Home / Bài Viết / Có nên dùng Facebook?

Có nên dùng Facebook?

Thời gian vừa qua, VH & TT đã nhận được nhiều thư của các bạn gửi về, mong muốn được giải đáp những vướng mắc trong học tập và cuộc sống. Thể theo nguyện vọng của các bạn, từ số này, VH&TT đã mời TS.Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, Chuyên gia tư vấn tâm lý trẻ em, phụ trách chuyên mục – là cầu nối giúp các bạn giải đáp những vướng mắc đó. (Các bạn có câu hỏi hay, thú vị được đăng trên VH&TT sẽ nhận báo biếu và nhuận bút của Tòa soạn. Các câu hỏi xin gửi về 25 Hàn Thuyên, phường Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội)

HỎI:

Em rất vui khi có chuyên mục “Góc tư vấn tuổi hồng” xuất hiện trong tạp chí. Mong TS. Nguyễn Thụy Anh có thể giúp em giải đáp một vướng mắc. Theo em thấy, hiện nay, mạng xã hội Facebook đang là xu hướng tiếp cận của tất cả mọi người, đặc biệt là  giới trẻ như lứa tuổi chúng em. Nhưng cái gì cũng vậy, cũng có hai mặt của nó. Em thì chưa dùng Facebook, một lần, chị họ em hỏi và ngỏ ý muốn lập “nick face” cho em nhưng em từ chối vì chưa hiểu rõ về trang mạng xã hội này. Xung quanh em có nhiều bạn bè, người thân dùng Facebook và có thể nói là “nghiện face”. Bây giờ, em rất lo lắng, hoang mang không biết có nên tham gia hay không vì bắt gặp nhiều cảnh tượng xấu, hành vi vô đạo đức, cám dỗ… trên Facebook.

Em mong cô Thụy Anh phân tích cho em hiểu rõ về Facebook, ích lợi và tác hại. Và em có nên dùng Facebook hay không? Em xin chân thành cảm ơn.

Trần Thị Thu Huyền  (Lớp 9D, THCS Lý Tự Trọng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc)

TRẢ LỜI

Thu Huyền thân mến,

Thời đại công nghệ đã và đang thay đổi thói quen giao tiếp, làm việc của tất cả chúng ta. Bên cạnh những mặt tích cực của công nghệ nói chung, hoạt động của các trang mạng xã hội nói riêng, đương nhiên có những điều chúng ta cần tìm hiểu để không bị phụ thuộc vào công nghệ, tệ hơn, có thể còn trở thành nạn nhân nữa.

Cô bất ngờ về suy nghĩ chín chắn của em thông qua câu hỏi em gửi đến chuyên mục. Không phải ai, thậm chí cả người lớn, cũng biết dừng lại cân nhắc, tìm hiểu như em trước khi bắt đầu tham gia mạng xã hội đâu. Và đó là điều rất cần thiết. Cô rất cảm ơn em đã đặt ra vấn đề này để cô có cơ hội chia sẻ cũng em và các bạn.

Cô nghĩ, việc lập nick FB (face-book) chỉ nên do em tự làm, với sự hướng dẫn của các anh chị mà em tin cậy, và chỉ do EM MUỐN chứ không phải người khác muốn. Sớm hay muộn ở đây không có ý nghĩa gì.

Facebook trước hết giúp em kết nối cộng đồng, trao đổi thông tin, cảm xúc, suy nghĩ… với bạn bè, với cả thế giới. Em có thể tìm thấy thông tin em đang quan tâm ở đó. Em có thể chia sẻ một niềm vui, một ý tưởng, và ngay lập tức sẽ nhận được phản hồi từ bạn bè. Những ứng dụng tương tác nhanh chóng, thú vị của FB sẽ khiến em thấy vui vẻ hơn, cuộc sống thú vị và ý nghĩa hơn. Google, FB cũng là kênh giúp e tìm hướng giải quyết những vấn đề be bé mà không hỏi bố mẹ được.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, em sẽ đối mặt với những vấn đề gì?

  1. Mất thời gian! – Nếu không kiểm soát được mình, em có thể sẽ rơi vào tình trạng miên man không dứt ra được. Mà thời gian của một học sinh lớp cuối cấp không có nhiều, đúng không em? Đây là điều bất cập mà chính cô cũng gặp phải khi sử dụng FB. Đặc biệt là những người mới tham gia, FB dễ mê hoặc họ trong một thời gian khiến họ có thể “ăn FB, ngủ FB, mở mắt ra là FB”. Chính vì điều này mà cô khuyên em, để bắt đầu nếu em muốn lập nick FB, hãy lùi một chút nữa thôi, sau khi mọi cuộc thi đã khép lại.
  2. Mối họa tiềm ẩn từ việc tiếp nhận và chia sẻ thông tin: Mọi thông tin cá nhân em đưa lên FB, thậm chí cả những bài viết, bài báo em click vào cũng được… lưu lại ở đâu đó trong bộ nhớ của ai đó. FB dần có dữ liệu về em. Những người khác cũng có dữ liệu về em. Và đó gọi là vô tình – dù không muốn – xây dựng một hình ảnh con người mình trên mạng. Điều này bình thường thôi nhưng ai dùng FB cũng cần lưu ý. Nhiều bạn nhỏ nghĩ đơn giản, cho rằng mình không phải lo, không phải chịu trách nhiệm về bất kì điều gì đưa lên mạng. Mạng ảo mà! Ồ không đâu: mạng ảo nhưng con người mình vẫn là thật. Nếu cứ tưởng ảo là ảo hết, là muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói, nói xấu ai đó, nói sai sự thật, quậy phá làm phiền ai đó… thì sẽ đến lúc gặp rắc rối to. Trường hợp nhóm học sinh giả nick bọn khủng bố để chơi đùa vừa rồi là một ví dụ. Hơn thế nữa, với đặc trưng của internet, ảnh hưởng của nó còn vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, nhóm bạn trở thành mối hoại của thế giới. Đấy là chưa nói đến trường hợp người xấu có thể lợi dụng thông tin mình đăng tải để lừa đảo mình hoặc những người xung quanh mình. Những hình ảnh trên mạng cũng vậy, phải kiểm soát kĩ bằng lí trí những gì mình up lên, liệu nó có thể gây bất lợi gì cho mình hay cho ai đó không.
  3. Các mối quan hệ “bạn bè” trên mạng: có người mình biết ngoài đời, cũng có người mình chưa từng gặp. Đôi khi chúng ta vẫn gặp những bực mình rắc rối trong các mối quan hệ này….

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là hoàn toàn nói “không” với công nghệ, với mạng xã hội, với FB. Nếu muốn, mình vẫn là “người của thời đại” chứ nhỉ? Nếu chúng ta để ý học các kĩ  năng tự bảo vệ mình khi lên mạng thì không có gì phải lo lắng cả. Chẳng hạn, chúng ta có thể đặt một loạt câu hỏi và tình huống để mình nghĩ phương án giải quyết như thế này:

  1. Mục đích bạn chơi FB?
  2. Bạn thích có bao nhiêu bạn FB?
  3. Nếu giả sử có người nào đó vào trang của bạn và nói một điều khồn tốt về bạn, bạn sẽ xử lí ra sao?
  4. Bạn có biết cách lập một note không?
  5. Bạn có biết cách hạn chế thông tin, chỉ chia sẻ với một nhóm người không?
  6. Những thông tin gì về cuộc sống cá nhân không nên chia sẻ public vì có thể bị lợi dụng? Thử nghĩ càng nhiều tình hình huống càng tốt.
  7. Nếu có ai đó nhắn PM cho bạn, muốn rủ bạn gặp ngoài đời, bạn có nhận lời không? Nếu có, thì trong trường hợp nào? Tại sao? Nếu không, thì trong các trường hợp nào? Tại sao?
  8. Bạn có nghĩ là trên FB được quyền nói tục không? Vì sao?
  9. Nếu FB để public, có nên viết bất kì điều gì mình đang nghĩ không? Nếu ý nghĩ đó liên quan đến một người khác, thì có nên cân nhắc không?
  10. Những tính năng a, b, c… của FB theo bạn có lợi gì? Có thế tận dụng vào việc học hay công việc gì của bạn không?
  11. Một ngày bạn mong muốn chơi FB bao nhiêu thời gian? Tại sao theo bạn như thế là hợp lí? Liệu bạn có đảm bảo mình lướt FB không quá thời gian mình mong muốn không?
  12. Theo bạn thế nào là nghiện Net? Điều đó có hại gì? v.v…

Những câu hỏi như thế là bước khởi động thú vị, cần thiết cho một người chuẩn bị tham gia mạng xã hội và thế giới ảo, không chỉ có ích đối với các em, mà cả với những người lớn như cô nữa đấy, em ạ. Và cuối cùng, cô vẫn nhắc rằng, khi nào thật thích, thật có nhu cầu hãy đến với FB nhé. Đừng vì “mốt”, vì ai cũng thế mà mình cũng vậy. Không “cute” chút nào, đúng không em?

Cô Thụy Anh

About DuongMy

Scroll To Top