Cháu chào cô Nguyễn Thuỵ Anh
Thưa cô, nhân dân ta từ xưa đến nay vẫn có câu: “Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Nghe lời cha mẹ là điều tốt, là ngoan. Nhưng đâu phải cha mẹ lúc nào cũng đúng đâu. Cô cũng là môt bậc phụ huynh, cô nghĩ sao về vấn đề này ạ? Cháu cảm ơn cô.
Nguyễn Văn Quang (Trì Hào – Kiến Thiết – Tiên Lãng – Hải Phòng)
**********
Quang thân mến,
Nếu chỉ để luận đúng sai một câu thành ngữ, tục ngữ thì câu “Cá không ăn muối cá ươn…” cũng như câu “Yêu cho roi cho vọt” hẳn sẽ không “được lòng” những bạn trẻ ngày nay. Các bạn sẽ cho rằng, bố mẹ đã phải là chuẩn mực đâu mà bắt con theo, và sẽ kết luận rằng ông bà ta đã lỗi thời, cổ hủ quá rồi!
Vậy những câu đúc kết về luân lý như thế có còn phù hợp với thời đại bây giờ và các mối quan hệ cha mẹ-con cái hôm nay nữa không?
Quang ơi,
Cô rất đồng ý với em về việc, bố mẹ mình không phải lúc nào cũng đúng, cũng chuẩn. Bố mẹ cũng là người bình thường, cũng có khuyết điểm, cũng có thể không hoàn hảo trong cuộc sống. Thậm chí, theo thời gian, bố mẹ lớn tuổi còn không kịp cập nhật thông tin, sẽ lạc hậu và có nhiều thứ đơn giản trong cuộc sống hiện đại bố mẹ thấy ngơ ngác, lạ lẫm. Vậy tại sao con cái phải nhất nhất tuân theo?
Câu tục ngữ Quang nhắc đến, cũng như nhiều câu tục ngữ khác, chúng ta cần phải có cách hiểu rộng hơn, mở hơn, nhất là khi chúng ta đang ở thời đại công nghệ, các khái niệm bình thường cũng phát triển và có nhiều biến đổi ngữ nghĩa. Nếu không có cách tiếp cận hợp lý, lúc nào cũng áp dụng cách suy nghĩ hẹp, cụ thể, thiếu tưởng tượng thì… cái gì cũng khiến ta thấy kỳ quặc, không chấp nhận được. Chẳng hạn, thời buổi này, “cá không ăn muối” mà để tủ lạnh mát cũng không ươn được, đúng không em?
Có phải cha mẹ luôn đúng? (ảnh:internet)
Khi cô sinh con, được làm mẹ, cô cảm thấy những đúc kết của ông bà ta về tình mẫu tử bỗng dễ hiểu hơn, là bởi, góc nhìn của cô đã là góc nhìn của một người mẹ. Mẹ nào cũng xót thương, bao bọc con. Từ bước đầu con tập đi, mẹ đã phải nhìn quanh xem con có thể vấp vào đâu, cộc đầu chỗ nào, có góc nào tiềm ẩn nguy cơ làm con ngã, con đau hay không. Nhỡ mà bé ngã đau, chảy máu, sưng trán, là mẹ xót ruột vô cùng. Khi còn bé, còn non nớt, các em bé tin mẹ, nghe mẹ. Khi lớn dần, có nhiều điều lại thấy bố mẹ không hiểu biết bằng, hoặc những gì bố mẹ biết đã cũ quá rồi. Vì thế mà trong nhiều việc, ta nghĩ ta tự giải quyết được, không cần nghe bố mẹ. Đứa trẻ mới lớn nhiều khi chưa hiểu một điều: bố mẹ muốn con lắng nghe kinh nghiệm của người đi trước để tránh được những vấp váp, những tổn thương lớn hơn. Nếu có lúc nào con không nghe lời, con muốn làm khác đi, và gặp những thất bại đầu tiên, là khi bố mẹ thường chép miệng: “Đấy, cá không ăn muối cá ươn!”
Từ góc nhìn ấy, cô cho rằng, câu tục ngữ ta đang bàn với nhau trong thời đại này, đừng nên hiểu là sự áp đặt, bắt con nhất nhất nghe lời, nếu không, con là đứa con hư, bất hiếu. Nó cần được nhìn theo góc độ thế này:
Câu tục ngữ cho dù câu từ gay gắt nhưng thể hiện sự xót thương, bảo vệ con bằng kinh nghiệm từng trải của bậc sinh thành. Lời cha mẹ nói với con là lời chân thật nhất, xuất phát từ tình yêu thương vô bờ. Không ai lo cho con, hết lòng vì con bằng cha mẹ nên nếu con không tin theo, không làm theo, con có thể gặp khó khăn, cay đắng hoặc đi chệch đường – rời bỏ đường ngay mà rơi vào con đường xấu. Cái ý “con hư” có thể hiểu như vậy, Quang ạ.
Quang thân mến,
Cô là một người mẹ, nhưng là người mẹ ở thế kỷ XXI rồi, nên cô chọn hiểu câu nói của ông bà ta theo cách ấy. Còn cách hiểu “phải nhất nhất nghe lời” đã không còn phù hợp. Nếu hiểu theo cách cũ kỹ, cực đoan, rằng con trẻ không có quyền phản biện, không được giãi bày suy nghĩ của mình, nhất nhất nghe lời cha mẹ mới là con ngoan thì rõ ràng là sai với những chuẩn mực giao tiếp, ứng xử trong gia đình và xã hội hiện đại. Tuy nhiên, câu tục ngữ này cũng nhắc chúng ta về lòng hiếu đễ, kính trọng đối với các bậc sinh thành mà con cái cần giữ gìn trong mỗi gia đình. Nhiều bạn trẻ nghĩ mình hiểu biết vì được học nhiều hơn mà phủ nhận kinh nghiệm của người đi trước bằng thái độ cao ngạo, khó chịu, thậm chí còn nói hỗn, to tiếng với cha mẹ. Thái độ phản ứng như thế, nói “con hư” là còn quá sớm. Nhưng con cũng nên tự điều chỉnh mình theo một chuẩn mực chung của đạo đức xã hội: với người trên phải thưa gửi lễ phép, trình bày phản biện cũng có trước có sau, thái độ đúng mực, không cao giọng, không vùng vằng… Quyền được nói là quyền của con, nhưng nói sao cho vẫn đủ kính trọng, vẫn đủ yêu thương – đấy là vấn đề cần nghĩ tới.
Cha mẹ và con cái sẽ tìm được tiếng nói chung (ảnh: internet)
Khi nào Quang lớn, được làm cha, hẳn Quang sẽ thấu hiểu lòng bố mẹ hơn, hiểu vì sao bố mẹ cứ muốn con nghe lời! Trong xã hội hiện đại, các thành viên trong gia đình nên có những buổi ngồi bên nhau, thảo luận với nhau mọi vấn đề trong không khí yêu thương, bình tĩnh, chia sẻ. Việc đó sẽ tránh được khó chịu của đôi bên: người lớn cứ muốn con nghe theo mình, người nhỏ không phục lại bực bội, cho rằng mình không được tôn trọng, từ đó mà “cãi” và bị chụp mũ là “hư” đến trăm đường!
Cô chúc Quang và bố mẹ em có được những cuộc thảo luận, trò chuyện chân tình, cởi mở để bố mẹ không bao giờ phải viện đến câu tục ngữ này như một lời trách giận nhé!
Chúc em lưu giữ thật nhiều kỷ niệm gia đình yêu thương!
Cô Thuỵ Anh.