Cháu chào cô Thuỵ Anh
Cháu được biết cô là chuyên gia tư vấn giáo dục trẻ em và cũng là người đưa lại cho các bạn và các anh chị lớn tuổi hơn cháu những lời khuyên hay và bổ ích. Cháu đang là học sinh cấp 2. Trong cuộc sống cũng như trong học tập ai cũng mong có người bạn thân, nhưng cháu lại chưa có được điều đó. Trong lớp, thậm chí có những bạn không ưa và có những cử chỉ, lời nói khó chịu với cháu. Cháu biết có lí do nào đó khiến các bạn ấy như thế, mặc dù cháu đã cố hoà nhập nhưng kết quả lại không được như mong muốn. Cháu biết cháu có một hạn chế khá lớn là không kiềm chế được cảm xúc. Ví như khi có bạn nói sai về cháu là cháu lập tức phản đối lại rất kịch liệt, thậm chí phát điên lên mà không quan tâm đến cảm xúc của bạn ấy. Bây giờ cháu phải làm sao để các bạn ấy hoà nhập với cháu và từ đó cháu sẽ tìm được một người bạn thân? Cháu mong nhận được lời khuyên từ cô.
Cháu cảm ơn cô ạ.
Phạm Minh Trang (Số 90, đường Võ Nguyên Hiến, TX. Thái Hoà, Nghệ An)
Gửi Trang thân mến,
Trước hết, cô phải khẳng định ngay với em, tuổi Trung học cơ sở là tuổi chúng mình loay hoay tìm cách hoà hợp với bạn bè, giải quyết các mâu thuẫn và khao khát tìm một người bạn thân để chia sẻ… Thế nên, những rắc rối, phiền toái khiến mình hoang mang như em kể là chuyện khá bình thường và phổ biến. Cô nói vậy để em thấy thoải mái hơn, không lo lắng, buồn bực quá về vấn đề này nhé! Khi chúng ta thoải mái và bình tĩnh, ta nhìn lại mình thấy rõ ràng hơn…
Cô biết, em cũng đã thử làm điều ấy: rà soát xem mình đã sai ở đâu. Điều này thật đáng quý vì không phải ai cũng chấp nhận là mình có gì chưa ổn để sửa sai. Và em đã nói được ra điểm hạn chế của mình – không kiềm chế được cảm xúc. Vậy là mình đã tìm ra ít nhất là một nguyên nhân lớn ngăn cách mình với các bạn và mọi người xung quanh rồi. Kiểm soát cảm xúc là một kỹ năng khó nhưng có thể rèn luyện được. Cô xin thú thật là chính cô nhiều lúc cũng thấy nóng giận đến “mất khôn”, cũng nói những lời lẽ ra không nên nói… Và cô cũng luôn phải rèn luyện, điều chỉnh mình, thấy cũng có hiệu quả đấy. Cô thử đưa ra vài phương án em tham khảo nhé:
- TÌM CÁCH XẢ XÌ-CHÉT! Cho dù mình đổ lỗi cho “bản tính nóng nảy” của mình thì việc mình bị mất kiểm soát cảm xúc một phần là do stress, do những căng thẳng, áp lực bị tích tụ khiến mình khó bình tĩnh hơn trong mọi hoàn cảnh. Vậy hãy tìm cách nghĩ vui, nghĩ tích cực và giải toả mọi buồn bực nhé. Cô có mấy cách như thế này:
- Làm một chiếc HỘP CẢM XÚC có hai ngăn, một ngăn mặt cười và một ngăn mặt mếu. Mỗi khi em thấy buồn, chán, giận, ấm ức, khó chịu…, em hãy cắt mẩu giấy (hoặc bìa màu) viết vắn tắt vào đó điều gì làm em thấy có cảm xúc tiêu cực như vậy. Ví dụ “Hôm nay mẹ cứ phàn nàn mình rất vô lý…”, “Sáng nay đến lớp, bỗng dưng…”. Cứ viết hết những gì mình nghĩ, trút giận trút buồn ra bằng hết. Viết xong, cho vào hộp, đến hôm sau có thể lấy ra đọc lại để thấy mình không còn giận mấy nữa rồi, thậm chí mình còn thấy may là đã không trút ngay những lời này vào cái người làm mình giận hôm qua… Còn khi vui, phấn khởi, hy vọng, em hãy cắt một hình thú vị bỏ vào ngăn mặt cười. Cách này khiến mình có thể nhìn lại cảm xúc của mình khi đã bình tĩnh.
- NGẮM THIÊN NHIÊN. Hãy năng đi ra ngoài, ngắm cây cối, hoa lá hoặc trồng một vài chậu cây để chăm sóc. Thiên nhiên làm mình mềm tính, dễ chịu hơn rất nhiều.
- CHIA SẺ. Đừng giữ mọi thứ trong người mình kẻo có ngày mình sẽ nổ tung. Em thử tìm các cơ hội trò chuyện, tâm sự, chia sẻ với một ai đó nhé. Hoặc có thể viết một vài lá thư cho cô Thuỵ Anh cũng được!
- HOẠT ĐỘNG THỂ CHẤT. Năng chạy nhảy, chơi thể thao, đi bộ hoặc nhảy múa – hoạt động thể chất giúp em cân bằng năng lượng rất nhanh.
- ÂM NHẠC. Hãy lựa chọn thứ âm nhạc nào em yêu thích, em luôn thấy hưng phấn vui vẻ khi nghe nó – để nghe mỗi khi mình xuống tinh thần.
- HÀI HƯỚC. Xem các chương trình hài, chơi các trò chơi “nhố nhăng” kiểu trẻ con để có thể cười thoải mái, cảm thấy mình thật vui vẻ…
- GIẢI PHÓNG NĂNG LƯỢNG XẤU BẰNG CÁCH HÍT THỞ SÂU, HÉT TO, XÉ GIẤY. Đây là hoạt động khi em quá căng thẳng và bức xúc. Chẳng hạn, khi nghe một lời bạn nói không đúng, thay vì không kiềm chế được cơn giận trước mặt bạn, em hãy chạy ra ngoài, hít vào thật sâu, thở ra thật hết. Nếu không có ai ở đó, em có thể hét thật to hoặc cầm theo đống giấy báo cũ mà xé vụn… Em sẽ thấy dễ chịu hơn. Nếu thấy cần khóc, cứ khóc, không cần kiềm chế. Nước mắt cũng là vũ khí chống stress hữu hiệu của chúng ta!
- THÓI QUEN QUAN SÁT. Học cách bí mật quan sát người bên cạnh để cảm nhận cảm xúc của người ấy. Việc mình để tâm đến sự thay đổi cảm xúc của bạn mình và im lặng thấu hiểu, chia sẻ là một điều dễ chịu cho những người bên cạnh em.
- ĐẶT MÌNH VÀO VỊ TRÍ NGƯỜI KHÁC. Đôi khi thử chơi một trò chơi bí mật của mình: thử đặt mình ở vai người nào đó, mình sẽ nghĩ gì, mình sẽ hành động thế nào… Thói quen này sẽ khiến mình bình tĩnh nghĩ lại, mình cố gắng hiểu và thông cảm cho người ta, kể cả về điều đã hiểu nhầm mình, nói sai về mình…
Tình bạn là một điều tuyệt vời (ảnh: internet)
Chỉ với ba “bí kíp” trên, mình cũng đã phần nào giải quyết được vấn đề về kiểm soát cảm xúc rồi. Giờ ta nói đến việc kết nối với bạn. Thực ra, cô cho rằng, em đừng tỏ ra cố gắng hoà nhập với các bạn trong lớp vì khi càng cố gắng, mình càng mất tự nhiên, mình có thể trở nên gượng gạo và vụng về. Vậy hãy tự tin lên, hãy thể hiện mình chân thành đúng là mình, các bạn rồi sẽ nhìn thấy nét đáng yêu của em, sẽ hiểu em hơn. Có thể là thế này:
- Em không cố gắng hỏi han, làm thân, kết bạn nhưng luôn tỏ ra thân thiện khi bạn hỏi mình, mượn đồ, nhờ mình hỗ trợ.
- Khi giao tiếp với các bạn, em hãy học cách lắng nghe, đừng ngắt lời bạn mình, và lắng nghe thật sự, ghi nhớ thông tin chứ đừng hời hợt quên ngay. Khi phản hồi, nhớ giảm bớt các câu nói như “Ồi chẳng có gì lạ, tớ biết rồi!” khiến người khác mất hứng nhé!
- Cố gắng kiềm chế không chê bai, nói xấu hay “đưa chuyện” của người thứ ba cho dù đây là việc rất nhiều người thích làm. Tình bạn chỉ tìm đến với người thiện chí và đáng tin.
- Nếu muốn, em có thể tham gia các hoạt động của tập thể lớp, trường như diễn kịch, nhảy flashmob, hát múa, chia sẻ, thiện nguyện… Các hoạt động xã hội khiến mình thể hiện mình tự nhiên nhất và cũng khiến bạn bè “phát hiện ra nhau”, dễ mến nhau hơn.
- Em đừng quên trau dồi những sở thích cá nhân, khả năng riêng để mình trở nên là một con người có chiều sâu, thú vị khiến người khác muốn trò chuyện, tìm hiểu. Cô lưu ý là sở thích, khả năng này rất khác biệt, không phải ai cũng giống nhau và phải là thứ mà mình yêu thích thật sự, không bắt chước ai. Cô nhớ ngày xưa, trong hội bạn cô, có bạn thích đọc sách, có bạn biết làm thơ, có bạn vẽ giỏi, có bạn biết đàn, có bạn nhảy dây giỏi, bạn thì biết bắt chước giọng nói vùng miền… Mỗi người chúng mình được là chính mình là lúc mình đáng yêu nhất đấy.
Cô chúc em tìm được cách sống tự nhiên, chân thành, khiến mình thể hiện sẵn sàng trở thành một người bạn tốt, ấm áp và tin cậy. Tình bạn sẽ sớm đến với em. Và sẽ ở lại lâu bền.
Thân mến,
Cô Thuỵ Anh