Home / Giới thiệu sách / Hỏi đáp cùng em – Thế giới động vật (Sophie De Mullenheim, Cốm Vừng dịch, Nhã Nam & NXB Thế giới, 2019)

Hỏi đáp cùng em – Thế giới động vật (Sophie De Mullenheim, Cốm Vừng dịch, Nhã Nam & NXB Thế giới, 2019)

Đây là một cuốn sách về thế giới động vật dành cho các độc giả nhí 4 – 8 tuổi thông qua hơn 200 câu hỏi đáp vui nhộn, chia thành các chủ đề: “Gia đình kỳ lạ”, “Giờ ăn đến rồi”, “Tự vệ”, “Ở nhà” và “Vô vàn hình dán”.

Gia đình động vật nào đông đảo nhất trên Trái Đất? Đó là côn trùng, sinh vật bá chủ thế giới, vượt xa con người. Chủ đề “Gia đình kỳ lạ” sẽ là những câu hỏi về chuyện đẻ trứng, chiều cao cân nặng của con non hay tuổi thọ của loài. Cá ngựa đực mới đóng vai trò làm mẹ cơ vì chúng vừa ấp trứng, bảo vệ và nuôi dưỡng cho đến khi con đủ lớn và có thể tự lo. Những ông bố, bà mẹ khác cũng có tình yêu vô bờ bến với con cái của mình, dám hy sinh cả bản thân. Bạch tuộc mẹ nhịn đói, trông nom trứng suốt hai tháng và sẽ chết vì kiệt sức ngay sau khi bạch tuộc con chào đời. Còn có một loài sứa không bao giờ chết, khi quá già nó có khả năng tự trẻ hóa, nghĩa là sẽ bất tử nếu không bị chết dưới hàm răng kẻ săn mồi.

Mỗi loài vật đều có sở thích riêng, không phải loài nào cũng dễ tính như chim hải âu – nhân viên vệ sinh môi trường vì chúng ăn mọi thứ tìm được từ cá, mực, phù du hoặc thậm chí rác thải trôi trên biển. Nhiều loài nhìn có vẻ dữ tợn như hải mã với cặp nanh to và đáng sợ nhưng lại siêu lành, chỉ ăn sò ốc; cá mập trắng chỉ ăn hải cẩu, rùa, chim biển và nếu chẳng may tấn công con người là do nhầm nhọt thành con mồi. Nhân vật tiếp theo trong danh sách đừng có “trông mặt mà bắt hình dong” là chim bạc má và chuột chù. Hai loài vật nhỏ bé ấy dùng cả cuộc đời chỉ để ăn, ăn và ăn.

Muốn sống sót lâu dài thì phải có chiêu tự vệ. Động vật có khả năng ngụy trang, ẩn thân đại tài như bọ que, tắc kè hoa. Một số loài khác thì sử dụng vốn tự có, cá mao tiên dùng vây dài cực độc, gián cảm nhận nguy hiểm bằng lông ở cuối bụng dưới. Ngoài kẻ thù, động vật còn phải chống chọi với thời tiết. Hà mã tự tạo kem chống nắng, chuột chù thu nhỏ mình tránh lạnh, vẹm thường tự cột vào vách đá để không bị cuốn trôi bởi thủy triều.

hoi dap cung em - the gioi dong vat

Hỏi đáp cùng em về thế giới động vật

Con người cần nơi trú ngụ và động vật cùng thế. Không phải loài nào cũng có nhà vỏ như rùa, ốc, sò. Các loài chim tự làm tổ trên cây bằng lá, bằng cành rất dễ kiếm. Cá mập không có nhà, chúng bơi liên tục không nghỉ và chỉ ngủ một mắt. Đại gia trong giới động vật có thể điểm mặt chỉ ra một vài cái tên: lửng, chuột chũi, mối, san hô. Hang cực kỳ to vì cả đời lửng chỉ định cư ở một nhà thôi. Mỗi năm, nó lại cơi nới cho hang rộng thêm và còn tốt bụng chia sẻ “phòng ngủ” với cáo hoặc thỏ. Chuột chũi xây nhiều đường hang để dễ bề di chuyển tìm thức ăn khoái khẩu – giun đất. San hô lập kỷ lục với một hàng rào ở Úc lên đến 2.600km và sẽ còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.

Một cuốn sách nhỏ sẽ không thể kể tần tần tật về các loài nhưng “Thế giới động vật” (Sophie De Mullenheim, Cốm Vừng dịch, Nhã Nam & NXB Thế giới, 2019) là một cuốn sách thú vị dành cho các bạn nhỏ tò mò về động vật. Và có lẽ hai trang cuối cùng sẽ khiến các độc giả nhí thích mê: sticker hình dán những nhân vật đã xuất hiện trong cả cuốn sách.

Cò Trắng (Viết cho CLB Đọc sách cùng con)

About admin2

Scroll To Top