Mỗi người đều có một tuổi thơ để tìm về, dù bạn đã từng là trẻ con nông thôn, trẻ con thành thị, trẻ con miền xuôi, trẻ con miền núi, hay trẻ con thời bình, trẻ con thời chiến, trẻ con thời đổi mới, trẻ con thời bao cấp.
“Đoàn xe bọ xít” (Nguyễn Thị Thanh Bình, NXB Kim Đồng, 2015) chính là những kỷ niệm trong trẻo, ngây ngô về thời cắp sách tới trường. Bạn đã từng làm xe từ bao diêm hay hộp các-tông? Bạn đã từng bắt bọ xít, ve sầu, chuồn chuồn về chơi? Bạn đã từng học rửa bát? Bạn đã từng bị bố mẹ mắng rồi sau đó khóc lóc sầu thảm và nghĩ đến cảnh bỏ nhà ra đi? Bạn đã từng nhận được thư tay của bố khi bố đi công tác xa?
“Lúc này, Tuấn mới nghe đói ngấu. Lạ một điều là nó không còn mơ đến những món ăn ở nhà hàng mà nó đã có cơ hội nếm thử. Nó nhớ đến mùi cơm sôi thơm nức, nhớ món rau muống luộc dầm sấu chua chua của mẹ, nhớ đến bàn tay lục cục xương ngăm ngăm của mẹ, và cả những cái đét mông của bố.” (Đoàn xe bọ xít, Nguyễn Thị Thanh Bình, NXB Kim Đồng, 2015, trang 108).
Với các bé đang học tiểu học và đầu cấp hai, “Đoàn xe bọ xít” là món ăn tinh thần tuyệt vời giúp bé biết rung cảm với thế giới xung quanh, biết nhận ra và biết nói lên cảm xúc của mình.
Với các bố mẹ, “Đoàn xe bọ xít” là cầu nối trở lại tuổi thơ ngọt ngào, trong sáng của họ.
Với tôi, “Đoàn xe bọ xít” của tôi là những chiều thả trâu chơi nhảy dây, là những trưa dãi nắng trốn ngủ bắt chuồn chuồn, là những bữa cơm nấu bằng rơm, ăn cùng muối lạc, rau muống luộc chấm tương, là những sáng ăn khoai lang đến trường, là những buổi gối đầu lên đùi bà để bà bắt chấy, là những tối mùa đông cả nhà nằm trên giường ăn ngô rang.
Ai cũng có một “Đoàn xe bọ xít” của riêng mình. Nghĩ đến tuổi thơ, bất kỳ ai cũng sẽ xúc động, vì một kỷ niệm nào đó chợt ùa về. Hoặc không cần một lý do cụ thể nào cả, bởi chỉ cần nhắc đến hai từ “tuổi thơ” thôi cũng đủ làm cho người ta cay cay sống mũi rồi.
Bài và ảnh: Hiếu Nguyễn