thấp khả năng của mình.

Thế nhưng, đồng thời cô cũng hiểu và thông cảm cho bố mẹ em, vì cô cũng là mẹ của một cậu bé 15 tuổi mà. Với tình yêu vô bờ của bố mẹ thì con 50, 60 tuổi vẫn là… trẻ con ấy chứ! Bố của cô năm xưa làm việc gì cũng phải xin ý kiến của… ông nội, không phải cứ nghĩ là làm đâu!

Ảnh: internet

Cô muốn kể cho em nghe câu chuyện thật này của cô: Hồi xưa, ở thế hệ cô, các bố mẹ thường cũng không đủ thời gian để tâm hay can thiệp vào các hoạt động học tập vui chơi hàng ngày của con. Bọn cô cũng được tương đối thoải mái. Nhưng đến khi thi đại học thì việc chọn trường vẫn là bố mẹ, không mấy ai thảo luận với con cái cả.

Năm ấy, do cô đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi, cô được tuyển thẳng vào đại học, lại được chọn một trong bốn trường. Từ lâu, cô mơ ước vào trường ĐH Ngoại ngữ, nhưng bố cô lại nộp đơn cho cô vào trường Ngoại thương vì Ngoại thương thời ấy là một trường khó, danh giá. Cô khóc sưng hết cả mắt mất mấy đêm rồi quyết định trình bày với bố, vì sao mình nhất định phải học ĐH Ngoại ngữ. Hồi đó, nói được ra giấc mơ, nguyện vọng của mình đâu phải dễ. Cô đã viết thư.

Bố cô nhận thư, chẳng nói gì cả. Cô thất vọng, bực bội. Vài hôm sau, cô nhận được giấy gọi nhập trường ĐHNN, đúng như mong muốn. Hoá ra, bố cô đã âm thầm rút chuyển hồ sơ cho cô. Cô cảm động lắm vì bố đã hiểu cô và thật mừng vì mình đã dũng cảm nói ra! Không nói thì không ai biết mình nghĩ gì, phải không em? Sau này, khi đã làm mẹ, cô hiểu tình cảm của bố hơn. Bố mẹ nào cũng có xu hướng bao bọc đứa trẻ, dành những điều mà họ nghĩ là tốt nhất cho con! Họ sợ con vấp ngã, đứa trẻ mà họ sinh ra, chăm bẵm, yêu thương. Nó mà buồn khổ, thất bại thì họ đau lòng. Trong khi đó, đứa con lại chỉ nhìn ra “thông điệp” khác: “Con còn bé dại, biết gì!”

Cô nói vậy là để “xui” em thử phương án cô đã làm – viết một bức “tâm thư” cho bố mẹ về những điều em thấy không vui, em muốn được tham gia  quyết định, ví dụ, chọn môn học ngoại khoá; chọn trường ĐH để thi vào; chọn bạn mà chơi… Khi nhận thư, nếu bố mẹ có giận thì cũng không cần phản ứng ngay, bố mẹ có thời gian để ngẫm nghĩ, sẽ dễ dễ chịu hơn, em ạ!

Với những vấn đề đặc biệt quan trọng, em hãy viết thành 2 cột: những điểm hay, tích cực (+) và những điểm chưa ổn, tiêu cực (-) của vấn đề; đưa ra thông tin em tìm hiểu được từ báo chí, từ bạn bè… để chứng minh rằng, em đã đủ lớn để tư duy phản biện chứ không nói theo cảm tính, trẻ con nữa!

Một việc rất nên làm là hãy chiếm được lòng tin của bố mẹ từ điều nhỏ nhất: làm việc nhà, nói là làm, hứa là thực hiện… Bố mẹ sẽ nhìn thấy sự nỗ lực chững chạc của mình mà đồng ý cho mình được quyết những việc liên quan trực tiếp tới mình.

Tuy nhiên, dẫu mình đã thừa sức tự lập thì em cũng đừng quên trò chuyện với bố mẹ để tìm sự ủng hộ trong một số việc riêng. Chẳng hạn, hỏi mẹ xem mẹ có biết mua một cái khăn lụa làm quà cho bà ở đâu là đẹp và hợp lý nhất; hay xin lời khuyên về ứng xử của em ở lớp đối với sự hiểu nhầm của người bạn thân…

Những trao đổi tâm tình như thế sẽ xây dựng được “một tình bạn” thân thiết giữa bố mẹ và con. Khi bố mẹ thấy em tin bố mẹ, chia sẻ những băn khoăn của mình, bố mẹ sẽ yên tâm về em hơn, rằng em không giấu diếm vấn đề của mình và sẵn sàng tiếp thu kinh nghiệm của bố mẹ. Điều khiến người ta thường sợ nhất là KHÔNG BIẾT, KHÔNG TIN, KHÔNG ĐƯỢC THAM GIA! Khi biết chuyện gì đang xảy ra, hiểu hướng giải quyết của em, được tham gia góp ý – lòng bố mẹ thấy an tâm, không quá lo lắng nữa. Thế nên nhiều bạn trẻ sợ phiền phức cứ im im lảng lảng người lớn là bất lợi cho các em và làm buồn lòng người yêu thương mình. Cởi mở, chân thành, thẳng thắn nhưng lễ phép là chìa khoá cho cách ứng xử với người lớn, em ạ. Cô tin, sau khi thảo luận, trò chuyện với nhau về một việc gì đó, bố mẹ sẽ dần dần tin tưởng vào em. Suy cho cùng, bố mẹ chưa cho em tự lập chẳng qua là vì chưa có lòng tin, chưa có đủ thông tin để đánh giá khả năng của em thôi.

Cô chúc em thành công nhé!

Cô Thuỵ Anh (Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ tháng 03/2018)

About admin2

Scroll To Top