Home / Tin Tức / Chương trình giao lưu văn hóa đọc với nông thôn Thái Thụy lần thứ I

Chương trình giao lưu văn hóa đọc với nông thôn Thái Thụy lần thứ I

Chào mừng Ngày SÁCH Việt Nam 21/4 cũng như kỷ niệm ngày SÁCH bản quyền thế giới 23/4, Trung tâm văn hóa huyện Thái Thụy đã tổ chức “Chương trình giao lưu văn hóa đọc với nông thôn Thái Thụy lần thứ I”với sự tham gia của diễn giả, TSGD Nguyễn Thụy Anh và CLB Đọc sách cùng con vào chiều thứ tư ngày 23/4/2014.

Mở đầu buổi giao lưu, cô giáo Thu Hương (giải nhì Hội thi giáo viên – Thư viện Giỏi toàn quốc lần thứ 2) đã giới thiệu về công việc hiện tại TSGD Nguyễn Thụy Anh và những tác phẩm đã xuất bản.

TSGD Nguyễn Thụy Anh cũng đã chia sẻ, giới thiệu bộ sách của một học giả nổi tiếng vào những năm 50 của thể kỷ trước. Đó là Nguyễn Duy Cần (hiệu Thu Giang), ông đã viết một tủ sách với rất nhiều tựa khác nhau. Tủ sách chia làm 4 bộ, mỗi bộ có một trình tự đọc nhất định mới có thể hiểu hết được ý nghĩa trong đó.

Để khán giả không phải chờ lâu, TSGD Nguyễn Thụy Anh đã đưa ra những ý kiến cá nhân về việc đọc sách. Thời đại ngày nay, nhiều bạn trẻ không thích đọc sách giấy mà đọc sách trên điện thoại, máy tính bảng hay ebook. Đó là một điều rất bình thường và các phụ huynh nên chấp nhận điều đó. Nhưng sách giấy không thể thay thế được bởi cảm giác sách điện tử mang lại. Cầm sách trên tay, cảm nhận được mùi thơm của giấy, lắng nghe tiếng loạt xoạt khi lật giở từng trang giấy….Muốn rèn cho trẻ thói quen đọc sách, bố mẹ cần phải tạo thói quen từ nhỏ, chọn sách phù hợp. Nếu trẻ có cắn, xe hoặc giật sách thì các phụ huynh không nên quá tức giận vì đó cũng là cách các bạn nhỏ đọc sách.

Mặc dù cho ra đời một tủ sách rất nhiều tủ sách nhưng chính học giả Nguyễn Duy Cần lại khuyên người đọc đừng có nghe sách mà phải nên đọc sách rồi tự gợi mở ra những điều khác.

“Hãy để cây hường nở ra hoa hường, cây lan nở ra hoa lan.”

Muốn gần với khán giả hơn, TSGD Nguyễn Thụy Anh đã xuống gần dưới những hàng ghế và đã có những ý kiến giao lưu với tất cả mọi người nơi đây.

Nhà thơ Nguyễn Tường Thuật, một người đọc cao tuổi (Thụy Văn-Thái Thụy-Thái Bình) đã cho rằng sách là kho tàng kiến thức vô tận, là người thầy suốt đời của con người. Ông đã đọc tặng cả khán phòng một bài thơ rất hay.

Nghệ sĩ chèo Nguyễn Viết Bảo cũng là một nhà thơ, đã sáng tác 41 làn điệu chèo cũng như rất nhiều thơ. Ông đã và đang dạy hát chèo cho 17 CLB tại Thái Bình. Và một món quà được nghệ sĩ gửi tới chương trình chính là một làn điệu chèo.

Cô Phạm Thị Hương Giang, phó hiệu trưởng trường tiểu học Thụy Anh tâm sự rằng các bạn học sinh trong trường rất thích đọc sách. Nhiều điều đã thực sự thấm nhuần qua từng trang sách lúc nào không hay.

Được rất nhiều học sinh ủng hộ phát biểu là thầy giáo dạy văn Nguyễn Tiến Trì trường Nguyễn Đức Cảnh. Tác phẩm khiến thầy thích nhất và đọc đi đọc lại rất nhiều lần là “Tuổi thơ dữ dội” (Phùng Quán). Thầy đã cảm nhận được nhiều ý nghĩa cao đẹp trong đó, tình mẫu tử, tình đồng đội, sự sẻ chia…Tất cả đều làm sáng lên vẻ đẹp Việt Nam.

Một độc giả đặc biệt trong chương trình, chính là cô giáo Thu Hương (trường THCS Thụy Xuân) vừa trải qua một thời gian chữa trị bệnh tất rất nặng và một trong những điều giúp cô lấy lại tinh thần chính là những cuốn sách do các con của cô tặng mẹ kèm theo lời đề tặng.

Rất mong muốn phát biểu và mong nhận được câu trả lời từ TSGD Nguyễn Thụy Anh là các bạn học sinh tham dự trương trình. Bạn Nguyễn Tú Linh (lớp 8A4-trường THCS Nguyễn Đức Cảnh) đã hỏi rằng tại nước Nga, người dân nơi đây có biết đến lịch sử Việt Nam hay không và văn hóa đọc của nước Nga phát triển như thế nào?

Thực tế thì rất nhiều người biết đến Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến đầy gian khổ những chính chúng ta hãy cùng nhau cố gắng để người nước ngoài biết tới Việt Nam nhiều hơn hai cuộc chiến đó.

Còn văn hóa đọc ở Nga thì thực sự rất phát triển, từ bác nông dân, cô bán hàng đều rất thích đọc sách, họ say mê đọc sách thực sự và nắm rất rõ nội dung, cũng như các nhân vật trong đó.

Cuốn sách tâm đắc nhất của TSGD Nguyễn Thụy Anh chính là bộ thơ dành cho các bạn nhỏ từ 0-7 tuổi với tranh vẽ minh họa rất đẹp của họa sĩ Kim Duẩn chính là câu trả lời cho câu hỏi của bạn  Đào Thị Hồng Ngọc (lớp 8A4-trường THCS Nguyễn Đức Cảnh)

Trả lời bạn Vũ Quỳnh Anh (lớp 8A4-trường THCS Nguyễn Đức Cảnh) về bộ sách “Hạt giống tâm hồn”, TSGD Nguyễn Thụy Anh đã đọc với tư cách một phụ huynh, thời của cô không có bộ sách nhưng cô đã đọc rất nhiều cuốn sách khác cũng chính là những hạt giống tâm hồn, đó là: Không gia đình, Những tấm lòng cao cả, Cánh buồm đỏ thắm…

Xoay quanh các câu hỏi về sách, bạn Đinh Thu Huyền (lớp 8A4-trường THCS Nguyễn Đức Cảnh) đã hỏi về vai trò quan trọng của sách trong cuộc sống.

Một ý kiến cuối cùng trong chương trình là của bác Đoàn Duy Yên (Thụy Hồng-Thái Thụy-Thái Bình), bác mong muốn bà con sẽ được tiếp xúc với sách nhiều hơn, mong muốn có nhiều chương trình sách đưa và cuộc sống nông thôn. Bác đã gửi tặng bài thơ “Trở lại Điện Biên” là một trong rất nhiều bài thơ bác tự sáng tác.

Tiếp nối chương trình, TSGD Nguyễn Thụy Anh đã giới thiệu một buổi đọc sách tại CLB Đọc sách cùng con. Và một phần khiến mọi người cảm thấy thú vị chính là 5 phần quà cho 5 câu danh ngôn được chọn bất kỳ từ những tờ giấy đã phát từ đầu chương trình.

Chiều lòng khán giả, TSGD Nguyễn Thụy Anh đã gửi tặng mọi người bài thơ “Giã bạn” và hẹn gặp lại mọi người vào ngày gần nhất.

About admin2

Scroll To Top