Home / Tư vấn - Chia sẻ / Tại sao cứ phải đi du học?

Tại sao cứ phải đi du học?

Cháu chào cô Thuỵ Anh. Cháu biết chuyên mục Tư vấn tuổi hồng đã lâu và đã đọc nhiều bài tư vấn của cô, qua đó cháu rút ra cho mình được nhiều điều, trong đó đặc biệt phải kể đến là cháu đã vượt qua được cuộc “chiến tranh lạnh” với bố mẹ khi định hướng nghề nghiệp trong tương lai cho cháu. Giờ thì cháu đã quyết định sẽ đi du học sau khi học hết THPT. Tuy nhiên, thật tình cháu vẫn không thật sự thoải mái, nhất là khi bố mẹ cứ một mực bắt cháu đi du học. Cháu thấy nhiều bạn học ở Việt Nam cũng rất thành đạt cơ mà. Dù đã quyết định, nhưng thật sự trong cháu vẫn đang tồn tại một câu hỏi lớn: Tại sao cứ phải đi du học?

Cháu rất mong cô giải đáp câu hỏi trên ạ.

Cháu cảm ơn cô ạ.

Nguyễn Phương Anh (Lớp 11V – THPT Vinschool – Time City – Minh Khai – Hà Nội)

—————————————–

Phương Anh thân mến,

Không nhiều bạn trẻ đặt ra câu hỏi như cháu, vì dường như lâu nay, người ta nghiễm nhiên mặc định, ngoại thì tốt hơn nội, Tây thì hay hơn Ta, vì thế mà, ai cũng nghĩ, du học luôn là phương án tối ưu cho một người trẻ nếu gia đình có điều kiện. Thậm chí, có những trường hợp bố mẹ vất vả, cố gắng nai lưng làm lụng kiếm tiền để con thực hiện ước mơ bay nhảy của mình! Cô còn biết, có những người mẹ còn bay qua bay lại liên tục để hỗ trợ con trong sinh hoạt hàng ngày bởi đứa con chưa từng phải tự xoay sở, cơm nước bao giờ!

Bố mẹ sẵn sàng hy sinh và chấp nhận mọi giá vì con. Vì sao? Vì sao con họ không lựa chọn ở lại mà lại ra đi? Vì sao bố mẹ họ lại chăm chăm muốn rời xa con? Thế nào là phương án tối ưu cho đứa con còn chưa hoàn toàn tự lập?… Có thật nhiều câu hỏi rối bời khi bàn đến việc này. Cô nghĩ, các bậc cha mẹ cũng đã phải suy nghĩ nhiều lắm trước khi ra quyết định…

Phương Anh à,

Cô thử cùng em liệt kê một số cái được và không được của việc đi du học để mình dựa vào đó mà cân nhắc nhé!

Được:

  • Bay nhảy, có vẻ tự do, tự lập, sẽ trưởng thành hơn;
  • Được hưởng nền giáo dục hiện đại, tiến bộ;
  • Mở rộng tầm mắt, có thêm nhiều cơ hội giao lưu, học tập;
  • Ngành nghề nào em theo đuổi cũng có thể có cơ hội học sâu hơn và trau dồi kỹ năng tốt;
  • Có cơ hội tiếp cận thông tin mở và các nguồn tư liệu dồi dào trong các bảo tàng, thư viện, triển lãm, các cơ quan lưu trữ dữ liệu;
  • Bằng tốt nghiệp đại học bên Tây thường “có giá” hơn so với bằng Việt! Nếu về nước làm việc, tấm bằng ấy chắc chắn sẽ giúp em vượt qua nhiều đối thủ!

Thử thách:

  • Xa gia đình, cảm giác cô đơn;
  • Đôi khi có những người bị shock văn hoá, dễ bị thất vọng, chán nản, khó hoà nhập, thậm chí có người rơi vào trạng thái trầm cảm, không học được, phải về nước;
  • Một mình nơi đất khách, phải chủ động trong ứng xử, phải đối mặt với mọi vấn đề, tự mình xử lý mọi tình huống trong cuộc sống và các mối quan hệ xã hội;
  • Tốn một khoản tiền lớn.

Có thể, bố mẹ em cũng đã băn khoăn nhiều trước khi đi đến quyết định cho con rời xa mình, chắn chắn là họ nghĩ và làm theo câu: “ Vì tương lai con em chúng ta!” Vì thế, em hãy xin bố mẹ một buổi trao đổi thẳng thắn những gì khiến em lo lắng. Cô tin, sự cởi mở, lễ phép, cầu tiến sẽ giúp em có được sự lắng nghe của bố mẹ… Cứ cùng bố mẹ thảo luận, phản biện từng mục một – chúng ta sẽ thấy rõ hơn lời đáp.

anh tai sao phai du hoc

Du học có phải con đường duy nhất? (ảnh: internet)

Tuỳ vào nghề nghiệp em chọn, ta sẽ biết, quốc gia nào có đơn vị đào tạo tốt nhất; tình hình “cung-cầu” của ngành nghề ấy ở các nước thế nào; bố mẹ sẽ tốn bao nhiêu tiền cho em trong từng ấy năm học và liệu như thế có quá sức với gia đình mình không; em có thể làm thêm để phụ giúp bố mẹ hoặc có cách nào xin học bổng để đỡ chi phí chăng… Ta cũng nên nghĩ đến “đầu ra” nữa – em tưởng tượng mình muốn làm việc ở đâu? Việt Nam hay nước ngoài?… Có biết bao nhiêu điều cần làm rõ, hỏi-đáp, chia sẻ, nghe phản hồi. Và qua đó, cũng có biết bao hoang mang, rối bời được tháo gỡ. Cô nghĩ, không bao giờ là chỉ có một con đường duy nhất để học tập, vào đời. Chẳng hạn, học đại học trong nước rồi mới đi nước ngoài học thạc sĩ – cũng có thể là một lựa chọn hay!

Em thấy đấy, tất cả chỉ là sự lựa chọn của mình. Nhưng để chọn đúng, em cũng cần có thông tin đa chiều và đầy dủ. Em hãy hỏi thêm ý kiến của các anh chị đi trước, chắc chắn, họ sẽ chia sẻ được nhiều với em! Ngoài ra, thông tin trên mạng cũng có thể tham khảo…

Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin, công nghệ, nên những gì em muốn biết không quá khó để tìm được!

Phương Anh thân mến,

Chúc em đưa ra được lựa chọn cho mình một cách bình tĩnh, sáng suốt, có tham khảo ý kiến của mọi người, nhé!

Chúc em thành công!

Cô Thuỵ Anh. (bài đã đăng trên tạp chí Văn học & Tuổi trẻ)

About admin2

Scroll To Top