Home / Bài Viết / Văn học thiếu nhi ở Việt Nam: Người viết phải tự tìm đường

Văn học thiếu nhi ở Việt Nam: Người viết phải tự tìm đường

Văn học thiếu nhi ở Việt Nam:

Người viết phải tự tìm đường

Một câu hỏi ngỡ đơn giản và thừa thãi trong thời kì tưởng như ai cũng có thể dễ dàng thành nhà văn, người viết sách đã lại thành thiên nan vạn nan với văn học thiếu nhi: câu hỏi về người viết (trẻ).

 Từ trải nghiệm (cả những trải nghiệm thất bại) của một người viết quan tâm và muốn tìm một mạch đi của văn học thiếu nhi VN trong bối cảnh hiện nay, tôi muốn nghĩ theo hướng: phải chăng chính người viết trẻ đang tự đánh mất cơ hội khi không tự nỗ lực tìm đường?

 Dễ dàng thấy trong một vài năm trở lại đây, người đọc Việt Nam no mắt trước khối lượng sách văn học thiếu nhi được dịch nhiều, phong phú và đặc sắc, cả cổ điển cả đương đại: Peter Pan, Thằng nhóc Emil, Karlson trên mái nhà, Momo, Khu rừng tròn bốn cánh, Nhật kí chú bé ngốc xít… Bên cạnh thương hiệu NXB Kim Đồng, NXB Trẻ là sự khẳng định của các công ty tư nhân như Nhã Nam với nguồn sách được cập nhật nhanh chóng, trình bày đẹp. Không phải cuốn nào cũng hay hoặc được dịch tốt, nhưng có thể nói trước đó chưa bao giờ thiếu nhi có nhiều lựa chọn về sách như hiện nay. Cái thời trẻ em dường như chỉ biết đến “Tủ sách vàng” của nxb Kim Đồng, in thành những cuốn nhỏ bằng bàn tay, hay những tác phẩm đã thành kinh điển như Tom Xoyơ, Đảo giấu vàng, Tô mếch… dường như đã xa. Văn học thiếu nhi Âu – Mỹ trở thành một nguồn dưỡng chất quý giá với trẻ em bây giờ, và tất nhiên, trẻ em có quyền được chọn những sách hay , đẹp tất nhiên, người lựa chọn cho chúng (bố mẹ, các nhà giáo…) cũng không thể không cập nhật để lựa chọn đúng.

Khối ì sáng tạo văn học khi so sánh với “bên ngoài”, không chỉ ở văn học thiếu nhi, nhưng ở mảng văn học này lại chịu thiệt thòi hơn khi nó không thể thu hút các nhà xuất bản hay nhà sách tư nhân đầu tư, giới thiệu. Mối lo lắng về việc văn học thiếu nhi trong nước bị lấn át, nỗi lo sợ trẻ em mê “đồ Tây” hơn “đồ ta” , thiếu hiểu biết về lịch sử, thiên nhiên Việt Nam không hẳn vô lý nhưng có lẽ chưa thật quan trọng bằng việc, qua việc nhìn ra bên ngoài, qua lượng sách dịch, hình như chưa nhiều người viết để tâm rằng đó chính là một cơ may. Sự sống động của sách dịch, lẽ ra, như một quy luật tương tác dễ hiểu, có thể góp phần vào việc lay chuyển khối ì đó. Dù vậy, vai trò của sách dịch dường như chưa được thể hiện về mặt thực tiễn, vì chưa có một thống kê, khảo sát nào của các nhà nghiên cứu, giới xuất bản đối với người viết cho thiếu nhi ở VN hiện nay; vả lại, những câu hỏi khác lại luôn án ngữ, chẳng hạn: người viết cho thiếu nhi ở VN hiện nay là những ai – nếu muốn có một khảo sát?

Một lý do khiến cho việc tìm hiểu tác động của sách dịch thiếu nhi hiện nay càng cần thiết là: cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, văn học thiếu nhi ở VN như một thể loại chuyên biệt chưa thể nói là có một truyền thống. Những thế hệ kế tục nhau là điều cần thiết của sáng tạo, thì người viết trẻ hiện nay có thể học được gì từ các thế hệ trước? Gia sản văn học thiếu nhi ở Việt Nam có nhiều tác giả tay chuyên, không ít tác giả, tác phẩm đã thành niềm yêu mến dài lâu của bạn đọc: Phạm Hổ, Võ Quảng, Xuân Quỳnh trong thơ, Tô Hoài, Đoàn Giỏi, Nguyễn Huy Tưởng hay Nguyễn Nhật Ánh trong văn. Nhưng dường như những nhà văn lớp trước, đi trước để lại tác phẩm mà không để lại những bài học về bút pháp, họ để lại kinh nghiệm viết mà không để lại những lớp trầm tích và biến đổi về thể loại… Người đi sau không thể viết bằng kinh nghiệm của người đi trước. Nếu các bạn trẻ cứ cố tìm cách viết như các lớp đi trước, thì lại dễ rơi vào tình trạng “bắt chước” na ná, cái vui vui ngộ nghĩnh cũng na ná. Có thể nói, người viết trẻ hiện nay nếu muốn đi sâu vào mảng văn học thiếu nhi, thì chính họ đang là một cái bình rỗng, cần được đổ đầy. Chính trong sự thiếu thốn này, thị trường sách dịch là một kho tài nguyên tươi mới, gợi mở những cách viết mới, các thể loại chuyên biệt như fantasy, giả tưởng…. Không thể nói rằng việc đọc, học và có hiểu biết về thể loại là quan trọng với mọi cá nhân. Nhưng quan trọng hơn, đọc không phải để khoe sự đọc, đọc bao giờ cũng dẫn đến những kích thích.

 Rõ ràng trước khi quá lo lắng về sự sùng ngoại, người viết ở VN có thể học hỏi rất nhiều. Điều làm tôi suy nghĩ là trong khi trẻ em dễ dàng bị hấp dẫn bởi cái mới, thích thú với các sách văn học dịch thì nhiều người viết lại bày tỏ rằng họ không thể đọc sách dịch. Thực tế, nếu họ được trải nghiệm những tác phẩm ấy khi còn nhỏ, có thể cảm nhận sẽ khác đi. Không thể phủ nhận rằng, đời sống dồn nén, chèn bẹp khả – năng – cảm – xúc, khiến người viết khó giữ được tâm thế đọc  và viết “trong veo” như trước. Đó chính là sức ì đến ngay từ chính những người sáng tác đơn lẻ?

 

***

Thiếu một khả năng cập nhật tri thức văn hóa, đó là cái yếu mà mỗi cá nhân phải tự đối diện. Nhưng nó cũng là cái yếu của cả một cộng đồng văn chương, mà cái này nối tiếp hoặc như là hệ quả của cái kia, như một khu vườn đang thiếu sáng. Văn học thiếu nhi như một loại hình chuyên biệt với những đặc trưng thể loại, phương cách sáng tác… chưa được quan tâm sâu ở Việt Nam, nên hiện nay cũng khó hình dung đến các cây bút, nhất là người trẻ muốn thâm canh cho thiếu nhi dù không ai ép uổng người sáng tác phải “độc canh, độc cư”. Gần đây (tháng 10.2009), Trung tâm Trẻ em trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Những ảnh hưởng của văn học thiếu nhi đến sự phát triển nhân cách trẻ em trong thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế” đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa với người sáng tác nhưng có lẽ cần nhiều những cuộc điều tra, nghiên cứu hơn nữa.

 Lý giải sức ì của văn học (thiếu nhi) ở Việt Nam không khó, bởi nó bày ra quá nhiều nguyên nhân: từ người viết không thể hiện được trường độ văn hóa và khả năng bắt nhịp với đời sống, từ người đọc – chuyên môn (không nói tới người đọc là trẻ em) không có những khảo sát, phân tích và đưa ra những đánh giá, thống kê… để tạo ảnh hưởng lại với người viết. Nhưng có một nguyên nhân nữa, cũng đến từ môi trường, đó là thiếu sự tương tác của một số hình thức văn hóa mới có ảnh hưởng qua lại với văn học, đặc biệt là văn học thiếu nhi như phim ảnh, công nghệ. Thử hình dung một tương lai khác, khi các nhà làm phim đầu tư cho phim thiếu nhi, phát triển công nghệ, nhất là phim hoạt hình… thì văn học cũng có nhiều cơ hội hơn. Astrid Lindgren chắc chắn sẽ ít nổi tiếng hơn nếu không có xeri phim truyền hình về thằng nhóc Emil. Cơn sốt Harry Porter là cơn sốt của công nghệ, phim ảnh hay của sách (thuần túy)? Ở VN hiện nay vô số các kênh truyền hình mới, các phim truyền hình dày đặc nhưng lại thiếu hoàn toàn một kênh cho trẻ em của người Việt, hoặc thiếu các chương trình chuyên biệt như về sách, về văn học, về sáng tác….Tất nhiên, môi trường công nghệ hóa và toàn cầu hóa đòi hỏi sách phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Nhưng khi trẻ em Việt Nam vẫn phải sống một cuộc sống nghèo nàn về vật chất và tinh thần, đứa trẻ không được tự do phát triển về tính cách, chịu quá nhiều áp lực từ những lời giáo huấn của người lớn, cách biệt lối sống thành thị – nông thôn thì không thể nói đến một sự mở rộng của trí tưởng tượng, chưa nói đến việc trí tưởng tượng bị bóp nghẹt, bị mòn ngay từ nhỏ. Với người viết cũng vậy, không phải người viết thiếu sức tưởng tượng, mà chính là không được đánh thức trí tưởng tượng, và hơn nữa, họ cũng thiếu các công cụ kĩ thuật, hướng trau dồi bút pháp và nền tảng văn hóa.

 Những người đã từng bắt tay vào việc viết cho thiếu nhi sẽ đều thấy khó, rất khó và thậm chí phải trải nghiệm nhiều thất bại. Người viết không thể “dạy bảo” trẻ em hay cố gắng “cưa sừng làm nghé”, bởi trẻ em luôn nhạy cảm với cái mới, cái đáng thích và luôn có nhu cầu “khác”. Văn chương nệ đạo đức và nệ hiện thực bám rễ quá sâu trong đời sống văn học Việt, cả thiếu nhi cũng đã sớm bị biến thành các anh hùng, các tấm gương dũng cảm… Ở Việt Nam, đã đến lúc những người quan tâm đến văn chương thiếu nhi thoát hoàn toàn sự lệ thuộc vào “mẫu hình con người xã hội chủ nghĩa” với những lời giáo dục đông cứng và nặng nhọc, coi trẻ em như một người lớn nhỏ tuổi. Cho nên, có lẽ nên bớt thất vọng về văn học thiếu nhi để nghĩ đến những việc cụ thể hơn.

 Chắc chắn rằng, không hiếm người viết trẻ muốn tìm đến với văn học thiếu nhi (việc nhận và đọc tác phẩm cộng tác cho trang web văn học thiếu nhi Nhiệt Đới cho tôi sự khẳng định này) nhưng tìm đến như thế nào? Tôi tìm sự lý giải cho việc tại sao các cuộc thi của nhà xuất bản Kim Đồng gần đây, với sự tài trợ của dự án Đan Mạch, giải thưởng cao và đề tài rất kích thích, nhưng vẫn không có những tác phẩm nổi bật ra mắt? Một phần vì sự giới hạn hình thức tham gia: truyện ngắn không quá 5000 chữ, dù đó là thể loại dễ được lựa chọn ở những người mới viết, nhưng một cuộc phiêu lưu tưởng tượng cần đẩy xa, cần xây dựng chi tiết về người, cảnh,… thì một truyện dài, truyện vừa thích hợp hơn; một phần khác vì mọi thứ đều cần thời gian xây dựng lại. Những cuộc thi, những dự án văn chương mới đều là những chất kích thích đáng quý trong đời sống văn học. Văn học thiếu nhi ở Việt Nam hiện nay, cần nhất có lẽ là có những người viết ham đọc, ham nghĩ, và với người trẻ, có lẽ đều cần tự tập đọc, tập viết trong cái thiếu thốn, cái nghèo nàn, cái mòn mỏi.

Nguyễn Thụy Anh, 18.05.2010

 

About admin2

Scroll To Top