Home / Tư vấn - Chia sẻ / Học sớm hay học đúng lúc?

Học sớm hay học đúng lúc?

Nhiều bậc phụ huynh vẫn băn khoăn về khái niệm “giáo dục sớm” hoặc cho con học sớm kiến thức hay kỹ năng nào đó. Một mặt, họ vừa lo không dạy con tích cực thì đến tuổi đi học, con chậm hơn các bạn, những nhà có “cha mẹ tích cực”. Mặt khác, nhiều người cũng lo ngại đến áp lực con có thể gặp phải nếu tiếp cận với khối lượng kiến thức lớn và cấp tốc so với độ tuổi của trẻ.

Để giải toả băn khoăn, ta nên đặt ra một số câu hỏi: Thế nào là “giáo dục sớm”? Ai sẽ tiến hành quá trình giáo dục đó với trẻ? Dạy trẻ cái gì và dạy trẻ thế nào trong giai đoạn đầu đời này để thành quả lưu giữ bền vững?

Trước 6 tuổi, trẻ có khả năng thu nhận kiến thức dễ dàng một cách đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, “giáo dục sớm” hoàn toàn không có nghĩa là tranh thủ “nhồi” học đọc học viết, làm Toán, tiếng Anh…

anh giao duc som (2)

Có nên giáo dục sớm? (ảnh: internet)

Có nhiều trung tâm, cơ sở giáo dục, các gia đình áp dụng nhiều phương pháp giáo dục sớm, chẳng hạn, “phương pháp Không tuổi” của giáo sư người Trung Quốc Phùng Đức Toàn. Sau đó, người ta thống kê xem trong một khoảng thời gian nhất định, đứa trẻ thuộc được bao nhiêu từ tiếng Anh, làm được bao nhiêu phép tính… Tôi cho rằng, chính ngài giáo sư cũng không mong điều ấy!

Trẻ thuộc đấy rồi cũng quên nhanh đấy. Hôm nay nó vanh vách kể thủ đô các nước, chỉ được quốc kỳ các quốc gia, mấy tháng sau đã có thể quên rồi! Đặc biệt, tôi phản đối việc dạy đọc dạy viết, dạy trước mọi kiến thức sẽ học trong nhà trường – điều này sẽ triệt tiêu động lực học của trẻ. Đương nhiên, có những trường hợp trẻ tha thiết muốn học thì hãy đáp ứng và hỗ trợ bằng các hoạt động học nhẹ nhàng, vui nhộn.

Theo tôi, trẻ cần được “định hướng giáo dục sớm”, thậm chí ngay từ trong bụng mẹ (thai giáo!), nghĩa là được xây dựng phông cảm xúc, các kỹ năng giúp trẻ tìm hiểu thế giới xung quanh, kỹ năng kiểm soát cảm xúc và làm chủ các cơ quan (tay, chân) trên cơ thể; hướng dẫn trẻ các thao tác tư duy như quan sát, phân tích, so sánh, khái quát..; các kỹ năng tự phục vụ bản thân, nhận biết bản thân và sống hoà hợp với môi trường xã hội; kỹ năng lên kế hoạch và thực hiện công việc theo kế hoạch.

Vậy thì, sơ bộ có thể đề xuất thế này:

  • Dạy gì, học gì? Trẻ học phân biệt sự vật giống và khác nhau; học tiếp nhận và thể hiện ý mình trên cơ sở phát triển tư duy trực quan, tư duy hình tượng, tư duy logic-ngôn ngữ; học cách phân biệt đúng-sai, tốt-xấu, cách ứng xử ở các tình huống ; học cách tự chăm sóc, biết quan tâm đến người thân, nhận biết và kiểm soát cảm xúc, biết sử dụng đôi tay mình để làm tốt các việc tự phục vụ, tự bảo vệ mình (kỹ năng cầm kéo, dao, rót nước, dùng khăn lau, vẽ, lắp ráp đồ chơi, mảnh ghép theo logic…), các việc trẻ được giao trong gia đình, sử dụng các giác quan một cách linh hoạt, học thêm vốn từ để diễn đạt ý mình, chia sẻ cảm xúc… Trẻ chuẩn bị đi học lớp Một không cần học trước chữ cái, đọc, viết mà cần được trao động lực: sự háo hức muốn bước vào thế giới các con chữ, con số; cách ngồi tập trung trong một thời gian nhất định, cách cầm bút, cách tỏ ra thân thiện với thày cô, bạn bè để bé nhận được niềm vui đi học…
  • Ai dạy: Bố mẹ, người thân, bạn bè, thiên nhiên, thú cưng… Đó là những người, con vật, không gian gắn bó gần gũi, trẻ cảm thấy an tâm, an toàn bên họ. Bài học họ mang lại cũng rất phong phú, đa dạng, bao quát mọi chủ đề liên quan đến cuộc sống của trẻ.
  • Dạy cách nào? Kể chuyện tương tác, đọc sách, thảo luận, chia sẻ, thí nghiệm, các trò chơi hiện đại và các khúc đồng dao, thơ ca, hội hoạ, âm nhạc, bài hát, nhảy múa, cùng bố mẹ giao lưu với các nhân vật khác nhau, các trò chơi “đồ hàng”, diễn kịch phân vai cùng thú bông. Trẻ càng nhỏ, vai trò “thày giáo” càng đặt nặng lên vai người mẹ. Ngay từ khi trẻ trong bụng mẹ, âm thanh của mẹ (giọng nói, nhịp bước đi) đã tạo phông cảm xúc cực tốt để khi ra đời, bé thấy yên tâm tập trung khám phá thế giới!

Lưu ý 1: Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập. Vì thế, dựa vào đặc điểm thể chất và năng lực tư duy của từng bé mà bố mẹ quyết định mỗi ngày dạy điều gì cho bé, nhắc lại những bài học cũ, học thêm những khái niệm mới – đến đâu thì dừng. Thường, bài học nên dừng ở cao trào, khi bé phấn khởi, hưng phấn nhất.

anh giao duc som (1)

Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập (ảnh: internet)

Lưu ý 2: Giáo dục sớm không chú trọng kết quả mà chú trọng quá trình. Một bài học được tiến hành không chỉ chăm chăm vào mục tiêu và yêu cầu cần đạt mà còn cách thức thực hiện và cảm xúc của bé khi tham gia bài học.

Ví dụ về một số bài học phát triển ngôn ngữ thông qua trò chơi thơ ca:

  1. Cùng đọc và thêm từ của mình (lấy ví dụ bài “Hươu cao cổ” của Thụy Anh)

Mẹ đọc:

Hươu cười sung sướng

Vui vẻ tiếp lời:

– Cổ dài, mẹ ơi

Giúp bao bạn nữa!

Cổ là xe chở

Cho khỉ bám vào

Cho thỏ bám vào

Cho gấu bám vào

….

(Mẹ sẽ chỉ định để mỗi người đưa phương án các con vật của mình: Cho ngỗng bám vào, cho ốc sên bám vào, cho mèo bám vào….)

2. Trò chơi đối đáp bằng thơ

Chọn những bài thơ có phần đối đáp để đọc. Lưu ý, mẹ và con đối đáp hoặc mẹ và bố-con đối đáp, mẹ và các bạn nhỏ đối đáp. Tức là đối đáp chỉ nên có 2 bè chứ không đối đáp qua lại 3, 4 nhân vật.

* Lấy ví dụ bài thơ “Cốc, cốc, cốc” của Võ Quảng:

Mẹ: – Cốc cốc cốc!

Các con: – Ai gọi đó?

Mẹ: – Tôi là thỏ!

Các con: – Nếu là thỏ

Cho xem tai!

Cho đến khi đã quen với trò chơi này, mẹ có thể thay thỏ, nai… bằng những con vật khác để các con được sáng tạo. Chẳng hạn:

Mẹ: – Tôi là mèo!

Con: – Nếu là mèo

Kêu meo meo!

Mẹ: – Tôi là hổ!

Con: – Nếu là hổ

Hãy gầm lên!!!

TSGD Nguyễn Thụy Anh

About admin2

Scroll To Top