Home / Tin Tức / “Học võ như học làm người”

“Học võ như học làm người”

Trong khuôn khổ Triển lãm sách Quốc tế 2017 vừa qua tại Công viên Thống Nhất (từ 23/8 – 27/8), NXB Trẻ tổ chức Ra mắt cuốn sách Sư đệ – Học phái Dưỡng sinh Nhu Quyền (Trần Việt Trung, NXB Trẻ, 2017) với sự tham gia của đông đảo bạn đọc và những môn sinh của học phái.

Cùng với tác giả Trần Việt Trung, người dẫn chương trình – diễn giả, Nhà báo Trần Hữu Việt, TSGD Nguyễn Thụy Anh và nhà văn Đỗ Phấn đã đưa bạn đọc đến với một buổi chia sẻ ấm áp, nhiều tiếng cười và những hoài niệm về tuổi thơ, chặng đường trưởng thành của chính những thế hệ thanh niên Hà Nội ngày nào và có lẽ giờ đây họ đều cảm thấy hạnh phúc khi kể lại tuổi trẻ của mình. Khi được hỏi về việc lựa chọn tên cuốn sách thay vì từ thuần Việt ông lại chọn từ Hán Việt – Sư đệ bởi trong cuộc sống thường nhật của người Việt Năm từ xưa đến nay Hán tự vẫn luôn được sử dụng như một thói quen giao tiếp, nếp sống khiến đa phần mọi người không nhận ra mà thôi. Mặt khác, tác giả cũng muốn đưa văn hóa ngôn ngữ từ quá khứ tiếp nối tới hiện tại. Đồng quan điểm với tác giả, TSGD Nguyễn Thụy Anh cũng chia sẻ từ khi đọc cuốn sách Quyền sư (Trần Việt Trung, NXB Trẻ, 2013) tới thầy Thiên Đức (Trần Việt Trung, NXB Kim Đồng, 2016) và bây giờ là cuốn Sư đệ – Học phái Dưỡng sinh Nhu Quyền, chị cảm thấy đó là một câu chuyện xuyên suốt – câu chuyện giáo dục. Thông qua những cuốn sách của thầy Trung chị biết được thêm về một học phái mà chị vẫn băn khoăn. Bên cạnh đó chị cũng chia sẻ những điều mình cảm thấy thú vị từ cuốn sách mới, đặc biệt là những trang viết về tình thầy trò. Chị cho rằng chính sự trung thực của người viết đã mang đến những câu chuyện về tình thầy trò thực sự vào trong trang sách bởi vậy tên của chương trình thật tương đồng với cuốn sách – Học võ như học làm Người. Khi được hỏi về sự thay đổi của con trai của chị – cậu nhóc 8 tuổi sau khi trở thành môn sinh của học phái Dưỡng sinh Nhu quyền chị Thụy Anh chia sẻ cũng như tác giả Việt Trung viết trong cuốn sách của mình, sự thay đổi sẽ đến với người biết chờ đợi, đó là cả quá trình thay đổi từ nhận thức tới hành vi. Và điều đó được thể hiện rõ ràng nhất chính qua câu trả lời của thầy Trung và cũng là câu hỏi của TSGD Nguyễn Thụy Anh với tác giả cuốn sách: “Tại sao người học võ lại ít chia sẻ về mình”.

Chia sẻ trong chương trình, nhà văn Đỗ Phấn nói về Sư đệ như kể về một giai đoạn xã hội mà ông cũng như tác giả chính là những người trong cuộc. Xã hội của ông khi đó phân chia đẳng cấp rõ ràng, con cái nhà ai, sống ở chỗ nào… Cuốn sách vẽ nên một biên niên sử, tả cảnh cụ thể được gắn kết bởi một mối quan hệ học sinh trong phố. Với nhiều điều kiện sống không được sung túc, chế độ tiêu chuẩn ưu đãi không giống nhau… chân dung mỗi một nhân vật hiện lên rất rõ nét! Nhưng nổi bật hơn cả đó là tinh thần thượng võ. Với ông đọc để thấm không gian, để có thể tự khắc họa chân dung Hà Nội gần đấy mà đã quá xa vời với hiện tại ngày nay. Nói về câu chuyện thế hệ, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng bày tỏ quan điểm của mình khi đọc cuốn sách. Cô tin rằng những câu chuyện viết về chính tuổi trẻ của 7X, 8X là một đề tài rất thú vị và rồi những 9X, 10X cũng sẽ bắt đầu viết về thời đại của họ. Và nếu được làm một bộ phim về đài tài này thì những chất liệu từ Sư đệ hay Quân khu Nam Đồng (Bình Ca, NXB Kim Đồng, 2016) chắc chắn sẽ là những tư liệu quí giá. Nữ đạo diễn cũng bày tỏ niềm vui thích khi khẳng định chương trình này là chương trình đầu tiên qui tụ nhiều nam nhân đến vậy – bởi lẽ đây rõ ràng là một chủ đề được phái mạnh quan tâm, chú ý!

Nhà văn Đỗ Phấn chia sẻ trong chương trình

Cũng trong chương trình, các môn đệ của học phái Dưỡng sinh Nhu Quyền cũng mang tới hai bài biểu diễn trên nền nhạc giao hưởng đầy hấp dẫn và đẹp mắt. Học võ không phải để đánh nhau, để phân cao thấp, để thắng mà học võ để học làm Người – để khỏe, để vững vàng và tôn trọng, bảo vệ những người xung quanh, trân trọng tình sư – đệ. Và ngày hôm nay chắc chắn thầy Trần Việt Trung rất tự hào, hạnh phúc khi gặp gỡ những người tri kỉ của mình – cô giáo Quỳnh, người bạn học Nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ, nhà văn Phạm Ngọc Tiến, các đồ đệ theo học thày và cả người bạn đời, cô Hồng Minh – người luôn đồng hành, tin tưởng, yêu thương và trân trọng ông suốt những chặng đường đã qua và cả những chặng đường phía trước.

b

About admin2

Scroll To Top