Home / Tư vấn - Chia sẻ / Làm thế nào để ngăn chặn việc dùng teencode?

Làm thế nào để ngăn chặn việc dùng teencode?

Cô Thụy Anh thân mến!

Trong thời gian vừa qua, cháu nhận thấy mọi người đang dùng mạng xã hội quá nhiều. Trong đó, giới trẻ chiếm một tỷ lệ lớn. Vì vậy nên cũng có không ít từ ngữ được viết bằng cách khác, một cách riêng biệt. trong số đó có một kiểu chữ thông dụng thường được gọi bằng cái tên “Teencode” – một thuật ngữ chỉ kiểu chữ viết tắt tiếng Việt của giới trẻ tại Việt Nam. Cô ơi, cháu muốn hỏi rằng sử dụng thường xuyên và phổ biến những loại ngôn ngữ như thế này thì có gây ảnh hưởng đến từ gốc không ạ? Và làm thế nào để ngăn chặn việc dùng teencode ạ?

Mong được nhận câu trả lời từ cô ạ!

Cháu cảm ơn nhiều ạ!

Nguyễn Thị Quỳnh Nga

(Lớp 8A, trường THCS Bình Thịnh, xã Thanh Bình Thịnh – huyện Đức Thọ – tỉnh Hà Tĩnh)

——————-

Quỳnh Nga thân mến,

Hiện tượng em nói đúng là đang rất phổ biến trong giới trẻ, và thực ra đỉnh điểm của trào lưu này đã qua, từ những năm 2000, đầu thập niên 2010 cơ. “Choáng váng” vì những có nhiều cơ hội sáng tạo thú vị trong môi trường Internet, các bạn trẻ đã say sưa tạo teencode để trò chuyện và giao lưu. Thậm chí, mỗi nhóm lại có hệ thống teencode riêng của mình khiến tiếng Việt trên mạng trở nên méo mó, kỳ cục, khó hiểu với những người lớn, gây khó chịu, phản cảm trong suy nghĩ nhiều người.

Bản thân cô cũng từng trầy trật đi tìm code để giải mã những đoạn văn được post trên mạng và thấy… điên cái đầu – nói theo kiểu bây giờ là thấy bị “hack não”!!! Nào là: “hem” là “không; các chữ cái bị chuyển thành chữ số; một số chữ cái dùng thay thế cho nhau; các ký tự đặc biệt có trên bàn phím được tích cực sáng tạo để thay thế các chữ cái; rồi chữ hoa chữ thường lẫn lộn, không biết đường nào mà lần…

Tuy nhiên, ta có thể nhìn hiện tượng “kỳ quái” này dưới nhiều góc độ:

  • Teencode là một trò chơi?

Nếu nhìn teeancode như một trò chơi sáng tạo ngôn ngữ – một dạng mật mã được quy định rõ ràng, có hệ thống thì trò này cũng thú vị và thông minh đấy chứ?!

Thậm chí, đã có người tạo bộ công cụ chuyển đổi ngôn ngữ bình thường thành ngôn ngữ teencode, như một dạng “dịch thuật”.

Ngôn ngữ chính là một dạng ký hiệu có hệ thống, được nhiều người chấp nhận và sử dụng để giao tiếp, trao đổi thông tin. Các ký hiệu mật mã được thay đổi chìa khoá để đánh tin mà người ngoài không đọc được, bảng ký hiệu moóc-xơ… chẳng được sử dụng tích cực, hiệu quả trong nhiều trường hợp đó sao? Sự sáng tạo teencode trong tiếng Việt cũng được biến hoá khôn lường, cho thấy trí tưởng tượng không giới hạn của con người, nhất là giới trẻ.

Ngày cô học lớp 10, cô từng lập một cuốn từ điển ngôn ngữ riêng của lớp với… 300 từ, dùng những khái niệm vừa được học trong các môn Hoá, Lý, Sinh… để quy định nội dung khác, thậm chí đổi vị trí các âm tiết. Đọc lên, cả lớp cười bò, nhưng lại hiểu nhau mà người ngoài có nhăn trán nhíu mày mấy cũng không hiểu được! Thế mới vui! Giờ gặp lại, các bạn lớp cô vẫn nhắc như nhắc một kỷ niệm đẹp.

anh teencode (2)

Một cách tạo mật mã riêng (ảnh:internet)

Lại nữa, một dạo, thời cô còn trẻ, người ta hay nói lái theo nhiều cách để trao đổi những câu chuyện bình thường trong sinh hoạt hàng ngày. Một ví dụ khá phổ biến thời đó: “Hảo sư cù- lăng lủng trẻo- gian trền”- nghĩa là “Củ su hào treo lủng lẳng trên giàn” (Dù su hào có mọc trên giàn đâu!!!). Hay: “Sàu đăng – tồi nha- có mịt cây mốt…” – nghĩa là “Đằng sau nhà tôi có một cây mít…”. Đố em nhìn ra quy luật của “mật ngữ” này đấy!

Đó, nếu coi là là một trò chơi thì nó là trò sáng tạo, rất vui, mang lại sự thích thú cho một nhóm người. Và hoá ra, kiểu chơi tự đặt ra quy luật nói, viết để tạo mật mã đâu có phải là “đặc quyền” riêng của thế hệ nào. Em mà thử phỏng vấn ông bà, bố mẹ, có khi em còn ngạc nhiên vì những sáng tạo phong phú, hài hước của thế hệ đi trước ấy chứ! (Đương nhiên là nếu họ còn… nhớ!).

Teencode bây giờ cũng có thể là một trò chơi xả stress, tạo một bí mật, một niềm vui riêng cho một nhóm người.

  • Một số chữ “NHƯNG”

Rồi đây, dạng têncode này qua đi lại có dạng teencode khác đến. Nhưng em cũng lớn dần và nói theo cách trẻ trung, nghịch ngợm, hài hài như thế sẽ không còn là mối quan tâm của em nữa. Em nghĩ đến việc học, việc làm, xây dựng cuộc sống của một con người trưởng thành. Teencode sẽ chỉ còn là kỷ niệm.

Cũng vì thế mà chúng ta có những cái “NHƯNG”…

1. Teencode à? Hay đấy. Nhưng phải đúng chỗ. Ngôn ngữ đặt ra là để mọi người hiểu mình. Phải lưu ý đối tượng và hoàn cảnh sử dụng teencode. Nếu em viết cho người lớn tuổi không biết đến mật mã của các em – em bị cho là vô lễ. Nếu em dùng trong bài thi, bài kiểm tra – em đối mặt với điểm kém…v.v… Thế nào thì cũng sẽ gây bất lợi cho mình.

2. Teencode được sử dụng song song với ngôn ngữ tiếng Việt bình thường – thứ ngôn ngữ phong phú được xây dựng ký hiệu từ lâu, dùng để ghi lại âm thanh ta nói. Nếu say sưa với những “code” khác, em có thể bỏ lỡ dịp thu thập, mở mang từ vựng tiếng Việt – điều giúp cho em diễn đạt gãy gọn, tinh tế, linh hoạt những suy nghĩ của mình… khi em còn đang tuổi tiếp nhận mọi điều với tốc độ cao.

3. Teencode có ảnh hưởng đến từ gốc không? Cũng có thể – NHƯNG chỉ là ảnh hưởng đến cách nghĩ, tư duy của người dùng teencode trong việc sử dụng tiếng Việt. Nếu dùng có liều lượng không sao, nhưng đắm chìm trong cách viết đó, đôi khi không bật tắt kịp các “công tắc” chuyển đổi ngôn ngữ, khiến ta bị rối, mất gãy gọn, thanh thoát trong một số trường hợp diễn đạt… Để thay đổi được một từ gốc, cần rất rất nhiều năm cả cộng đồng thống nhất sử dụng cho thuận tiện. Vì thế, có những từ được coi là “từ cổ”, đã không còn được dùng mà bị thay thế bằng một từ khác. Ở ngôn ngữ quốc gia nào cũng có hiện tượng đó.

anh teencode (1)

Hãy sử dụng đúng chỗ, đúng cách (ảnh: internet)

Tuy nhiên, em đừng lo! Một cách viết bé nhỏ nào đó của teencode mà thay đổi được từ gốc tiếng Việt thì phải cần nhiều điều kiện và thời gian – nếu có xảy ra điều đó thì có nghĩa nó được cộng đồng tiếp nhận, và bấy giờ nó không còn là ngôn ngữ teen nữa, mà là của cộng đồng rồi. Chắc là nó phải rất tuyệt, hợp lý, được nghiên cáu kỹ lưỡng, làm phong phú hơn tiếng Việt của chúng ta!

Còn hiện tại, nó mới dừng ở những sáng tạo nhất thời, cho vui, để giải trí cho giới trẻ – gây khó hiểu cho các bạc phụ huynh- , thì rồi nó cũng sẽ qua đi, trở thành kỷ niệm… khi những bạn trẻ lớn dần.

Riêng em, với những lo lắng đáng yêu, chính đáng cho tiếng Việt của chúng ta, cô tin em sẽ là người biết giữ gìn, trân trọng vẻ đẹp của tiếng Việt. Đọc nhiều để nhận ra những “code” thú vị của từng nhà văn, và để sử dụng từ vựng thật linh hoạt trong từng ngữ cảnh, em nhé!

Cảm ơn em về một câu hỏi hay!

Thân mến,

Cô Thuỵ Anh.

About admin2

Scroll To Top