Home / Giới thiệu sách / Hoàng tử bé của tác giả Antoine de Saint-Exupéri

Hoàng tử bé của tác giả Antoine de Saint-Exupéri

Tác phẩm Hoàng tử bé (Le Petit Prince) được xuất bản lần đầu tiên năm 1943, là cuốn tiểu thuyết của nhà văn phi công người Pháp Antoine de Saint-Exupéri. Ông là một phi công anh hùng trong đời thực và là một người nhìn sự phiêu lưu mạo hiểm trong cảm hứng của một thi sĩ và bằng đôi mắt trẻ thơ. Hoàng tử bé là một trong những tác phẩm cổ điển xuất sắc nhất dành cho trẻ em của thế kỷ XX.

Cảm hứng sáng tác của cuốn sách từ một chuyện bất ngờ. Vào một ngày cuối năm 1935, Saint-Exupéri cùng một người bạn hoa tiêu đang bay trên bầu trời sa mạc Sahara trên đường tới Sài Gòn (Việt Nam) thì bỗng máy bay bị trục trặc, phải hạ cánh khẩn cấp. Cả hai phi công đều sống sót nhưng họ bị lạc trên sa mạc. Bản đồ của họ đã quá cũ và mờ mịt. Thức ăn còn lại trên máy bay chỉ còn đủ dùng trong 1 ngày. Đến ngày thứ 2, thứ 3 họ  bị mất nước không còn ra mồ hôi được nữa. Đến ngày thứ 4, có một người Ả Rập du cư cưỡi trên một con lạc đà đã phát hiện ra họ và cứu sống hai phi công này. Từ tai nạn ấy nhà văn đã có những ấn tượng sâu sắc về sự cô đơn và vẻ đẹp hoang dã của sa mạc.

hoang-tu-be-le-phuong-lien-1

Cuốn sách Hoàng tử bé đã được dịch ra 160 ngôn ngữ

Hoàng tử bé  là câu chuyện của một phi công bị lạc trong sa mạc đã bất ngờ gặp một Hoàng tử bé, một người của hành tinh khác đến. Hoàng tử bé đã kể cho anh phi công nghe về hành tinh bé nhỏ của em nơi có một bông hoa hồng và ba ngọn núi lửa (trong đó có một ngọn đã tắt). Hàng ngày Hoàng tử bé tưới cho cây hoa hồng yêu quý và nạo vét cho các ngọn núi lửa xinh xắn, để chúng hoạt động bình thường. Cậu còn nhổ các cây bao báp mọc dại có thể làm xói đục nứt nẻ hành tinh nhỏ. Cậu rất yêu hành tinh nhỏ B612 ấy.

Trước khi đến trái đất Hoàng tử bé đã qua nhiều hành tinh nhỏ khác, mỗi hành tinh chỉ có một người ở! Hành tinh của một Nhà Vua, hành tinh một gã Khoác lác, rồi hành tinh của một Bợm nhậu,và đến hành tinh một nhà Doanh nghiệp suốt ngày bận rộn đếm các ngôi sao mà ông ta cho là của mình… Rồi một người Thắp đèn trong một hành tỉnh nhỏ quay 1 phút/1vòng…Cậu lại gặp một nhà Địa lý ở một hành tinh khác, ông ta chỉ quanh năm ngồi vẽ bản đồ mà không hề đi thám hiểm. Khi cậu bé kể về hành tinh nhỏ của mình cho nhà Địa lý thì ông ta chỉ ghi chép về ba ngọn núi lửa rồi bảo rằng : “Hoa hồng là thứ phù du”. Hoàng tử bé ngạc nhiên quá và nhà Địa Lý khuyên cậu nên đến Trái đất.

hoang-tu-be-le-phuong-lien-3

Hoàng tử bé (Antoine de Saint-Exupéri, Trác Phong dịch, Nhã Nam & NXB Hội nhà văn, 2013) và Hoàng tử bé (Antoine de Saint-Exupéri, Nguyễn Thành Long dịch, NXB Kim Đồng, 2016)

Câu chuyện kể về những chuyến đi của Hoàng tử bé tưởng như là mộng mơ lạ lùng thế mà  vui vẻ thú vị khiến người đọc tin cậy trong một xúc cảm    bất ngờ khi tác giả viết:

“ Những người lớn chẳng bao giờ tự họ hiểu được cái gì cả, và thật là mệt cho trẻ con lúc nào cũng phải giải thích cho họ…”

Và, khi Hoàng tử bé đến trái đất cậu ta bị choáng váng trước một vườn hoa đến năm nghìn đóa muôn hồng ngàn tía. Cậu ngỡ ngàng biết rằng bông hồng của mình không phải là duy nhất…

Câu chuyện Hoàng tử bé ngây thơ lạc bước xuống trần giữa sa mạc mênh mông gặp gỡ với nhà văn phi công như một giấc mơ phiêu bồng, như một lời gửi gắm của tác giả đến bạn đọc hãy gìn giữ mãi tuổi thơ trong tâm hồn, như ông đã viết trong lời đề tặng:

“ Anh xin lỗi các em bé vì đã đề tặng cuốn sách này cho một ông người lớn…nhưng đó chính là một cậu bé hồi xưa. Tất cả mọi người lớn lúc đầu đều là những em bé ( nhưng ít người còn nhớ điều ấy)…”

hoang-tu-be-le-phuong-lien-2

Hình ảnh trích trong bộ phim hoạt hình cùng tên

Nhiều bạn đọc đã rất bâng khuâng khi Hoàng tử bé chia tay với anh phi công để trở về hành tinh B612 với bông hồng gắn bó và yêu dấu nhất của mình. Cuốn sách của Saine-Exupéri khép lại trong cảm giác đẹp trong veo của tuổi thơ. Hoàng tử bé đã được dịch ra 160 ngôn ngữ trên thế giới, ở Việt Nam đã có những bản dịch của nhà thơ Bùi Giáng, nhà văn Nguyễn Thành Long… Các em tìm đọc Hoàng tử bé từ tuổi ấu thơ để rồi sẽ còn đọc đi đọc lại khi đã thành người lớn, bởi đó là một cuốn sách thiếu nhi mà người lớn phải suy ngẫm.

Nhà văn Lê Phương Liên (viết cho CLB Đọc sách cùng con)

About admin2

Scroll To Top