Home / Tư vấn - Chia sẻ / Những Romeo và Juliete bé bỏng

Những Romeo và Juliete bé bỏng

Cu Tuấn học lớp 5, về nhà kể chuyện với mẹ:
– Thằng Bình thích cái Hương mẹ ạ. Con biết vì sao rồi, vì cái Hương là lớp trưởng, trông cũng xinh…
– Sao con biết?
– Con nghe thấy mà!
– Nghe thế nào?
– Nhá, thằng Bình bảo: “Hương cầm cái bút này mà dùng này. Bao giờ mất Bình lại cho mượn cái khác!”
– Thế mà là thích à?
– Vâng, vì nó chỉ cho mỗi cái Hương mượn bút thôi…
– Thế con có thích bạn nào không?
– Có… À, không… Không thích có bạn gái đâu!
– Thật không? Hôm nọ mẹ nghe thấy con nói chuyện với bạn gái nào ấy qua điện thoại, đến cả tiếng đồng hồ… Thế thì còn thời gian đâu mà học nữa chứ!
Tuấn đỏ mặt nói lảng… Ai biết được cậu bé đang có cảm giác yêu mến một cô bạn gái nào đó hơn hẳn các bạn khác trong lớp. Có thể lắm chứ!Những câu chuyện “tình” trong trẻo như thế, hẳn các bậc phụ huynh được nghe không hiếm. Cũng có nhiều người tỏ ra lo lắng, sợ trẻ con bây giờ biết “thích” sớm, sợ con ảnh hưởng đến học tập, sợ những hệ lụy to lớn đáng sợ khác nữa xung quanh những mối tình trẻ con này. Theo thông tin tôi được biết, có những “mối tình” trẻ con đi sâu vào sự khám phá cơ thể của nhau, ngay từ tuổi còn nhỏ ở tiểu học hay trung học cơ sở. Phải làm sao?“Đó không phải là điều xấu xa”Trước hết, phải xác định với nhau rằng, cảm giác yêu quý một bạn khác giới không phải là cảm xúc xấu xa. Ngược lại, đó là thứ cảm xúc rất “người” cần được nuôi dưỡng, ủng hộ. Thêm vào đó, đặc điểm sinh học về giới tính cũng đóng vai trò quan trọng. Một đứa trẻ bé tẹo vô thức cũng đã biết quấn quýt những người khác giới. Điều cha mẹ cần làm là phải khéo léo “định hướng” sao cho tình cảm yêu quý, cái sự “thích” ấy giữ được sự trong trẻo của nó, mang đến những hành động tích cực. Ví dụ, vì “thích” bạn mà con cố gắng thể hiện mình đàng hoàng hơn, ăn mặc sạch sẽ gọn gàng, học hành chỉn chu hơn… để tạo “hình ảnh” đẹp trong lòng của bạn.

Không bao giờ được cấm đoán

Bao giờ tôi cũng muốn nhấn mạnh việc chia sẻ của cha mẹ với con trong bất cứ vấn đề gì. Hãy tỏ ra là người bạn lớn của con bằng cách: lắng nghe, không vội khẳng định “sai, đúng”, không ngay lập tức lên lớp: “Con làm thế là chưa được, phải thế này…”. Riêng việc lắng nghe đã giúp bạn có được một kênh thông tin quan trọng và chính xác nhất là từ con của mình, không cần phải “dò la nghe ngóng” qua những người khác.

Hãy nhớ lại những tình cảm mình cũng từng có thời thơ ấu để có thể thông cảm cho con. Những rung động của con người có thể có từ rất sớm. Bạn hãy kể cho con nghe về những người bạn khác giới của mình ngày bé. Người này thân, người kia mình quý quý, người khác thì luôn cho mình mượn vở, có người còn luôn chia cho mình mấy quả bàng quả phượng ngon nhất..v..v.. Qua những câu chuyện, khéo léo gài lời khuyên của cha mẹ. Chẳng hạn: “Biết cô ấy thích đọc truyện, bố toàn cho cô ấy mượn truyện, rồi mượn cả truyện của người khác cho cô ấy mượn. Đâm ra bố lại đọc được nhiều nên hai người nói chuyện với nhau vui, thích lắm”… nghĩa là bảo con, muốn có được tình cảm quý mến từ phía “đối phương”, con cũng phải “nỗ lực” để tạo ra nét riêng của mình, nhất là về cách sống, về kiến thức…

Hãy tư vấn cho con nếu con hỏi “tặng bạn quà gì ngày sinh nhật”, hay nếu có hiểu nhầm gì đó thì giải quyết ra sao. Hãy là “quân sư”, là người gỡ rối chứ không phải là người canh chừng tâm lý của con.
Đặc biệt, không bao giờ cấm đoán. Phàm cái gì bị cấm là dễ rơi vào sự “hoạt động bí mật”, giấu giấu diếm diếm, rồi dễ biến tướng thành những điều không hay mà bố mẹ vì “lường trước” quá sớm đã thẳng tay cấm đoán. Bạn có thể “xui”con mời người bạn nó thích về nhà vào dịp thuận tiện như sinh nhật hay ngày trung thu chẳng hạn. Kín đáo quan sát “hai đứa” để có được những kết luận đúng về tình cảm của bọn trẻ mà điều chỉnh kịp thời. Tôi vẫn tin ở khía cạnh tích cực của điều này.

Không bao giờ được giễu cợt

Có khách, bố mẹ kể đùa: “Bé thế mà cháu có bạn gái rồi đấy bác nhé. Ối giời, nào là gấp chim hạc tặng bạn, nào là để dành tiền mua hoa hôm 8-3, “loãng mạn” lắm nhé!”
Một trăm ngàn lần không nên! Thứ nhất, đây là câu chuyện “riêng tư” con đã tâm sự với bạn. Hãy coi đó như bí mật riêng của con và bạn. Thứ hai, kiểu đùa cợt như thế dễ cho con một cảm giác tiêu cực. Dần dà, chính đứa trẻ cũng tự thấy tình cảm của mình là tầm thường, vớ vẩn. Khi lớn lên, rất có thể con bạn sẽ có những quan niệm tiêu cực hoặc coi thường tình yêu.

Cũng không nên gán ghép

Nhiều cha mẹ hay gán cho con những người bạn khác giới. Có khi thấy con chỉ tỏ ra hơi quan tâm một chút thôi, hay bọn chúng thích chơi với nhau, thế là hai bên cha mẹ vào hùa, nói thằng nhà tôi thích con nhà bà, gọi nhau là thông gia, gọi con dâu con rể… Vẫn biết là đùa, nhưng chưa chắc với đứa trẻ, đó là những câu chuyện đùa có lợi. Nhiều trường hợp, giữa bọn trẻ xuất hiện một barie lớn không còn tự nhiên được với nhau nữa. Vô hình trung, bạn đã làm mất đi ở con những hồn nhiên mà tuổi con vẫn có.

Tăng cường hoạt động thể chất

Hướng cho con hoạt động thể thao, nâng cao thể chất. Những hoạt động cơ học lành mạnh sẽ đem đến cho con những cảm xúc lành mạnh, giảm thiểu thời gian “nhàn cư” có thể xem phim đọc truyện không đúng lứa tuổi, dẫn đến những hiện tượng tiêu cực tôi đã nói ở trên.

Không quan trọng hóa vấn đề,

Thích, rung động… ở tuổi nhỏ cũng thường chỉ xảy ra nhất thời, trong một thời gian nhất định. Bạn không nên hốt hoảng, thấy vấn đề yêu đương quá nghiêm trọng (thậm chí tôi cũng không gọi đó là yêu đương!), và đặc biệt, phải biết chế ngự cảm xúc, không để lộ sự lo lắng đó của bạn với con. Bình tĩnh theo dõi, giữ trong nóng ngoài … mát. Thái độ của bạn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con. Bạn bình tĩnh, con cũng sống thoải mái và bình tâm. Bạn lo lắng, con sẽ bất an với tình cảm non nớt của mình. Điều đó gây hại lớn về mặt tinh thần mà ngay lập tức ta chưa cảm thấy được.
Và cuối cùng, hãy coi đó là một tình cảm cần thiết của con người và vui mừng vì con bạn đã có được nó trong tim

Biết yêu quý một người, thấy điểm tốt của người đó, muốn quan tâm đến người ấy hơn, độ lượng với những khuyết điểm của người đó, giúp đỡ người ấy trong hoạn nạn… đó chẳng phải là cách sống đẹp và tích cực hay sao! Hãy trân trọng tình cảm này, và hãy hiểu rằng, con bạn đang phát triển đúng.

Những Romeo và Juliete tí hon có thể sẽ quên nhau rất nhanh, nhưng những tình cảm chúng trải qua lại lưu lại trong tâm hồn, làm nên giá trị tinh thần của mỗi người mà ta không biết.

Cha mẹ, thày cô, người lớn… hãy giúp các em có những nền tảng cảm xúc tốt để đón nhận tình yêu đích thực sau này trong cuộc đời.

Xin gửi thêm vào đây một bài thơ dễ thương của nhà thơ thiếu nhi Nga Sergei Mikhalkov về tình bạn của trẻ thơ

TÌNH BẠN 
(Sergei Mikhalkov)
Hai đứa chơi với nhau
Cậu bé và cô bé

Như người bạn đồng hành
Như người quen thân thuộc
Cậu thường đưa cô về
Tận cổng nhà chiều muộn

Cả ra sân vận động
Cậu thường cùng cô đi
Nhưng nào nghĩ điều gì
Như người ta vẫn chế!

Cha mẹ cũng thiển cận
Nói những lời linh tinh
“Cái Tanhia nhà mình
Đã có bồ rồi nhé!”

Mở cửa cho cậu bé
Hàng xóm cứ cười cười:
“Đến tìm cô dâu hả
Đi vắng rồi, Phêđia!”

Ngay ở trường cũng vậy
Đôi lúc nghe xì xào:
“Ôi, đoàn đội tào lao
Bạn bè gì ngữ ấy!”

Cứ mỗi lần họ thấy
Hai đứa đi với nhau
Là hi hí đằng sau:
“Xếp hàng chờ đám cưới!”

Hai đứa chơi với nhau
Cậu bé và cô bé.

Yêu đương chưa nghĩ tới
Cũng chẳng ngờ bị trêu
Cậu bé buồn rất nhiều
Bị gọi “thằng tán gái”

Rất trong sáng, công khai
Tình bạn xưa chân thật
Nay hết rồi! Đã mất!
Tình bạn xưa chết rồi!

Chết vì biết bao người
Xấu xa và ngu ngốc
Những câu đùa ác độc
Những dị nghị tầm thường
Ôi tình bạn đáng thương!
(TA dịch)

TSGD Nguyễn Thụy Anh (05/2009)

About admin2

Scroll To Top