Có dễ đến hơn chục năm nay khái niệm “giáo dục gia đình” đang dần bị quên lãng. Người ta nói nhiều đến các trường, bàn về việc chọn trường cho con sao cho phù hợp, học tốt để chuẩn bị cho những bước xa xa như đi du học, chọn ngành nghề… Kể cả những thói quen tốt, lối sống hay bây giờ cũng nhiều người hy vọng vào các trung tâm, các lớp học dạy kỹ năng. Dường như mọi người đã quên, một trong những hình thức giáo dục quan trọng có thể cho hiệu quả đặc biệt lại chính là giáo dục gia đình – hoặc còn gọi là giáo dục trong gia đình.
Giáo dục diễn ra trong gia đình thường mang tính chất tự nhiên, đầm ấm, ít có sự nghiên cứu chuẩn hóa, chương trình hoạt động… như ở các cơ sở giáo dục ngoài xã hội mà dựa vào mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và chính quá trình giáo dục gia đình quay trở lại ảnh hưởng tích cực đến những mối quan hệ ấy.
Giáo dục gia đình được coi trọng từ xa xưa, vì thế trong ca dao tục ngữ cũng có nhiều câu đúc kết sự quan trọng của giáo dục gia đình. Chẳng hạn: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, “Lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống”, hoặc:
“Trứng rồng lại nở ra rồng,
Hạt thông lại nở cây thông rườm rà…”
Giáo dục gia đình trước hết là giáo dục các thế hệ những giá trị tốt đẹp được lưu lại từ truyền thống dòng họ, gia đình. Sau đó là những khái niệm đạo đức và những giá trị sống mà dân gian quý trọng, nâng niu. Và cuối cùng, ở nghĩa hiện đại bây giờ, giáo dục gia đình là sự giao lưu chặt chẽ về mặt cảm xúc giữa bố mẹ và con cái, chia sẻ vui buồn, qua đó cùng con học những điều hay, xây dựng một lối sống đẹp mà gia đình ấy quan niệm. Giáo dục gia đình dễ có hiệu quả vì đó là những bài học ít rườm lời, không áp lực, xảy ra hàng ngày, tiếp nhận tự nhiên, “vào” lúc nào không biết – như một thói quen, một truyền thống gia đình. Thế nhưng ngược lại, giáo dục gia đình cũng có thể hoàn toàn thất bại vì những vấn đề về con người như sự áp đặt, tính gia trưởng, sự không nhất quán…
Nghĩ về giáo dục gia đình ngày nay, tôi nghĩ đến mấy điểm sau:
1. Hành động và sự thống nhất trong gia đình
Giáo dục gia đình chủ yếu là qua hành động, không có bài vở, không có … giáo án, vì thế, mỗi gia đình cần có sự thống nhất với nhau về các nguyên tắc chung để từ đó thể hiện qua hành động. Chẳng hạn, ông bà, bố mẹ phải có những thỏa thuận về quá trình dạy dỗ con, cháu, tránh việc ông thì cấm bà lại cho, bố mẹ nói một đằng, ông bà lại giữ một quan điểm khác. Khi đã có sự thống nhất thì tất cả các thành viên gia đình đều tham gia vào quá trình giáo dục trẻ bằng cách của mình. Ví dụ, để dạy trẻ biết kính trọng người lớn tuổi, bố mẹ thường xuyên tỏ thái độ lễ phép với ông bà, vào mâm thì mời, món ngon gắp mời ông bà trước. Ông bà cũng phải tiếp nhận điều đó một cách tự nhiên chứ không tỏ ra mâu thuẫn như luôn nhường món ngon cho cháu, cái gì cũng dành cho cháu hết, tỏ ra không trân trọng hoặc không để ý những lời mời, lời hỏi han lễ độ từ phía các con cháu.
Trong các gia đình hiện đại bây giờ, đôi khi họ còn phân công nhau việc quan tâm đến đứa trẻ. Ông bà dạy cháu điều gì, bố mẹ lo bảo điều gì- ông bà lo dinh dưỡng, bố mẹ lo dạy học..v.v.. Dù sao, đó cũng là một sự thỏa thuận mặc dù không phải không có chút cực đoan.
Việc dạy trẻ và giáo dục về các giá trị sống và kỹ năng sống thì có thể diễn ra hàng ngày, hàng giờ, bất kỳ lúc nào, từ những hành động ý nhị của bố mẹ, của ông bà. Việc tiếp thu cũng diễn ra tự nhiên như vậy. Những đứa trẻ thường chia sẻ với nhau: “Bố tớ bảo… “, “Nhưng bà tớ dạy thế này cơ… “, “Mẹ cháu cũng hay nói thế”… Có nghĩa là bất kỳ điều gì xảy ra trong gia đình cũng mang một ý nghĩa giáo dục nhất định đối với đứa trẻ.
2. Cảm xúc và sự giao lưu tạo cảm xúc
Giáo dục gia đình chỉ có thể đạt hiệu quả tốt khi có một nền tảng cảm xúc vững giữa các thành viên trong gia đình. Mọi người tỏ ra quan tâm đến cảm xúc của nhau. Chẳng hạn, bà mẹ có thể tâm sự với con: “Hôm nay chắc bố có vấn đề gì ở cơ quan, thấy bố hơi mệt mỏi và bực bội”. Hoặc: “Không hiểu mình đi nghỉ mát 7 ngày liền, ông bà ở nhà có buồn không nhỉ? Có lẽ tối nào mình cũng gọi điện trò chuyện với ông bà vài phút nhé con nhé?”
Để tạo được cảm xúc ấm áp, tích cực giữa các thành viên, mỗi gia đình dù ít hay nhiều người, đều rất nên lên kế hoạch cùng tham gia một hoạt động chung nào đó một tuần một lần: cùng nấu ăn, cùng đi siêu thị, cùng đi dã ngoại, cùng đọc chung một cuốn sách, cùng xem chung một bộ phim, tổ chức sinh nhật, các ngày lễ… Việc lên kế hoạch cụ thể, giờ giấc, ghi chép lại… rất quan trọng. Điều này giúp chúng ta không vì bận rộn mà lãng đi, cứ hẹn lần ngày này qua ngày khác. Điều đó cũng khiến chúng ta biết cách tiết chế, điều chỉnh để những hoạt động này diễn ra vừa đủ, vừa độ, không ảnh hưởng đến những khoảng tự do cá nhân của các thành viên.
Trong các hoạt động tạo cảm xúc trong gia đình, nên chú trọng đến những “trò chơi ngốc nghếch” – tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng lại khiến các thành viên trong gia đình cởi mở hơn với nhau. Ví dụ, trò chơi ném gối buổi tối, trò chơi trốn tìm trong nhà, trò đố vui có thưởng, một trò thách đấu buồn cười nào đó…
Bố mẹ có thể âm thầm viết nhật ký cho con hoặc tạo một facebook gia đình trên mạng, cùng nhau chăm chút và giao lưu qua đó – cũng là một ý tưởng không tồi thời công nghệ. Tuy nhiên, giao lưu chứ không phải là kiểm soát nhau – đây là ranh giới rất mong manh mà đôi khi vượt qua giới hạn thì mọi cố gắng lại trở thành phản tác dụng.
3. Lòng tin và sự tôn trọng
Việc xây dựng lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau trong gia đình thật quan trọng và không dễ dàng. Đứa trẻ sẵn sàng tin vào bố mẹ mình, ngay từ nhỏ, cho đến khi bất ngờ biết được một “bí mật” nào đó – đôi khi chỉ đơn giản là nó thấy bố hoặc mẹ xử sự không đúng như bố mẹ từng dạy nó. Một lần phát hiện bố nói sai sự thật; một lần biết mẹ đã thổ lộ với người khác bí mật mà mình chia sẻ với mẹ..v..v. – tất cả đều có thể làm một đứa trẻ mất lòng tin trầm trọng dù trên thực tế, các tình huống không có ý nghĩa nghiêm trọng đến vậy. Tôi nhớ câu chuyện “Nói dối” của nhà văn Xô Viết A.Aleksin, kể về một cậu bé sau khi phát hiện một tình huống “nói dối” của bố mình thì hoàn toàn suy sụp tinh thần – mọi giá trị đẹp đẽ mà trước đó bố đã dạy cậu hoàn toàn không còn ý nghĩa nữa.
Chúng ta chỉ có thể đối mặt với điều này bằng sự chân thành, cởi mở, chia sẻ giữa bố mẹ và con cái. Có những tình huống phức tạp cũng có thể tâm sự và giải thích với trẻ những lý do riêng khiến mình hành động như thế. Lòng tin chỉ có thể giữ được trên cơ sở lòng tin. Hãy tin tưởng vào sự sáng suốt và đồng cảm của trẻ.
Giáo dục gia đình cũng không thể có kết quả nếu không xây dựng được sự tôn trọng lẫn nhau. Sự tôn trọng đôi khi chỉ bắt đầu bằng việc hỏi ý kiến con: Hôm nay con thích đi về bà nội chơi hay mẹ con mình đi siêu thị? Và lưu ý, khi đã hỏi ý kiến và đưa ra các phương án thì phải chấp nhận một trong những phương án được lựa chọn. Tôi nhớ có đứa trẻ than vãn: “Mẹ cháu cứ hỏi thế chứ mẹ cháu quyết hết rồi, nên tốt nhất là đừng hỏi còn hơn!”.
Sự tôn trọng còn thể hiện ở nhiều hành động khác. Chẳng hạn, người Nga có câu rất hay: “Mắng vợ chớ mắng trước mặt trẻ. Mắng trẻ chớ mắng trước mặt người khác”. Sự coi trọng danh dự của từng người trong gia đình trước mặt những người khác – là một trong những nguyên tắc quan trọng. Đứa trẻ cũng cần được “giữ gìn thể diện”. Chúng sẽ tiếp thu nhanh hơn nếu việc phê bình, góp ý hay thậm chí mắng mỏ của cha mẹ được diễn ra cá nhân, không phải là cả gia đình xúm lại kiểu “sinh hoạt gia đình, phê bình tập thể”. Cha mẹ hãy luôn nhớ, mình đang nuôi dạy một con người chứ không phải một đứa trẻ thuộc sở hữu của riêng mình, muốn làm gì với nó cũng được.
4. Trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình
Giáo dục gia đình sẽ khập khiễng và thiếu sót nếu không xác định được rõ cho từng thành viên trách nhiệm của anh ta đối với gia đình của mình. Đứa trẻ cũng phải cảm nhận được điều ấy. Trách nhiệm nhiều khi là những công việc gia đình bé nhỏ mà trẻ có thể đóng góp tùy theo lứa tuổi, kể cả khi trẻ “bận đi học thêm” hoặc “sắp thi”. Hãy làm sao xây dựng được cho trẻ cảm nhận về trách nhiệm của mình đối với cộng đồng gần gũi nhất, và những gì mình đóng góp nó phải tự nhiên, không trở thành áp lực nặng nề.
Trách nhiệm với gia đình cũng có thể là ý thức lo lắng cho từng thành viên, ý thức cố gắng tìm hiểu nhu cầu của mọi người, ý thích và khả năng của họ. Chẳng hạn, có thể lập một sơ đồ nhắc nhở những hoạt động liên quan đến từng thành viên trong gia đình; ghi chú ngày sinh, ngày mẹ thi công chức, ngày con thi học kỳ, ngày con thi học sinh giỏi, ngày bố được lên lương…v..v. Đứa trẻ sống trong gia đình không thể thờ ơ với những con người trong gia đình ấy. Và đó cũng là trách nhiệm gia đình vậy.
Trách nhiệm gia đình còn có thể chia sẻ cùng trẻ thông qua những… hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền Internet, tiền điện thoại và những khoản tiền bố mẹ vẫn chi tiêu hàng tháng. Cùng con ghi chép các số liệu ấy và có thể cùng nhau bàn bạc, quyết định các vấn đề liên quan đến tài chính như có nên mua một món đồ nào đó hay không, vì sao có thể mua, vì sao chưa nên, đợi đến bao giờ thì mua được..Nói tóm lại, mỗi một gia đình có một thế giới riêng, truyền thống riêng, thói quen riêng, và thậm chí là cả hệ thống “tín hiệu” trao đổi riêng, miễn sao chúng có thể gắn kết các thành viên trong gia đình thì việc giáo dục trẻ không có gì là khó nhọc nữa mà chỉ đem lại niềm vui. Chúng ta sẽ không phải “cầu cứu” đến bất kỳ một cơ sở giáo dục nào nếu sự giao lưu cảm xúc và gắn kết tình cảm, trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình được chú trọng và giữ gìn.
TSGD Nguyễn Thụy Anh