Home / Tư vấn - Chia sẻ / Cách chọn và đọc sách…?

Cách chọn và đọc sách…?

Cháu chào cô Thụy Anh,

Cháu rất thích đọc sách. Cháu biết rằng, sách bồi dưỡng và lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn và tình cảm của ta, cho ta sự hiểu biết. Nhưng mỗi khi đi chọn sách cháu luôn đắn đo không biết nên chọn đọc những cuốn sách như thế nào để phù hợp với lửa tuổi của mình?

Vậy mong cô tư vấn cho cháu những cuốn sách, những loại truyện nào cháu nên đọc để vừa giúp cháu trong học tập vừa giúp cháu thư giãn được không ạ?

Cháu cảm ơn cô nhiều.

Nguyễn Phương Thảo (Lớp 7A4, THCS Lâm Thao, Phú Thọ)

——————————————-

Chào Phương Thảo thân mến!

Câu hỏi của cháu chạm đến một vấn đề quan trọng khi nói về “Văn hoá đọc”. Xây dựng được thói quen đọc đã khó, nhưng còn đọc gì và đọc như thế nào cũng là những tiêu chí để ta đánh giá chất lượng việc đọc của mình.

Với lứa tuổi trung học cơ sở, cô thấy các bạn vẫn có thể đọc truyện tranh vì nó hài hước, vui vui, ngắn gọn và kích thích mong muốn vẽ, kể câu chuyện của riêng mình. Tuy nhiên, đến tuổi ấy rồi mà mình vẫn chỉ đọc truyện tranh thôi thì thật là đáng tiếc. Cô nói đáng tiếc không phải là “trách” các em không đọc truyện chữ đâu, mà là tiếc cho các em thật đấy. Có nhiều cuốn sách ta đọc ở tuổi học trò thấy hay hơn rất nhiều so với việc mình đọc nó khi đã lớn. Chẳng hạn, những cuốn sách kinh điển của thế giới như truyện cổ Andersen (Han Christian Andersen), Không gia đình (Hecto Marlot), Trên sa mạc và trong rừng thẳm (Henryk Sienkiewicz), Những cậu con trai phố Pan (Molnár Ferenc), Con Bim trắng tai đen (G.Troieponski ), Cánh buồm đỏ thắm (Aleksandr Grin), Pippi tất dài (Astrid Lindgren), Chó hoang Dingo hay là Câu chuyện mối tình đầu (Ruvim Ixaevich Phraerman), Chiếc nhẫn bằng thép (K. Paustovski), Túp lều bác Tôm (Harriet Beecher Stowe ), Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (Mark Twain), Những tấm lòng cao cả (Edmondo De Amicis), Ca-dăng ( James Oliver Curwood), Robinson Crusoe (Daniel Defoe), Peter Pan (James Matthew Barrie), Hai vạn dặm dưới biển (Jules Verne), Đảo giấu vàng (Robert Louis Stevenson), Cuộc phiêu lưu kì lạ của Karik và Valia (Yan Larry).

Với các tác giả Việt Nam, được cho là “kinh điển” có thể là các tác phẩm: Đất rừng Phương Nam (Đoàn Giỏi), Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), Đảo hoang (Tô Hoài), Tảng sáng (Võ Quảng), Quê nội (Võ Quảng), các tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng (18 cuốn mới được tái bản)… Điểm chung của những cuốn kinh điển, dù của Việt Nam hay thế giới, là những cuộc phiêu lưu thú vị, dài hơi, cho chúng ta đi cùng trời cuối đất và tha hồ thả trí tưởng tượng bay bổng, táo bạo, đồng thời cũng ẩn chứa những câu chuyện cảm động, đầy tình người. Có lẽ vì thế mà những tác phẩm ấy được người đọc nhiều thế hệ yêu thích… Khi các em đã lớn, đi làm, đi nhiều nơi khác nhau, các em sẽ thú vị nhận ra những địa danh quen thuộc mình từng “đến” cùng những trang sách. Cảm giác xúc động, vui thích y như gặp lại một người bạn cũ, một kỷ niệm…

Cô hay nói với các bạn trẻ là, bây giờ các em đọc một cuốn sách, sau nhiều năm – nó trở thành kỷ niệm đẹp của tuổi thơ! Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Bằng Việt từng viết:

“Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ

Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu…”…

anh cach chon va doc sach harrypotter

Bộ sách được nhiều thế hệ độc giả Việt Nam và trên toàn thế giới say mê

Phương Thảo à,

Cô cũng để ý thấy bây giờ, tuổi các em có không ít các nhà văn quan tâm, thậm chí, toàn các nhà văn “hot” ấy! Ví dụ, J. K. Rowling với Harry Potter hay nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với bộ Kính vạn hoa, rồi Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, Tôi là Bê-tô, Bảy bước tới mùa hè… Gần đây, có thêm một số các nhà văn Việt Nam viết cho chúng ta với góc nhìn hiện đại hơn như Văn Thành Lê, Nguyễn Thị Kim Hoà, Hồ Huy Sơn, Rosita Nguyễn, Nguyễn Ngọc Thuần, Võ Diệu Thanh, Du An…

Ngoài các cuốn sách văn học cho các em những chuyến du ngoạn tuyệt vời trong miền tưởng tượng, bây giờ còn nhiều cuốn sách khoa học và kỹ năng nữa. Trong đó, em có thể lưu ý đến bộ Khoa học kinh dị của hai tác giả Nick Arnol, Tony De (NXB Trẻ). Các em vừa được cung cấp kiến thức mà lại vừa được giải trí nữa, vì đọc bộ sách ấy tha hồ mà cười.

Nhiều cuốn được viết và dịch rất kỳ công, hình ảnh đẹp, giúp các em một hướng nghĩ về nghề nghiệp tương lai từ việc yêu thích một môn khoa học nào đi một cách nghiêm túc. Chẳng hạn: Lạc vào thế giới hóa học(Alex Frith, Lisa Jane Gillespie); Lạc vào thế giới vật lý (Kate Davies); Lạc vào thế giới toán học (Alex Frith, Lisa Jane Gillespie); Lạc vào thế giới sinh học (Hazel Maskell); Nổi danh vang dội – Newton và quả táo rơi (Kjatan Poskitt); Nổi danh vang dội – Những nhà phát minh và các ý tưởng lạ đời (Dr Mike Goldsmith); Nổi danh vang dội – Darwin và các nhà khoa học khác (Dr Mike Goldsmith); Nổi danh vang dội – Da Vinci và bộ óc siêu việt (Michael Cox); bộ sách “Tập làm nhà phát minh ”(Gerry Bailey)…

Còn lại, những cuốn sách thủ thỉ tâm tình cùng tuổi teen cũng chớ bỏ qua. Cô thấy hơi ghen tị với các em một chút, vì thời của cô không có những thể loại ấy, internet thì chưa có, có điều gì khúc mắc về cơ thể mình, về các cách ứng xử hợp lý với thày cô, bạn bè … cũng chẳng biết tìm hỗ trợ ở đâu. Hỏi bố mẹ thì không dám, hỏi bạn bè cũng ngại…

Bây giờ thì khác rồi! Chẳng có gì mà không có bí kíp được in thành sách!

Ví dụ nhé: Bộ bí kíp – Bí mật tất tần tật về bố mẹ; Khiến bạn thích đọc sách; Giúp bạn cực kì hạnh phúc, Con gái – con trai; Bạn thân của tác giả Francoize Boucher, hoặc Bộ Hạt giống tâm hồn (Nhiều tác giả); Bộ Thông điệp yêu thương (Nhiều tác giả); Bộ Keep Calm (Nhã Nam tuyển chọn)…

anh cach con va doc sach

Có thật nhiều lựa chọn (ảnh internet)

Dạo chơi hiệu sách, em cứ mạnh dạn hỏi ý kiến các cô bán sách, nhờ các cô giới thiệu cho sách văn học, sách khoa học, sách kỹ năng… xem có những cuốn gì thú vị dành cho tuổi của mình. Nhưng cũng đừng vội vàng mua cả chồng sách về mà về đến nhà lại thấy hoảng sợ – không biết bao giờ mới đọc hết! Nên chọn một đến ba cuốn thôi mỗi lần. Em có thể chọn bằng cách:

  1. Chọn theo tên tác giả – một số tác giả nổi tiếng, có uy tín hoặc em đã từng đọc.
  2. Chọn qua lời khuyên của người đã đọc như bạn bè, bố mẹ, hoặc… theo lời chia sẻ của cô Thuỵ Anh thế này!^^
  3. Chon bằng “trực giác” của mình. Khi cầm cuốn sách trên tay, em lật nhanh các trang sách, thấy … dễ chịu – dễ chịu vì màu sắc, hình ảnh, dễ chịu vì phông và cỡ chữ thoáng đẹp, dễ chịu vì những từ khoá đập vào mắt em cho em đoán được qua qua nội dung tác phẩm, có thể là những vấn đề em quan tâm. Trực giác mách bảo em: khi thấy dễ chịu, rất nên thử đọc!
  4. Chọn sau khi đã… đọc “chùa” 3-5 trang tại chỗ. Có thể chọn những trang ở giữa sách, cuối sách hoặc ở bìa sách với nhiều thông tin hay về nội dung sách và tác giả.
  5. Chọn theo nhu cầu của mình ở thời điểm đó. Chẳng hạn, em đang mê nuôi chó, ta có thể tìm các tác phẩm có nhân vật là loài chó! Vô cùng nhiều và vô cùng hay!

Cô tin rằng, em sẽ thử áp dụng lời khuyên của cô để bắt đầu khám phá thế giới sách dành cho tuổi THCS ngày càng thêm phong phú!

Chúc em đọc vui vui nhé!

Cô Thuỵ Anh (Theo tạp chí Văn học và Tuổi trẻ)

About admin2

Scroll To Top