Home / Tư vấn - Chia sẻ / Hòa nhập với bạn bè

Hòa nhập với bạn bè

Cháu chào cô Thụy Anh,

Cháu được biết cô là chuyên gia tư vấn giáo dục trẻ em và cô là người đã trả lời và đưa lại cho các bạn và các anh chị lớn tuổi hơn cháu những lời khuyên hay và bổ ích. Cháu đặt câu hỏi này với mong muốn cô cho cháu những lời khuyên. Cháu đang là học sinh cấp 2, như cháu thấy và được biết hầu hết các bạn học sinh ở lứa tuổi này đã có bạn chơi thân. Nhưng ở lớp, cháu lại không có bạn chơi thân thậm chí có những bạn không ưa và có những cử chỉ, lời nói khó chịu với cháu. Cháu biết có lý do nào đó khiến các bạn ấy như thế, mặc dù cháu đã cố hòa nhập nhưng kết quả là không thể. Bên cạnh đó, có một tồn tại khá lớn là cháu không kiềm chế được cảm xúc. Ví dụ như khi có một bạn nói sai về cháu, cháu lập tức phản đối lại rất kịch liệt, thậm chí là phát điên mà không quan tâm tới cảm xúc của bạn. Bây giờ, cháu phải làm sao để các bạn ấy hòa nhập với cháu, và từ đó cháu sẽ tìm được một người bạn thân. Cháu mong nhận được lời khuyên từ cô.

Cháu xin chân thành cảm ơn cô.

Phạm Minh Trang (Số 90, đường Võ Nguyên Hiến, TX Thái Hòa, Nghệ An)

——————————

Minh Trang thân mến!,

Cô cảm ơn Trang vì những chia sẻ thật lòng. Vài lời ngắn ngủi cũng cho cô thấy, em đã rất cố gắng tìm cách tiếp cận tập thể mới, tỏ ra thân thiện để các bạn đón nhận mình. Đó là thái độ đáng quý, Trang ạ.

Cô cũng rất chia sẻ với Trang về “vấn đề” trong tính cách mà em tự nhận ra là không kiểm soát được cảm xúc, khiến nhiều khi mình sẽ gây tổn thương cho người khác, nằm ngoài mong muốn của mình. Vấn đề này trên thực tế không chỉ có Trang gặp phải mà rất nhiều người phải đối mặt với nó, đặc biệt là trong cuộc sống gấp gáp và nhiều áp lực học hành thi cử, cạnh tranh trong công việc. Không kiểm soát được cảm xúc khiến ta dễ mất bình tĩnh, dùng ngôn ngữ không chuẩn, tác phong nóng nảy làm nhiều người e ngại khi kết bạn.

Thế nhưng, cũng chẳng mấy ai nhìn được mình từ bên ngoài một cách rành mạch và khách quan như em đâu. Hầu như mọi người đều sẵn sàng đổ lỗi cho người khác chứ không nhìn thấy điểm chưa ổn của mình. Và đây cũng là điểm ưu thế sẽ giúp cho em tự gỡ rối được lòng mình, giải quyết được vấn đề mà không cần nhiều người khuyên bảo.

Trước khi bàn về việc điều chỉnh đặc điểm hay có thể nói là điểm yếu mà em không thích ở mình ấy, chúng ta hãy nói đến những ưu điểm của em trong cuộc sống và trong ứng xử với bạn bè nhé! Em có thể lấy cái bút, tờ giấy để gạch đầu dòng ra. Việc này cho mình cái nhìn lạc quan hơn và công bằng hơn với chính mình -. Chẳng hạn, cô đặt ra một số câu hỏi thế này:

  • Em có phải là một người bạn đáng tin không? Ai kể điều bí mật gì với em, em có biết giữ im lặng không?
  • Em có sẵn sàng nghe ai đó nói mà không vội vã ngắt lời?
  • Em có sẵn sàng trợ giúp bạn lúc “nguy cấp”: cần trực nhật thay khi bạn ốm, xắn tay lên cùng tham gia làm một việc gì đó khi cần gấp, cho mượn bộ áo dài em mới may để bạn mặc biểu diễn?
  • Em có sẵn sàng kiên nhẫg giảng cho bạn cách làm một bài Toán mà bạn không hiểu?
  • Em có nhớ SN ai trong lớp không?
  • Em có bao giờ mời ai đó đến nhà chơi?
  • Em có sẵn sàng xin lỗi khi nhận thấy mình sai?
  • Em có bao giờ khen ngợi hoặc tỏ ra thán phục (thật lòng) một ai đó?
  • Em có bao giờ khen ai đó … đằng sau lưng chưa?
  • Em có bao giờ mời bạn ăn quà hay món ăn gì đó?
  • Em có biết sở thích của ai đó trong những người bạn xung quanh mình?
  • Em đã bao giờ tặng quà bạn trúng điều bạn đang mong đợi chưa?
  • Em có hài hước không? Có làm các bạn bật cười bao giờ chưa?

Còn rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc kết bạn và chứng tỏ mình có thể là người bạn thế nào em có thể đặt ra. Em mong muốn gì ở một người bạn thì bạn em cũng mong muốn như vậy từ em. Có nghĩa là, muốn có một người bạn, mình cũng phải sẵn sàng là một người bạn thân thiện.

Đương nhiên, chúng ta không ai hoàn hảo cả: chúng ta sống hàng ngày với rất nhiều lỗi sai trong ứng xử. Cô cũng thế đấy. Cho nên chỉ cần nhìn thấy 1, 2 ưu điểm của mình đã là điều khiến em có thể mỉm cười và tự hào về mình, tự tin, mình sẽ tìm được một người bạn tốt.

anh hoa nhap voi ban be

(Ảnh: internet)

Bây giờ, nói đến việc kiểm soát cảm xúc, cô tặng em vào “mẹo” nhỏ mà … các bà mẹ hay dùng để kiểm soát cảm xúc của mình khi bị con cái làm cho “phát điên lên”:

  1. Luôn SẴN SÀNG đối mặt với những điều bực mình mà không quá ngạc nhiên. Tự nhủ, việc mọi người hiểu nhầm mình, thậm chí cố tình nói sai về mình, hay một điều gì đó diễn ra không như ý mình muốn… là chuyện bình thường, thể nào cũng có. Không phải ai cũng nghĩ được như thế. Nhưng nếu nghĩ trước được sẽ ít khi bị choáng, sốc.
  2. THỞ: Học cách thở sâu (hít thật sâu bằng mũi, thở hết ra bằng miệng) để lấy bình tĩnh.
  3. BỨC THƯ KHÔNG GỬI: Viết ra những gì làm mình bức xúc như một bức thư nhưng để một chỗ mà không gửi.
  4. NÉM, XÉ... giải toả cơn giận: Chuẩn bị nhiều gối nhỏ hoặc các loại… tất sạch, giấy báo… để trong góc phòng. Khi cơn giận bùng phát, có thể tìm đến đó ném gối, ném tất, xé giấy báo như một biện pháp tạm thời.
  5. TÂM SỰ KỂ LỂ ngay với một ai đó mình tin tưởng, nếu lớn tuổi hơn càng tốt.

Ngoài ra, khi em trót nổi giận và nói những lời không hay gây tổn thương cho bạn nào đó, lúc “hạ hoả” rồi, đừng chần chừ, hãy gặp bạn đó xin lỗi và chia sẻ những băn khoăn của mình, thẳng thắn nói về những điều làm mình không hài lòng.

Trong tình bạn, tình đồng chí, tình yêu, sự CHÂN THÀNH là gốc của mọi điều.

Vấn đề của em bây giờ, cô cho rằng là cần để các bạn xung quanh hiểu mình hơn, hiểu thiện chí của mình, kể cả nỗi buồn bực, lo lắng của mình như em đã dũng cảm nói ra với cô. Nhìn xung quanh, em ngưỡng mộ ai, quý mến ai, hãy bày tỏ cho (các) bạn ấy biết và chủ động trò chuyện với họ, cùng tham gia các hoạt động với họ (hoạt động chung của trường, lớp, tổ) và tham gia các trò chơi tập thể. Trong hoạt động chung, mình thể hiện được mình tốt nhất và tự nhiên nhất. Chỉ cần lưu ý một nguyên tắc: thể hiện MÌNH trong  MỌI NGƯỜI. Nghĩa là không tìm mọi cách thể hiện mình là nổi bật nhất, cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi mà biết cách phát hiện cái giỏi ở người khác để phân công công việc hoặc đề xuất hoạt động cho hợp lý, công bằng. Mình chỉ là một mắt xích của nhóm chứ không là tất cả – không xung phong làm hết mọi việc, không cho rằng, không ai làm giỏi hơn mình.

Cô chúc em thành công nhé, Minh Trang!

Cô Thuỵ Anh.

About admin2

Scroll To Top