Kính thưa các vị đại biểu, các bậc phụ huynh cùng các cháu yêu quý!
Chuẩn bị đi dự Hoạt động chào mừng CLB Đọc sách cùng con bước sang tuổi thứ hai, tôi đã may mắn được đọc bài phỏng vấn của Nhà báo Thiên Kim, phóng viên báo “Công an nhân dân” với hai nhà văn trẻ: Nhà văn-Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh và Nhà văn quân đội Nguyễn Xuân Thuỷ, một người đã và đang Kể chuyện Trường Sa cho các em, góp phần làm cho Trường Sa mà không bao giờ xa, Trường Sa mà gần gũi với mọi người dân Việt Nam ngày xưa và hôm nay!.
Tôi tán thành ý kiến của Tiến sĩ-Nhà văn Thuỵ Anh:
“..Để trẻ em quan tâm đến sách, coi sách là một phần cuộc sống của mình, thì bố mẹ cần có cách tiếp cận thật cẩn trọng và khéo léo, để con thấy bố mẹ vẫn trân trọng lựa chọn của con (game hay phim hoạt hình – chính bố mẹ cũng vẫn thích cơ mà); Đồng thời chỉ ra được cái hay của sách bằng hành động của mình, chứ không phải và cũng không thể ép con thích sách được. Truyền thống đọc sách của gia đình, thói quen và kỹ năng đọc sách của bố mẹ, sự khuyến khích của nhà trường, sự tạo điêù kiện tối đa cho việc đọc của trẻ từ phía xã hội” (Tôi nhấn mạnh-VPT).
Tôi cho rằng đó là bốn nhân tố rất quan trọng, nếu không muốn nói là bốn nguyên nhân quan trọng nhất để bồi dưỡng thói quen và nâng cao trình độ đọc sách (sách báo in giấy và sách báo điện tử) của con em chúng ta. Bốn yếu tố ấy không thể thiếu một, nhưng gương sáng của cha mẹ là nhân tố quan trọng nhất, quyết định nhất!
Thường xuyên hàng ngày, trực tiếp dìu dắt, hướng dẫn con đọc sách, chọn mua sách cho con đọc, giành thời gian và kiểm tra khen thưởng con đọc sách, không ai khác bằng cha mẹ.
Thầy cô giáo, ông bà nội ngoại, các anh chị em dù có muốn cũng thực tế không làm được bao nhiêu, không làm được thường xuyên lâu dài, bằng cha mẹ.
Gia đình có truyền thống đọc sách quý báu, vẻ vang và lâu đời như thế nào, nó phải được thể hiện sinh động và kiểm chứng gắt gao bằng gương sáng say mê và trình độ đọc sách của cha mẹ.
Sự khuyến khích của nhà trường hiện nay đối với học sinh đọc sách ngoại khoá còn rất hạn chế. Đó là chưa kể nhiệt tình, trình độ đọc sách của một số không nhỏ giáo viên, ngay cả giáo viên dạy ngữ văn, giáo viên chủ nhiệm, cũng chưa theo kịp trào lưu chung của xã hội.
Tôi có một đứa cháu, khi viết bích báo, theo yêu cầu của nhà trường bình những bài thơ ca ngợi anh Bộ đội cụ Hồ, nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Việt Nam và Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12), bị cô giáo nhận xét bài thơ “Hỏi cây” của Thần đồng Trần Đăng Khoa không hợp chủ đề. Cháu buồn rầu đến mấy ngày liền (vì cháu là Bí thư chi đoàn mà lại bị phê bình như vậy!?)
Nhân đây, xin mời các vị đại biểu, các bậc phụ huynh và các cháu thưởng thức thi phẩm “Hỏi cây” của Trần Đăng Khoa, sáng tác từ tháng 9 năm 1966:
“Nhìn con đường nhỏ từ đây
Bâng khuâng vì thiếu bóng thầy đi qua
– Đường ơi, có nhớ chăng là
Ngày nào dậy học, thầy qua đường này?
Đường rằng: Tao nhớ lắm thay!
Khoa ơi, thầy giáo của mày đi xa
Bao giờ thống nhất nước nhà
Thầy về dạy học, lại qua đường này…
Nhìn con đường rợp bóng cây
Bỗng em lại thấy bóng thầy đi qua…”
(9-1966)
Một bài thơ lục bát chỉ có mười dòng mà nói về anh Bộ đội cụ Hồ gồm những thanh niên trí thức xã hội chủ nghĩa hăng hái lên đường chống Mỹ như thế mà không hợp với chủ đề kỷ niệm ngày thành lập quân đội, thì thật đáng buồn, đáng lo cho trình độ thẩm định văn chương của đội ngũ giáo viên hiện nay, tuy đó chỉ là hiện tượng cá biệt!?
Nhớ lại hồi chiến đấu và làm báo, viết văn ở chiến trường Quân khu 5, tôi đã được các anh trong Ban Tuyên huấn của sư đoàn 3 mời xuống các đơn vị nói chuyện về thơ Trần Đăng Khoa. Anh em cán bộ chiến sĩ ta rất thích bài thơ “Hỏi cây” này!
Thôi chỉ xin nói về yếu tố nhà trường như vậy thôi, có lẽ hiện nay thầy cô giáo lo chạy dậy thêm là chính, còn tâm tư đâu mà lo cho học sinh đọc sách!? Không tin, các vị phụ huynh cứ đến thăm thư viện nhà trường thì thấy ngay, nó có những loại sách gì để con em chúng ta đọc ngoại khoá?
Nhà trường đã vậy, thìxã hội càng nhiều vấn đề, tôi ít thấy, hay nói đúng hơn, là hầu hết những làng khuyến học, dòng họ khuyến học, cũng không có tập quán tốt đẹp như trước kia là tặng thưởng bằng sách truyện cho học sinh tiên tiến, học sinh giỏi nữa! Mà chủ yếu là tặng các em mấy quyển vở học sinh, mà những thứ này, thì gia đình nào chẳng phải lo và có khả năng lo được.
Muốn thực hiện được những yếu tố cần thiết để bồi dưỡng thói quen và trình độ đọc sách của con em chúng ta, tôi thấy các vị phụ huynh, nhất là các bậc cha mẹ, hãy nêu gương sáng, và kiên trì chờ đợi.
Chúng ta không thể nóng vội đòi hỏi nhiều và nhanh về kết quả đọc sách của các cháu, mà phải mưa dầm thấm lâu, thuấn nhuầm lời dậy của học giả cự phách Lê Quý Đôn: “Đọc một quyển sách học được một điều tốt, thì đọc được mười quyển sách sẽ học được mười điều tốt, đọc một trăm quyển sách sẽ học được một trăm điều tốt!” (đại ý)
Bây giờ bước vào thời đại công nghệ thông tin, con cháu chúng ta có nhiều con đường, nhiều phương tiện để đọc sách, không chỉ đọc sách báo in giấy, mà còn từng bước đi vào đọc sách điện tử, đọc sách trên điện thoại di động.
Nhiều nước họ đã làm rồi, nhất là trẻ em Nhật Bản, thế mà từ người lớn, đến trẻ em Nhật Bản vẫn bình tĩnh, lạc quan, chững chạc đối điện và đối phó với thiên tai ghê gớm vừa qua, nêu gương sáng, rung động lương tâm trên toàn thế giới!
Chúng ta không thể nóng vội quát tháo, mắng mỏ các cháu, khi chúng sử dụng máy vi tính đọc tiểu thuyết, đọc truyện tranh, trang điểm cô dâu, xây dựng nhà cửa cầu cống trên mạng internet, v.v…
Thế giới vi tính, thế giới tuy ảo mà thật (cũng đa dạng sống động như cuộc sống hiện thực hàng ngày) sẽ giúp các cháu hoà nhập với xã hội loài người trong thời đại toàn cầu hoá, đa dạng hoá thông tin, mong rằng các bậc cha mẹ không nên có ác cảm với công nghệ thông tin này, mà Liên Hiệp Quốc cho rằng: Hiện nay không biết dùng vi tính vào làm nghiệp vụ chuyên môn cũng là một dạng mù chữ đấy! Đó là mù chữ ở cấp độ thứ ba, cấp độ cao nhất hiện nay. (Hai cấp độ nữa là: Mù chữ cấp độ một là không biết đọc, biết viết ngôn ngữ, chữ viết của quốc gia mình. Mù chữ cấp độ hai là không biết, không hiểu những ký hiệu, tín hiệu nơi công cộng).
Nhân ngày vui mừng sinh nhật 1 năm CLB Đọc sách cùng con, tôi xin tặng ba tác giả được giải trong cuộc thi “Viết về cuốn sách ấu thơ của tôi”, mỗi tác giả một cuốn sách dịch của tôi vừa được Nhà xuất bản Văn học tái bản “Lặng lẽ yêu cô suốt đời”, gồm 39 truyện mini được người đọc Trung Quốc ưa thích nhất, trong đó có truyện ngắn “Cúc áo của mẹ” của nhà văn Nhất Băng, đã được đăng trên tạp chí “Văn học và tuổi trẻ” (nguyệt san của Nhà xuất bản Giáo dục), số 3 năm 2011, và đã đưa lên trang web của CLC Đọc sách cùng con.
Đồng thời tôi xin tặng Thư viện của CLB Đọc sách cùng con hai quyển sách “Kể chuyện Tây Du” do tôi chuyển ngữ từ tiếng Trung sang tiếng Việt, đã được Nhà xuất bản Văn học xuất bản lần đầu năm 1996, tái bản năm 2007.
Cuối cùng, tôi xin chúc CLB Đọc sách cùng con mỗi năm mỗi khôn lớn trưởng thành, ngày càng phát triển vững chắc, có hiệu quả thiết thực, góp phần nhỏ bé nhưng tích cực vào công cuộc nâng cao văn hoá đọc của toàn xã hội, bắt đầu từ tuổi trẻ, tương lai của đất nước, tương lai của dân tộc!
Cảm ơn các vị đại biểu, các bậc phụ huynh, các cháu đã nghe đôi lời tâm sự của tôi!
Một số hình ảnh trong buổi sinh nhật CLB Đọc sách cùng con tròn 1 năm tuổi (Ảnh: Phan Quang Minh, Bích Ngọc):
Dịch giả Vũ Phong Tạo chia sẻ với các thành viên CLB
Dịch giả Vũ Phong Tạo và cháu gái tại buổi sinh hoạt kỷ niệm CLB đầy tuổi tôi
Nhà văn Lê Phương Liên và nhà văn Thúy Loan (nhà xuất bản Kim Đồng) đến vui với các cháu
Bé Lê Vân Khanh, học sinh lớp 2D trường tiểu học Trung Tự được nhận cúp của CLB vì em đã tự tay làm sách truyện. Em làm tạp chí dài kỳ dành cho độc giả duy nhất là em gái bé bỏng có tên gọi âu yếm: Chíp. Đó là những tạp chí về… ngựa, vì em Chíp vô cùng yêu thích loài vật này.
Mẹ Minh Thư rất quan tâm khuyến đọc cho con. Cả nhà đang kể chuyện bằng những ngón tay
Và đây là chiếc cúp một số gia đình nhận được sau một năm tham gia cùng CLB
Phát biểu Mừng CLB Đọc sách cùng con tròn một tuổi (6/6/2010-6/6/2011)