Home / Tư vấn - Chia sẻ / Đánh tan căng thẳng

Đánh tan căng thẳng

Cô Thuỵ Anh thân mến.

Năm nay cháu đang học lớp 9. Năm học cuối cấp này chúng cháu đã chú tâm và học việc học hành, ôn bài, làm bài hơn. Tuy nhiên áp lực thi cử là điều khó tránh khỏi, vì thế nhiều khi cháu thấy mệt mỏi và stress. Vài tháng nữa, chúng cháu phải đổi mặt với kì thi quan trọng. Chính điều ấy càng làm cho những áp lực trong người cháu tăng lên. Cháu nghĩ rằng đây cũng là tâm trạng của nhiều bạn khác. Cháu rất mong nhận được lời khuyên từ cô để giúp cháu giảm bớt căng thẳng và học hành tốt hơn.

Cháu cảm ơn cô.

Đồng Thị Tươi

Tổ dân phố Lục Độ, TT Cát Hải, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng

Ảnh: internet

 ——————

Tươi thân mến,

Câu hỏi của em cho thấy, em đã tư duy rất chững chạc so với tuổi, nghĩ trước được những điều thật ra là cực kỳ cần thiết mà không phải ai cũng lưu ý. Việc điều chỉnh tốc độ- “tiết tấu” sống và học tập sao cho cân bằng với sức khoẻ, cảm xúc sẽ giúp ta bền sức bền trí, sống hạnh phúc và vui hơn.

Với học sinh lớp 9, lớp 12, những năm cuối cấp phải đối mặt với thi cử, các em lại càng cần có kỹ năng này, như em viết: làm sao để “giảm bớt căng thẳng, học hành tốt hơn”. Không căng thẳng quá, đầu óc sẽ sáng sủa, học dễ vào và dễ nhớ hơn. Ngược lại, không những học trước quên sau mà có người còn “nói xong quên ngay”, “để đâu quên đấy”, muốn gì cũng không biết, nghĩ một đằng nói một nẻo! Đấy là hiện tượng bị stress đấy. Người lớn bị nhiều hơn do áp lực công việc! (Vì thế, nhiều khi hãy thông cảm với họ nhé!) Nhưng trẻ con cũng có thể gặp phải, nhất là tuổi teen!

Tuy vậy, đừng lo, chúng ta có bảo bối! Đó là: “SUY NGHĨ TÍCH CỰC – THỂ LỰC NÂNG CAO – TỰ HÀO ĐIỂM MẠNH”

Suy nghĩ tích cực:

  1. Không suy nghĩ lãng phí thời gian, như than thân trách phận, tự dằn vặt vì lỗi của mình, rồi ước: “Giá như có thể được làm lại!”, tệ hơn nữa là tìm người để đổ lỗi… Stop! Càng nghĩ thế càng rối. Chúng ta cũng không thể mượn bảo bối của Đô-rê-môn mà trở về quá khứ sửa sai. Tuy nhiên, có thể sửa sai ở thời hiện tại, hoặc tương lai!
  2. Thay vì chỉ trích mọi người, chán chường vì hiện thực xung quanh không được như ý (như trời mưa bẩn không đi chơi được; bữa ăn không vừa miệng; bạn mượn sách mãi không trả), thì tìm cách giải quyết vấn đề hoặc tìm ra điểm tích cực (+) trong những điểm tiêu cực đó (-). Có thể viết ra một danh sách những điểm (+) và một danh sách những điểm (-), để thấy, ta nhìn một việc, một người thật khách quan. Quá trình tìm cách giải quyết hoặc tìm ra điểm (+) trong cái (-) chính là quá trình suy nghĩ tích cực. Cô lấy ví dụ nhé: Trời mưa lạnh. Các điểm (-): Không đi chụp ảnh như đã hẹn bạn được; lạnh khó chịu, dễ ốm; trời xám xịt mất cả hứng làm gì. Điểm (+): Không đi ra ngoài, có thời gian xem một bộ phim hay; trời lành lạnh lôi áo len điệu ra diện, lại pha cốc trà mật ong nóng ngồi đọc sách, thấy mình xinh đẹp thảnh thơi như … diễn viên Hàn Quốc trong phim; ngồi nhà nhìn ra bầu trời xám xịt, bèn lấy giấy màu gấp mấy con chim hạc, thấy đẹp và lãng mạn hẳn lên; may quá trời mưa, có thời gian ngồi chép lại bài, mai đỡ vội … Đã thấy dễ chịu hơn chưa?
  3. Lập kế hoạch: việc đưa ra một ý tưởng, một dự định thú vị trong tương lai gần bao giờ cũng khiến chúng ta hưng phấn hơn. Chẳng hạn: kế hoạch chúc mừng sinh nhật mẹ bằng một món ăn học được trên mạng; lên kế hoạch về quê; lên kế hoạch dọn tủ sách cũ, chọn sách làm thiện nguyện…
  4. Giải quyết những gì mình chưa làm được bằng cách tìm ra nguyên nhân và thử sửa lỗi đó trong một lần khác. Ví dụ: rửa bát bị vỡ. Nguyên nhân: không phải do mình hậu đậu, không được tích sự gì cả mà chỉ vì vội quá nên trượt tay. Giải pháp: chỉ rửa bát khi không vội vàng, vừa rửa vừa hát để thư giãn, tưởng tượng mình là cô gái xinh đẹp Lọ Lem chăm chỉ^^.

Cần biết cách điều chỉnh để cân bằng cuộc sống. Ảnh: internet

Thể lực nâng cao:

  1. Uống vitamin hoặc ăn hoa quả hàng ngày;
  2. Tập thể dục hoặc aerobic, hay chơi một môn thể thao, học nhảy một điệu nhảy nào đó;
  3. Làm việc nhà.

Việc rèn luyện thể lực, vận động tích cực, đi ra ngoài thiên nhiên sẽ giúp cơ thể tái tạo năng lượng tốt nhất, giúp tăng khả năng chịu được áp lực.

Tự hào điểm mạnh:

  1. Hãy viết ra trên giấy: những điểm tốt của mình; những gì mình biết làm giỏi làm khéo; tên người em hâm mộ, yêu quý và muốn được giống họ. Việc này giúp em nhìn lại được mình một cách khách quan và có sự tự khích lệ bản thân. Đừng khiêm tốn! Em viết chỉ cho mình nên cứ trung thực viết ra những gì em nghĩ. Sau đó đếm những điểm tốt, mặt mạnh của mình, nếu hơn… 1, hãy tự thưởng bằng cách mua cho mình món đồ/ăn mình thích;
  2. Hãy làm một cái hộp hoặc lọ thuỷ tinh, mỗi tuần/ mỗi ngày viết một câu trên mẩu giấy bé nhiều màu, gấp lại và cho vào đó. Câu đó bắt đầu bằng: “Hôm nay (tuần này), tôi thấy tự hào vì mình đã…. (làm gì đó)”. Sau 3 tháng có thể đếm những mẩu giấy xanh đỏ trong lọ để mình thấy vui và hào hứng hơn.

Bên cạnh “bảo bối” là câu thần chú cô tặng em ở trên, đôi khi mình rơi vào tình trạng khó chịu, bứt rứt, thậm chí không có nguyên nhân, em có thể “xả” bằng những cách kỳ quặc nhất, miễn sao không ảnh hưởng đến người xung quanh. Chẳng hạn: ra chỗ vắng hét thật to; ném nhau bằng tất… sạch; xé một ít giấy báo cũ; chải một kiểu đầu quái lạ… Có thể, những việc đó cũng giúp em bình tĩnh lại và vui lên.

Ngoài ra, mở đầu một ngày, hãy rửa mặt chải tóc thật sáng sủa, nhìn vào gương mà thầm khen mình ở một điểm nào đó (mắt đẹp, da trắng, có đốm tàn nhang ngộ nghĩnh…). Ra đường gặp người đầu tiên, hãy mỉm cười với họ. Nếu là người tgaan hoặc quen, có thể nói một lời khen thật lòng (hôm nay nhìn chị vui thế; ôi cái áo màu đẹp quá…). Tâm trạng tốt đầu ngày sẽ giúp em học mà như không học, làm việc mà như … chơi vậy!

Chúc em sẽ luôn biết cách điều chỉnh, giữ cân bằng tâm lý cho mình trong mọi tình huống để bước vào cuộc đời này luôn rạng rỡ như tên của em nhé!

Cô Thuỵ Anh (Theo tạp chí Văn học và Tuổi trẻ tháng 3/2018)

About admin2

Scroll To Top