Home / Tư vấn - Chia sẻ / Có nên cho bạn “cóp” bài?

Có nên cho bạn “cóp” bài?

– Mẹ ơi, hôm nay bạn Hòa cứ đòi mượn vở của con để chép bài. Không cho thì có phải là ích kỷ không hả mẹ? Nhưng hôm nọ kiểm tra Toán, bạn ấy cũng chẳng làm được bài, đã nhìn bài của con, điểm vẫn cao. Con thấy chẳng công bằng gì cả!

Bé Bình, học lớp 4 tiểu học, về đến nhà là phụng phịu với mẹ như vậy. Mẹ bé thật phân vân, không biết giải thích với con thế nào. Bảo con nhất quyết không cho bạn “tham khảo” bài, thì Bình nói, các bạn sẽ khó chịu, sẽ không chơi với con. Còn nếu nói, thôi mặc kệ, miễn là con làm bài tốt của con, các bạn chép bài thì các bạn tự thấy xấu hổ, hình như cũng không ổn!

Cảm nhận về sự công bằng

Trẻ em vốn rất nhạy cảm  trong việc cảm nhận sự công bằng, ở nhà cũng như ở trường, đặc biệt là ở độ tuổi từ 7-8 trở lên. Hai đứa trẻ cùng ăn ngoan, nghe lời bố mẹ, mà bé em được khen, bố mẹ vô tình không để ý đến chị – thế là cũng hình thành một hạt sạn nho nhỏ trong suy nghĩ của bé về sự công bằng của bố mẹ! Ở lớp, những hành động không thận trọng của cô giáo trong việc cho điểm, khen chê, thưởng phạt… đều tạo ra những hiệu ứng tiêu cực ở trẻ, một khi trẻ cảm thấy mình bị đối xử không công bằng.

Ở trường học, hiện tượng học sinh quay cóp, chép bài của bạn không phải là chuyện hiếm. Và việc này cũng ảnh hưởng rất lớn đến những hình dung về sự công bằng của các bé. Trong khi con nỗ lực mới có kết quả tốt, thì bạn không phải học cũng có thể được điểm cao!

Thi đua và cạnh tranh

Trên thực tế, có hai cách đối mặt với vấn đề “Cho bạn quay bài hay không?”. Một là, làm theo tinh thần trung thực, công bằng: không quay cóp trong giờ kiểm tra. Hơn thế nữa, giữ khư khư vở, sách tham khảo, và các nguồn tài liệu khác, không chia sẻ với bạn bất kỳ điều gì trong việc học. Điều này khiến tâm lý thi đua học trở thành tâm lý cạnh tranh rất cao trong học tập của trẻ.

Hai là, con và bạn cùng chia nhau học, cùng làm bài với nhau, và cùng cho nhau xem bài khi kiểm tra. Thậm chí, ở nhiều nơi còn có hiện tượng, người lớn khuyến khích con trẻ cho nhau “cóp” bài để có được điểm kiểm tra, điểm thi cao cho lớp, cho trường. Điều này là kết quả của bệnh thành tích.

Cả hai cách nói trên đều không phải là cách giải quyết thỏa đáng bởi rõ ràng, đây không phải là một câu hỏi non nớt đơn giản của bé mà là một vấn nạn lớn của học đường mà việc đấu tranh với nó cần có sự tham gia của cả gia đình và nhà trường một cách hợp lý.

Tạm thời ở đây, tôi chỉ xin đề xuất một thái độ của phụ huynh chúng ta: khéo léo giúp con giữ vững cảm nhận về sự công bằng, trung thực trong học tập, đồng thời không để bệnh thành tích và tâm lý cạnh tranh biến việc học của bé thành “một cuộc chiến một mất một còn” với các bạn đồng trang lứa! Đó có thể là:

– Tìm hiểu qua các bạn khác về thực trạng việc quay cóp bài ở lớp. Nếu đây là hiện tượng thường xuyên xảy ra, bạn có thể bàn với ban phụ huynh, mà đặc biệt là những phụ huynh có cùng một hướng suy nghĩ, để kiến nghị với cô giáo đối phó với việc này. Không “vạch mặt chỉ tên” những bé quay bài, mà chỉ vạch ra hướng xây dựng một không khí học tập trong sáng, trung thực ở lớp học. Thực ra, cái gốc của vấn đề, theo tôi, vẫn là trẻ quá sợ điểm kém, muốn có số điểm cao hơn thực lực của mình. Mà ở điểm này, lỗi một phần lại do người lớn. Cá nhân tôi phản đối hình thức “xếp thứ” xếp hạng học tập, vô hình trung việc học trở thành một cuộc đua. Với một đứa trẻ, đôi khi việc vượt qua được bản thân cũng đã là một thành tích lớn: ví dụ, thường bé viết chưa đẹp, tính chưa nhanh, chỉ thường được 7 điểm. Bố mẹ, cô giáo đừng lấy thế làm phiền lòng hay suốt ngày chê bai bé, hãy nói rằng, bé có thể làm được tốt hơn! Khi bé được điểm 8, người lớn hãy khen ngợi và tỏ ý hiểu rằng, đó là một nỗ lực lớn của bé, chứ đừng so với những bạn luôn được điểm 9, điểm 10! Lòng tự trọng của trẻ cũng không khác của người lớn là bao. Nếu ta biết khơi gợi một cách khéo léo, vì tự trọng, bé sẽ gắng không lười nhác và không quay cóp bài. Nhưng nếu đánh vào lòng tự trọng của bé một cách thái quá, lại sẽ gây phản tác dụng. Ở đây, tôi nhấn mạnh cụm từ “gắng không lười nhác” – vượt qua được sự lười nhác của mình chứ không phải gắng học, vì việc học đối với trẻ không phải và không được là một hoạt động bị ép buộc hay phải gắng sức. Bản chất của trẻ là ham biết, ham hỏi. Và nhiệm vụ của thày cô giáo là kích thích bản tính ấy để trẻ có thể tiếp thu bài tốt hơn.

Đôi khi trẻ không thuộc bài, trẻ làm toán sai, tính nhẩm nhầm… tất cả đều có thể xảy ra trong cuộc đời đi học của bé – những điều này chẳng có gì đáng sợ! Nếu người lớn tùy vào từng trường hợp mà tỏ ý trách móc (có mức độ) hoặc thông cảm với bé, thì việc sợ điểm kém, quay cóp bài chắc chắn sẽ giảm đi đáng kể!

– Tạm thời, để “giải quyết tư tưởng” của bé Bình trong trường hợp trên, bạn có thể nói với bé: “Mẹ rất không đồng ý với việc quay cóp bài như bạn Hòa”. Việc bạn đồng tình với con sẽ khẳng định cho bé cách nhìn nhận về sự công bằng của bé là đúng đắn. Nhưng bạn hãy gắng làm tan sự buồn bực của con bằng cách nhìn vấn đề theo chiều hướng tích cực hơn: “Bạn Hòa làm như vậy, nhưng trong lòng hẳn không thoải mái đâu. Nếu con là bạn ấy, chắc chắn con sẽ xấu hổ khi nhận được điểm cao, phải không?”.

– Từ tâm lý thấu hiểu được suy nghĩ của bạn Hòa, cùng con nghĩ đến những giải pháp “khả thi” để giúp bạn: Giúp bạn thuộc bài cùng con. Ví dụ, trước giờ học, con cùng bạn truy nhau bài thuộc lòng hay cùng rủ bạn làm lại bài toán mà bạn lúng túng chưa giải được hôm kiểm tra. Hãy nói với con rằng, việc “chia sẻ thông tin” với bạn bè là rất cần thiết. Điều đó có thể khiến bạn cũng cảm thấy hứng thú học cùng con và cả hai cùng vui vẻ. Nếu con lúc nào cũng điểm cao, bạn lúc nào cũng điểm thấp, bạn không vui, thì con có thể vui được không? Trong thời đại nghe nhìn bây giờ, các con có thể có được thông tin từ rất nhiều nguồn. Vì thế, chia sẻ thông tin cũng không quá ảnh hưởng đến việc “độc quyền” thông tin của con. Việc quan trọng lại là “quá trình xử lý thông tin” ấy cơ. Quá trình đó đem cho các con niềm vui và sự thích thú. Con làm bài được và có được niềm vui ấy. Hãy làm sao bạn con hiểu rằng có thể có được niềm vui đó bằng cách nào và sau một thời gian cũng được cảm thấy niềm vui đó nhé!

– Nhưng cũng không nên dễ dãi, ngại bạn giận mà lúc nào cũng cho bạn nhìn bài. Khi bạn đề nghị cho xem bài, con có thể hỏi bạn vướng mắc ở câu nào và gợi ý bạn để tâm vào dữ kiện nào quan trọng của bài toán chứ không đưa bài cho bạn xem. Vì việc đưa bài cho bạn trong giờ kiểm tra cũng là vi phạm đạo đức của một học sinh. Điều này, bố mẹ nên khẳng định ngay với bé như vậy.

Tất cả chúng ta ai cũng từng qua tuổi học trò, đều hiểu hết những gì con mình đang trải qua. Đứa trẻ quay cóp bài và đứa trẻ đưa bài cho bạn chép đều có những “cắc cớ” tâm lý riêng của chúng và việc của người lớn là uốn nắn các bé một cách nhẹ nhàng. Với đứa bé hay quay bài nói trên, bạn cùng đừng lên án một cách nặng nề hay khép trẻ vào tội nọ, tội kia một cách cứng rắn. Thái độ của các bậc làm cha mẹ chúng ta là: hiểu, thông cảm và gợi mở hướng suy nghĩ cho bé, nhìn về những điều tốt đẹp. Một khi chưa giải quyết triệt để được vấn đề đặt ra – vấn đề có nguồn gốc từ những điều sâu xa hơn như bệnh thành tích, bệnh hình thức trong học tập – thì việc bạn có thể làm là luôn gần gũi, lắng nghe và chia sẻ với con mình. Có bố, có mẹ ở bên, mọi ấm ức của con hẳn sẽ giải tỏa được phần lớn. Và quan trọng nhất là bé có niềm tin vào những giá trị tinh thần mà người lớn vẫn dạy.

 

Những người bạn ấu thơ chia sẻ biết bao điều thú vị. Trong học tập có hay không khái niệm “chia sẻ” này?

 TSGD Nguyễn Thụy Anh (Bài đã đăng tạp chí Mẹ&Bé)

About admin2

Scroll To Top