Home / Bài Viết / Chú bé gỗ Ba-ra-ti-nô thân mến!

Chú bé gỗ Ba-ra-ti-nô thân mến!

Bu-ra-ti-nô nói dối cô tiên và cái mũi cứ dài ra, dài ra mãi…

Hôm nay – một buổi tối mùa hè mát mẻ, bầu trời điểm đầy những vì tinh tú lấp lánh như pha lê. Có lẽ chính khung cảnh hết sức thi vị ấy đã khiến tớ ngồi đọc lại Chiếc chìa khóa vàng hay truyện ly kỳ của Bu-ra-ti-nô của nhà văn A. Tôn-xtôi , quyển truyện được mẹ tặng năm 6 tuổi . Không nhớ rõ đây là lần thứ mấy tớ ngồi đọc cuốn truyện về cậu nhưng cảm xúc của tớ vẫn nguyên vẹn như lần đầu tiên.

Cậu biết không, ngay từ khi được mẹ tặng cuốn Chiếc chìa khóa vàng hay truyện ly kỳ của Bu-ra-ti-nô  , tớ đã bị ấn tượng bởi cái bìa màu xanh, bên trên có in dòng chữ Chiếc chìa khóa vàng hay truyện li kì của Bu-ra-ti-nô màu vàng rất bắt mắt. Dưới dòng chữ vàng là hình minh họa một chú bé gỗ đầu đội chiếc mũ trắng, áo đỏ đang thổi một cái kèn. Đặc biệt là chú bé có cái mũi rất dài và nhọn. Đằng sau chú bé là một người đàn ông vẻ mặt phúc hậu đang tươi cười nhìn chú. Chính hình minh họa ngộ nghĩnh đó và hai chữ “ li kì” đã khiến tớ tò mò, hồi hộp lật giở những trang đầu của cuốn sách.

Câu chuyện về cậu quả thực “ li kì” ngay ở chi tiết đầu tiên khi bác Giu-dép-pơ nhặt được một thanh củi biết nói. Rồi sau khi thanh củi được bác Các-lô đem về gọt thành một chú bé gỗ thì mọi chuyên trở nên rắc rối bởi tính hiếu thắng của chú bé. Nhưng có lẽ, phần tớ thấy ý nghĩa nhất là khi bác dế mèn khuyên nhủ cậu cần phải nghe lời bác Các-lô và phải đi học. Hồi bé tớ cũng thường không nghe lời bố mẹ, không thích đi học, nhưng quả thật những lời khuyên tuy giản dị mà chân thành ấy đã tác động sâu sắc vào suy nghĩ của một đứa bé sáu tuổi lúc bấy giờ. Càng đọc, tớ càng bị cuốn vào những trò nghịch ngợm của cậu và nhất là cuộc phiêu lưu  của cậu đến xứ Ngu Si. Tớ đã từng hồi hộp đến nghẹt thở khi cậu bị bọn cướp truy đuổi nhưng lại thấy vui sướng khi cậu được cô bé tóc xanh cứu. Rồi lại thấy kinh hãi khi cậu bị bọn chó săn đuổi và ném cậu xuống hồ nhưng rồi lại thấy nhẹ nhõm khi cậu gặp được cụ rùa Tooc-ti-la, và được cụ trao cho chiếc chìa khóa vàng có thể mở được một cánh cửa kì diệu. Nhưng có lẽ phần gay cấn và hấp dẫn nhất vẫn là khi cậu cùng Piero, Manvina, Ác-ti-môn chạy trốn khỏi lão chủ rạp múa rối Ca-ra-ba Ba-ra-ba độc ác. Những cuộc chạy trốn của cậu cứ tiếp diễn lúc tưởng chừng như cả bốn người bạn bị dồn vào đường cùng nhưng dường như may mắn luôn mỉm cười khi các cậu luôn được những người bạn tốt cứu giúp. Một chuỗi những tình tiết li kì ấy đã  tạo cho câu chuyện hệt như một bản nhạc lúc trầm lúc bổng.

Bu-ra-ti-nô à, chính trong những lúc nguy hiểm nhất cậu lại luôn tỏ ra là một cậu bé dũng cảm, biết bảo vệ bạn bè. Càng về cuối truyện, ấn tượng của tớ về cậu đã khác. Cậu không còn là một chú bé suốt ngày chỉ biết nghịch ngợm mà cậu đã dần trở thành một anh hùng trong mắt tớ. Cuộc chạy trốn đầy khó khăn ấy đã gắn kết cậu với Piero – một chàng thi sĩ đa tình, Man-vi-na – cô bé tóc xanh nghiêm nghị nhưng cũng rất dịu dàng và chó Ác-ti-môn dũng cảm, kiên cường. Tình cảm đẹp đẽ của 4 người bạn trong những lúc khó khăn đã làm tớ vô cùng cảm động.  Có lẽ chính trong những khoảnh khắc nguy hiểm như thế chúng ta mới nhận ra được giá trị của tình bạn, ý nghĩa của sự hi sinh và đoàn kết.

Sau những thử thách cam go, cuối cùng cậu, ba người bạn cùng cha Các-lô đã chiến thắng được lão Ca-ra-ba Ba-ra-ba độc ác để trở về nhà khám phá bí mật của chiếc chìa khóa vàng, mở cánh cửa dẫn đến căn phòng kì diệu và cùng nhau tạo nên một rạp múa rối đầy tình thương.  Có lẽ đây là cái kết có hậu, xứng đáng nhất.

Chú bé gỗ thân mến, mỗi lần cầm lại cuốn chuyện trên tay, đọc lại là một lần tớ tìm thấy niềm vui mới, một ý nghĩa mới. Cậu chuyện nhẹ nhàng  cùng các tình tiết dí dỏm, ngộ nghĩnh nhưng không kém phần hấp dẫn với những tiết tấu bất ngờ. Câu chuyện về cậu như là câu chuyện cổ tích, ở đó cái thiện chiến thắng cái ác, những người có tâm hồn đẹp sẽ được đền đáp xứng đáng. Chắc chắn không phải tình cờ mà cụ rùa Tooc-ti-la lại trao tặng cho cậu chiếc chìa khóa vàng – chiếc chìa khóa có thể mở cánh cừa dẫn đến một rạp múa rối như trong mơ, chứ không phải cho lão Ca-ra-ba Ba-ra-ba – con người tham lam, chỉ biết dùng bạo lực với chính những con rối của mình. Có lẽ bởi vì cụ rùa đã thấy cái tâm trong sáng của cậu, một chú bé giàu lòng yêu thương. Và có lẽ cũng bởi vì nghệ thuật chân chính phải bắt đầu từ lòng yêu thương , sự hy sinh chứ không phải lòng tham lam, ích kỉ….

Đã hơn mười năm kể từ lần đầu tớ được đọc câu chuyện về cậu, nhưng câu chuyện đó vẫn chưa bao giờ hết hấp dẫn đối với tớ. Cuối câu chuyện, cậu đã có được chiếc chìa khóa vàng mở ra cánh cửa nghệ  thuật kì diệu còn đối với tớ, chính cuốn truyện  Chiếc chìa khóa vàng hay truyện li kì của Bu-ra-ti-nô mà mẹ tặng ngày ấy là một chiếc chìa khóa “vàng” thần kì. Nó mở ra trong tâm hồn cô bé sáu tuổi một thế giới của trí tưởng tượng, của những tình cảm yêu thương trong sáng, của bao ước mơ bay bổng… Và hơn hết, chính quyển truyện nhỏ đã nhen nhóm trong tớ một tình yêu văn chương nồng nàn, tha thiết….

Người bạn nhỏ của cậu.

Phạm Thái Hà Lớp 12 văn THPT chuyên ĐHSP, Hà Nội 
Bài viết tham dự cuộc thi viết về “Cuốn sách yêu thích của em” do báo Phụ nữ thủ đô phát động

About DuongMy

Scroll To Top