Con yêu quý,
Năm nay con của bố đã lớn, chuẩn bị vào lớp Một. Bố rất vui khi thấy con đi học, biết nhiều điều, càng ngày càng tự tin và hoạt bát khi nói chuyện cùng các bạn. Hôm qua, bố thấy con tranh luận rất hăng với Nhật Anh, thế nào là động vật, thế nào là thực vật. Bố thực sự thấy ngạc nhiên rằng con của bố đã biết rất nhiều điều phức tạp mà bố vẫn cho rằng trẻ con không thể biết được.
Nhưng hình như con và Nhật Anh có điều gì đó không đồng ý với nhau, bố chỉ loáng thoáng thấy các con tranh cãi, rồi con cáu, mặt đỏ tía tai, thậm chí hai tay còn nắm lại, có vẻ rất giận dữ.Cuộc tranh luận cuối cùng hình như kết thúc rất không vui. Về nhà rồi mà con vẫn cứ vùng vằng mãi, bảo với mẹ: “Nhật Anh chẳng biết gì cả mẹ ạ!”.
Bố chợt nhớ thứ Bảy tuần trước, khi bố cho con và em Tép đi Bát Tràng để các con nặn gốm, tô tượng, con cũng thật là hào hứng với tác phẩm của mình. Con tô màu con gà trống nhìn hay lắm, đuôi nó có thật nhiều màu. Ở cổ nó, con vẽ một cái cà-vạt. Khi một cô giáo ở xưởng nặn gốm chê con, nói là gà làm gì đeo cà-vạt được, con không đồng tình, nhưng phản đối rất yếu ớt. Sau đó, cô ấy cầm tay con, giúp con tô lại cái ức gà trống cũng nhiều màu sặc sỡ, có màu xanh lam biêng biếc. Bố thấy đẹp thật, nhưng thú thực, bố thích con gà trống đeo cà-vạt hơn nhiều. Nhìn nó thật ngộ nghĩnh. Nếu là bố, bố sẽ đề nghị con đội cho nó một chiếc mũ nồi màu đỏ nữa cơ.
Bây giờ nghĩ đến chuyện ấy, bố thấy hơi tiêng tiếc. Bố nghĩ thế này: tại sao con phản đối Nhật Anh kịch liệt, sẵn sàng bảo vệ ý kiến mình mà ở đây, con lại không thể phát biểu rằng con thích chú gà trống đeo cà-vạt, vì, như sau này con kể với bố, chú gà trống ấy đang chuẩn bị cho một ngày vui, là ngày sinh nhật của chú ấy. Phải rồi, hôm nọ sinh nhật con tròn 6 tuổi, mẹ cũng đeo cho con một chiếc cà-vạt nhỏ rất xinh, đi với áo sơ mi trắng mới may, nhìn con thật oách.
Nghĩa là bố thấy, con chỉ dám “to mồm” với bạn, mà không dám trình bày ý kiến của mình với người lớn, như cô giáo chẳng hạn. Con làm theo cô nhưng trong lòng không vui, như thế cũng chẳng hay gì, phải không con? Tất nhiên, bố biết, con rất nể cô giáo. Cô giáo là người dạy cho mình nhiều điều. Không có cô, đúng là nhiều lúc mình chẳng biết làm thế nào cho hay, cho đẹp.
Tuy vậy, theo bố, con vẫn được quyền giải thích cho cô hiểu, vì sao con lại chọn màu này mà không chọn màu kia, vì sao con lại vẽ cái cà-vạt chứ không vẽ cái nơ, vì sao con vẽ cái nhà đứng cạnh nhiều cái nhà khác mà không vẽ cây như cô đề nghị…v..v.. Có gì đâu, cũng như khi con nói với bố ấy. Nếu con không nói ra, làm sao người khác hiểu được ý định của con? Bố tin rằng, khi con trình bày được suy nghĩ của mình với cô, cô sẽ đồng ý với con, hoặc nếu không, thì cô cũng hiểu được rằng, con làm như thế là có nguyên nhân chứ không phải là không suy nghĩ gì, cứ vẽ bừa đi như em bé Bon nhà mình, vớ lấy cái bút là tô chữ đã biết nghĩ xem tô màu xanh hay màu đỏ là đúng đâu, con nhỉ?Bố đang bày cho con cách bảo vệ ý kiến của mình trước một người đấy, con ạ.
Bố kể cho con câu chuyện này, con thử nghe xem, trong hai chú thợ, chú nào xử sự hay nhất nhé.
Có hai chú thợ cùng được thuê làm hai ngôi nhà ở một làng nọ. Chú thợ thứ nhất nghĩ trước trong đầu ngôi nhà của mình, vẽ phác ra tờ giấy, và bắt đầu chọn gỗ, chọn gạch… và xây. Chú thợ thứ hai thì rất tự tin, chú không thèm vẽ trên giấy, chỉ nghĩ trong đầu rồi cũng chọn gạch, chọn gỗ, và xây.
Trong khi hai chú xây nhà, có rất nhiều người đi qua đi lại, ngắm nghía công trình của hai chú. Họ bảo chú thứ nhất: “Trời ơi, cái cửa sổ gì mà to quá thế, nắng vào nhà chói mắt lắm, làm bé lại đi!”. Rồi: “Cái sân đang vuông vức thế kia, cần gì làm ống thoát nước, nhìn mất cả đẹp. Trời mưa thì nước thấm xuống đất, không dềnh nước lên đâu mà sợ”… Chú thợ nể lắm, vì họ toàn là người nhà của chủ nhà cả, họ muốn thế, chắc ông chủ cũng muốn thế. Vậy là chú nghe theo…
Chú thợ thứ hai tính tình bướng bỉnh. Khi chủ nhà chê “Cái cửa sổ vì sao lại mở vào trong nhà mà không đẩy ra bên ngoài?” thì chú lập tức cãi ngay: “Thế nó mới gọn gàng chứ, mở ra bên ngoài nhìn rối mắt lắm”. Khi chủ nhà chê: “Nhà ở quê cần thoáng, sao lại làm có mỗi một cửa sổ, sân vườn thì bé, không có không gian” thì chú lập tức phản ứng ngay: “Ở quê bây giờ cũng nên theo thời đại mới, giống thành phố chứ. Như thế mới hiện đại. Nhà ở rộng rãi được rồi, sân vườn chỉ cần nho nhỏ đủ để cái xe đạp xe máy thôi. Trong nhà tha hồ để đồ…”. Và chú nhất quyết làm theo ý mình.
Cuối cùng, khi hai chủ nhà bắt đầu đến ở, họ càng ngày càng không ưng ý. Ở ngôi nhà thứ nhất, cửa sổ bé quá, không đủ nắng vào tất cả các phòng. Nhất là phòng của trẻ con, con ông chủ, không có cửa sổ nên em bé ngồi học ban ngày cũng phải thắp đèn, thật là không thuận tiện. Lại nữa, mỗi khi mưa to, nước trong sân dềnh cao lên, nước không có đường thoát, tràn cả vào nhà, báo hại ông chủ và bà chủ phải thức tát nước. Thật là khổ sở. Khi ông chủ nhà hỏi, thì chú thợ thứ nhất phân bua: “Tôi cũng nghĩ phải làm thoát nước, tôi cũng định làm cửa sổ rộng cho đủ nắng…”. Và để chứng minh, chú đưa bản vẽ của mình ra.
Ở ngôi nhà thứ hai, chắc con cũng hình dung được, chủ nhà bực bội vì cái cửa sổ mở vào trong nhà. Trẻ con đi lại cứ bị cộc đầu. Lại nữa, ông chủ muốn trồng thêm cây cảnh cũng chẳng có chỗ nào để. Để trong nhà thì cây cớm nắng… Khi ông chủ phê bình chú thợ, thì chú ta gân cổ phản đối, cho rằng như thế mới đúng, như thế mới hiện đại…
Theo con, thái độ của hai chú thợ, chú nào đúng hơn?
Bố thì nghĩ, chẳng chú nào đúng cả. Khi mình làm một việc gì đó, mình có chủ ý rồi, tin chắc vào điều ấy, thì gặp ý kiến không giống mình, việc đầu tiên con cần làm là trình bày suy nghĩ của mình, vì sao mình làm như thế, để người ta hiểu. Biết đâu, khi nghe xong, họ lại thấy điều con nói thật là có lý? Nhưng ngược lại, mình cũng phải biết rằng, ai cũng có thể sai lầm, và chưa chắc mình lúc nào cũng đúng. Thế nên, khi tranh cãi với Nhật Anh chẳng hạn, con phát biểu ý kiến của mình một cách bình tĩnh, tự tin chứ không nên “gân cổ cò” cãi lấy được. Rồi cũng bình tĩnh nghe xem bạn mình nói gì, và theo con sai ở chỗ nào. Khi hai bên không thể đồng ý được với nhau, ta có thể rủ bạn tìm đến một người khác mà cả hai tin tưởng hơn, như là anh Nhật Minh, hoặc cô Dung, cô Toan chẳng hạn. Những người ấy đọc nhiều, biết nhiều hơn hai con, chắc hẳn sẽ có cách giải thích mà con thấy hay và đúng…
Quan trọng nhất là, luôn luôn bình tĩnh. Không vì người lớn hơn mà sợ quá, không dám nói ý của mình. Cũng không vì bạn nhỏ tuổi hơn mà bắt nạt, nói át đi để dành phần thắng. Thế mới gọi là cách bảo vệ ý kiến của mình đúng nhất, con ạ.
Bố mong con trai của bố sẽ như một chú thợ giỏi, xây được ngôi nhà hợp lý, biết nghe ý kiến của mọi người, nhưng cũng biết bảo vệ những ý tưởng hay của riêng mình nữa.
Ký tên: Bố tấn (Bố ơi vì sao? – TSGD Nguyễn Thụy Anh)