Home / Tư vấn - Chia sẻ / Thưởng vì thương? Phạt vì ác?

Thưởng vì thương? Phạt vì ác?

Đôi khi, chúng ta thấy băn khoăn về hình thức thưởng phạt mà các bố mẹ có thể áp dụng với con cái. Một cậu bé cố gắng đạt điểm 10 để nhận… 50 nghìn đồng của bố, từ đó cứ có điểm cao là đòi tiền như đòi nợ! Một em bé bị phạt trong phòng tắm để suy nghĩ về việc làm của mình, và đêm về thì mơ hoảng, thức dậy nhiều lần trong nước mắt.

Ranh giới của việc thưởng phạt là ở đâu?

Thực ra, mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, mỗi gia đình là một cộng đồng không giống nhau, vì thế, việc thưởng thế nào, phạt ra sao là vừa đủ độ, công bằng, khiến trẻ tâm phục khẩu phục có thể rất khác nhau. Tuy nhiên, theo tôi, vẫn có nguyên tắc chung:

1.Xác định mục đích thưởng – phạt! Mục đích nào, phương pháp nấy.

  • Với thưởng, mục đích có thể là… “dụ” bằng một điều trẻ đang quan tâm để trẻ tiếp tục hành động. Trẻ thích chơi game, bố mẹ đồng ý cho chơi một tiếng nếu được điểm tốt hoặc giúp mẹ rửa bát. Trẻ cần gom tiền để mua một món đồ nào đó, bố mẹ thưởng tiền. Về bản chất, phương pháp này cũng tạo động lực cho trẻ hành động tuy có thể không bền vững vì mối quan tâm của trẻ có thể thay đổi liên tục. Bố mẹ có thể thay đổi hình thức thưởng “chạy đua” với điều trẻ cần. Tuy nhiên, rất có thể sẽ hình thành một phản xạ: có thưởng thì mới làm, trong khi chúng ta cần giúp trẻ nhận ra bộ giá trị quan trọng để các con có được những hành vi, thói quen, lối sống tích cực.

Tôi lựa chọn cho mục đích của việc thưởng trẻ một ý nghĩa sau: tạo cảm hứng cho trẻ, cảm giác tự hào về mình, hiểu được giá trị của bản thân thông qua sự đánh giá, quan tâm của người lớn, từ đó có động lực tiếp tục hành động. Phương pháp tương ứng: thưởng gì không quan trọng bằng thưởng thế nào! Quan sát và thật sự quan tâm đến việc làm của trẻ, chỉ ra sự tiến bộ, khen một cách chân thành và… cụ thể. Ví dụ, con được điểm 7 Toán, chưa cao, nhưng đã hơn điểm bài kiểm tra lần trước. Mẹ nhận xét: “Lần này con trình bày sáng sủa hơn hẳn. Tuy vẫn tính nhầm, nhưng chỉ cần con bình tĩnh một chút là bài sau chuẩn luôn!”.

“Giỏi lắm, tuyệt” chung chung sẽ không có hiệu quả cổ vũ bằng bố mẹ lưu ý những chi tiết mình quan sát được trong hành động của trẻ. Trẻ sẽ cảm thấy từng tiến bộ nhỏ của mình đều được để ý. Và đó là cách “phản hồi” tốt nhất.

Sau khi có phản hồi rồi thì việc “thưởng gì” không còn quá quan trọng nữa. Đôi khi chỉ là cái đập tay, ôm vai, bắt tay trịnh trọng khiến đứa trẻ thêm tự hào về bản thân. Cuối tháng, bố mẹ cùng con đi ăn McDonalds là món con thích hoặc đáp ứng một mong ước thầm kín nào đó của trẻ. Đó là phần thưởng cho những nỗ lực cả quá trình chứ không nhất thiết đo đếm từng buổi, từng việc…

  • Với việc phạt trẻ, cũng vẫn là sự lựa chọn mục đích. Vì muốn phạt để trẻ sợ mà ghi nhớ lỗi, không dám phạm lỗi nữa nên nhiều người lớn chọn hình phạt là trách mắng nặng lời, thậm chí dùng roi vọt. Một số phụ huynh phạt con bằng cách không cho tham gia những sự kiện, hoạt động trẻ đang mong đợi (không chơi game trong một tháng, không đi dã ngoại cùng bạn, không đi xem phim…). Trẻ sẽ cố gắng không phạm lỗi để “đảm bảo quyền lợi” của mình.

Tuy vậy, tôi vẫn muốn nhấn mạnh mục đích phạt trẻ là cho trẻ HIỂU rõ lỗi của mình, vì sao hành động đó lại là có lỗi? Nó ảnh hưởng đến ai và có hậu quả gì? Khi trẻ đã hiểu, người lớn hướng dẫn trẻ kỹ năng để làm tốt hơn, thống nhất cách hỗ trợ con tránh không phạm lỗi cũ. Giáo dục, nuôi dưỡng một con người không bao giờ nên bắt đầu từ nỗi sợ! Thêm nữa, trẻ… được quyền sai để rút kinh nghiệm, có trải nghiệm về cảm xúc lo lắng, ân hận thì lần sau mới không phạm lại lỗi cũ.

anh thuong vi thuong phat vi ac

Ảnh sưu tầm internet

2. Giữ đúng nguyên tắc đã thoả thuận

Dù thưởng, phạt theo cách nào cũng cần có sự thoả thuận từ trước. Bố mẹ và con thảo luận và đi đến thống nhất hình thức thưởng phạt. Khi đã thống nhất, phải giữ đúng nguyên tắc, không tặc lưỡi bỏ qua vì một lý do nào đó.

3. Tôn trọng và yêu thương

Thưởng và phạt một đứa trẻ, dù hình thức nào cũng phải thực hiện một cách bình tĩnh, cho trẻ thấy sự tôn trọng và tình yêu của mình với con. Thưởng cũng phải trò chuyện, khích lệ trước khi cho quà. Phạt thì càng phải thận trọng, không ra hình phạt lúc người lớn đang nóng, không kiểm soát được cảm xúc. Tuyệt đối không mắng nhiếc, xúc phạm trẻ. Vừa mắng mỏ vừa đưa ra hình phạt sẽ chỉ khiến trẻ hoảng sợ, mụ mị người, không đủ sức nhận thức được lỗi sai của mình.

Cho dù là bị phạt nhưng một cách thuyết phục và cảm nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của bố mẹ trong việc sửa lỗi của mình, chắc chắn về tình yêu của bố mẹ, trẻ vẫn có thái độ tích cực với hình phạt.

TSGD Nguyễn Thuỵ Anh (Bài đã đăng trên Tạp chí cầu vồng 04/2019)

About admin2

Scroll To Top