Home / Giới thiệu sách / Buổi đọc sách / Hà Nội có “hội” đọc sách cùng con… Rất hay!

Hà Nội có “hội” đọc sách cùng con… Rất hay!

Bố mẹ học được rất nhiều kỹ năng kể chuyện cho con, giúp con yêu thích sách và tự tin hơn trong giao tiếp. Còn các bé thì rất thích thú vì được tham gia nhiều trò chơi thú vị.

Đó là buổi offline của CLB Đọc sách cùng con do TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh chủ trì. Chủ đề của buổi offline dành cho các bé từ 1,5 tuổi – 3 tuổi là Người kể chuyện cổ tích bằng các ngón tay.

Mở đầu buổi offline, cả nhà mình cùng bắt chước tiếng kêu và hành động của con vịt kêu quàng quạc để hâm nóng không khí nhé!

Hôm nay, cô Nguyễn Thụy Anh đã kể cho các con nghe câu chuyện cổ của Nga có biến tấu về chiếc bánh mỳ tên là Kalabok thơm phưng phức. “Có hai ông bà già sống cùng nhau, một hôm bà nói với ông muốn ăn một cái bánh mỳ Kalabok. Ông đã nhào bột mỳ và nướng cho bà một cái bánh mỳ tròn và thơm phưng phức. Khi ông lấy ở trong lò ra, bánh mỳ rất nóng, chưa thể ăn ngay được, nên đặt lên một cái đĩa trên bàn. Bánh mỳ liền lăn khỏi bàn và bắt đầu cuộc phiêu lưu của mình.”

Trên đường đi, Kalabok gặp rất nhiều các con vật, con nào nhìn thấy chiếc bánh cũng đều muốn ăn, nhưng Kalabok lăn rất nhanh nên không có con vật nào có thể ăn được nó. Mỗi bạn nhỏ sẽ được thử làm bánh mỳ Kalabok lăn nhanh, lăn nhanh và gặp thỏ, gặp cáo, gặp sói, gặp hổ… do các thành viên trong câu lạc bộ đóng vai. Các con vừa  nghe kể chuyện, vừa đóng vai, vừa cùng nhau vỗ tay hát to bài hát: “Tôi là Kalabok. Tôi là bánh rán thơm ngon. Không ai ăn được tôi vì tôi lăn nhanh nhất nhà”.

Cuối cùng Kalabok gặp một chú cáo gian khôn đã dùng lời đường mật dụ dỗ Kalabok nhảy lên mõn của nó và thế là… alahấp bánh rơi vào bụng cáo… Tiếp đó, chú Khúc Hải Vân kể về công cuộc đi cứu bạn của cái đĩa. Nội dung của câu chuyện được thể hiện rất sinh động qua lời nói, động tác và sự tương tác giữa người kể và những khán giả tí hơn. Kết thúc câu chuyện, các bạn nhỏ cùng được nếm thử chiếc bánh Kalabok ngon, thơm phưng phức ấy. Bé nào cũng rất thích thú và háo hức. Các bé còn giơ tay xin hát cho các bạn và các cô chú nhiều bài hát đã học ở trường.

Tiếp theo,  TS Nguyễn Thụy Anh dạy các con một số ngôn ngữ bằng ngón tay: cách nghe điện thoại thế nào, cách nói Number 1, hết mất rồi…

Cuối cùng các bé cùng tham gia trò chơi xếp lâu đài bằng những chiếc cốc giấy. Ai xếp nhanh, đẹp và cao nhất nào?

TS Nguyễn Thụy Anh cũng chia sẻ với các bố mẹ cách tự làm sách cho con. Đơn giản lắm! Chỉ cần có những tờ giấy bìa màu, hình ảnh, bố mẹ có thể tự sáng tác những câu chuyện mà con là nhân vật chính, xung quanh là ông bà, bố mẹ, các bạn, anh chị em, các đồ vật thân thiết trong gia đình. Bố mẹ muốn dạy con điều gì, hãy thể hiện qua câu chuyện của mình. Điều này khiến các bé rất thích thú và “dễ ngấm”, nghe lời dạy của bố mẹ. Chị cũng đưa ra một ví dụ cụ thể. Chị đã tự tay làm cuốn sách Bạn thân, để dạy cho con trai mình phải biết yêu quý các bạn, các anh chị em trong nhà với những lời thơ mẹ tự biên: “Đây là anh bes. Rất hay lè nhè. Nhưng mà cu Dế. Rất là yêu anh. Đừng hét to nhé. Anh sẽ giật mình. Đừng chạy huỳnh huỵch. Anh sợ thì sao?”

Theo TS Nguyễn Thụy Anh cho biết: “Lứa tuổi hoạt động từ 1,5 – 3 tuổi rất ham hoạt động và học hỏi. Những buổi offline này sẽ giúp các mẹ có phương pháp tương tác kể chuyện cho con nghe, nghĩ ra các trò chơi để con thích chơi, giúp con năng động và thông minh hơn.

CLB Đọc sách cùng con sẽ tổ chức các buổi thảo luận với các mẹ về vấn đề dinh dưỡng, tâm lý của trẻ con. Tôi sẽ chia sẻ với tư cách là một tiến sỹ giáo dục học và là một phụ huynh nữa. Tôi có rất nhiều sai lầm trong việc dạy cháu. Những sai lầm đấy cùng chia sẻ với các bố mẹ, bố mẹ sẽ tìm thấy cách dạy nào hợp với con nhất.

Tôi không kỳ vọng nhiều dạy con phải thế này, thế kia. Các bố mẹ cũng nên như thế và phải cảm thấy hạnh phúc khi cùng con chơi với con hoặc khi nuôi dạy con. Như thế, các con lớn lên sẽ cảm thấy mình được quan tâm vì bây giờ các bố mẹ khá là bận”.

Mẹ Như Quỳnh, mẹ của các bé Chippa và Pippa bật mí: “Con gái nhỏ 3,5 tuổi của tôi, suốt dọc đường về và đến tận 11h vẫn chưa chịu ngủ và cứ hát đi hát lại bài hát: Tôi là Kalabok, không ai ăn được tôi vì tôi lăn nhanh nhất nhà. Và cháu nằng nặc bắt tôi phải đọc truyện cho cháu, cháu mới chịu đi ngủ.

Buổi offline thực sự thành công vì đạt được mục đích của mình (các cháu bé trở nên quan tâm tới sách) và chắc chắn những buổi offline tới, nếu biết, các cháu sẽ nằng nặc bắt bố mẹ mình dẫn đến lần nữa và lần nữa…  Với những sự kiện như thế này, trên cương vị là phụ huynh tôi sẵn lòng trả tiền để cho các cháu tham gia”.

Với nhóm tuổi từ 1,5 đến 3,5: “Người kể chuyện cổ tích”: Giúp bố mẹ kể chuyện cho con nghe một cách linh hoạt, không nhất thiết phải theo một khuôn mẫu cứng nhắc của những câu chuyện chúng ta đã biết. “Lắng nghe và hiểu nhau”: Các chuyên gia tâm lý và cố vấn của CLB chia sẻ với các bố mẹ những trò chơi với bé, tạo sự gần gũi và thấu hiểu lẫn nhau giữa bố mẹ và con – các phụ huynh-thành viên chia sẻ các cách đọc sách hiệu quả cùng bé.

Với nhóm tuổi từ 4 đến 6 “Nhân vật em yêu thích”. Ở lứa tuổi này, bé đã có thể đọc sách một cách chủ động, dù bé chưa biết đọc. Bố mẹ ủng hộ và phát triển trí tưởng tượng, tư duy logic của trẻ.

Với nhóm tuổi từ 7 trở lên “Phóng viên nhỏ tuổi”: Các bé sẽ được làm quen với nghề báo – báo giấy, báo ảnh, báo hình – và được thực tập – tác nghiệp trên những “đạo cụ” thật và “sản phẩm” cuối cùng sẽ đến được với bạn đọc nhí, nhằm khơi gợi niềm hứng thú cho trẻ khi tiếp xúc với sách vở, báo chí, phục vụ tích cực cho việc học văn ở nhà trường. “Diễn giả nhỏ tuổi”: Các trò chơi và bài tập đem lại cho các em kỹ năng nói và hùng biện, kỹ năng lắng nghe câu hỏi và trả lời nhan.

Thu Hằng (Theo http://afamily.vn/)

 

About admin

Scroll To Top