Home / Giới thiệu sách / Đất rừng Phương Nam và giấc mơ phiêu lưu tuổi trẻ

Đất rừng Phương Nam và giấc mơ phiêu lưu tuổi trẻ

Cái tên Đoàn Giỏi là một trong những cái tên khắc chạm rõ nét vào ký ức tuổi thơ của tôi, và “Ngọn tầm vông” hay “Đất rừng phương Nam” cũng là một số trong những trang sách “suốt đời đi vẫn nhớ, như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu” – nói theo cách nói của nhà thơ Bằng Việt. Ký ức tuổi thơ mạnh mẽ và cực đoan đến nỗi tôi không muốn xem bộ phim “Đất rừng phương Nam” được dựng gần đây dù nghe được rất nhiều lời khen tặng về nó. Tôi không muốn thế giới tưởng tượng của tôi về đất rừng phương Nam mà nhà văn đã vẽ ra cho tôi ngày bé bị biến mất. Thậm chí tôi cũng chưa đặt chân đến miền đất ấy. Chỉ nhớ là khi nghe tin cháy rừng U Minh vài lần là mỗi lần thấy đau đau… Đất rừng phương Nam của nhà văn đã trở thành miền đất mơ mộng mà thương quý đối với tôi từ lúc nào rồi!

Đến bây giờ, khi NXB Kim Đồng cho ra mắt ấn phẩm đặc biệt bìa cứng nhân dịp 90 năm ngày sinh của nhà văn Đoàn Giỏi, thì tôi lại một lần nữa đọc ông, với tư cách là một bạn-đọc-người- lớn. Thế nhưng, tôi lại ngay lập tức nhận lại được những rung cảm hồn nhiên xa xưa, giống cái thời tôi đã đọc “Đất rừng phương Nam” bên ngọn đèn dầu vàng vọt, nín thở lo lắng cho chú bé An trong vụ phát hiện hai tên gián điệp, mơ mộng cùng rừng đước rừng tràm xa xôi…

Ấn phẩm đặc biệt bìa cứng (ngoài cùng bên phải) nhân dịp 90 năm ngày sinh của nhà văn Đoàn Giỏi

Văn phong Đoàn Giỏi kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trữ tình với chất tự sự. Câu văn lúc uyển chuyển, tốc độ, gây dựng được không khí gay cấn, khẩn trương, lúc lại dàn trải nhẹ nhõm đầy chất thơ. Có lẽ là do từng học về Mỹ thuật và am hiểu hội hoạ nên ông chú trọng màu sắc trong miêu tả. Màu sắc của ông khiến nét vẽ đất- nước – rừng phương Nam trong tâm trí người đọc trở nên sôi nổi, không âm u mà đầy cảm xúc. Tôi còn tỉ mẩn đặt ra … một trò vui: nhắm mắt giở một trang bất kỳ, nhìn quanh quất thế nào cũng thấy Đoàn Giỏi có vài ba từ miêu tả màu sắc đâu đó. Có từng đó màu của thiên nhiên mà trải dài suốt cuốn sách, “cây cọ” bằng ngôn từ của tác giả tỏ ra không chút cùn mòn, luôn bất ngờ, không lặp lại, không nhàm chán.

Có lẽ vì thế mà những đoạn tả cảnh, tả vật trong tác phẩm là những áng văn đẹp, trong veo, reo vui như tâm hồn một đứa trẻ. Những áng văn reo vui kể cả khi tác giả tả những bối cảnh khẩn trương như loạn lạc, cháy rừng…, kể cả khi đứa trẻ bị lo hoảng, bơ vơ, khổ sở vì lạc người thân, bị rượt đuổi… Cảnh đẹp kỳ diệu, bí ẩn đầy màu sắc của “Đất rừng phương Nam” đã cho người dân ở đây vẻ ung dung trong trẻo mà vượt qua cuộc chiến. Chất thơ, chất dân gian, chất cổ tích đầy ắp trong trang viết. Câu chữ đầy đặn đậm nhạc tính, có thể là mẫu mực để dạy trẻ đọc và viết trong khuôn khổ dạy Văn trong nhà trường.

Nhà văn Đoàn Giỏi

“Đất rừng phương Nam” còn đáp ứng được một nhu cầu lớn của bọn trẻ – nhu cầu phiêu lưu. Tôi còn nhớ về câu chuyện của Đoàn Giỏi cũng như “Đảo hoang” của Tô Hoài, “Phía núi bên kia” của Xuân Sách hay “Hành trình ngày thơ ấu” của Dương Thu Hương… với tuổi thơ tôi như lời kêu gọi từ những “miền xa xôi tuyệt vời”! Có lẽ cảm thức “Khoác ba-lô lên và đi!” trong những cuốn sách xưa cũ ấy cũng thôi thúc chẳng kém những cuộc viễn du Đông Tây của người trẻ bây giờ. Vốn sống sâu sắc với Đất rừng phương Nam khiến tác giả có thể đưa nhiều kiến thức khám phá mới mẻ vào trong tác phẩm tặng cho người đọc nhỏ tuổi. Tôi còn nhớ rõ những đoạn nhà văn viết về tổ ong hình nhánh kèo của rừng U Minh, có so sánh cả với cách nuôi ong của người Ai Cập, La Mã, Tây Âu… Tác giả khuyến khích mong muốn tìm hiểu thế giới của đứa trẻ, khiến người đọc nhỏ tuổi không chỉ nhìn thấy “đất rừng phương Nam”, miền đất mà ông rất yêu, mà còn khiến các em nuôi trong mình mơ mộng về những miền đất bên ngoài Việt Nam, hướng ra thế giới. Chú bé An “mơ màng thấy những ốc đảo xanh rờn giữa sa mạc, mênh mông một màu cát vàng rừng rực, có mấy người lái buôn ngồi bên những con lạc đà, mệt mỏi nhìn bóng Kim tự tháp nhô vút lên ở chân trời…, những hải cảng tấp nập hành khách với đủ các kiểu y phục và màu da khác nhau, từ trên những con tàu khổng lồ xuyên đại dương chen chúc nhau theo bậc cầu thang xách va-li xuống bến… Những biển băng lạnh cóng trắng xoá một màu tuyết, không còn phân biệt đâu là mặt đất đâu là chân trời, có những người Et-xki-mô mặc áo lông gấu sù sụ ngồi trên xe trượt tuyết do hươu kéo chạy như bay”… (Đất rừng phương Nam, Nxb Kim Đồng, 2015, tr. 239)

Giờ đây, đọc lại “Đất rừng phương Nam”, tôi bỗng nhớ đến những tác phẩm kinh điển khác của văn học thiếu nhi thế giới cũng dẫn dắt bạn đọc trẻ các cuộc phiêu lưu như thế: Robinson Cruzo (Daniel Defoe), Cuộc phiêu lưu của Karik và Valia (Yan Larri), Trên sa mạc và trong rừng thẳm (Henrik Sentkevich) hay Anaruk, cậu bé đến từ Greenland (Czeslaw Centkiewicz) …

Viết cho thiếu nhi, mỗi tác giả có phong cách và phương pháp truyền tải riêng và mỗi phong cách có hiệu quả riêng. Có người đứng từ góc độ trẻ em, bằng mắt nhìn của trẻ để viết về sự kiện, tả sự vật một cách ngây thơ, đôi lúc ngây ngô. Đó cũng là cách hay. Đoàn Giỏi lựa chọn hướng tiếp cận khác. Viết cho thiếu nhi nhưng ông không tự làm mình nhỏ bé đi để ngang hàng với các em như một người lớn độ lượng cúi mình xuống cho gần hơn với trẻ. Dù là câu chuyện được kể lại từ vị trí một bạn nhỏ, thì lời kể, lời thoại vẫn đầy ắp chất liệu cuộc sống, không bị cắt gọt cho đơn giản đi, cho xinh đẹp hơn, không nương nhẹ giả tạo. Dư âm trong sáng của cuộc sống và con người còn đọng lại từ “Đất rừng phương Nam” là vẻ trong sáng, phóng khoáng của chính ngòi bút tác giả, người đã yêu sâu sắc miền đất của mình, con người quê hương mình.

Cái thật tình được thể hiện tinh tế luôn là lời hiệu triệu nhiều người đón nhận và đi theo nhất.

Thuỵ Anh

About admin2

Scroll To Top