Home / Bài Viết / Chúng mình làm bạn, con nhé? – Mẹ cần phải nói với con về … bạo lực.

Chúng mình làm bạn, con nhé? – Mẹ cần phải nói với con về … bạo lực.

Mẹ cần phải nói với con về … bạo lực.

 Mẹ quyết định nói chủ đề này trước những chủ đề khác mà  mẹ đang dự định sẽ nói với con. Chỉ vì hôm qua, tình cờ mẹ nghe một câu chuyện.

 Một người mẹ tâm sự rằng, trong khi cô ấy đọc trộm nhật kí của con mình, cô ấy đã bàng hoàng nhìn thấy con vẽ trong cuốn nhật kí bí mật của mình, một bức tranh kiểu kí họa. Trong đó có hình một đứa trẻ đang giương súng bắn pằng pằng vào người đàn ông. Người đàn ông la oai oái. Dưới hình vẽ đứa trẻ ghi chú tên của người con. Và dưới hình người đàn ông ghi rõ tên người cha.

 Cô ấy đã rất sợ hãi. Cộng với những nội dung khác có xu hướng tiêu cực được viết trong cuốn nhật kí, cô ấy có lý do để lo lắng.

 Tất nhiên, sẽ có nhiều suy đoán khác nhau về bức vẽ này.

  1.  Có thể người con chỉ muốn trêu đùa  vui vẻ và hoàn toàn không có suy nghĩ gì sâu xa.
  2. Có thể người con muốn chứng tỏ là trẻ con cũng có thể làm nhiều việc “oách” –tất nhiên là theo tư duy của trẻ con (chứng minh bằng việc cầm súng bắn pằng pằng vào cha).
  3. Có thể người con có gì đó bức xúc với cha (kiểu như bị cha mắng oan nên trút giận vào bức tranh)
  4. Có thể người con đang thù ghét cha mình.

 Dù là bất cứ lý do gì, thì rõràng, trong đầu óc con trẻ đã hình thành một tư duy về bạo lực.

Tư duy này không chỉ nảy sinhtrong tâm lý những bạn trai, mà ngay cả các bạn gái cũng có thể có tư duy bạo lực. Đơn giản như con muốn đánh em. Việc này đã qua, nhưng mẹ nhắc lại làm ví dụ, mà không có ý trách cứ con thêm nữa.

 Nhưng rõ ràng trong trạng thái tâm lý không tốt, như đang tức giận, đang buồn chán… chúng mình rất dễ nảy sinh tư duy bạo lực: muốn quát mắng, đánh chửi ai đó.

Theo mẹ, chúng ta cần gạt bỏ ngay tư duy bạo lực ngay từ khi nó bắt đầu hình thành trong đầu óc mình. Tư duy bạo lực khiến chúng ta dễ phát sinh những hành vi tiêu cực.

 Có thể con còn nhớ lần con đi dự trại hè. Con được một bác võ sư giảng về võ. Và mẹ biết hôm ấy bác đã đặt ra một câu hỏi thế này: theo các con chúng ta cần học võ để làm gì?

Các con đã đưa ra rất nhiều lý do,trong đó nhiều nhất là lý do học võ để đánh nhau.

 Các con đã hoàn toàn bất ngờ khi câu trả lời của bác võ sư là : học võ để không phải đánh nhau.

 Các con sẽ hẳn sẽ  thắc mắc, sẽ ngạc nhiên. Mẹ không dự buổi học ấy. Nhưng mẹ cũng đã từng đi học võ. Mẹ học Karatedo. Vì nhiều lý do, mẹ không theo dài được bộ môn này. Nhưng thời gian ngắn ngủi đi học, giúp cho mẹ biết,học võ là một cách rèn luyện sức khỏe. Sau đó là rèn luyện ý chí, giúp mình tự tin hơn, mạnh mẽ hơn. Khi đã mạnh mẽ, đã tự tin, gặp những bất trắc trong đời, con sẽ hiểu “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” là điều tối kị.

Mẹ làm báo. Những ngày đầu, mẹ phải đi rất nhiều. Lên rừng xuống biển. Có những hôm lang thang xe máy đường rừng giữa chiều tà, mẹ rất sợ hãi. Nhưng khi học võ, dù mẹ biết, những gì mẹ đã học chưa thấm vào đâu, chưa đủ để mẹ chống cự lại nếu rủi có bất trắc xảy ra,nhưng nó giúp mẹ chế ngự nỗi sợ hãi.

Có thể khi nghe những điều này,con sẽ rất ngạc nhiên. Vì đây là lần đầu tiên mẹ nói với con bí mật này. Mẹ quyết định tiết lộ bí mật với con vì chúng mình là bạn bè. Bạn bè có thể tin cậy, và chia sẻ với nhau những bí mật.

 Trở lại câu chuyện về vấn đề bạo lực. Tư duy bạo lực hình thành trong đầu óc con nhiều khi rất tình cờ, ngẫu nhiên. Có thể do con xem phim ảnh, đọc truyện. Hoặc con chứng kiến một cảnh bạo lực nào đó ngoài đời sống. Chúng hằn vào đầu óc con, làm nảy sinh tư duy bạo lực trong con.

 Con hãy cố gắng kiểm soát nó, như cách chúng ta kiểm soát một ngọn lửa. Một ngọn lửa mất kiểm soát nó sẽ biến thành vụ hỏa hoạn, và thậm chí thiêu cháy chính chúng ta.

 Cũng có tình huống mà một người bạn mẹ đặt ra với mẹ. Đó là khi trẻ con bị bạn bắt nạt, thậm chí là bị đánh,thì cách ứng xử thế nào. Người bạn mẹ cho rằng: nếu bị đánh, thì con mình cần phải biết đánh lại. Cô ấy không chấp nhận việc con mình khi bị bắt nạt, chỉ biết khóc âm thầm, không dám nói với ai.

 Mẹ cũng nghĩ, khi bị bắt nạt,thậm chí bị đánh thì nước mắt không giải quyết được vấn đề.  Con có thể tìm gặp cô giáo, người lớn để giúp đỡ mình. Và tất nhiên, con phải chia sẻ ngay với bố mẹ, người mà con cần hoàn toàn tin cậy, người sẽ tìm cách giải quyết hiệu quả nhất cho con.

 Tất nhiên, trong trường hợp nguy cấp, con cần học cách để tự vệ. Nhưng đó không phải là con đánh người. Con có quyền tự vệ chính đáng của mình.

 Mẹ tin, không có khó khăn nào chúng ta không tìm được cách giải quyết.

Nhà văn Phong Điệp

(Trích trong cuốn “Chúng mình làm bạn, con nhé? – Vì sao mẹ sinh ra con trên đời này?”  – NXB Phụ nữ)

About admin2

Scroll To Top