Home / Tư vấn - Chia sẻ / Tình bạn tuổi học trò

Tình bạn tuổi học trò

Cháu chào cô Thụy Anh. Cân nhắc nhiều lần rồi cháu mới dám viết thư gửi cô vì cháu biết rằng, nếu không mạnh dạn hỏi thì sẽ không bao giờ có câu trả lời và có thể cháu sẽ mãi luẩn quẩn trong suy nghĩ. Vấn đề của cháu là:

Cuối năm lớp 11 vừa rồi, lớp cháu có một bạn nữ chuyển từ trường khác đến. Khi vào lớp, bạn ấy chỉ ngồi một mình ở bàn cuồi và hầu như không nói chuyện với ai trong lớp và các bạn trong lớp cũng không có ai nói chuyện với bạn ấy. Ngày này qua ngày khác, cháu thấy điều đó rất bất ổn và thật vô tình. Cháu quyết định xin cô cho mình ngồi cùng bàn với bạn ấy với mong muốn giúp bạn ấy hòa nhập dần với lớp. Cô giáo đồng ý và bạn ấy cũng không có ý kiến gì. Từ chỗ làm quen, trò chuyện rồi dần dần cháu hiểu được lí do bạn ấy phải chuyển trường. Nhưng kì lạ là từ ngày cháu chuyển đến ngồi cùng bạn ấy, các bạn trong lớp lại nhìn cháu với con mắt khác, cho rằng cháu “tán tỉnh”, hay thậm chí “mắc bẫy”. Tự nhiên các bạn có cái nhìn ác cảm với cả cháu và bạn ấy. Cháu rất khó chịu vì điều đó.

Sắp vào năm học mới, cũng là năm cuối cấp, cháu rất muốn giúp bạn mới đến hòa nhập được với lớp và bản thân cháu có thể lấy lại được thiện cảm của lớp. Theo cô, cháu phải làm gì để thực hiện được mong muốn đó?

Cháu mong nhận được thư trả lời của cô. Cháu cảm ơn cô.

Nguyễn Đăng

Khu 3, Vân Cơ – Việt Trì – Phú Thọ

Trả lời:

Đăng thân mến,

Cô nhớ có một câu danh ngôn nói rằng, đừng mất thời gian thanh minh: chỉ có người thật sự sai mới phải thanh minh!

Đương nhiên, trong câu chuyện của cháu, thái độ của những người xung quanh quả thật đang làm cho cuộc sống mất đi vẻ đẹp của tình bạn, tình người và ta không khỏi buồn bực vì điều đó. Nhưng cô cũng hy vọng đó chỉ là một sự hiểu nhầm chứ không phải là ác ý. Hoặc “cố tình hiểu nhầm” vì thói thường, người ta cần một cái cớ để có thể xì xào, bàn tán đằng sau…

Thế thì, cứ để họ nói hết, cứ kệ mọi ánh nhìn, mọi xì xào, dư luận của người đời thường không thể kéo dài lâu và sẽ xẹp nếu “đối tượng” ứng xử bình thản và tin vào bản thân mình. Nếu cháu vững tin thì cháu vẫn tiếp tục giúp bạn và lòng tin vào sự đúng đắn của mình sẽ trấn an người bạn mới, khiến bạn không nhận thêm nỗi hoang mang bên cạnh khó khăn hoà nhập.

Cô nghĩ, chắc hẳn cháu cũng có một hoặc một nhóm bạn thân trong lớp. Cháu có thể chia sẻ với họ, nói rõ sự khó chịu buồn bực của mình, và rủ bạn gái mới chơi cùng họ. Nếu cháu là người nhiệt tình, muốn giúp đỡ người khác thì hẳn các bạn thân của cháu cũng vậy. Họ sẽ hiểu ý tốt của cháu và cùng tham gia hỗ trợ bạn mới. Cứ mạnh dạn chia sẻ nhé! Hồi xưa cô có chuyện gì đăm chiêu là cô bạn cô lại bảo: Kể đi, hai cái đầu bao giờ cũng hơn một cái đầu!

anh tinh ban hoc tro

Thời gian sẽ qua đi rất nhanh. Đăng và các bạn sau này sẽ mỉm cười nhớ về những cây chuyện khó chịu này. Vì thế, nói như câu tiếng Anh ta vẫn thường nói, take it easy! Thoải mái đi! Không ai giữ mãi ánh mắt khó chịu với mình được nếu mình tỏ ra không chấp, vui vẻ, sảng khoái, hoạt bát, không để bụng và tràn đầy năng lượng. Người ta chỉ có thể tâm phục khẩu phục và cả… “thị phục” (từ mới cô mới nghĩ ra: khuất phục cả qua ánh mắt^^) mà thôi.

Có một lý thuyết nữa là, mỗi con người đều có thể dùng năng lượng tích cực của mình để khuất phục người khác, khiến người khác tin mình. Đó là ánh mắt nhìn thẳng không sợ sệt. Đó là nụ cười cởi mở không ngại ngùng. Đó là lời nói tử tế bất chấp người ta đang nghĩ xấu về mình. Đó là sự chân thành, có gì thì nói ra thật lòng, chia sẻ cảm xúc, không âm thầm đau khổ một mình. Từ con người như thế, năng lượng toả hào quang đầy lôi cuốn mà mắt thường không nhìn thấy được, nhưng mọi người đều thấy ấm áp, bình an khi ở bên họ.

Và để trở thành người như vậy, việc đầu tiên, hãy tin ở chính mình. Mình tin mình không sai. Mình tự hào về mình. Mình không xấu hổ vì cảm xúc của mình. Mình sẵn sàng nói ra những cảm giác không vui, khó chịu bằng một cách ôn hoà để tìm hướng giải quyết.

Vài lời lý thuyết như vậy, nhưng cô tin là Đăng sẽ hiểu và làm được. Chỉ sự bình an nội tâm của mình mới là sức mạnh cảm hoá người khác. Cháu đang làm một việc cần làm cơ mà!

Và thêm một kinh nghiệm cho Đăng: việc tốt không làm một mình. Rủ cả một nhóm cùng giúp bạn mới – đó là phương án tốt cho trường hợp này, Đăng nhỉ?

Chúc em vui lên và cô tin em sẽ thành công!

Cho cô gửi lời chào bạn mới của các em nhé!

Cô Thuỵ Anh (Theo tạp chí Văn học & Tuổi trẻ tháng 8)

About admin2

Scroll To Top