Home / Giới thiệu sách / “Ba ơi, mình đi đâu?” – tặng vật của nỗi đau

“Ba ơi, mình đi đâu?” – tặng vật của nỗi đau

Một người cha phải đối mặt với “ngày tận thế” những hai lần, hai lần ông chiến đấu với sự thật, cậu con trai đầu lòng, rồi con trai kế tiếp, đều mắc chứng chậm phát triển thể chất và trí não. Những đứa trẻ không bình thường. Còn ông, không chỉ là một người cha.

Ông là nhà văn trào phúng bậc thầy của nước Pháp, Jean- Louis Fournier. Đối với thứ định mệnh tàn nhẫn trút lên bản thân và gia đình mình, người ta khó lòng giữ được nụ cười châm biếm như với sự lố bịch ngoài đời, cũng như không thể đơn giản phủ nhận nó chỉ bằng cách nhạo báng, hạ bệ. Ở tuổi 70, Fournier sống lại một lần nữa từng chi tiết, nỗi đau buồn và chấn động sâu xa, xảy đến trong suốt đời tư của mình.

Loại bỏ những miêu tả sự kiện, và có lẽ xa rời cả việc trần thuật cảm xúc thông thường, cuốn sách ngắn ngủi của Fournier sáng chói bởi vẻ đẹp của suy tưởng, của lòng chân thành, lòng tự chủ kiêu hãnh, và trên hết là sức mạnh bao dung.Điều mất mát mà nhà văn không hề bợn chút ý tứ che giấu, điều khiến ông hẫng hụt một cách sâu sắc nhất, là những cậu con trai bé bỏng của ông, vĩnh viễn không bao giờ chia sẻ được tình yêu tri thức của cha. Ông những muốn bao lần, tặng con trai Mathieu một bộ Tintin vào dịp Giáng sinh, nhưng rồi cay đắng tự nhủ, “chỉ vô ích” vì cậu bé vĩnh viễn không biết đọc. Như một ham muốn không được đáp ứng, ông vẫn mua cho Thomas, con trai thứ, những cuốn truyện tranh, bộ Signe de Piste, Alexandre Dumas, Jules Verne, Meaulnes vĩ đại, “và sau cùng, tại sao lại không chứ, là Proust”.

Điều không kém phần đau xót đối với người cha, còn là thể chất và hình dáng không toàn vẹn của các con mình. Làn da trong suốt tím nhợt như da của chim non trước lúc mọc lông, cử động run rẩy – hai chú chim non với bộ não chim bé bỏng. Những đứa trẻ không khiến ai cười nổi, trừ ba chúng, mà nhiều khi không phải cái cười đau khổ. Nụ cười thật lòng của người cha trước sự ngộ nghĩnh của đứa con, ví như khi Thomas hỏi ba đến lần thứ một trăm, “Ba ơi, mình đi đâu?”.

Từ đáy thẳm của nỗi đau buồn, người cha thông tuệ bỗng tìm được cái nhìn đầy bất ngờ, bao dung về thế giới. Có khi chỉ là tưởng tượng về một đời sống khác của các con: Đêm đến, các con ông bận rộn xiết bao với những phép toán, định đề, định lý. Chúng là nhà khoa học, nhà phát minh. Vì thế ban ngày chúng giả như không hiểu người khác nói gì. Vì quá vất vả ban đêm nên ban ngày chúng tự cho phép mình làm chuyện ngu ngốc. Không phải huyễn tưởng, bịa đặt của con người quá khổ đau, mà là niềm lạc quan của kẻ biết dùng tưởng tượng bù đắp cho thực tại.

Theo đuổi đến cùng những lý giải của mình, Fournier đã khiến người đọc cảm nhận được cái ranh giới mong manh, khi tất cả những gì được xem là “đẹp, tốt, có nghĩa lý, hạnh phúc” theo quy ước thông thường sẽ dễ dàng bị vượt qua nếu người ta nghĩ tới, chỉ cần người ta nghĩ tới cái dị biệt, vượt ra ngoài khuôn mẫu có sẵn ấy. Cái dị biệt, thực ra cũng hoàn toàn thường nhật, phổ biến như cái đại đồng. Và hai sinh vật “ngoại lệ”, Mathieu, Thomas, thực ra cũng là những sinh linh phải được chấp nhận một cách hoàn toàn bình thường, nếu không nói sự “ngây ngô”, trong sáng của chúng, hiểu theo một cách tự trào, đã sổ toẹt cái thế giới “bình thường” ngoài kia.Fournier tự nhận “ba đã không thực sự yêu các con”, “cuộc sống chung của chúng ta đã không được vui vẻ lắm”- nhưng sự thật không phải vậy. Trải nghiệm nỗi cay đắng gần hết cuộc đời, ông bộc lộ tình yêu xiết bao dành cho bọn trẻ, cho cái nghịch dị. Tình yêu ấy, vượt lên nỗi thất vọng, đau buồn, đọng lại thành cảm thông và độ lượng vô bờ. Tình yêu biến bất hạnh trở thành cái dĩ nhiên, thậm chí thành niềm hạnh phúc, nếu người ta biết nhìn ngắm và thấu hiểu bất hạnh ấy.

Tuy nhiên, Fournier chưa một lần phải nhắc đến từ “bất hạnh”. Cả cuốn sách đau khổ này vẫn đẹp rực rỡ bởi lòng quyết tâm đương đầu với số mệnh. Không phải theo cách bông đùa hay bất cần, “Ba ơi mình đi đâu?” là sự gạn lọc và tìm kiếm đến tận cùng khả năng soi sáng, nhận thức cái hợp lý khả dĩ, thậm chí là an ủi và niềm vui từ những điều tưởng chừng phi lý, nhờbằng thấu hiểu và cảm thông, thông qua cộng với đức kiên trì vô hạn của một người cha, cũng là một nhân cách văn hóa xứng đáng nhận được lòng ngưỡng mộ.

Với “Ba ơi mình đi đâu?”, lần đầu tiên Jean-Louis Fournier, nhà văn trào phúng bậc thầy của nước Pháp, viết về hai cậu con trai tật nguyền của mình, cũng là để dành tặng chúng. Sức mạnh lan tỏa của câu chuyện đời có thật vô cùng cảm động đầy chất suy tưởng này đã giúp tác giả giành giải Fémina 2008 và đứng vững trên bảng xếp hạng best-seller suốt nhiều tuần.

  Tác giả Jean-Louis Fournier

* BA ƠI, MÌNH ĐI ĐÂU?, nguyên tác OÙ ON VA, PAPA? của Jean-Louis Fournier, Phùng Hồng Minh dịch, NXB Hội Nhà Văn và Nhã Nam phát hành tháng 5-2009

Khánh Phương

About admin2

Scroll To Top