Home / Bài Viết / Ngọn lửa thời thơ ấu

Ngọn lửa thời thơ ấu

Docsachcungcon.com: Tiến sĩ, nhà văn Phạm Duy Nghĩa sinh năm 1973 tại Yên Bái, hiện làm việc tại Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trước khi về Hà Nội công tác, anh là giảng viên Trường Cao đẳng sư phạm Lào Cai, là người gắn bó sâu sắc với cuộc sống miền sơn cước. Cũng vì thế mà Phạm Duy Nghĩa ghi dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc ở mảng đề tài miền núi này với các tập truyện ngắn: Tiếng gọi lưng chừng dốc (NXB Văn học, 2002); Cơn mưa hoa mận trắng (NXB Thanh niên, 2006); Truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa (NXB Văn học, 2010)… Phạm Duy Nghĩa đã nhận được nhiều giải thưởng từ những câu chuyện tinh tế, nhẹ nhàng mà không kém phần ám ảnh, day dứt về phận người. Đó là Giải Nhất truyện ngắn Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) 2003-2004; Giải thưởng Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam 2006; Giải thưởng Phan Xi Păng (tỉnh Lào Cai) 2002-2007.

Trong bài viết tản mạn dưới đây, Phạm Duy Nghĩa trải lòng cùng bạn đọc về quê hương, nơi mình sinh ra, nơi bắt đầu tình yêu với văn chương cùng những cuốn sách trong tủ sách gia đình. CLB Đọc sách cùng con xin cảm ơn chia sẻ của nhà văn. Có thật nhiều điều rung cảm và đồng cảm trong lời kể của anh với ký ức của các phụ huynh thành viên CLB, ký ức lung linh êm đềm dành cho văn học Nga. Bài viết đã được đăng trên Tạp chí văn học và tuổi trẻ.

anh-ngon-lua-thoi-tho-au-1

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa

Tôi sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi, nơi có biển hồ xanh thẳm mênh mông của vùng Tây Bắc – hồ Thác Bà.

Ngôi nhà tôi ở tựa lưng vào đồi. Phía sau bạt ngàn vầu, cọ và những loài cây khác. Phía trước, trong tầm mắt là đồi sở, đồi chè và thật xa nữa, nơi tôi chưa từng đến được là vệt lam sẫm của dải núi Cao Biền quanh năm mây trắng phủ. Thời thơ ấu của tôi đã qua đi ở đó, với nắng, với gió và cả những ngày mưa ảm đạm triền miên do ảnh hưởng khí hậu vùng hồ.

Đó cũng là những năm cuối của thời bao cấp đói nghèo. Bố mẹ tôi là giáo viên ở trường gần nhà, phải xoay xở mọi việc có thể làm được để sống qua những ngày túng quẫn như tất cả mọi người. Còn nhỏ, tôi đã theo bố vào sâu trong vùng đồi để đốt nương trồng sắn, theo mẹ đi rất xa trên những trái đồi hoang liêu bòn mót lúa nương người ta đã gặt còn sót lại. Những ngày xa xưa ấy, mỗi lần nhớ lại, lại rưng rưng buồn.

Suốt thời niên thiếu, tôi là một mục đồng – cậu bé chăn bò. Một bò mẹ, một bê con, đó là cả gia tài đối với gia đình giáo viên thuở ấy. Bản tính trầm lặng, dễ bị tổn thương, tôi cũng thích làm bạn với cây cỏ trên đồi hơn là đến lớp. Những ngày đông giá rét, gió bấc thổi dài trên đồi hoang, có hôm để bò đi lạc cả đêm không tìm thấy, hay những ngày hè rực rỡ, theo chúng bạn thả bò và vớt cá nướng ăn trên triền cỏ bên hồ xanh biếc, cũng là lúc tôi quên đi mọi nỗi phiền muộn đã gặp ở trường.

anh-ngon-lua-thoi-tho-au-4

Hình ảnh hồ Thác Bà – Yên Bái (internet)

Là giáo viên văn, bố tôi tích trữ một kho sách, chất trên những tấm ván ở đầu hồi sát mái nhà. Tôi thường bắc thang trèo lên đó đọc trộm, náu mình sau những chồng sách. Sách có nhiều loại, chủ yếu là văn học và phần nhiều là văn học Nga – Xô Viết. Cuốn nào cũng được bố tôi đóng dấu đỏ mang dòng chữ Tủ sách gia đình Phạm Duy Tình.

Tôi đã đến với thế giới của Chekhov, Gorki, Paustovski, Sholokhov, Aitmatov, Gamzatov và cả Vasil Bykov, Boris Vasiliev… những năm tháng ấy. Những chuyện núi đồi và thảo nguyên Nga, vừa xa xôi vừa gần gũi với quê hương miền núi của tôi, đã ám ảnh tôi suốt một thời thơ ấu. Dù ngày ấy có được đọc Alphonse Daudet, Victor Hugo, Charles Dickens, William Shakespeare… cùng văn học những xứ sở khác, tôi vẫn dâng trọn tình yêu say đắm, sâu nặng của mình cho đất nước, con người Nga.

Những tháng ngày chăn bò trên đồi cũng là thời gian tôi đọc sách. Không hiểu sao mùa đông những năm đó rất rét, đi tới đâu phải nhặt lá khô đốt lửa hơ tay tới đấy cho khỏi cóng. Đốm lửa leo lét ấy, cùng một ngọn lửa ở nơi xa thẳm khác, đã sưởi ấm tôi qua các mùa đông. Đó là ngọn lửa xanh trên thảo nguyên Nga, của những người chăn cừu sống cuộc đời lang thang du mục.

Tôi cũng thích sưu tầm, tích trữ báo ảnh Nga. Những ấn phẩm in nhiều tranh ảnh đẹp mê hồn với thiếu niên ngày ấy được tôi cất giữ như một gia tài và viết nắn nót bằng nét chữ học sinh ở trang đầu: Báo ảnh chính trị – xã hội Xô Viết. Với năng khiếu ngoại ngữ bẩm sinh, tôi tự học tiếng Nga qua sách giáo khoa cấp ba của người chị cả, và được bố dạy cho vài bài hát trữ tình Nga. Cũng vì yêu chiếc khăn quàng đỏ Liên Xô hơn loại khăn đội viên sản xuất ở Việt Nam mà tôi được người chị thứ hai ưu tiên nhường cho trong một cuộc đổi chác. Tôi còn nhớ mình đã mơ được quàng chiếc khăn đỏ thắm màu xôviết ấy và có mặt ở trại hè Artek bên bờ Hắc Hải như thế nào.

anh-ngon-lua-thoi-tho-au-3

Phạm Duy Nghĩa lớn lên cùng những tác phẩm văn học Nga

Thời niên thiếu, tôi thích nhất mùa hè. Mùa của mơ mộng và tưởng tượng, với gió thổi tràn qua rừng cọ và nắng dát vàng trên khắp núi đồi. Mùa của riêng tư, không phải đến trường và suốt ngày lặng lẽ với công việc của mục đồng, trèo lên một cây cao, trong tiếng gió rì rào, đọc sách. Mùa của bay nhảy tự do, cùng chúng bạn đi hái quả chè, cất vó, bóc măng, bơi thuyền ra đảo trên hồ chặt củi… Trong những ngày hè đáng nhớ ấy, có những buổi chiều từ đồi nương về sớm, cùng cả nhà ăn cơm sớm hơn mọi ngày, để đến tối háo hức cùng chị em và bạn bè ngõ xóm đi bộ chừng hai cây số tới bãi chiếu bóng ngột ngạt hơi người, trốn vé bằng cách liều mạng chui trộm qua đám rào tre, xem phim màn ảnh rộng của Đông Âu và Liên Xô với những hình ảnh lộng lẫy trong mắt trẻ em một thời bao cấp. Tôi còn nhớ mấy tên phim: Con hủi, Ngôi nhà bí mật ở Ba Lan, Ta nói chuyện nhé em, Cánh buồm đỏ thắm, Cô gái ngồi trên chiếc chổi, Cánh cửa mở rộng, Bản xônát bên hồ

Nhưng hơn tất cả mọi người ở quanh mình, bên cạnh cuộc sống đói nghèo, tôi được sống thêm một cuộc đời khác, với Bà lão Izecghin, Bông hồng vàng, Đất vỡ hoang, Cây phong non trùm khăn đỏ, Bài ca núi Anpơ, Và nơi đây bình minh yên tĩnh… Tôi sống trong thế giới đó nhiều hơn ở đời thực, và thấy mình cao thượng, đứng bên trên những tầm thường nhỏ mọn được sinh ra bởi sự khốn khó hàng ngày. Đến bây giờ, dù thời đại đã thay đổi, tôi vẫn nghĩ không có nền văn học nào nhân văn, ấm áp, gần gũi với người Việt và có sức lay động tâm hồn ghê gớm bằng văn học Nga. Nếu ngày hôm nay tôi có trở thành một người tốt thì chủ yếu là nhờ nền văn học ấy, nền văn học đã dạy tôi làm người hơn tất cả những điều răn ở gia đình và nhà trường cộng lại. Và tôi nghĩ đó là số phận – giữa những năm miếng ăn còn quan trọng hơn tất cả, ở một vùng đồi núi nghèo nàn của Yên Bái, tôi được lớn lên cùng những cuốn sách bìa cứng bọc vải, in tại Moskva của Nhà xuất bản Cầu vồng.

Có lẽ trên đời không có ai đến với nghiệp văn chương mà không được đọc sách ít nhiều từ thuở bé. Tôi vô cùng biết ơn kho sách của bố, nếu không có kho sách ấy, tôi sẽ không bao giờ trở thành nhà văn.

Đối với mỗi con người, được đọc sách thời thơ ấu là điều đặc biệt quan trọng. Bởi sức thấm của chữ nghĩa vào tâm hồn khi ấy rất mạnh. Đọc một cuốn sách hay ngày nhỏ có tác dụng hơn đọc cả trăm cuốn khi đã trưởng thành. Sách có thể làm thay đổi số phận một con người, hay lí giải bằng tâm linh, thì số phận – nhân duyên đã cho con người đến được với sách.

Nếu thuở bé không được đọc văn học thiếu nhi các nước, với Không gia đình của Hector Malot, Hoàng tử tí hon và chú bé nghèo khổ của Mark Twain, Những tấm lòng cao cả của Edmondo De Amicis, Timur và đồng đội của Arkadi Gaidar, Con Bim trắng tai đen của Gabriel Troepolski, Cao điểm thứ tư của Elena Iliina, Lều số 13 của Benno Perluderra, Lửa trong thành phố sẩm tối của Eno Raud… và truyện cổ Andersen nữa, không biết tôi sẽ trở thành người như thế nào. Tôi vẫn nghĩ rằng, bậc cha mẹ muốn giáo dục con mình, không con đường nào tốt hơn là cho con đọc sách. Nếu biết yêu văn học từ bé – tất nhiên phải là các tác phẩm ưu tú – sau này khó có thể trở thành người xấu được.

anh-ngon-lua-thoi-tho-au-2

Một số tác phẩm văn học Nga đã xuất bản tại Việt Nam

Có lẽ phải nói thêm rằng, được giáo dục bởi tinh thần Xôviết, tôi có ý thức chính trị từ rất sớm. Những năm đang học cấp một, cấp hai gì đó, tôi đã đọc sách do Marx và Engels viết (cũng trong kho sách của bố), tìm hiểu các cuộc cách mạng và cuộc đời của Lenin. Tôi nâng niu những cuốn sách ấy với tấm lòng thành kính ít nhiều mang xúc cảm tôn giáo. Năm cuối cấp ba và năm đầu ở đại học của tôi cũng là những năm Liên bang Xô Viết và Đông Âu sụp đổ. Đang là cậu sinh viên mười chín tuổi, tôi viết, trong một bài thơ khá dài có tên Sự thật của mình:

Chuyện thế thời phải thế mà thôi

Đành chịu cảnh bể dâu giễu cợt

Lớp học tiếng Nga giờ thưa thớt

Liên Xô mất rồi, ai nói tiếng Lê-nin?

 

Điện Krem-lin

Ngày… tháng… giờ

Hạ cờ

Khép lại một thời sử đỏ

Lịch sử sang trang.

 

Sự thật đau thương cho nhân loại biết rằng

Đừng nói trước điều gì chưa đến

Đời chẳng có gì là vĩnh viễn

Nay phù sa, mai đã phù du.

Ngày ấy tôi không bị sốc. Chỉ một thoáng hoài cổ, ưu tư. Và tôi sớm nhận ra trong những nền văn học vĩ đại một cái gì lớn lao vượt qua giới hạn của mọi ý thức hệ, còn lại mãi với thời gian, đó là giá trị nhân bản, tính nhân loại, tình người. Bởi vậy, dù thời đại biến chuyển thế nào, cho đến bây giờ, tôi vẫn giữ tình yêu nguyên thủy thiêng liêng của mình đối với nền văn hóa, văn học Xô Viết.

Đó cũng là kỉ niệm của riêng tôi gắn với một thời thơ ấu.

anh-ngon-lua-thoi-tho-au-1

Một số cuốn sách đã xuất bản của nhà văn Phạm Duy Nghĩa

Trong một lần đi công tác, tôi dừng ở cố hương, ghé thăm vùng đồi nơi mình đã sống ngày nhỏ. Nhiều năm không trở lại, cảnh vật khác xưa, chỗ thì nhà cửa mọc lên, chỗ thì cây dại trùng trùng phủ kín. Không còn dấu vết mảnh đồi gió lộng, những cây sồi cây trám thân thuộc, nơi tôi chăn bò, kiếm củi và đọc sách năm xưa. Cũng như chẳng thể tìm lại và mang đi một chút nắng mùa hè rực rỡ vàng, một chút gió mùa đông buốt giá và hắt hiu, thuở ấy…

Chỉ những trang sách là vẫn theo tôi đi suốt cuộc đời.

Hà Nội, 11-2015

Phạm Duy Nghĩa (Theo Văn học & Tuổi trẻ)

About admin2

Scroll To Top