Home / Giới thiệu sách / Bố mẹ giới thiệu / Tôi thấy gì ở Totto-Chan, khi đã là mẹ?

Tôi thấy gì ở Totto-Chan, khi đã là mẹ?

Bài viết hưởng ứng cuộc thi “Cuốn sách ấu thơ của tôi” của bạn Vũ Thị Thúy Hà.

Tôi xin mạn phép cứ tự nhiên viết ra suy nghĩ của mình về quyển sách có ấn tượng rất lớn với tôi mặc dù thực sự đó không phải là cuốn sách tôi được đọc thời thơ ấu.

Tuổi thơ của tôi ở một vùng quê vắng lặng, có một chút khung cảnh đồng quê nhưng đúng ra chắc chỉ là những mảnh vườn chằng chịt không trù phú. Bố mẹ tôi tuy thuộc tầng lớp trí thức nhưng cuộc sống quanh năm cũng chẳng đủ ăn, đủ mặc, nói gì đến những quyển sách cho con! Người thân hay hàng xóm cũng không ai nói đến sách cho trẻ con cả. Đến bây giờ, tôi cảm nhận được sự thiệt thòi đó, tôi cảm thấy thiếu một phần văn chương, một phần lung linh tuổi thơ, một phần mơ mộng nào đó trong tâm hồn mình. Sách với tôi lúc bé chỉ là một khái niệm khô khan.

Một buổi chiều mùa hè, nóng oi ả, tôi mệt mỏi đối diện với 1 hàng loạt tên sách trên thư viện quốc gia, uể oải tìm kiếm sách chuyên ngành để ôn thi. Lúc này tôi đã là sinh viên năm thứ 4. Tôi phát hiện ra 1 cái tên sách nghe lạ lạ, rất lạ đối với tôi, mà tôi bảo sao lại đặt tên sách thế: “Totto-Chan, cô bé ngồi bên cửa sổ”. Bèn đọc thử.

 Totto-Chan, cô bé ngồi bên cửa sổ. Minh họa: Iwasaki Chihiro.

Có thể vì tôi rất yêu trẻ con và có vẻ cũng hợp với hầu hết các em bé bất kể lứa tuổi nào. Vì vậy, tôi đặc biệt thích thú với quyển sách này ngay từ những trang đầu. Ngày hôm đó, tôi như ở trong chính câu chuyện, trí tưởng tượng của tôi như hòa vào với em bé này, mà thực sự tôi còn nhớ khi tôi là trẻ con lắm lắm, tôi muốn được như Totto-Chan.

Cô bé hồn nhiên đứng bên ô cửa sổ lớp học để hòa mình với những chú chim, những người hát rong, cô bé thích thú vẽ tranh vượt ra khỏi khuôn khổ được quy định và chiếc bàn thú vị. Ôi, lớp học ngày xưa của tôi ở bên cạnh vườn chuối có những con sâu chuối to đùng, mà nhiều lần các bạn ngồi cạnh cửa sổ bị phạt vì ngắm ….. sâu. Cô bé trong truyện bị đuổi học.

Tôi thật có ấn tượng cực mạnh đến những chi tiết Totto-Chan thể hiện cá tính của mình, hay tôi cũng mong ước mình cũng hồn nhiên như thế để cảm nhận cuộc sống. Khi cô bé có thể kể những câu chuyện  của mình một cách vô tư, liên tục suốt một buổi sáng, khi cô bé hồi hộp mở hộp cơm trong buổi đầu tiên, khi cô bé đào cái hố phân để tìm chiếc ví, lúc cô chơi với người bạn khuyết tật, hay khi em chủ trì nhóm bếp dã chiến của mình…

Cảm xúc của tôi như cũng rung lên với những trải nghiệm của Totto-Chan trong những giờ học, trong buổi cắm trại, khi đi nghỉ ở suối khoáng, khi sợ ma, khi học làm ruộng. Tôi nghĩ những việc đấy với một đứa trẻ sao lại phong phú đến thế. Và tôi mơ ước.

Lúc đó tôi là một sinh viên, tôi thích thú với câu chuyện của em bé và lờ mờ định hình những suy nghĩ của mình về khung cảnh mà Tôttochan ở trong đó. Trường học, lớp học, thày giáo, nền giáo dục. Đó là xuất phát điểm khiến tôi có thêm nhiều quan sát về các em bé, về cách giáo dục con cái của các bố mẹ. Và quan trọng nhất đó là quan niệm về sách.

 Sau đó năm năm,  khi biết mình sắp có con, hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là hình ảnh Totto-Chan! Tôi đọc lại quyển sách này và có những suy nghĩ từ vị trí người mẹ. Sao lúc trước tôi thích thú với Totto-Chan thế, tôi muốn quay trở lại sự hồn nhiên, tôi muốn được thể hiện mình, tôi muốn được trải nghiệm như thế. Bây giờ thì tôi lại hệ thống lại những tư tưởng giáo dục cho bản thân và cho con mình. Lúc này tôi thích thú với từng hành động và suy nghĩ của cô bé, quan điểm của vị thày giáo đáng kính, phản ứng của người mẹ.

“Em thật là một cô bé ngoan! ”. Nếu nói về những lời khích lệ thì tôi có lẽ đã được nếm trải sự tiến bộ vượt bậc có lẽ quan trọng cực kỳ trong việc học hành của mình khi nhận được  sự động viên rất nhỏ của một người thầy giáo. Tôi cảm thấy hình như đó còn là bước ngoặt với bản thân mình, khi mà cả tuổi thơ lẫn tuổi trẻ, tôi nhận được vẻn vẹn 3 lời khích lệ tích cực. Tôi nhớ câu nói này của vị thày giáo xuyên suốt câu chuyện và nó như nguồn năng lượng giúp cô học trò tinh nghịch tự tin giải quyết các vấn đề của mình. Nó cũng như tạo ra một không gian tôn trọng đáng quý cho em bé trải nghiệm và học được nhiều điều.

Nếu như sự hồn nhiên tinh nghịch là những kỷ niệm đẹp với Totto-Chan cũng như tôi vẫn hay ôn lại những chuyện nghịch ngợm với các bạn thuở nhỏ hay thậm chí cả khi lớn, thì sự đồng cảm của người lớn như vai trò của tôi đang đọc sách lúc này sẽ làm cho các em nhỏ tự vẫy vùng và lớn lên trong tiếng cười, sự trân trọng và niềm hạnh phúc tuyệt vời.

Tôi cảm nhận rất rõ sự thay đổi trong cách quan tâm của mình với quyển sách mà theo tôi, ở cương vị người lớn hay những em nhỏ, thì câu chuyện thực tế này đều có giá trị nhất định. Một quyển sách khơi gợi cho bản thân tôi bao điều từ thích thú, hồi tưởng đến suy ngẫm. Câu chuyện theo tôi như một ấn tượng rất đẹp, bắt đầu trong tôi  một quan điểm giáo dục tích cực. Tôi hi vọng các con mình cũng thích nó.

Lời Ban tổ chức cuộc thi “Cuốn sách ấu thơ của tôi”:

Nếu các bạn biết thông tin về bản tiếng Việt của cuốn sách “Totto-Chan, cô bé ngồi bên cửa sổ” của tác giả Kuroyanagi Tetsuko, xin hãy chia sẻ cùng chúng tôi – gửi comment bằng cách nhấp chuột vào dòng chữ Liên hệ với chúng tôi phía dưới, bên trái. Xin cảm ơn rất nhiều. Bài viết dự thi xin gửi về docsachcungcon@gmail.com hoặc tapchimevabe@gmail.com

Xin vô cùng hoan nghênh các bạn hưởng ứng cuộc thi này.

Vũ Thị Thúy Hà

About DuongMy

Scroll To Top