Nếu ai đã bị ám ảnh khi đọc “Tắt đèn” thì cũng sẽ bị ám ảnh khi đọc “Việc làng” của Ngô Tất Tố. Dù tập phóng sự này ra đời cách đây ngót ngét 75 năm, nhưng khi đọc nó tôi không thấy xa lạ, bởi vẫn thấy đâu đó hình ảnh “việc làng” tồn tại cho đến giờ.
16 đoạn hợp thành tập phóng sự “Việc làng” tả thực xã hội phong kiến Việt Nam với đầy rẫy những tập tục – tưởng chừng như tốt đẹp để duy trì nề nếp làng xã nhưng lại tạo điều kiện cho bọn cường hào, lý trưởng, kỳ mục, lý dịch ăn cướp trắng trợn, bóc lột thậm tệ người dân, đẩy họ vào vòng công nợ khốn khó đến suốt đời.
“Uống rượu xong, tôi từ biệt ra về. Tới cổng lại thấy một lũ kéo vào. Đó là các lão trong làng vào mừng ông Cựu.
Cuộc linh đình còn mãi đến sáng hôm sau.
Năm hôm sau nữa, tôi gặp bà Cựu cắp nón đi ra cổng làng, với một dáng điệu không vui:
– Chào ông ở nhà, cháu đi làm đây.
Và không đợi tôi hỏi, bà ấy vội vàng cắt nghĩa:
– Cháu sang Hà Nội làm vú già ông ạ. Có gần mẫu ruộng và nửa con trâu đã bán hết cả, lại còn nợ thêm hơn bảy chục đồng, nếu không đi làm thì lấy gì mà đóng họ?” (Trích: Góc chiếu giữa đình, trang 57 – 58).
Với giọng văn “tưng tửng” có chủ đích của tác giả, xã hội phong kiến được tái hiện rõ nét thông qua các sự việc xảy ra trong ngôi làng nhỏ. Những quan hệ rối rắm, những tập tục nhiêu khê, những góc khuất của cái cấu trúc đẳng cấp nhiều tầng bậc chồng chéo của thôn quê Bắc Kỳ, những quy chuẩn ngặt nghèo về chính cư và ngụ cư, những bất bình đẳng và định kiến hiện lên “rõ mồn một” ngay trước mắt người đọc, không một chút che giấu.
Chưa đầy 150 trang, gấp cuốn sách rồi vẫn đọng lại một chữ “đắng” nơi cổ họng. “Đắng” cho những người bị bóc lột trong chế độ xã hội cũ. “Đắng” cho chính những người đi bóc lột. Bởi xét cho cùng, họ bị cái “mùi” nghèo đeo bám, cái “mùi” đói bủa vây một kiếp người.
Hiếu Nguyễn