Home / Tin Tức / “Sợi chỉ” kết nối văn học Nga

“Sợi chỉ” kết nối văn học Nga

Cuộc gặp gỡ tại Việt Nam của nhà văn thiếu nhi Albert Likhanov đã trở thành khởi điểm cho giải thưởng văn chương Nga danh giá “Ngôn từ – sợi chỉ kết nối” 2018 của dịch giả Nguyễn Thụy Anh. Cuộc trò chuyện với chị gợi nhiều suy ngẫm về câu chuyện dịch thuật và con đường kết nối hai dân tộc thông qua ngôn từ.

Những nét đẹp lấp lánh

– Một nước Nga của riêng Nguyễn Thụy Anh sẽ mang hình dáng thế nào?

– Đó là hình dáng của 17 năm tuổi trẻ, là quãng đời mà cả nỗi buồn lẫn đau khổ đều rất lộng lẫy. Nước Nga nuôi dưỡng tâm hồn tôi khi tuổi trẻ bắt đầu nở rộ. Thiên nhiên Nga ngấm vào mỗi con người lòng nhân hậu, thơm thảo, phóng khoáng. Từ đó nuôi dưỡng những trang văn. Giờ nhìn lại, tôi vẫn thấy đó là thời gian hạnh phúc nhất cuộc đời tôi.

– Phải chăng, cảm xúc đó thôi thúc chị hoàn thành cuốn sách “Olga Berggoltz của tôi”, để rồi trở thành dịch giả Việt Nam đầu tiên nhận giải “Ngôn từ – sợi chỉ gắn kết”của Hội Nhà văn Nga?

– Việc dịch tác phẩm chỉ diễn ra 2 năm, nhưng tôi đã có nhiều năm đọc, tìm hiểu các ghi chép, nhật ký của tác giả, có thể nói “trưởng thành” cùng tác giả. Bắt tay vào dịch, không ai nghĩ làm vì giải thưởng, chỉ có sự rung động mạnh mẽ: Không thể không làm, không thể không giới thiệu với độc giả. Còn giải thưởng sau này thật sự đáng quý – là cơ duyên, sự may mắn ấm áp mà có thể chính Olga Berggoltz đã trao cho tôi như thấu hiểu tình yêu mạnh mẽ tôi dành cho bà.

Riêng cuốn “Olga Berggoltz của tôi” (NXB Trẻ, 2010), tôi nhận được ba giải thưởng: Giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Hà Nội 2011; giải thưởng của Quỹ Trẻ em Nga năm 2017 và giải “Ngôn từ – sợi chỉ kết nối” của Hội Nhà văn Nga và Quỹ “Con đường sống” 2018. Nhưng sự đón nhận và yêu mến của độc giả đối với cuốn sách mới là phần thưởng to lớn cho dịch giả! Tôi nhớ tháng 3.2011, trong Hội sách ở TP Hồ Chí Minh, cuốn sách được đưa vào diện… sách hiếm vì đã được mua hết. Điều này khiến tôi thấy hạnh phúc và rất thú vị, vì trước đó không ai nghĩ một tác phẩm thơ của tác giả “cũ” lại được quan tâm đến thế.

anh soi chi ket noi van hoc nga

– Nhiều độc giả thắc mắc họ sẽ nhận được gì từ các tác phẩm văn học Nga…?

– Trước đây ta hay nói với nhau văn học Nga, đặc biệt văn học Xô Viết mang đến cho độc giả giá trị nhân bản, nhân văn. Nhưng nếu khai thác di sản văn học Nga thì còn rất nhiều nét đẹp lấp lánh chưa được biết hết hoặc thậm chí có thể thấy, ta mới tiếp cận được một góc rất nhỏ thôi.

Tạo “không khí” mới

– Chị chia sẻ mình nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Nga là một cơ duyên…?

– Năm ngoái, tôi may mắn gặp nhà văn Albert Likhanov khi ông sang Việt Nam. Ông đã giới thiệu với Hội Nhà văn Nga về sự lao động hiện nay của các dịch giả Việt Nam, trong đó có tôi. Được trao giải “Ngôn từ – sợi chỉ kết nối”, tôi nghĩ nhiều hơn về công việc của mình. Giải thưởng cũng là thông điệp với các dịch giả trẻ rằng họ sẽ được quan tâm hơn, cũng vì thế cần chuyên nghiệp hơn trong hoạt động dịch thuật để có sức lan tỏa hơn nữa, tự tạo cơ hội làm được nhiều hơn cho văn học Nga, cho độc giả.

– Nhưng thưa chị, đội ngũ dịch văn học Nga là vấn đề trăn trở lâu nay?

– Tôi sẽ không bi quan hay lạc quan trong câu chuyện này. Cùng với sự thay đổi của đời sống chính trị xã hội, nhiều người không chọn học tiếng Nga nữa, vì thế đội ngũ dịch thuật tiếp bước các bậc cha chú đương nhiên có giảm đi. Nhưng tôi biết vẫn còn rất nhiều người yêu nước Nga, yêu văn học Nga và đang làm việc vì tình yêu ấy. Làm sao lôi cuốn họ đạt tới sự chuyên nghiệp để giới thiệu mạnh mẽ di sản văn học Nga tới thế hệ độc giả mới Việt Nam? Tôi nghĩ giải pháp có nhiều: Giải thưởng; cơ hội giao lưu với nhà văn Nga, tạo không khí cho người dịch được đắm chìm trong không gian văn hóa Nga và tiếp cận những sáng tác mới. GS. Tachiana Philimonova, một trong số ít nhà nghiên cứu văn học Việt Nam người Nga, hàng năm tự bỏ tiền sang Việt Nam, âm thầm đọc, sống với đời sống ngày thường của người Việt, tìm gặp nhà văn trao đổi, trò chuyện. Người dịch trẻ Việt Nam cần có cách tiếp cận như thế. Các hội đoàn, quỹ văn hóa rất nên hỗ trợ họ trong việc này.

– Vậy đâu là cơ hội của văn học Nga trong bức tranh chung của văn học nước ngoài tại Việt Nam?

– Những năm 1970, 1980, văn học Nga nở rộ, phần dịch văn học Nga chiếm thị phần rất lớn. Thời ấy, văn học cũng đi liền các vấn đề chính trị, xã hội. Ngày nay, văn học Nga lại có cơ hội lớn hơn trong tương quan “cạnh tranh” với các “món ăn tinh thần” đến từ nền văn hóa, văn học khác. Một thế hệ độc giả trẻ Việt Nam năng động, có nhiều nguồn thông tin và độ mở tri thức, họ sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ tác phẩm nào của các thời kỳ, miễn sao bản dịch chạm được bản chất, cái thần của tác giả.

dich gia thuy anh dai su

Nhà văn I. Smolkin trao giải thưởng “Ngôn từ – Sợi chỉ kết nối” cho dịch giả Nguyễn Thụy Anh

– Xem ra cần nhìn xa hơn về con đường kết nối văn học Nga với độc giả Việt?

– Tôi nghĩ cần giới thiệu với công chúng mới, chứ không chỉ hướng tới những người vốn đã yêu và gắn bó với văn học Nga, đặc biệt là chuẩn bị cho “thế hệ độc giả mới” là các bạn đọc nhỏ tuổi tâm thế đến với những tác giả Nga. Người làm sách cần tham khảo thêm ý kiến các nhà nghiên cứu văn học Nga và có động thái tập hợp, khuyến khích dịch giả văn học Nga đang làm việc theo cách nhỏ lẻ, cá nhân.

Không người dịch văn học Nga nào ở Việt Nam lại đặt tiêu chí thương mại lên hàng đầu. Tuy nhiên, một thực tế là đã dịch thì phải được in. Các nhà xuất bản không thể không đặt ra tiêu chí về hiệu quả kinh tế: Sách có bán được không? Vì thế có một vòng luẩn quẩn cho người dịch, người làm sách. Tôi nghĩ, cần sự hỗ trợ của các quỹ văn hóa, dịch thuật tổ chức quảng bá tác phẩm văn học Nga chuyên nghiệp để tác phẩm đến công chúng. Cũng cần khuyến khích, hỗ trợ các nhà xuất bản, công ty làm sách. Khi họ vào cuộc, độc giả mới có nhiều cơ hội “gặp gỡ” các tác giả Nga, hay nói cách khác, văn học Nga mới có nhiều cơ hội có thêm người đọc mới của mình!

– Xin cảm ơn chị!

“Tiêu chí chọn sách dịch hiện nay phải đa dạng, lạ và quen. Lạ là những tác phẩm, tác giả chưa được giới thiệu hoặc góc cạnh nào đó chưa được biết đến từ trước tới nay. Diện mạo văn chương của một tác giả như viên kim cương nhiều mặt, là cơ hội khai thác của dịch giả và độc giả. “Quen” là những giá trị văn hoá tinh thần gần gũi với người Việt, dễ khiến người ta rung động, chia sẻ được. Cuối cùng vẫn là hay”.

Dịch giả Thụy Anh

Lê Thư thực hiện (Theo báo đại biểu dân nhân)

About admin2

Scroll To Top