Cầm tập bản thảo các sáng tác cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh, tôi lật vội để tìm đến trước nhất là những truyện, những thơ mà tôi từng đọc thời còn là một cô bé đen đúa gầy gò có đôi mắt to muốn ôm trọn thế giới. Và thế giới đầy gió, nắng, yêu thương bên người thân, Xuân Quỳnh đã giữ lại cả cho tôi. Bây giờ, gặp lại những chi tiết thân quen đã được khắc chạm vào trí nhớ, cứ muốn trào nước mắt trong cuộc hội ngộ cùng Tuổi thơ:
“… Bỗng thấy nhiều gió lộng
Bỗng thấy nhiều nắng reo
Bỗng tôi thấy thương yêu
Tôi biết là có mẹ…”
(Bầu trời trong quả trứng)
Phải chăng, cái sự “thấy thương yêu” chính là sự khởi đầu, đồng thời cũng là đích đến cho cả một đời người?
Cô-bé-tôi xưa nhắc cho tôi-bây-giờ những hồi hộp, bâng khuâng êm đềm từng có khi đọc Xuân Quỳnh. Dẫu là khi đọc “Ông nội, ông ngoại” trên chiếc võng ngoài vườn với tiếng ve trưa inh ỏi hay bên nồi cơm đang sôi lục bục, vừa đọc “Ngày mai con sẽ ngoan” vừa lơ đãng dùng khúc củi gõ nhẹ nhẹ thân bếp trấu. Cũng có lúc là một buổi tối mùa đông gió rít ngoài vườn chuối, sờ sợ đọc truyện “Con đen đen” đầy li kì.
Kỳ lạ thay, bao rung động đến giờ vẫn như vẹn nguyên, sống động, tươi mới. Hay có thể, tôi chưa từng rời khỏi Tuổi thơ?
Thơ Xuân Quỳnh, là mẹ, là con…
Xuân Quỳnh mất mẹ từ sớm. Và Xuân Quỳnh cũng sớm biết lo toan cho những đứa con. Có lẽ vì vậy mà thơ của bà viết cho thiếu nhi được bật lên tự nhiên, xáo trộn giữa nỗi niềm của một đứa trẻ và tấm lòng người mẹ. Đứa trẻ trong thơ Xuân Quỳnh lúc tha thẩn nghĩ ngợi, lúc dí dủm chuyện trò, khi lại chân đất nhảy dây, lang bang trên mặt đất vô tư lự. Người mẹ trong thơ Xuân Quỳnh lại muốn bao bọc yêu thương từ khi con còn trong bụng mẹ và muốn con biết được tình yêu mà cả thế giới dành cho con. Người mẹ ghi lại chuyện này, cắt nghĩa điều kia, đồng hành trong từng chặng lớn của con.
Chất đồng dao trong thơ thiếu nhi của Xuân Quỳnh khá đậm nét. Với “Bầu trời trong quả trứng”, “Chuyện cổ tích về loài người”, “Con chả biết được đâu”, nhịp bằng trắc luân chuyển giữa vần chân vần lưng và nghệ thuật láy ý khiến bài thơ có thể kéo dài mãi không dừng, theo bước nhún nhảy thơ ngây của trẻ. Thế nên đọc lên nó cứ miên man, chuyện nọ xọ chuyện kia, như thể nghĩ gì nói nấy, y hệt câu chuyện của trẻ con:
“Không có diều có cắt
Không có bão có mưa
Không biết đói biết no
Không bao giờ biết sợ…”
(Bầu trời trong quả trứng)
hoặc:
“… Từ cái bống cái bang
Từ cái hoa rất thơm
Từ cánh cò rất trắng
Từ vị gừng rất đắng
Từ vết lấm chưa khô
Từ đầu nguồn cơn mưa
Từ bãi sông cát vắng…”
(Chuyện cổ tích về loài người)
Xuân Quỳnh có nhạy cảm đặc biệt về ngôn ngữ: từ lớp vỏ ngữ âm đến tầng ngữ nghĩa bên trong. Nhạy cảm này không phải là kiến thức về tiếng Việt, không học mà có được. Cái trực giác của người sáng tác là phụ nữ và nỗi khát khao yêu thương như người mẹ, như đứa con luôn thường trực đã mách bảo nhà thơ phải dùng từ này chứ không phải từ kia. Chính vì thế, kỹ thuật dụng từ của bà thật linh hoạt, giữa những từ loại luôn hoán đổi vị trí và chức năng cho nhau. Trong thơ, Xuân Quỳnh thường dùng thủ pháp khá độc đáo so với thơ thiếu nhi cùng thời: danh từ hoá, sự vật hoá các tính từ: “Quả ớt làm bằng cay”, “Sông lại cần mênh mông”… Và những danh từ thì lại ôm vào biết bao cảm xúc mơ hồ, choáng ngợp: những “vệt dài tít tắp”, “lao về ban mai”, rồi: “Ban ngày làm bằng nắng/ Màu xanh làm bằng cây”…
Tôi trộm nghĩ, chất thi sĩ trong con người nữ sĩ Xuân Quỳnh tồn tại mạnh mẽ bên cạnh bản năng người mẹ làm nên chất thơ bay bổng, tài hoa, thấm đẫm yêu thương mà không nôm na đơn giản, không thật thà minh hoạ cuộc sống. Trẻ cần lăng kính ấy để ngắm nhìn thế giới. Để dám tìm cách lý giải niềm vui, nỗi buồn theo tư duy riêng mình. Để tìm thấy ý nghĩa của yêu thương từ những điều tưởng chừng tất yếu, bình thường nhất:
“… Mẹ nghĩ đến bàn chân
Và con đường tít tắp
Bỗng như lên tiếng hát
Từ màu mạ dưới đồng
Từ hạt cây trong rừng
Từ cánh buồm trên biển…”
(Con chả biết được đâu)
Bên cạnh đó, trong thơ Xuân Quỳnh còn thấp thoáng hình ảnh đứa trẻ lanh lợi, biết quan sát, thoắt cái lại là một người lớn biết bắt nhịp đùa cùng trẻ, nói cười tinh nghịch, so sánh ngộ nghĩnh trong cả những bối cảnh vất vả, khó khăn:
Trời xanh của bố em
Hình răng cưa nham nhở
Trời xanh giữa đạn bom
Rách, còn chưa kịp vá…”
Trời xanh của mỗi người)
hay:
“Quả tim như cái đồng hồ
Nằm trong lồng ngực giục giờ hành quân,
Dế con cũng biết đào hầm
Con cua chả ngủ, canh phòng đạn bom,
Trong trăng chú Cuội tắt đèn
Để cho mắt giặc mây đen kéo về,
Cái hoa cái lá biết đi
Theo người qua suối, qua khe, qua làng…”
(Tuổi thơ của con)
… để rồi cười xoà cùng nhau trong những ẩn dụ yêu thương: “Con yêu mẹ bằng con dế” hay “Cả nhà yêu con thế/ Con chả biết được đâu!”, “Vì tất cả của con/ Mà con là của mẹ!”. Cái nhìn thương yêu – thương nhau, thương vạn vật – là cội nguồn của lòng can đảm, kiên cường và lạc quan.
Truyện ngắn Xuân Quỳnh – vũ trụ rối bời mà êm ái
Trẻ con thời nào cũng lớn dần lên với những băn khoăn, dè dặt, lo âu rối bời trước nhiều vấn đề của cuộc sống. Mỗi lần thấu hiểu được một điều, gỡ bỏ được hoang mang, chúng lớn lên thêm một chút. Truyện ngắn Xuân Quỳnh, mỗi câu chuyện là một mảnh ghép, vẽ lại cái vũ trụ rối bời đầy cảm động ấy để người lớn và trẻ con đến gần nhau hơn, hiểu nhau hơn. Đó là tâm sự của bé Minh khi dần khám phá ra tình thương của ông ngoại, khi không còn thấy sợ, thấy khó chịu vì những điều “kì quặc” của người ông khắc khổ, sống tận ở miền Nam với lối sống và ngôn ngữ khác biệt. Rồi cậu cũng phát hiện ra, ông nội hay ông ngoại thật giống nhau ở tình thương yêu dành cho đứa cháu. Ngày đọc truyện này, ông tôi vừa qua đời. Tôi nhớ chi tiết giờ chia tay, ông ngoại của Minh giương cái ô đen lên đứng lẫn giữa bao nhiêu người và xe cộ, rồi chỉ còn thấy chiếc ô đen giơ lên cao rồi khuất hẳn. Đọc đến đó, nước mắt đã đẫm đẫm má. Tôi mới dừng lại để gọi thầm: “Ông ơi!”… Đó lại là nỗi ấm ức của cô bé Hương trong từng chuyện nho nhỏ mỗi ngày em kể cho người cô chưa từng gặp mặt. Em thì nghĩ thế này, mẹ lại hiểu sang thế khác. Đọc những lá thư ấy, người lớn thì coi là “vớ vẩn”, nhưng đúng là cả một vũ trụ rối bời của trẻ con. May thay, truyện của người mẹ-nhà văn Xuân Quỳnh lại nhìn thấu mọi điều, kết thúc thường có hậu. Nhân vật nào cũng “hiểu ra”, “nhìn ra” những điều đáng yêu, những nỗi niềm của người khác. Còn nhiều nhiều những câu chuyện rối bời được kể âu yếm như thế, truyện nào cũng có những chi tiết – những nét chấm phá gợi lại một cảm xúc khó quên. Và trên hết, đọc xong, cả người lớn và trẻ con đều cảm nhận được rằng, hiểu, tôn trọng và thương nhau – đó chính là những chất kết nối quan trọng để những con người lớn lên cùng nhau.
Ở CLB Đọc sách cùng con, chúng tôi thường cùng các em đọc Xuân Quỳnh. Tôi thuộc lòng nhiều đoạn văn trích từ truyện ngắn của bà. Những câu văn trong sáng, giàu chi tiết, hình ảnh và âm nhạc. Tôi thường thích đọc to từng đoạn, lắng nghe âm thanh giọng đọc của mình đang gấp gáp hay dàn trải cùng nhịp văn Xuân Quỳnh. Đọng lại sau tất cả là cảm giác êm ái. Êm ái, khoan hoà và bình ổn trong tâm… Để sẵn sàng “thấy thương yêu”!
TSGD. Nguyễn Thụy Anh (Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con)