Nhấc bút định viết về mùa hè của thiếu nhi, tự nhiên trong đầu tôi vang lên câu “Chỉ là gỗ mọc lên vào mùa hè”, tên một tác phẩm của nữ văn sĩ người Romania gốc Đức đoạt giải Nobel văn chương năm ngoái, mặc dù tôi chẳng nhớ nổi nội dung tác phẩm.
Nhưng đúng là, những thân cây mọc lên vào mùa hè mới nhanh làm sao!
Những đứa trẻ của chúng ta, ở thành phố, miền núi hay nông thôn, cũng lớn thật nhanh vào mùa hè. Qua một mùa hè nóng nực, đứa trẻ đến trường cao hẳn lên, khiến người lớn xuýt xoa: “Cha, thằng nhỏ nhổ giò”!, “Trời! Lớn như thổi!”. Đôi khi có cảm giác, các mùa khác trong năm, chúng không lớn nhanh và nhiều như thế. Cũng như những thân cây.
Mùa hè đến rồi. Lũ trẻ được giải phóng đôi chút khỏi những bộn bề bài vở, và chúng bắt đầu lớn. Lớn bằng những trò chơi. Lớn bằng sự gần gũi với thiên nhiên. Lớn bằng cảm giác mình đang lớn mà không bị bất kì điều gì gò ép, kéo chậm lại sự lớn ấy.
Nhưng đó là tuổi thơ của chúng tôi ngày xưa. Chúng tôi đi sinh hoạt hè, dậy cùng tiếng còi buổi sớm, và lao xao chạy đuổi nhau ngoài sân của khu tập thể mỗi đêm. Chúng tôi được bố mẹ cho về quê, đôi khi cả tháng trời, tha hồ bắt cào cào châu chấu, đánh bạn với nhái bén, ễnh ương…Những bước chân sải rộng, những cái nhìn dài, xa đến tận chân trời, những bàn tay dang phóng ôm lấy nhiều điều thú vị của thiên nhiên.
Bây giờ, con của tôi đang bước vào những ngày đầu tiên của kì nghỉ hè. Bước chân nó loanh quanh trong gian phòng chúng tôi dành riêng cho nó, ánh mắt nó bị cái màn hình tivi phẳng giới hạn, bàn tay nó hết lắp trò chơi Lego lại đặt ngay ngắn một cách buồn chán lên mặt bàn hèm hẹp và mỗi ngày càng thêm chật chội. Thốt nhiên tôi thấy sợ hãi. Thân cây gỗ với đầy những giới hạn trói chặt như thế, liệu có lớn lên không?
Một người bạn tôi chuẩn bị cho mùa hè thật chu đáo. Cô ấy đăng kí cho con ba lớp học hè: tiếng Việt, Toán và tiếng Anh. Rồi học nhạc và tham gia câu lạc bộ vẽ. Lại mua về một bộ phim trẻ con mới, nhiều tập, của Trung Quốc. Thở phào: “Thế là con bé nhà mình yên tâm hưởng mùa hè rồi! Con nghỉ hè, bố mẹ khổ, trông thì không trông được, chả lẽ bỏ việc để chăm con! Vật vã mãi ở nhà bà nội bà ngoại cũng chỉ chúi đầu vào tivi thôi”. – Không về quê à? – Không, về quê thì nó học hè làm sao? – Cho đi công viên? – Công viên thành phố, bụi trắng tán lá, có cả chuột chạy ríu rít dưới đất, trên cây. Cỏ thì trụi, lại lổn nhổn kim tiêm! – Không cho đi biển, đi dã ngoại ư? – Có, thì cũng phải đợi bố mẹ xin nghỉ phép đã chứ, có phải muốn là đi ngay được đâu! Đúng vậy. Không phải cứ muốn là được! Cuộc đời này đầy những ràng buộc và giới hạn! Kể cả những giới hạn dành cho một đứa trẻ con.
Hạnh phúc của mùa hè (Ảnh từ trại hè EcoCamp 2019)
Tôi mới nhớ, chiều qua, tôi cùng con trai đứng bên cửa sổ, cái khung chật hẹp đánh dấu “lãnh thổ” riêng của chúng tôi, những cư dân của cái thành phố đầy ắp người chen chúc những dòng chảy trên đường nơi mỗi ngày có tới hàng trăm biên bản vi phạm luật lệ giao thông được ký. Giữa tiếng còi xe hắt từ dưới đường lên, con trai tôi hốt hoảng nhận ra có tiếng gì rất lạ, khi thì rộ lên ồn ĩ rồi im, khi lại âm âm dai dẳng thành một bản hợp ca ám ảnh tâm trí người. Tôi bảo nó, đó là tiếng ve. Lạ thật, sao tôi chưa bao giờ bày cho con lắng nghe cái thứ tiếng thân thuộc ấy của mùa hè nhỉ?
Ôi những thân cây gỗ của chúng tôi, chúng đòi lớn mà không có không gian mùa hè để lớn, cho dù chúng được tưới bón no đủ và hết mực được yêu thương!
Hà Nội, 6 – 2010
Thụy Anh (Trích “100 gờ – ram hạnh phúc”, NXB Trẻ, 2013)