Hẳn bạn sẽ phản đối tiêu đề bài viết của tôi?. Có thể lắm chứ! Uốn nắn hành vi lệch lạc của trẻ mà lại không dùng từ “không” thì dùng từ gì đây?
Giai đoạn khoảng từ 2 đến 4 tuổi, trẻ có thể rất nhiều lần không màng đến những khi bạn nói “không” hay “không được” với trẻ. Có thể ví dụ như thế này: Bạn nói với con rằng “Không được sờ vào ổ điện” nhưng khi bạn vừa dứt lời, trẻ vẫn cứ làm theo ý muốn của chúng. Dường như từ “không” đã bị “nhờn”. Đã đến lúc hạn chế dùng từ “không” khi bạn muốn uốn nắn hành vi của trẻ. Và thật may mắn, ngôn ngữ của chúng ta có vô vàn phương án thay thế cho từ “không” – từ đã được dùng quá nhiều và bị hạn chế công hiệu.
Khi bạn cố gắng giữ trẻ tránh xa các rắc rối hoặc dạy trẻ những điều đúng đắn từ những sai lầm, hãy cố gắng dùng một cách tiếp cận hữu hiệu hơn, thay vì lấy chữ “không” làm trung tâm.
Bạn có thể làm gì với em bé của bạn?
Nói và nhắc lại một cách rõ ràng. Hãy đưa ra yêu cầu của bạn một cách thiện chí, trẻ sẽ đáp ứng yêu cầu của bạn một cách thiện chí. Thay vì chỉ nói “không”, hãy nói những gì trẻ có thể làm.
Bạn đã từng rơi vào tình huống này chưa? Bạn đang bù đầu với việc nhà mà lũ trẻ thì cứ đá bóng và la hét inh ỏi, bạn quát to hết sức có thể để át đi tiếng hò hét của chúng: “Không được đá bóng ở trong nhà nữa”. Nhưng tiếng quát của bạn không lọt được vào tai chúng. Bạn lại quát như vậy một lần nữa rồi bạn than thở: “Sao suốt ngày mẹ phải nhắc nhở con như vậy nhỉ? Mẹ nói mãi mỏi mồm lắm rồi”. Đọc đến đây, hẳn bạn sẽ thấy có cái gì đó quen quen. Nếu bạn đã và đang có con trong độ tuổi mầm non, tôi chắc bạn đã từng kinh qua hoàn cảnh này.Vậy, hãy nói với trẻ rằng “Các con ra ngoài sân/ngoài vườn” chơi đá bóng đi nào!”. Nếu nhà bạn không có sân, hãy mời con về phòng chúng chơi, bạn sẽ dọn dẹp căn phòng ấy sau cùng, khi mà trẻ đã mệt nhoài vì hò hét. Bạn sẽ thoải mái dọn dẹp nhà cửa và lũ trẻ cũng sẽ được thoải mái hò hét và say sưa với niềm vui của chúng. Nếu con đang làm bài tập thủ công, mỹ thuật và bày biện rất nhiều keo dính trên sàn nhà, đừng nói với con rằng “Con không được bày ra sàn nhà”. Hãy giúp con lót một tấm báo cũ xuống dưới đống đồ để keo không dây bẩn ra sàn. Cả hai đều vui vẻ và hài lòng. Đừng lúc nào cũng chỉ nói “không”, phải có chỗ nói “có” với trẻ.
Cho trẻ biết trẻ có thể làm gì luôn đem lại hiệu ứng tích cực hơn việc bảo trẻ không được làm gì. Khi bạn phải phản ứng nhanh chóng để con không gặp nguy hiểm, hãy cảnh báo một cách trực tiếp, đừng nói “không” chung chung, ví dụ như “Dừng lại ngay!”, “Nguy hiểm!”, “Nóng!”.
Đưa ra các lựa chọn. Cố gắng luôn có phương án thay thế mà trẻ có thể lựa chọn để thực hiện. Ở độ tuổi này, trẻ muốn cảm thấy mình được độc lập và được kiểm soát. Vì vậy, thay vì từ chối thẳng thừng một đề xuất của trẻ, ví dụ như khi trẻ xin ăn kẹo trước khi ăn trưa hay ăn tối, hãy cho trẻ lựa chọn con có thể ăn một miếng táo hay uống một ít nước hoa quả. Hoặc cho phép trẻ tự lựa chọn loại kẹo mà trẻ thích ăn – nhưng chỉ được ăn sau khi đã dùng xong bữa chính.Cũng có thể có tình huống như thế này! Trẻ chỉ khăng khăng mặc đúng bộ quần áo, bất chấp thời tiết, không gian và thời gian ra sao. Hãy mang đến cho trẻ các bộ đồ khác và cho trẻ lựa chọn trong số đó. Ban đầu, bạn chưa thể mong đợi trẻ vui vẻ tiếp nhận phương án của bạn, nhưng hãy kiên nhẫn, chúng sẽ học được cách chấp nhận yêu cầu của bạn.
Phân tán sự chú ý. Trẻ trong độ tuổi này có thể dễ dàng bị phân tán sự chú ý. Trong tình huống hai mẹ con đi mua sắm, nếu sắp đến một gian hàng đồ chơi trẻ em, rất nhanh, hãy tiên lượng tình huống xảy ra, trẻ mè nheo, khăng khăng bước vào kho đồ chơi vô cùng phong phú ấy mà quên luôn bạn đang cố gắng nói “không được” với trẻ ra sao. Hãy trò chuyện với trẻ về một vấn đề khác ngay lập tức, ví dụ xem mẹ con ta mua được gì rồi nào, mình sẽ ăn gì cho bữa trưa nhỉ? Và đi ra khỏi “khu vực nguy hiểm”.
Tránh “đụng độ” với các tình huống phải nói “không”. Bất cứ khi nào có thể, hãy tránh để hai mẹ con rơi vào tình huống mà bạn phải nói “không” với trẻ. Lựa chọn một môi trường, một không gian đủ an toàn để khơi dậy sự tò mò và ưa khám phá ở trẻ thay vì ở một không gian mà bạn chỉ “chầu chực” để nói “không” với trẻ. Đừng tự tạo bi kịch cho chính mình!Hãy lựa chọn những địa điểm mà con có thể thoải mái dạo chơi, ví dụ như sân chơi công cộng, sân chơi ở nhà. Tất nhiên, bạn không thể tránh được tất cả các tình huống mà bạn phải nói “không” với trẻ, nhưng cuộc sống sẽ vui vẻ và dễ chịu hơn nhiều cho bạn và con nếu bạn có thể nói “có” với trẻ nhiều hơn.
Cuộc sống sẽ dễ chịu hơn nếu số lần bạn nói “có” với trẻ nhiều hơn (Ảnh: Internet)
Hãy nhớ rằng, mua sắm có thể là cơ hội tốt để hai mẹ con cảm thấy thoải mái hơn và thường là trẻ sẽ rất thích, nhưng vẫn nên lường trước một vài tình huống. Lên kế hoạch đi mua sắm khi nào trẻ đang có tâm trạng tốt và đừng lạm dụng việc này, chỉ tầm 1 – 2 tiếng đồng hồ ở khu mua sắm là đủ cho hai mẹ con.
Đừng bị cuốn vào những thứ vặt vãnh. Cuộc sống có vô vàn cơ hội để bạn rèn kỷ luật cho con. Vì vậy mà đừng quá căng thẳng, cũng đừng tìm kiếm “các bài tập làm thêm”. Nếu hai mẹ con đang trên đường về nhà, trẻ muốn vầy một chút nước ở đài phun nước bên đường, tại sao không? Nếu con muốn mặc trang phục của lễ hội, quần áo siêu nhân đi đến cửa hàng tạp hoá cùng bạn, tại sao lại nói không?Thưởng thức cảm giác phiêu lưu, vui chơi và khám phá bất cứ khi nào có thể. Nếu con an toàn và bạn không cần phải nói “không”, hãy để trẻ thoải mái.
Vẫn nói “không” nếu thực sự cần. Khi hành vi của con sẽ tạo ra rắc rối cho chính trẻ, khiến con có thể bị thương hoặc con có thể làm ai đó bị đau thì cần phải nói “không”, một cách kiên quyết với vẻ mặt nghiêm túc: “Không! Không! Đừng cầm vào đuôi con mèo!”. Cũng trong tình huống trẻ sắp nghịch đuôi mèo mà bạn lại nói rất vui vẻ rằng: “Không! Con yêu!” sẽ gửi đến trẻ một thông điệp không rõ ràng và không giúp ngăn cản rắc rối xảy đến với trẻ.Khi trẻ làm theo lời bạn, hãy mỉm cười hoặc ôm trẻ vào lòng, làm theo đúng những gì bạn vừa nói, đó cũng chính là cơ hội bạn nói cho trẻ biết trẻ rất biết lắng nghe.Đã đến lúc, với việc nuôi dạy trẻ, không gì hay hơn là tiếp cận với trẻ từ một sự đồng cảm tự nhiên, khiến quá trình nuôi và dạy trở thành một quãng thời gian nhẹ nhõm dễ chịu, để cả trẻ cả già đều thấy hạnh phúc khi ở bên nhau. Không có áp lực, không là gánh nặng, không phải chịu đựng, không khổ sở bực bội, không khóc lóc sợ hãi.
Hiếu Nguyễn dịch (Tác giả: Karen Miles Thẩm định: Hội đồng Cố vấn BabyCenter)