Gần đây, trước những thông tin cấp tập về các trường hợp bị bắt cóc, bị xâm hại, bị bỏ quên trong xe ô tô…, các bậc phụ huynh đều lo lắng và tích cực dạy hoặc tìm lớp dạy cho con kỹ năng sống, đến mức, bố mẹ thì căng thẳng, trẻ nhìn đâu cũng thấy… người xấu!
Vậy, với các con ở lứa tuổi mầm non, bố mẹ hướng dẫn việc ý thức cảnh giác, phòng tránh nguy hiểm, nhận diện nguy hiểm thế nào là vừa đủ? Ranh giới nào giữa việc cảnh báo con và việc… doạ con? Có nhiều trường hợp, bố mẹ nhắc nhiều, kể chuyện nhiều, tưởng chừng đã quá đủ thông tin để bảo bọc đứa con của mình thì đứa trẻ lại trở nên mất lòng tin với những người xung quanh, luôn có thái độ dò xét, không cởi mở, thiếu thân thiện vì ngỡ rằng ai cũng có thể làm mình tổn thương! Tôi từng chứng kiến một cô bé bỗng nhiên hét lên với một thanh niên đứng đợi thang máy: “Chú đứng ra kia! Chú có thể xâm hại cháu!”, khiến mọi người xung quanh ngơ ngác, còn anh thanh niên thì mặt đỏ gay mà không biết làm sao!
Cuộc đời cho dẫu không phải hoàn toàn màu hồng thì tôi cũng hy vọng nó cũng không quá đen tối trong suy nghĩ của những đứa trẻ ngây thơ của chúng ta!
Hãy bắt đầu từ… lòng tin!
Nói chuyện kỹ năng tự bảo vệ, ngay từ ngày chúng tôi còn nhỏ, bố tôi vẫn hay dặn: “Cứ cảm thấy không ổn, bất an, lo lo là phải kể ngay với người lớn. Hãy tin vào trực giác!
Với trẻ con, nhiều người lớn thường nghi ngờ cảm giác của chúng, và tệ hơn, khiến chúng nghi ngờ cảm giác của bản thân. Từ đó, trực giác ít khi mách bảo chúng mỗi khi có nguy hiểm, hoặc có mách bảo thì chúng cũng tự xua đi, không tin vào những thứ mơ hồ vô cớ ấy… Và cũng vì thế, mà không còn hành động theo mách bảo của trực giác, linh cảm nữa! Những câu: “Làm sao có thể thế được?!”, “Vớ vẩn!”, “”Nói linh tinh!”, “Việc gì mà phải lo?! Việc gì phải sợ?!”, “Chả có gì phải hồi hộp cả!” – là công cụ ghê gớm giúp triệt tiêu mọi cảm giác tinh tế, mong manh chưa thành hình gọi tên được trong mỗi đứa trẻ – thứ lẽ ra sẽ góp phần giúp nó quyết định rất nhanh nhiều vấn đề trong cuộc sống sau này với độ chính xác rất cao!
Nói KHÔNG với người lạ (ảnh: internet)
Một trong những việc hướng dẫn trẻ tự bảo vệ mình, theo thiển ý của mình, không phải là bắt trẻ nghi ngờ hết thảy mọi người xung quanh, mà lại là học cách quan sát, và lắng nghe cảm giác của chính mình.
Có hai trò chơi rất nên chơi với con từ nhỏ: trò chơi quan sát và trò chơi gọi tên cảm xúc, trạng thái của mình và cùng phân tích, đoán, tưởng tượng.
Mẹ con mình, bố con mình cùng bí mật quan sát một người, một khung cảnh… Con thấy những gì? Ở đâu? Con thử đoán xem…? Vì sao…? Nếu… thì… ? Giả sử… thì…?
Thói quen quan sát sẽ hỗ trợ con bạn trong nhiều tình huống sau này của cuộc sống. Với khía cạnh nhận diện nguy hiểm, con có thể thoát hiểm trong tích tắc nếu quan sát thấy những bất thường, nếu biết đặt câu hỏi phân tích nhanh tình huống, nếu biết tưởng tượng trước một tình huống giả định mà giải quyết nó.
Trò chơi gọi tên cảm xúc là trò chơi rất có ích cho cả gia đình. Nó tạo sự tương tác và thấu hiểu, dạy cách lắng nghe và chấp nhận người khác, không phủ nhận cảm xúc của người khác. Ở khía cạnh tự bảo vệ, con sẽ có thói quen nói ra, kể lại với người lớn những gì mình thấy, mình gặp, mình phải đối mặt. Đương nhiên, trẻ chỉ sẵn sàng nói nếu được tin! Trong nhiều trường hợp, những câu chuyện buồn, những rắc rối của trẻ thường kéo dài trong im lặng mà bố mẹ không được biết. Trẻ sợ phải nói ra, sợ bố mẹ mắng hoặc sợ bị nghi ngờ, trẻ chịu đựng cho đến khi người lớn phát hiện ra thì sự đã rồi!
Bố mẹ cảm thấy thế nào? Con cảm thấy thế nào? – Thích; Vui; Yên tâm; Sờ sợ; Kỳ cục; Chán ngán; Như… dở hơi; Buồn ngủ chết đi được!; Chán ngấy; Cứ như có cái gì chặn ở ngực; Cứ như là có lửa trong bụng… – đừng ngại khuyến khích trẻ nói ra, thậm chí giúp trẻ bổ sung vốn từ vựng để có thể mô tả cảm xúc, cảm giác của mình rõ nét nhất…
Trò chơi này không chỉ để luyện nói, luyện “văn” như nhiều người nhầm lẫn. Nó giúp trẻ hiểu được cảm xúc cảm giác của mình và biết cách diễn đạt để người khác hiểu mình.
Tiếng nói bên trong mỗi con người luôn thật quan trọng!
Và vì thế, việc tin vào cảm giác của con để con luôn tin vào cảm giác của mình là điều bố mẹ cần phải làm… để bảo vệ con!
TSGD Nguyễn Thuỵ Anh