Đam mê

Kính gửi cô Thuỵ Anh

Là con người, ai cũng có đam mê, nhưng không phải ai cũng có thể giữ trọn đam mê ấy. Biết đâu, chính cuộc sống tấp nập, xô bồ đã vô tình cuốn ta ra xa. Là học sinh, chúng ta phải chịu nhiều áp lực, trách nhiệm nhất định từ phía cha mẹ, thầy cô, nhất là khi xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu về trí tuệ cũng theo đó mà ngày một tăng cao. Vậy làm thế nào đê đam mê không bị nguội lạnh bởi những áp lực?

Cháu mong cô giúp cháu. Cháu cảm ơn cô nhiều.

Trần Nhật Linh

Lớp 8A1, THCS Lâm Thao, Phú Thọ

Nhật Linh thân mến,

Tình cờ tối qua, cô vừa xem một bộ phim kể về một thanh niên đam mê đánh trống. Để theo đuổi đam mê, anh ta phải đánh đổi nhiều thứ, thậm chí có lúc nghiến răng đánh trống đến chảy máu trầy tay, chịu đựng nhiều phàn nàn của gia đình…

Hẳn là, đam mê là thứ cảm xúc mạnh nhưng cũng dai dẳng. Nó khiến người ta dũng cảm hơn, đồng thời cũng … cứng đầu hơn, tin vào thứ mình lựa chọn, bất chấp mọi áp lực.

Trên thực tế, có mấy câu hỏi thế này:

  • Đến tuổi nào thì ta sẽ có được đam mê? Thế nào là đam mê thật sự? Thế nào là đam-mê-giả, chỉ tồn tại theo thời vụ rồi nhanh chóng thay đổi?
  • Đam mê có đưa đến điều gì tốt đẹp không hay nó sẽ làm đảo lộn cuộc sống, làm người ở gần mình khó chịu?

Cô cho rằng, đam mê không chỉ là cảm xúc. Nó còn là hành động.

Con trai cô từ bé đã thích nặn đất. Một vài năm khi bạn ấy còn nhỏ, cô nghĩ, đó là ý thích nhất thời. Nhưng đến giờ, bạn đã học  lớp 9, vẫn say sưa thích thú nặn đất hàng ngày, tìm mua các loại đất lạ, tay lúc nào cũng xoáy xoáy vặn vặn… Thú thật, nhiều khi cô cũng hơi bực mình vì bạn ấy đôi lúc để đất sét không ngăn nắp, vương vãi khắp nợ, chưa xong bài đã chui vào góc nặn đất, tay thì bẩn, két đầy đất màu. Cô cũng cằn nhằn, không hài lòng. Thế rồi bạn ấy phải thay đổi để “đam mê nặn đất” không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh và chính cuộc sống của mình… Cô quan sát thấy, chính niềm yêu thích đất nặn khiến bạn ấy cân bằng hơn trong khi học hành thi cử, như một cách để trút bỏ stress vậy!

Ảnh: internet

Vậy là, theo cô thì, đam mê thật sự có thể xuất hiện từ bất kỳ tuổi nào. Và khi ta đã sống trên đời, ai cũng phải chịu áp lực từ cuộc sống, từ công việc, học tập và cả từ người thân. Đam mê thật sự sẽ không “xẹp” vì áp lực mà còn giúp ta dễ dàng vượt qua mọi áp lực ấy. Chỉ có điều, không thể bất chấp mọi thứ, cứ “thích là nhích” mà không để ý đến việc khác, người khác, khiến mọi việc rối tung lên chỉ vì đam mê! Người biết nuôi dưỡng đam mê là người biết điều chỉnh bản thân để sống được bình thường cùng đam mê ấy.

Giới trẻ thích một từ – “điên” (!) khi nói đến đam mê. Cô thấy, đó là một từ… tích cực! Người ta sẽ trở nên “điên” với nghĩa “bất thường”, hoặc thậm chí… “phi thường” khi đam mê một điều gì. Điều đó không ai lý giải được, người bên ngoài thì thấy kỳ quặc, nhưng lại giúp ta vượt lên trên mọi áp lực để yêu thích, tìm hiểu, nghiên cứu và hành động. Đam mê âm nhạc, hội hoạ, một môn nghệ thuật nào đó, đọc sách, đi du lịch, hay thậm chí Toán, Văn, … đều cần chất “điên” thú vị ấy. Nhưng “bất thường” lại phải cân đối với những cái “bình thường” khác để làm được những điều “phi thường”, là giữ đam mê được dài lâu và có ảnh hưởng tích cực đến cuộc đời mình. Có những niềm say mê sẽ trở thành tiêu cực nếu mình không biết tỉnh táo điều chỉnh, chẳng hạn như chơi game quá nhiều đến “nghiện”, hoặc vì yêu thích một việc mà lao đầu vào, bất chấp mọi sự, lấy tiền bạc của gia đình để “nuôi dưỡng đam mê” mà không nghĩ đến hậu quả. Đó không phải là đam mê.

Nhật Linh đang yêu thích một hoạt động gì? Em sẽ biết đó có phải là “đam mê thật sự” không, theo thời gian, nếu sau vài năm em vẫn tiếp tục hoạt động ấy, thấy mình hạnh phúc vì nó… Đam mê thật sự sẽ không bao giờ bị nguội đi vì áp lực cuộc sống chính là một phần thử thách cho nó!

Cô Thuỵ Anh (Theo Văn học và Tuổi trẻ tháng 01/2018)

About admin2

Scroll To Top