Home / Tư vấn - Chia sẻ / Giúp con vượt qua stress (Dành cho cha mẹ các bé mới vào lớp 1)

Giúp con vượt qua stress (Dành cho cha mẹ các bé mới vào lớp 1)

Ngày đầu tiên đi học lớp Một, bé Hoa vui thích lắm. Bé được các cô ở lớp Mẫu giáo và bố mẹ ở nhà “trang bị” cho đủ kiến thức để có thể tự tin vào học ở môi trường lạ và khó hơn. Hoa lại còn là cô bé luôn vui vẻ, dễ thương, ăn mặc đỏm dáng, hay hát, hay cười. Với ai chứ với Hoa, trường lớp, cô giáo mới, bạn bè mới chắc chắn không thể là điều gì đáng lo ngại cả.

Quả vậy. Hai ngày đầu tiên qua đi thật thú vị. Bé về nhà là líu lo: “Mẹ ơi, lớp con đẹp lắm, tường treo tranh, có nhiều cửa sổ”. “Bà ơi, cô giáo cháu tóc dài và mượt, xinh nhất trường bà ạ”…

Nhưng đến cuối tuần, bỗng xảy ra sự lạ. Bữa cơm, bé đăm chiêu không nói năng gì nhiều. Bà đã nghĩ cháu bị mệt, giục đi nghỉ sớm, thì đêm, Hoa giật mình ngồi dậy đến vài ba bận, khóc nức nở. Mẹ bảo chắc do mơ ngủ, do tuần đầu đi học hoạt động nhiều quá. Nhưng càng về sau, con gái càng tỏ thái độ lạ lùng hơn. Nhắc đến đi học, bé không hào hứng nữa. Thậm chí, buổi sáng ra khỏi nhà, Hoa còn rơm rớm nước mắt. Cả nhà gặng hỏi mãi không ra nguyên nhân. Những ngày đầu đến trường của Hoa bỗng trở thành nặng nề với cả gia đình.

Tôi có thể đoan chắc rằng, có hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện tương tự vẫn đang xảy ra ở mỗi gia đình khi các em bước vào những thời điểm quan trọng của đời mình: bắt đầu hòa mình vào một môi trường tập thể mới. Áp lực về tâm lý là không tránh khỏi. Có bé còn đổ bệnh, lên cơn sốt “tâm lý”. Khi được cho phép ở nhà là cơn sốt .. tự động biến mất!

Là cha mẹ, ai cũng xót con. Nhưng không thể né tránh mãi những vấn đề nảy sinh, mà cách giải quyết đúng đắn nhất là đối mặt với thực tế, tìm cách cùng con vượt qua stress một cách“ngoạn mục”, để con được trưởng thành.

 

1. Chuẩn bị cho con về mặt tâm sinh lý: Bước này càng kỹ bao nhiêu, các vấn đề càng ít bấy nhiêu.

– Về tâm lý: Cùng con đi thăm thú trường học, gặp gỡ cô giáo trước khi năm học bắt đầu. Kể cho trẻ nghe về “Bạn hươu cao cổ đi học”, “Bạn chuột Típ đến lớp”, hoặc trước khi đi ngủ, thủ thỉ kể cho con nghe “hồi mẹ đi học” thế nào để trẻ biết, bạn hiểu hết tất cả những suy nghĩ của con, đồng cảm với con, đồng thời cũng cùng con lường trước được những gì tất yếu phải xảy ra. Nhưng cuối cùng, kết luận cho bé biết đi học “có lợi” thế nào, và bé sẽ học được gì, sẽ có thêm điều gì mới mẻ hay ho ở môi trường mới. Cả nhà cùng chuẩn bị cho bé đi học với tâm trạng tươi vui như chuẩn bị cho một ngày hội. Điều ấy chắc hẳn sẽ ảnh hưởng tốt đến tinh thần của bé. Thậm chí, bạn có thể so sánh: “Ôi, khổ thân em Cún, còn bé nên chưa được đến trường như chị!”

– Về sức khỏe: những ngày này, bé cần được chăm bẵm kỹ hơn đôi chút về dinh dưỡng, uống thêm một “cua” vitamin trước đó một tháng và không đi đâu xa để sức khỏe được ổn định. Stress không chỉ ảnh hưởng về tâm lý mà còn ảnh hưởng đến thể trạng của bé nữa.

2. Bắt đầu vào cuộc, khi có dấu hiệu stress, bạn phải thật bình tĩnh. Đó là chìa khóa giải quyết mọi khó khăn. Tâm lý vững vàng của cha mẹ, nhất là người mẹ, sẽ cho con một chỗ dựa về tinh thần. Tuyệt đối không gặng hỏi bé “Tại sao?”, không tỏ ra sốt ruột khi bé khóc lóc lèo nhèo. Bạn hãy âu yếm bé nhiều hơn, ôm bé vào lòng, vuốt lưng, nói chuyện nhẹ nhàng với giọng điệu cân bằng, không quá tỏ ra tội nghiệp bé như “Khổ thân con tôi”, cũng không lên giọng bực bội: “Có cái gì mà phải khóc?”. Tuyệt đối không chỉ trích cô giáo trước mặt con, nhưng cũng nói cho con biết, bất kỳ điều gì xảy ra, bố mẹ cũng ở bên con, cùng con giải quyết hết, không để ai bắt nạt con vì bố mẹ rất yêu con!

3. Tìm hiểu nguyên nhân. Có những bé bị stress chỉ đơn giản là vì có thay đổi lớn trong cuộc đời. Stress kiểu ấy thể hiện giản dị hơn. Bé có thể khóc đêm, hay làm nũng. Nhưng những stress liên quan đến các chấn động về tâm lý có lý do cụ thể như ở lớp có bạn bắt nạt, cô giáo mắng, thậm chí có nơi, cô giáo còn đánh trò, bắt phạt, hoặc cháu cảm thấy không theo kịp bạn bè..v.v – những dạng stress này nếu cha mẹ để ý, sẽ thấy thể hiện “nặng” hơn khi có một bối cảnh nào đó.

– Tìm hiểu qua các bạn của trẻ bằng cách làm quen với một vài phụ huynh, và có thể đến nhà, khéo léo hỏi han các cháu về chuyện lớp, chuyện trường, chuyện cô giáo, chương trình học và cả những gì xảy ra ở lớp.

– Trực tiếp hỏi thẳng cô giáo, cũng lại khéo léo để cô không tự ái, nhưng với một nguyện vọng chân thành là “tin tưởng với sự giúp đỡ của cô, sẽ giúp con ổn định được tâm lý”. Bạn hãy hỏi cô giáo về những thay đổi bất thường ở lớp, về cách đối xử của bạn bè đối với cháu, vị trí cháu ngồi học… Tất cả mọi chi tiết dù nhỏ nhặt nhất đều rất quan trọng. Giống như… thám tử Shelock Homes, bạn hãy “soi” thật tỉ mẩn mọi nhân tố có thể là thủ phạm của cơn chấn động về tâm lý của con mình.

– Hỏi con vào lúc con bình tĩnh nhất trong ngày. Nhẩn nha hỏi về bạn, về cô, về hoa trên sân trường, về cây cối trong vườn trường… Với cách khơi gợi xa gần như thế, thể nào cũng“bắt” được một điều gì đáng chú ý.

4. Khi đã tìm ra nguyên nhân rồi thì việc giải quyết vấn đề không còn là khó nữa. Có hàng trăm nguyên do cụ thể, vì thế, chúng tôi không có ý định đưa ra một ‘công thức” giải quyết nào cả. Chỉ xin nhấn mạnh đến thái độ của chúng ta khi đối mặt với “sự thật”:

– Kiên quyết. Nếu vấn đề sâu xa thực sự căng thẳng như phương pháp sư phạm của giáo viên, cách hành xử không công bằng, có dấu hiệu ngược đãi trẻ… thì bố mẹ phải tỏ ra rất kiên quyết. Thái độ mềm mỏng, tôn trọng, nhưng lời lẽ thẳng thắn, có lý, có tình.

– Không nôn nóng. Bất kỳ điều gì cũng không thể giải quyết ngay một sớm một chiều. Vì thế, bạn phải rất kiên nhẫn. Điều quan trọng nhất là lấy lại bình tâm cho con bằng cách tìm một sự lý giải logic cho sự việc.

– Tự tin vào mình, tin vào sự giúp đỡ của những người xung quanh. Lòng tin vào bản thân luôn là quan trọng nhất. Nó cho bạn sự sáng suốt để vạch ra nhiều hướng giải quyết, không được hướng này thì xoay ra hướng khác. Ngoài ra, bạn hãy tranh thủ sự hỗ trợ của tất cả những người xung quanh như giáo viên, các phụ huynh khác, hàng xóm, thậm chí cả bác lao công, ông bảo vệ, những người có thể tiếp cận được cháu ở lớp, ở nhà, làm sao có thể bao bọc quanh cháu càng nhiều “năng lượng tích cực của tình thương yêu” càng tốt. Và cuối cùng, nếu cần thiết, cần nhờ đến cả ban giám hiệu, hiệu trưởng, hiệu phó..v.v.

Tôi lấy ví dụ, trong câu chuyện trên, phụ huynh bé Hoa đã tìm ra nguyên nhân stress của con: tuần đầu tiên, cháu được cô giáo chỉ định làm lớp phó quản ca. Nhưng sau đó, cô giáo thấy có bạn khác hát hay hơn, đã vội vàng chuyển “chức danh” ấy cho bạn nọ. Và cháu rất“sốc”. Trường hợp này, bố mẹ nên nói thật với cô về tâm trạng của cháu và đề nghị cô giúp bằng cách nghĩ ra một hướng làm cháu tự tin vào mình hơn. Ví dụ, cô sẽ nói chuyện riêng với cháu, giao cho cháu phụ trách một việc khác để khẳng định lòng tin của cô đối với cháu (như xem xét vệ sinh lớp hay vệ sinh tay chân của các bạn trước khi vào học hoặc nhờ cháu thu vở mỗi khi các bạn viết bài xong… hoặc làm bất kỳ một điều gì để “bù đắp” lại cảm giác hẫng hụt của cháu). Với thời gian, thái độ vui vẻ, trân trọng của cô giáo chắc chắn sẽ làm cháu bình tâm trở lại.

TSGD Nguyễn Thụy Anh (09/2014)

About DuongMy

Scroll To Top