Home / Giới thiệu sách / Đọc lại bộ 3 tác phẩm tự truyện của Maksim Gorky

Đọc lại bộ 3 tác phẩm tự truyện của Maksim Gorky

Có những bộ sách giờ đây không còn thu hút sự chú ý của công chúng nữa. Có những bộ sách đã có một thời tỏa sáng, mà ngày nay chỉ nhũn nhặn đứng một góc kệ sách bên cạnh rất nhiều cuốn sách rực rỡ xanh đỏ mới lạ hấp dẫn lòng hiếu kỳ của người đọc hôm nay.

Bộ sách tự truyện của Maksim Gorky (gồm 3 tác phẩm Những trường đại học của tôiThời thơ ấuKiếm sống) thuộc về “phần chìm” trên giá sách như thế. Bút danh “Gorky” có nghĩa là “sự cay đắng” quả thật là rất đúng, rất hợp với những trang văn thể hiện tuổi thơ của ông.

Một tuổi thơ sớm mồ côi cha, sống trong gia đình ông bà ngoại cực khổ không lối thoát, chịu những trận đòn phũ phàng tàn bạo của ông ngoại, và rồi mẹ cũng chết và cậu bé đã phải sớm kết thúc tuổi thơ:

“Sau khi chôn cất mẹ tôi được vài ngày, ông ngoại bảo tôi:

– Này, Leksej, mày không phải là cái mề đay (huy chương). Mày không thể lủng lẳng mãi trên cổ tao, mày hãy đi ra đời mà kiếm sống…

Và, thế là tôi bước vào đời.”

 (trích trang 419, Thời thơ ấu, Maksim Gorky, NXB Kim Đồng, 2017)

Maksim Gorky

Bộ ba tác phẩm tự truyện của Maksim Gorky do NXB Kim Đồng in ấn và phát hành gồm:

Kiếm sống, Thời thơ ấu, Những trường đại học của tôi.

Trong những năm tôi còn niên thiếu, chẳng hiểu sao, khi đọc những trang văn về “tuổi thơ cay đắng” này tôi lại xúc động vô cùng, những trang sách như “mở mắt” cho tôi, động viên tôi biết học hỏi ở những trường đại học Đời hoàn toàn khác với việc may mắn được học ở những trường đại học học do nhà nước thành lập. Trong cái RỦI có cái MAY. Vì có tuổi thơ cay đắng mà Maksim Gorky thành nhà văn lớn của nước Nga.

Những ấn tượng khi đọc tác phẩm của Maksim Gorky đặc biệt là nhân vật Bà ngoại của ông đã khiến tôi như có những cảm giác thân thuộc đồng cảm và đã ở trong tâm hồn tôi mãi mãi.

Mặc dù bà ngoại của Maksim Gorky là một người phụ nữ Nga to lớn, khi đứng tuổi già nua rồi mà vẫn có thể nhảy múa những điệu múa dân gian Nga thật uyển chuyển, hoàn toàn khác với bà ngoại của tôi gầy gò bé nhỏ mặc áo dài thâm thong thả bước những bước chân nhẹ nhàng trên vỉa hè Hà Nội dắt cháu đi lễ chùa.

Ấy thế mà tôi vẫn cảm thấy sự giống nhau của hai bà ngoại ấy, tôi vẫn cảm thấy tiếng bà ngoại của Gorky kể chuyện cổ tích cũng giống như tiếng bà ngoài tôi kể chuyện, sự bênh vực thương xót của bà ngoại Gorky với đứa cháu trai nghịch ngợm hiếu động cũng giống như sự chia sẻ xót xa của bà ngoại tôi với chúng tôi ngày thơ ấu.

Năm tháng đã qua, dù đã đọc nhiều hơn những cuốn sách thuộc về những nền văn hóa Đông và Tây, cổ điển và hiện đại, ấy thế mà khi trở về với trang sách của Gorky tôi vẫn cảm thấy khâm phục những trang văn như mở ra cả một chân trời nước Nga rộng lớn, cả một thời kỳ lịch sử của nước Nga ở thế kỷ trước như hiển hiện ra trước mắt.

Tôi nghĩ rằng bạn đọc ngày nay sẽ không còn nhiều thời gian để đắm chìm trong từng câu chữ ở cả ngàn trang sách của bộ ba tác phẩm tự truyện của Maksim Gorky, các bạn còn dành thời gian để thâu nạp những lượng thông tin lớn hơn, cập nhật hơn, bức thiết hơn ở những cuốn sách, bộ phim hay các trang mạng xã hội… Điều đó hoàn toàn dễ hiểu và hợp lý thôi.

Tuy  nhiên, nếu những bạn học sinh và sinh viên chuyên ngành văn học hoặc có tình yêu văn học, bạn sẽ dành thời gian ngồi ở các thư viện miệt mài với những trang văn, với những câu chữ như những hạt vàng lấp lánh để lại cho đời sau…

Vâng, nếu vậy thì các bạn rất nên tìm đọc bộ sách tự thuật của Maksim Gorky, các bạn có thể tìm thấy ở đấy rất nhiều ý nghĩa nhân văn của đời người mà người viết bài này khó có thể nói gọn trong vài dòng ngắn ngủi.

Theo dịch giả Trần Khuyến: “Tác  phẩm  không  chỉ  là  tiểu  sử  riêng  của  một cá  nhân  mà  còn  là  bức  chân  dung  của  cả  một  thế hệ,  bức  họa  rộng  lớn  về  phong  cảnh,  đất  nước  và  xã hội  Nga  cuối  thế  kỷ 19 với  những  nét  khắc  họa  điêu luyện, sâu sắc về cả diện mạo và tâm lí sinh động của con  người…

Khi đọc tác phẩm bộ ba tự thuật của Gorky, trước mắt chúng ta hiện ra một phòng trưng bày những mẫu người với những tính cách muôn màu muôn vẻ – một bộ bách khoa toàn thư về con người của nước Nga cũ. Gorky  gọi  văn  học  nghệ  thuật  là  ‘nhân  học’  và  ‘dân tộc  học’  –  những  định  nghĩa  này  rất  thích  hợp  với  tác phẩm  bộ  ba  của  ông.”

Và vì thế chúng ta hãy cảm ơn NXB Kim Đồng đã làm một việc rất hữu ích là trân trọng tái bản lại bộ sách quý của Maksim Gorky như gửi lại niềm tin yêu cho các bạn trẻ hôm nay.

Nhà văn Lê Phương Liên (bài đã đăng trên trang zing.vn )

About DuongMy

Scroll To Top