Home / Tư vấn - Chia sẻ / Việc nhà “LÀ CỦA RIÊNG AI”?

Việc nhà “LÀ CỦA RIÊNG AI”?

Tôi nhận được lá thư của một bà mẹ trẻ, băn khoăn về việc, đứa con gái 5 tuổi của mình sau một thời gian quan sát, thấy bác giúp việc bận bịu việc nhà mà các thành viên khác trong gia đình dường như không ai động chân động tay gì, bé đã phát biểu: “Cả nhà lười. Cả nhà là dì ghẻ bắt cô Tấm làm việc suốt ngày!”.

Câu nói ngây thơ của em bé khiến mẹ chột dạ. Cô phải nói thế nào với bé đây?

Một người bạn khác của tôi thì lại lo lắng chuyện khác, nhưng cũng liên quan đến “việc nhà”. Trong đại gia gia đình có bà, có mẹ, có cô chú. Đương nhiên việc nhà không ai bảo ai, đều một tay do bà, mẹ và cô làm hết. Đi chợ là bà. Sơ chế thực phẩm là cô. Nấu nướng là mẹ. Dọn nhà cũng bà hoặc mẹ. Rửa bát thì mẹ hoặc cô… Giặt giũ, phơi phóng, quét lau nhà, đưa con đi chơi, đưa con đi viện… không đâu là không có dấu bàn tay của bà của mẹ. Chỉ năm thì mười họa bố mới tham gia, những lúc rảnh rỗi nhất. Nhưng phần nhiều thì không. Bố bận đi làm mà! Bạn tôi có con trai. Và bạn rất lo lắng khi thấy con, năm nay đã 7 tuổi, rất khó chịu mỗi khi mẹ nhờ xếp bát, sắp mâm hay làm một việc gì đó trong gia đình. Con tuyên bố: “Đây toàn là việc của phụ nữ!”.

Cùng băn khoăn về việc nhà nhưng ở hai góc độ khác nhau. Vậy, bố mẹ phải làm sao để vừa có thể sử dụng dịch vụ người giúp việc để dành thời gian, tâm sức cho nhiều việc quan trọng khác, đồng thời lại vẫn giáo dục được con việc đóng góp công sức của mình cho gia đình?

Phân công lao động

Với trường hợp đầu tiên, tôi cho rằng, có thể nói với bé tuổi nhà trẻ và mầm non về sự phân công lao động trong xã hội.

Hãy kể cho bé về những việc mà người này làm giỏi, người kia làm lại không bằng. Chẳng hạn, con voi thì đi kéo gỗ, con kiến thì tha hạt gạo về tổ, con ong đi kiếm mật, con nhện thì giăng tơ bắt muỗi…. Cứ làm mãi làm mãi những việc ấy suốt ngày, ngày này qua ngày khác thôi! Ai làm việc nào giỏi thì người đó nên dành thời gian tập trung vào việc ấy. Với việc nhà, vì mẹ và bố cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành việc ở cơ quan, về nhà còn chơi với con nữa, mẹ đã nhờ cô Thắm giúp mẹ. Cô Thắm rất giỏi trong việc dọn nhà, nấu cơm – cô sẽ làm nhanh hơn cả nhà. Mà đây chính là công việc của cô Thắm đấy và cuối tháng, cô Thắm được nhận lương cho việc này. Nhưng cô Thắm lại không thể tính toán giỏi như mẹ nên không thể làm việc kế toán như mẹ đang làm được. Cô Thắm cũng không viết báo giỏi như bố nên không thể làm nhà báo như bố được.

Tôn trọng người giúp việc

Như vậy, trẻ phải thấy rằng, người giúp việc cũng là một nghề và vì thế, không có lý do gì để con cho rằng, cô (bà/chị) giúp việc đang bị cả nhà “bắt nạt” cả. Tuy nhiên, cái cách xử sự của bố mẹ và người lớn nói chung trong gia đình cũng phải rất thống nhất trong chuyện này:

–         Hãy nhìn lại cách mình đề nghị người giúp việc làm một việc này đó có khiến trẻ hiểu rằng mình đang sai bảo người ta không?

–         Hãy cảm ơn mỗi khi người giúp việc hỗ trợ mình thành công một việc gì đấy. Nhiều gia đình cho rằng, như thế là “chiều osin, rồi lại được đằng chân lân đằng đầu”… Tôi thì tôi tin rằng, với một người tử tế thì sự tôn trọng một con người chính là chìa khóa để họ tận tâm với công việc của mình. Ngược lại, người đã không tử tế thì càng khắt khe họ càng dễ bộc lộ bản chất không tử tế của mình hơn thôi.

–         Khi đưa tiền công hàng tháng hoặc hàng năm cho người giúp việc, rất nên chọn thời điểm có em bé ở đó. Nhiều gia đình cho rằng, đây là chuyện người lớn, trẻ em không nên biết. Nhưng quan điểm của tôi là, cho trẻ thấy thực sự đây là những đồng lương làm việc mà người giúp việc có quyền được hưởng – được nhận với tất cả sự trân trọng, với lòng biết ơn vì họ đã làm việc tốt. Lúc này, ngoài việc cảm ơn, còn có thể nói thêm: “Nhờ cô Thắm chăm Bin tốt, dọn nhà cửa sạch sẽ gọn gàng mà mẹ cháu có thêm thời gian làm hết việc cơ quan, kiếm được tiền mua đồ chơi cho cháu đấy!”. Ngoài ra, đây cũng là dịp để trẻ hiểu rằng, việc thuê người giúp việc nhà cũng là một sự nỗ lực của bố mẹ, và bố mẹ phải trả tiền cho việc này chứ không phải “bắt” người ta làm được. Đồng thời cách xử sự trân trọng sẽ khiến trẻ tránh được kết luận “Có tiền muốn gì cũng được!”.

Gia đình – tổ ấm! “Home sweet home”

Tuy nhiên, cho dù gia đình có người giúp việc, cũng đừng quên đây là gia đình của mình và mình phải có trách nhiệm trong việc chăm bẵm, trang hoàng, giữ gìn nó, như một tổ ấm. Người chỉ “giúp” chứ không là “chủ”. Khi có thời gian, đã đỡ mệt mỏi vì công việc, đừng quên cùng nhau làm tất cả các việc vặt việc lớn trong nhà như những người chủ trong gia đình. Hãy đặt ra một ngày để cả gia đình cùng tham gia, ít nhất một lần. Sáng chủ nhật chẳng hạn: con lau bàn ghế, tưới cây; bố sửa đường nước, lau cái nhà; mẹ phơi quần áo và lúi húi nấu ăn. Bố, con cùng loanh quanh giúp mẹ. Nếu có được một tuần ít nhất một lần như thế, hẳn đứa trẻ của chúng ta cũng hiểu được thế nào là công việc trong gia đình.

 Trách nhiệm của thành viên gia đình

Khi con đôi chút lớn hơn, từ 7, 8 tuổi trở đi, bạn có thể giao cho con một nhiệm vụ riêng mà chỉ con mới “được” làm và cũng là trách nhiệm của một thành viên trong nhà. Chẳng hạn, lau bàn ghế và tưới cây. Hoặc: phân loại quần áo để đưa vào máy giặt, đi đổ rác… Việc giao cho bé không quá phức tạp và không quá mất thời gian, để cho bé thực hiện được một cách hồ hởi, vừa sức.

Bố mẹ cũng có thể có những buổi họp gia đình nho nhỏ để mỗi người tự nguyện nhận một phần việc của mình. Khi đã tự nhận thì sự thỏa thuận ấy là sự thỏa thuận cao nhất. Việc này vừa tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình bằng những công việc chung, vừa giúp con khẳng định TRÁCH NHIỆM của con đối với một cộng đồng nhỏ. Con không chỉ “nhận” những chăm bẵm của cả nhà mà con còn có trách nhiệm chăm bẵm tổ ấm, quan tâm đến ông bà, bố mẹ nữa.

Vấn đề giới tính và giao tiếp trong gia đình

 Đặt ra vấn đề này, có vẻ to tát, có vẻ như tôi đang quan trọng hóa mọi sự – nhưng thực ra là một vấn đề có thực của các gia đình Việt Nam hiện nay. Đương nhiên không phải tất cả, nhưng đây đó tôi vẫn rất thường thấy cảnh một ông bố ngồi xem tivi còn bà mẹ thì tất bật hết nấu cơm lại tắm cho con. Mỗi khi nhờ được bố trông con thì ông bố tỏ ra hãnh diện lắm, kể mãi, như thể đó là một chiến công! Có ông bố thì, khi khách đến mà vợ đi vắng là chịu, không biết ấm trà để đâu, cốc chén để ngăn tủ nào mà pha trà mời khách.

Đấy là những chuyện có thật. Và cũng từ đó mà trẻ con sẽ có một tấm gương nhãn tiền, khiến chúng đi đến kết luận liên quan đến giới: đàn ông ra xã hội, đàn bà làm việc nhà. Có những bé trai điềm nhiên trả lời khi ai đó nhờ làm một việc nho nhỏ trong nhà:

– Đó không phải là việc của đàn ông!

 

Không thể phủ nhận được là có những việc cần bàn tay phụ nữ và những việc hợp với đàn ông. Bạn có thể cho các con biết, với những đặc trưng riêng biệt của giới tính, con gái, phụ nữ thường lựa chọn những việc nho nhỏ không cần đến sức mạnh mà cần sự kiên nhẫn, dẻo dai; đàn ông con trai thường nhận làm những việc cần đến sức lực, cơ bắp hoặc những công việc cần sự khéo léo đàn ông như sửa đồ đạc, thông cống, sửa nhà, lắp đặt lại hệ thống nước, điện trong nhà…

Thế nhưng, việc chia sẻ công việc một cách hài hòa cũng rất quan trọng. Trước hết là về mặt cảm xúc. Cảm giác chia sẻ, tôn trọng tạo nên sự cân bằng trong tâm lý của cả gia đình. Người phụ nữ cũng đi làm như người đàn ông, về nhà lại lao vào những việc không tên trong gia đình, rất dễ rơi vào trạng thái stress, điều này không nói ai cũng biết. Nhận phần việc hàng ngày của mình (như tắm cho con hoặc lau nhà hay đơn giản chỉ là tưới cây buổi chiều, bê nồi cơm từ bếp ra, kê bàn ghế, lau mạng nhện..v..v…), người đàn ông đã đưa một tín hiệu đầy cảm xúc đến với người vợ của mình, từ đó tạo nên một “kênh” quan trọng trong giao tiếp gia đình.

Đôi khi vấn đề giới tính thể hiện rất rõ trong các “liên minh”: Mẹ và con gái cùng nhau đi chợ. Bố và con trai cùng nhau lau nhà. Mẹ và con gái cùng nhau cắm hoa. Bố và con trai cùng nhau rửa xe đạp xe máy cho cả nhà…

Trẻ nhỏ luôn rất nhạy cảm. Chúng sẽ cảm nhận được ngay không khí trong gia đình: đầm ấm hay lạnh nhạt; sôi nổi hay uể oải; hài hòa cân đối hay lệch lạc mệt mỏi. Mà tất cả những điều ấy phụ thuộc rất lớn vào thái độ của mỗi thành viên trong gia đình đối với việc nhà.

Tóm lại, với công việc gia đình, trẻ cần có được những từ khóa:

CỦA MÌNH

CHIA SẺ

HỖ TRỢ

CÙNG NHAU

TSGD Nguyễn Thụy Anh

About admin2

Scroll To Top