Em bị một số bạn trong lớp bắt nạt, tẩy chay. Em đã báo với cô giáo chủ nhiệm để mong được giải quyết mâu thuẫn với các bạn. Tuy nhiên, các bạn ấy chỉ giả vờ làm lành với em trước mặt cô nhưng sau đấy, việc bắt nạt vẫn tiếp tục diễn ra. Vậy bây giờ em phải làm sao?
Nguyễn Ngọc Anh (Lớp 6A7, THCS Mỹ Đình 2, Hà Nội)
***************************
Ngọc Anh thân mến,
Ngày cô học lớp 5, cô đã từng bị xáo trộn việc học vì chuyển lớp, sang một tập thể mới, và… bị bắt nạt. Một nhóm bạn học giỏi và có tiếng là ngoan ở lớp đã tẩy chay cô và khi chơi trò chơi thì “hầm” cho toát mồ hôi. Cô đã cắn răng chịu, kiêu hãnh ngẩng cao đầu như không hề có chút cảm xúc tiêu cực nào dù trong lòng rất cay đắng và ấm ức. Cô chỉ quyết tâm học giỏi, lên đứng thứ nhất để “bọn chúng” phải nể mặt và dần lại còn kết thân với cô nữa!
Cô kể câu chuyện này không phải để khuyên em làm giống thế. Cô chỉ kể để em thấy, ở thời nào, trong kiểu trường học nào cũng có những chuyện tương tự. Những người bắt nạt thường có “động lực” riêng mình:
– dằn mặt người mới kiểu như “ma cũ bắt nạt ma mới” để cho thấy các nguyên tắc ứng xử được quy định trong tập thể;
– tạo áp lực để thể hiện quyền lực của mình;
– chính họ không tự tin nên bắt nạt để… tự tin hơn!;
– người bị bắt nạt có điều khác biệt đối với đám đông (học giỏi hơn, ăn mặc khác biệt, giọng nói khác biệt…) khiến họ khó chịu vì người đó không giống họ;
– họ sống một cuộc sống buồn chán nên việc bắt nạt người khác đơn giản là một “trò vui”.
Đương nhiên, em không có lỗi trong việc này! Em hoàn toàn có thể báo cáo với cô giáo hoặc bố mẹ để người lớn hỗ trợ mình. Tuy nhiên, để xử lý hiệu quả mâu thuẫn của em với nhóm bạn, chúng ta nên phân tích các tình huống bị bắt nạt của em để hiểu động cơ của hành động bắt nạt, tẩy chay ấy. Vì em không kể ví dụ cụ thể nên cô sẽ thử cùng em liệt kê các phương án suy nghĩ nhé?!
- Em là một người mới. Vậy, trước khi có thể kết nối được với các bạn, em hãy thể hiện mình kín đáo hơn để mình không quá nổi bật trong đám đông. Em quan sát tập thể lớp để cảm nhận ai đó có cảm tình với mình hoặc chỉ là dễ chịu với mình để chủ động bắt chuyện, hỏi han, kết bạn. Em có thể xin phép cô được tự giới thiệu trước lớp, kể về mình và những lo lắng, e ngại của mình trong tập thể mới, mong muốn được hoà nhập và mong các bạn hướng dẫn, hỗ trợ.
- Nếu em không phải là người mới mà tình trạng bị bắt nạt xảy ra liên tục, em hãy xem lại tác phong, ứng xử của mình:
+ Mình có thể hiện mất kiểm soát cảm xúc, nổi cáu, bực bội không? Kẻ bắt nạt luôn thích thú khi “nạn nhân” căng thẳng, sợ hãi, bấn loạn…Nếu có, em hãy thử thể hiện bản lĩnh bằng cách suy nghĩ trước về phản ứng của mình. Mình bình thản, tránh tạo cho kẻ bắt nạt lý do để trêu chọc, gây chuyện tiếp, không nói qua nói lại, không tranh cãi, không tỏ ra hoảng sợ. Cho dù trong lòng mình rất khó chịu, em hãy sử dụng phương pháp “tai lắng mà không nghe, mắt nhìn mà không thấy” – nghĩ về một điều khác đi, hoặc tỏ ra mệt mỏi, không muốn tham gia câu chuyện. Vài lần như vậy, kẻ gây sự dần sẽ chán.
+ Mình có thể hiện chút nào khiến các bạn hiểu lầm là mình không coi trọng tập thể, đặt mình ở… đẳng cấp khác so với các bạn không? Việc nghĩ rằng một người “chảnh”, “kiêu ngạo” cũng là lý do để một nhóm người thấy “ngứa mắt”. Trong trường hợp này, em hãy tìm một vài người bạn để chia sẻ. Cách em ứng xử với một cá nhân, một bạn nào đó trong tập thể với sự chân thành, cách trò chuyện thân thiện, tìm đến bạn khi cần hỗ trợ, sốt sắng giúp bạn khi bạn gặp khó … sẽ thuyết phục được tập thể. Khi em bị “xử ép”, hẳn sẽ có những người bạn bênh vực em.
+ Nhìn lại thói quen lắng nghe của mình: Ngày cô còn nhỏ, cô nhớ, có người bạn bị hơi… ghét chỉ vì không biết lắng nghe. Cứ ai kể chuyện gì, bạn ấy cũng vội vã nói: “Tớ biết rồi!” và cướp lời người khác.
Đôi khi có những câu nói, những hành động chỉ là thói quen của mình mà tạo cho người khác cảm giác mình không tôn trọng họ. Mình chỉ cần nghĩ lại, hoặc hỏi ý kiến người bạn thân của mình – là mình sẽ phát hiện ra thôi.
- Việc tâm sự với thầy cô giáo là điều nên làm, nhưng để tìm lời khuyên trước khi nhờ thầy cô can thiệp, phân xử. Em cũng thấy rồi đó, cách “báo với cô” không giúp em xử lý thành công việc khó chịu này. Vậy em hãy tự giải quyết vấn đề của mình trước, hãy thể hiện sự thiện chí, chân thành của mình trong việc giải quyết mâu thuẫn với bạn bè, đồng thời cũng thể hiện bản lĩnh vững vàng của mình: mình quý bạn nhưng không hạ mình, mình có nguyên tắc mà không kiêu căng, lạnh nhạt. Em có thể gặp riêng “thủ lĩnh” của nhóm cầm đầu bắt nạt em, bày tỏ muốn trò chuyện riêng với bạn một cách tôn trọng. Cô tin, dù là người ghê gớm nhất cũng phải nể trước sự đàng hoàng, nghiêm túc của em. Em hãy nói về cảm xúc của em khi bị bắt nạt, hỏi xem thực tế, em đã làm gì khiến các bạn không hài lòng để có những hành động khiến mình bị tổn thương như vậy. Nếu không đủ can đảm gặp mặt, em hãy viết thư. Lá thư có cân nhắc câu chữ, không lên án họ mà chỉ bày tỏ mong muốn được hoà hợp với bạn bè, chắc chắn sẽ khiến người đọc phải nghĩ ngợi.
- Trong trường hợp xấu nhất: không thể kết nối với bạn bè trong lớp, em hãy tìm cảm giác tin cậy ở các bạn lớp khác, trò chuyện vào giờ chơi, cùng tham gia các hoạt động CLB của trường. Nhiệt tình góp sức cho các công việc tập thể cũng là cách để em khẳng định sự thiện chí của mình với mọi người xung quanh và giá trị của mình. Em giỏi và thành thục việc gì, đừng ngần ngại, hãy dùng chính hoạt động ấy cống hiến cho mọi người. Em nhảy đẹp, hát hay, ve. giỏi, biết cắm hoa hay chơi thể thao, giả giọng nói, biết đóng kịch… hoặc đơn giản là khéo chọn hoa quả, tỉa rau củ… Giống như câu chuyện ngày bé của cô, khi khẳng định được một mặt mạnh của mình, ta sẽ tự tin và trở nên bản lĩnh hơn, khiến những người muốn bắt nạt ta cũng phải dè chừng.
Hãy mạnh mẽ lên nhé! Cô tin là em sẽ tìm ra chiếc chìa khoá mở cánh cửa đến với bạn bè trong lớp, đồng thời sẽ vững vàng hơn khi khám phá năng lực của bản thân, sống hồ hởi, lạc quan và biết cách tự bảo vệ mình.
Thân mến,
Cô Thuỵ Anh