Là một bà mẹ có con gái 3 tuổi, khi đọc được bài báo về gia đình chị Hà Uyên ở nhà dạy con, bé Mật ong, học (phương pháp homeshooling), vợ chồng tôi suy nghĩ rất nhiều và có ý kiến xin được hỏi chuyên gia.
Chồng tôi trước đây là du học sinh Mỹ, tổng thời gian anh ở nước ngoài học và làm việc khoảng 10 năm. Hồi tôi mang bầu bé Lala, anh có nói mong muốn được dạy con học ở nhà, càng lâu càng tốt, như cách mà bạn thân của anh, Robert được nuôi nấng.
Robert nhà ở ngoại ô, có trang trại rất rộng, bố mẹ anh đều làm nông nghiệp. Ngay từ nhỏ, thấy con trai quá gắn bó với trang trại, cây cối, động vật nên bố mẹ Robert cho con ở nhà, tự dạy học và theo một số chương trình học từ xa ở trên radio. Robert cũng trải qua các kì thi như các bạn bè khác, anh chỉ không đến trường thôi.
Chồng tôi muốn bé Lala có một tuổi thơ tươi đẹp bên bố mẹ
Chồng tôi kể là khi gặp Robert ở trường đại học, nghe anh kể về cuộc sống của mình, chồng tôi thấy vô cùng phấn khích. Robert luôn nói rằng, anh đã có một tuổi thơ, một nền giáo dục hoàn hảo. Sau khi kết thúc 18 năm học, Robert tiếp tục đăng kí học đại học chuyên ngành nông nghiệp để kế thừa cơ ngơi của bố mẹ. Vì thế, Robert và chồng tôi mới gặp nhau và hai người trở thành bạn thân.
Sau khi đọc xong bài báo về bé Mật Ong của gia đình chị Hà Uyên, chồng tôi cảm thấy như được cổ vũ rất nhiều. Anh cứ nghĩ ở Việt Nam sẽ không có ai làm thế, nhưng khi đọc về gia đình bé Mật Ong, anh khẳng định muốn cho con ở nhà, giáo dục con theo phương pháp mà bố mẹ Robert, Mật Ong đã làm. Bởi anh đã chứng kiến, Robert lớn lên hoàn toàn bình thường, thông minh, giao tiếp tốt, học ở đại học cũng rất cừ.
Không phải là tôi không hiểu những mong muốn của chồng, bởi hiện nay, chúng tôi cũng rất quan tâm đến đời sống tinh thần của con. Hai vợ chồng tôi chưa khi nào lơi là việc chăm sóc, dạy bảo bé Lala. Chúng tôi còn có một thuận lợi nữa là cả hai đều làm nghệ thuật, chủ động được thời gian của mình. Nhưng tôi cũng đọc, tham khảo nhiều trên mạng thì thấy nhiều người phân tích cũng đúng.
Sở dĩ, ở phương Tây họ phát triển hình thức giáo dục này bởi phong cách sống, nền văn hóa của họ phù hợp. Như nước ta, vẫn còn rất trọng bằng cấp thì liệu, một đứa bé lớn lên ở nhà có được xã hội chào đón hay không? Chưa kể, môi trường lớp học còn như một xã hội thu nhỏ, giúp trẻ có kiến thức, lại rèn trẻ cách sống trong tập thể…
Trẻ ở nhà sẽ không thể có những va chạm trong cuộc sống phức tạp hàng ngày như trẻ đến lớp…Ở phương Tây, một đứa trẻ khác những đứa trẻ còn lại vẫn sẽ được chào đón, nhưng ở Việt Nam, rất có thể đứa trẻ đó sẽ bị xã hội cô lập.
Rồi còn rất, rất nhiều vấn đề khác nữa tôi đã phân tích cho chồng tôi nghe. Anh cũng đang suy nghĩ rất nhiều bởi con gái chúng tôi đã 3 tuổi rồi. Cùng lắm là năm sau, cháu sẽ phải đi học mẫu giáo.
Chúng tôi mong muốn được biết ý kiến của chuyên gia về việc dạy học ở nhà cho con? Liệu nó có thực sự phù hợp với môi trường ở Việt Nam hay không? Chúng tôi có nên cho con ở nhà học theo cách chồng tôi mong muốn hay không?
Xin cám ơn chuyên gia rất nhiều.
Ý KIẾN CHUYÊN GIA
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh
Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con
Chào chị An Linh,
Việc anh chị băn khoăn, trao đổi với chúng tôi liên quan đến khái niệm “home-schooling”. Đây là hình thức đào tạo và tự đào tạo tại gia quen thuộc và được chấp nhận ở nhiều nước trên thế giới. Gần đây, theo thống kê của một số trang web về giáo dục, có 45 nước chấp nhận hình thức đào tạo này.
Chẳng hạn, tại Nga, hình thức homeschooling rất phổ biến vào thế kỷ 19, nhưng từ năm 1918 đến 1992 thì bị cấm. Hiện nay lại được phục hồi với sự bảo trợ của Pháp luật và được nhiều bố mẹ lựa chọn. Thậm chí, nhà nước phải chi trả một phần chi phí cho việc này.
Ở Mỹ, theo thống kê của Bộ giáo dục Mỹ, năm 1984 có 50 nghìn học sinh học ở nhà, năm 1988 có 300 nghìn, năm 2007 – 2008 có 2 triệu học sinh lựa chọn theo học chế độ homeschooling.
Có nhiều danh nhân trên thế giới hoàn toàn được giáo dục theo chế độ homeschooling như nhà toán học và vật lý học người Pháp Ampere Andre-Marie, nhà toán học Anh Bayes Tomas, nhà thơ Nga Mikhail Lermontov, nhà văn Anh Charles Dickens…
Tiến hành đào tạo giáo dục tại gia (homeschooling) có những lợi thế gì?
1. Học sinh được phát triển đúng “tốc độ” về nhận thức hài hòa với “nhịp độ” sống, đồng hồ sinh học của mình. Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, vì thế, đôi khi, việc bắt đứa trẻ theo kịp hoặc kìm nén tốc độ nhận thức của mình so với chúng bạn cùng lớp trong sự đào tạo, giáo dục đại trà lại là một sự bất cập. Thậm chí, nhịp độ tiếp thu bài và nhận thức của một đứa trẻ không đều, nhanh chậm từng thời điểm khác nhau.
Nếu bố mẹ và đội ngũ giáo viên riêng của học sinh nắm vững được tâm lý và nhịp phát triển thể chất của trẻ sẽ có được giải pháp tốt cho từng giai đoạn, nắm bắt thời cơ, kịp thời tăng hoặc giảm lượng kiến thức cần học cho một môn học ở từng thời điểm. Lựa chọn thời gian học hàng ngày theo nhịp đồng hồ sinh học của học sinh.
Homeschooling giúp học sinh phát triển đúng tốc độ
Giờ học không nhất thiết phải thật sớm mà chọn thời điểm nào học sinh thấy sảng khoái, minh mẫn nhất. Mỗi thày cô giáo từng bộ môn phải lập một chương trình riêng cho học sinh – chương trình học này không thể bất biến mà thay đổi thường xuyên từng tháng theo từng bước thày làm việc với trò. Thậm chí, nếu cần thiết, có những tháng chỉ học những môn này mà tạm nghỉ các môn khác.
2. Giáo dục tại gia có khả năng xây dựng cho học sinh một môi trường giáo dục tối ưu, giống như quan điểm của nhà sư phạm Maria Montessori và Rudolf Steiner khi xây dựng hệ thống trường học của mình: ấm cúng, tiện lợi, tạo cảm giác an toàn, yên ổn, cung cấp tốt nhất, nhanh nhất giáo cụ trực quan và tất cả các điều kiện cần thiết để học sinh được học, thực nghiệm, trải nghiệm… mà không cần phải câu nệ vào bất kỳ phép tắc nào bên ngoài cũng như không bị ảnh hưởng bởi những nhiêu khê rườm rà của trường lớp ngoài xã hội.
Tuy vậy, cũng như hai nhà sư phạm trên chủ trương, giáo dục tại gia cũng nên có thêm người tham gia với độ tuổi lớn hơn học sinh để trẻ có thể được “học tắt” qua những kinh nghiệm của người lớn hơn, từng trải hơn. Ngoài ra, trong gia đình có các em nhỏ tuổi hơn – đó cũng là “môi trường xã hội” tốt để học sinh chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức mình được học, tạo nên sự “tái đào tạo” qua quá trình truyền đạt lại kiến thức cho các em.
Học sinh sẽ chỉ học ở nhà là chính nên việc tạo môi trường sư phạm tại gia tốt là việc tối cần thiết. Bản đồ treo tường, các tấm bảng ghi nhớ, các mô hình, các bản đồ tư duy, những slogan treo xung quanh phòng học cần thiết và cho kết quả tốt hơn là bắt học sinh học thuộc.
3. Đứa trẻ nào cũng có thể được chuẩn bị tốt cho việc sẵn sàng tiếp nhận kiến thức, nhưng việc học tập ở trường học đôi khi ngăn cản việc đó vì những lý do khách quan như số lượng học sinh quá đông, quá tải về kiến thức cần học, trình độ nghiệp vụ của giáo viên, những vấn đề về mặt tinh thần trong và xung quanh nhà trường…
Việc đào tạo ở nhà sẽ giảm thiểu được những áp lực xã hội, tiết kiệm thời gian. Những người thân, đặc biệt là bố mẹ rất cần để tâm đến con trong quá trình học – nhưng không phải với tư cách là phụ huynh “đối phó” với nhà trường mà là những người chủ động- chia sẻ, động viên và cả giám sát. Tuy vậy, cần nhớ, học sinh luôn cần một khoảng TỰ DO nhất định. Việc này cần phải thỏa thuận rất kỹ trước khi bắt đầu khóa học – điều gì bố mẹ có thể hỗ trợ, can thiệp, điều gì con được toàn quyền xử lý.
4. Điều có thể coi là “plus” – được nhất của homeschooling là – nếu làm đúng cách, đúng phương pháp, sau một thời gian ngắn, học sinh có thể có thể có được KỸ NĂNG TỰ HỌC rất tốt, không phụ thuộc vào những phù phiếm như sự cạnh tranh, thi đua, điểm số. Những đứa trẻ được giáo dục, đào tạo tại gia thường nhanh chóng nắm bắt được sở trường, sở đoản của mình và sớm định hướng về nghề nghiệp hơn.
5. Homeschooling không có nghĩa là chỉ giữ trẻ trong nhà và học. Việc tham gia các hoạt động xã hội, sớm bắt đầu tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp thật sự sẽ cho học sinh có được sự va chạm cần thiết với các quan hệ xã hội, được trải nghiệm cuộc sống và sớm có phản ứng tự vệ thông qua việc tự nhận thức, tự giáo dục. Và đây lại là điểm mạnh của homeschooling vì có thể tổ chức những hoạt động như thế mà không phụ thuộc vào quan điểm giáo dục của nhà trường.
Thậm chí, trong những năm 90 của thế kỷ trước, ngành Tâm lý học của Nga có thêm khái niệm giáo dục mạo hiểm (I.A. Abramova) – khuyến khích trẻ va chạm với xã hội sớm, có kinh nghiệm về các tình huống khác nhau của cuộc sống trong khuôn khổ theo dõi và hỗ trợ của người lớn – như là một chủ đề/môn học của giáo dục và tự giáo dục.
Bên cạnh đó, có thể sẽ đối mặt với những vấn đề gì?
Homeschooling luôn là một thách thức với cả thày, trò và phụ huynh. Những điểm khiến giáo viên có thể sẽ lo lắng và có nguy cơ ngăn cản hiệu quả của việc học là:
1. E ngại từ phía gia đình, sự không tin tưởng của người trong gia đình hoặc xã hội vào diễn biến tốt đẹp của việc đào tạo tại gia, sự mặc cảm của chính học sinh khi đối mặt với dư luận xã hội hoặc khi đi ra bên ngoài, tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa.
Đôi khi homeschooling bị nhận nhiều sự nghi ngờ từ xã hội cũng như thành viên khác trong gia đình
2. Có thể e ngại sự ỷ lại vào môi trường gia đình mà việc học trở nên thiếu tính kỷ luật, chuệch choạc về mặt giờ giấc hoặc thiếu sự hào hứng vì không có đối tác hoặc đối tượng thi đua. Cảm giác đơn độc như đi một mình một thuyền hoặc “đánh cờ một người” trong quá trình học.
3. Sự nhàm chán – làm việc lâu với một đối tượng trong điều kiện một thày một trò có thể gây áp lực tâm lý cho người dạy và em bé.
4. Lấy gì làm chuẩn để đánh giá một đứa trẻ homeschooling? Đương nhiên, chúng ta không đánh giá chất lượng dạy và học để lấy thành tích như ở các trường học công lập nhưng vẫn cần có những tiêu chuẩn nhất định cho việc học, cũng như các vấn đề phát triển tâm sinh lý khác. Ai sẽ đặt ra những tiêu chuẩn này?
5. Và cuối cùng nhưng quan trọng: vấn đề thách thức lớn nhất khi dạy con ở nhà không phải là môi trường văn hoá phù hợp hay không mà có được ủng hộ từ phía nhà nước, có chế độ khuyến khích việc này hay không hay sẽ bị cản trở vì những nhiêu khê của bằng cấp, giấy tờ khi con chúng ta lớn dần lên, tương đương với các cấp học.
Chẳng hạn, để vào lớp Một, con có cần giấy chứng nhận đã học Mẫu giáo..v..v. Vì thế, nếu ở Việt Nam, anh chị nên tìm hiểu trước vấn đề này ở khía cạnh luật pháp, chính sách để có thêm cơ sở đi đến quyết định của riêng mình. Đây là lựa chọn của em bé và gia đình, không chuyên gia nào có thể can thiệp hoặc chịu trách nhiệm về lựa chọn ấy.
Để cân nhắc “bài toán” này, anh chị có thể lập một plan cho tương lai “học tại gia” của cháu, vạch ra từng điểm “+” và “-” của việc này, đồng thời đưa thử ra một quy trình mình sẽ tuân theo chứ không phải học ở nhà có nghĩa là … ở nhà, bố mẹ dạy con tuỳ hứng. Hãy thử đặt cho mình các câu hỏi. Chẳng hạn:
– Anh chị định tự dạy bé ở nhà trong độ tuổi Mầm non rồi cho đi học lớp Một chung với các bạn hay tiếp tục “homeschooling ở các độ tuổi sau?
– Việt Nam có chế độ không học ở trường nào mà vẫn được thi hết cấp để nhận bằng tốt nghiệp các cấp không? Không là học sinh trường nào có được thi đại học không?
– Tổ chức học tại gia cần những điều kiện gì? (Môi trường sư phạm, thuê thày cô giáo ở đâu, chương trình học, các hỗ trợ khác từ phía gia đình)… – Ai sẽ kiểm soát, quản lý việc học hàng ngày của trẻ? (Lập thời khoá biểu, thời gian biểu sát sao từng ngày cho trẻ).
Cá nhân tôi cho rằng, trước mắt, trong trường hợp em bé sắp đến độ tuổi đi học Mẫu giáo, ta có thể bàn đến việc dạy bé ở nhà giai đoạn này.
Tôi nghĩ:
1. Việc này hoàn toàn có thể làm được với điều kiện bố mẹ, những người thân (ít nhất là ông bà) thấu hiểu, thống nhất với nhau về quyết định này, không kêu ca, phàn nàn, tranh cãi trước mặt trẻ.
2. Cần có một nhà chuyên môn (về giáo dục mầm non) tư vấn cho anh chị nội dung và phương pháp dạy bé. Lựa chọn nội dung xong phải lên kế hoạch ngay từng ngày hợp lý. Các bài học xen kẽ tĩnh và động, hợp lứa tuổi. Cũng có thể mời thày cô giáo bên ngoài, kết hợp cùng ông bà, bố mẹ, thay nhau hướng dẫn bé trong các hoạt động riêng biệt.
3. Những hoạt động bổ trợ như học vẽ, âm nhạc, nhảy múa, ca hát vẫn có thể cho bé tham gia cùng các nhóm trẻ ở các câu lạc bộ…
4. Tạo cộng đồng giao lưu cho bé trong anh chị em họ, hàng xóm. Tổ chức các buổi học cùng, chơi chung khi có dịp.
5. Đừng quên xây dựng chương trình trải nghiệm văn hoá- nghệ thuật cho trẻ như đi bảo tàng, xem phim, kịch, nghe hoà nhạc… Tôi cho rằng, nếu bố mẹ quyết tâm dành thời gian cho con, lại tìm được những cố vấn là chuyên gia trong các lĩnh vực của mình thì việc trải qua thời kỳ mầm non ở nhà hoàn toàn có thể, thậm chí có những ảnh hưởng tích cực đến tư duy và phát triển thể chất sau này của trẻ.
Đặc biệt, nếu có được một nhóm gia đình chia sẻ ý tưởng này thì thật tuyệt. Tuy nhiên, có thể tiếp tục “học tại gia” ở các cấp học sau hay không, chúng ta vẫn phải quay lại các câu hỏi đã đặt ra ở trên, đồng thời phải quan tâm đến mong muốn của đứa trẻ nữa.
Theo http://tamsugiadinh.vn/