Home / Giới thiệu sách / Quân khu Nam Đồng – Sự hồn nhiên đáng yêu giữa chiến tranh khốc liệt

Quân khu Nam Đồng – Sự hồn nhiên đáng yêu giữa chiến tranh khốc liệt

Lúc nghe tin có một cuốn sách tựa “Quân khu Nam Đồng” vừa xuất bản, tôi tuyệt nhiên thích thú. Cái thích thú ấy xuất phát từ cái lẽ ham đọc sách của một người trẻ tuổi. Cái thích thú ấy cũng xuất phát từ cái lẽ tôi đã từng sống ở Nam Đồng chứ đâu. Cái thích thú ấy còn xuất phát từ cái lẽ nhà tôi là một “lò” bộ đội, nên cứ thấy tác phẩm nào dính dáng đến bộ đội là tôi khoái. 

Ấy vậy mà đến tận mấy hôm trước (lấy lý do bận bịu này nọ thì quá là điều hiển nhiên, ai trong cuộc sống bộn bề này mà chả bận, nên hơi có chút mắc cỡ với chính mình) tôi mới cầm được trên tay “Quân khu Nam Đồng”. Rất ít khi tôi đọc sách mà bật cười to lên như vậy, hoặc là tủm tỉm, hoặc là thầm trong bụng, thế nhưng với truyện này thì khác, càng đọc thì những tràng cười càng nhiều.

Điều khiến tôi đặc biệt ấn tượng là, ngược lại so với hình dung ban đầu của tôi khi nghe tựa sách, “Quân khu Nam Đồng” không mô tả về cuộc chiến tranh khốc liệt, rất ít nhắc đến bom đạn, không nói nhiều về tiền tuyến khói lửa, mà nói về hậu phương vững chắc. Ở khu gia binh Nam Đồng ấy, các cô cậu học trò – những người mà bậc cha chú đều đang làm nhiệm vụ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thiêng liêng, trong những tháng năm đầy đau thương nhưng vô cùng hào hùng ấy, đã sống trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình đầy hồn nhiên, vô tư và trong sáng.

Quả là “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”! Dù cho ở thời điểm nào đi chăng nữa thì cứ đã là học sinh là phải “quẩy tới bến” như vậy. Những trò nghịch ngợm, chọc phá trên lớp; những trò chơi quậy tưng ở nhà; những rung động non nớt đầu đời và dang dở. Còn cả những lầm lỗi, khi “tẩy chay quá đáng” thầy giáo để rồi phải hối hận, khi đánh nhau để rồi phải trả giá cho những lầm lỗi. Tất cả đều hiện lên trước mắt người đọc một cách tự nhiên nhất. Dường như tất cả đều là điều “không thể tránh khỏi” trong quá trình lớn lên của một con người: “Mỗi lần ngã là một lần bớt dại. Để thêm khôn một chút nữa trong người” (Dậy mà đi!, Tố Hữu). Trong quá trình lớn lên của một dân tộc còn có những vấp ngã, huống hồ là một con người.

Đọc “Quân khu Nam Đồng” tôi còn một ấn tượng nữa. Đó là chiến tranh hiện lên rất đỗi bình thường. Dường như với một đất nước trường kỳ kháng chiến, những người con của mảnh đất ấy cũng học cách thích nghi nhanh nhất với “cái sự bất thường” – chiến tranh. Chi tiết Hoà nghe thấy tiếng còi báo động Mỹ ném bom B52 nhưng cũng không buồn chui xuống hầm, hay cả nhóm nán lại chơi Nô-en mà chưa đi sơ tán đều là những đặc tả cho thấy sự hồn nhiên việc-gì-mà-phải-sợ của con người giữa bom rơi đạn lạc. Đó là điều đặc biệt đáng quý, bởi không chỉ cho ta thấy sự kiên cường, mà còn là sự lạc quan, là tính “dễ thích nghi” của một thế hệ.

 “Quân khu Nam Đồng” viết về những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhưng khi đọc ta vẫn thấy rất gần gũi, rất thật chính là bởi nó toát lên những bài học cuộc sống chưa-bao-giờ-lỗi-thời như vậy.

Hiếu Nguyễn

About admin2

Scroll To Top