Home / Bài Viết / Chắp cánh tuổi thơ

Chắp cánh tuổi thơ

Tuổi thơ – lứa tuổi tiểu học hồn nhiên, trong sáng đã qua tự khi nào mà tôi không hay, không biết. Đắm chìm trong việc học, chạy đua với bạn bè xung quanh, tôi đã vuột mất cái tuổi đẹp nhất thời thơ ấu ấy. Bây giờ có hối cũng đã muộn, tôi khát khao tìm kiếm tuổi thơ qua hình ảnh, qua sách báo, và qua cả những cuốn truyện.Không phải bây giờ tôi mới đọc Kính Vạn Hoa. Đã từ lâu, truyện đó ngự trị trong tôi, bên tôi những năm tháng tuổi thơ đến tận bây giờ. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu đọc cuốn sách ấy, khi ông anh tốt bụng đưa tôi hàng đống truyện thừa cần giải phóng, khi tôi đang rỗi hơi chẳng biết làm gì, và khi niềm đam mê đọc bỗng nhiên bùng.

Say sưa hết tập này đến tập khác, bao lăng kính của tuổi học trò đã được mở ra. Bên cạnh hai thiên tài của trường – Quý ròm và nhỏ Hạnh – đột ngột xuất hiện Tiểu Long – một nhân vật mà trừ môn thể dục ra, thì anh chịu. Cái hay, cái lạ và cái hơn người của Kính Vạn Hoa, là các nhân vật ở đây chẳng có ai hoàn mĩ. Ròm nhí nhảnh, nhanh nhảu nhưng hay bộp chộp, nhăn nhó và đặc biệt thì tính nóng như lửa. Long to người, giỏi võ, thật thà, chân chất nhưng lực học lại xoàng. Hạnh nhà ta thì thôi rồi, học hành “tanh tưởi”, mặt mũi xinh xắn, cô còn được mệnh danh là cuốn từ điển biết đi cơ mà. Vậy nhưng hậu đậu hết biết, Nobita sinh thời chắc phải gọi bằng “cụ” thôi. Không những thế, cô nàng còn chết mê chết mệt món bò viên, mà như “giang hồ đồn thổi”, thì cũng chẳng kém Doremon bên bánh rán là bao.

Ảnh: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Lẽ dĩ nhiên, tôi thích Kính Vạn Hoa không chỉ bởi các nhân vật mà say mê nó nhờ nội dung bên trong. Nguyễn Nhật Ánh đã khắc họa thành công thế hệ học trò ngày nay, qua từng câu chuyện. Mỗi câu chuyện, ông lại cho một nội dung, ý nghĩa khác nhau, mà vẫn liên quan chặt chẽ. Chẳng hạn, trong Nhà ảo thuật, nhà văn xây dựng Tiểu Long và em gái “hắn” – với ước mong có “con gấu bông bày trong tủ kính ở cửa hàng Sao Mai”.Sang tập sau – Những con gấu bông – nhà văn đã lại lần nữa nhắc tới ước mơ của Oanh – em gái Tiểu Long và Long đã phải vất vả thế nào, được mọi người giúp đỡ ra làm sao… Đôi lúc, Nguyễn Nhật Ánh còn chèn thêm ít câu về cái sự đời – “Nhưng khổ nỗi, thói đời là khi không có cái gì, con người ta lại thích khoe khoang về cái đó”. Rồi cuối mỗi câu chuyện, ông luôn mang lại cho người đọc một ý nghĩa nhân văn khác nhau, giáo dục đạo đức cho con trẻ. Như “Những con gấu bông” ta thấy tình anh em thắm thiết, sâu đậm của Tiểu Long. “Bí mật kẻ trộm” khiến độc giả không khỏi bùi ngùi, xúc động trước hoàn cảnh cũng như tình cảm của hai anh em Nở và Xảo… Lối diễn đạt hài hước, hóm hỉnh của Nguyễn Nhật Ánh đã hấp dẫn toàn bộ học sinh lứa tuổi chúng tôi, khi Quý ròm “hễ mở miệng ra là kể toàn chuyện đánh với đấm, làm như ngày nào nó cũng phải “kịch chiến” với những người xung quanh chừng vài chục trận vậy. Rồi khi chàng đi ra ngoài, lại về chống chế với Oanh – người em gái: “Mày ngốc quá! Thắng bại trên “chiến trường” chủ yếu là dựa vào mưu trí chứ đâu phải cậy vào sức lực”. Và mưu trí của chàng ta đó là … la làng.

Từng cuốn truyện gộp lại cho một Kính Vạn Hoa làm say mê lòng người, hấp dẫn con trẻ. Duy có điều, Nguyễn Nhật Ánh người lớn quá, nên coi con trẻ còn bé lắm, chú viết truyện cho nhóm nhỏ Hạnh lớp 10, 11 mà đôi khi ngây thơ, hay đối thoại rất trẻ con, có lẽ phù hợp với lớp 7, lớp 8 hơn. Và như để rút kinh nghiệm, ở các tập truyện khác, nhà văn đã cho Ròm biết thế nào là rung động đầu đời, cho bạn trẻ biết thế nào là “bạn đặc biệt”. Nhờ vậy, nhóm ba người đã ghi thêm một dấu ấn mới trong lòng độc giả, để Kính Vạn Hoa sống mãi cùng năm tháng. Và chú Ánh cũng đã làm được cái điều mà chú mong muốn: “Cứ lắc một cái, một câu chuyện mới lại hiện ra…”. Chú đã gieo vào người đọc hàng vạn bông hoa tuổi học trò, chớm nở nhờ tâm hồn và tỏa sáng qua thời gian.Đến bây giờ tôi cũng đã lớn. Kính Vạn Hoa không phải cuốn truyện mà tôi say mê và yêu quý nhất, nhưng nó là cuốn truyện duy nhất của thiếu nhi, của thời trẻ con, của tuổi thơ mà tôi nhớ mãi trong lòng.

Nguyễn Bảo Châu 

Lớp 8A10 trường THCS Giảng Võ, Hà Nội 

Bài viết tham dự cuộc thi viết về Cuốn sách yêu thích của em do báo Phụ nữ Thủ đô phát động

About DuongMy

Scroll To Top