Địa điểm diễn ra sân thơ Thiếu nhi 2016 không phải là Hồ Văn, ven rìa địa điểm chính như các năm trước. Thời gian diễn ra “một huyên náo văn chương” mang tên trẻ em, của trẻ em cũng không còn đọng lại trong những buổi chiều lạc lõng như những lần hội thơ trước đây. Sân thơ Thiếu nhi 2016 trở lại và lần đầu tiên xuất hiện một cách trang trọng, đường hoàng, bình đẳng với các sân thơ khác. Và trong lần trở lại – cũng là đầu tiên này, “một huyên náo” ấy đã làm nên chuyện tại Ngày thơ Việt Nam (diễn ra thường niên vào dịp Rằm tháng Giêng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám).
Nếu tâm điểm của những ngày thơ cũ dồn vào sân thơ Truyền thống (hay còn gọi là sân thơ Già) với một lực lượng khán giả trung thành và khá đông thuộc lứa tuổi trung niên và cao niên; hoặc dồn vào sân thơ Trẻ với nhiều kỳ vọng dành cho các tiếng thơ trẻ gây sốc hoặc bạo liệt, thỏa mãn sự tò mò cố hữu của một số người – thì tâm điểm năm nay dường như nghiêng về sân thơ của những em nhỏ.
Trước khi sự kiện diễn ra chính thức vào ngày Rằm tháng Giêng (tức ngày 22-2) vừa qua, những gương mặt chính, kịch bản của sân thơ Thiếu nhi được những người thực hiện chương trình hé mở dần dần, thu hút được sự quan tâm của truyền thông cũng như những người yêu thơ ca. Và cũng đã có vài dự báo được đưa ra, rằng sân Thiếu nhi năm nay sẽ “soán ngôi” chính trong Ngày thơ Việt Nam 2016.
Hình ảnh: Những gương mặt làm nên sân thơ Thiếu nhi 2016
Tham gia sân thơ Thiếu nhi 2016 có các bạn nhỏ đến từ trường THCS Nguyễn Tri Phương, trong đó có bạn nhỏ Hồng Khanh, một trong những “hiện tượng” của The Voice Kids 2013. Dẫn chương trình cho sân thơ Thiếu nhi là bạn Ngọc Linh, con gái nhà văn Nguyễn Đình Tú. Nội dung chương trình là những tác phẩm thiếu nhi tiêu biểu do nhà văn Lê Phương Liên, đại diện Ban Văn học Thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam) tuyển chọn. Kịch bản chương trình do nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con và các cộng tác viên quen thuộc của Câu lạc bộ dàn dựng. Nhà thơ Nguyễn Anh Vũ, đạo diễn sân khấu sân thơ Trẻ nhiều năm liền, đảm nhận vai trò đạo diễn chính cho sân thơ Thiếu nhi năm nay. Cả Nguyễn Thụy Anh và Nguyễn Anh Vũ đều là hai gương mặt trình diễn quen thuộc của sân thơ Trẻ những năm trước.
Ngoài những lợi thế đó, với sự vắng mặt khá lâu tại Ngày Thơ Việt Nam, với sự trở lại đầy sôi động, công phu và có chiều sâu của mình, sân thơ Thiếu nhi đã ăn một điểm cộng trong việc khơi gợi sự chờ đợi của khán giả. Trong khi đó, mặc dù sân thơ Già năm nay có nỗ lực đổi mới về hình thức, các nhà thơ đọc theo lối Trẻ (đọc liên khúc); tác giả sân Trẻ lại đọc theo lối Già (mỗi tác giả đọc từ 2 – 3 bài thơ, vừa đọc vừa ngâm nga); tuy nhiên, những hình thức này trong vài năm trở lại đây đã đạt ngưỡng tò mò của công chúng yêu thơ. Sự kì vọng vào những nhân tố mới trên sân khấu thơ Thiếu nhi là điều miễn bàn.
Chưa kể, những tiết mục văn nghệ như ca Huế, không hợp với sân thơ Trẻ, nghe có phần nào đó dài dòng, hơi nặng tông. Những cái tên đứng trên sân khấu sân thơ Già không nói làm gì, nhưng trên sân Trẻ, ngoài một số cái tên quen thuộc như Lữ Thị Mai, Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Minh Cường, Ngô Gia Thiên An thì còn lại là những cái tên mới toanh như Ngọc Lê Minh, Minh Thu…
Ngày thơ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2003 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Nhưng phải đến năm 2009, trong nội dung chương trình mới có cụm từ “Sân thơ Thiếu nhi”, tuy nhiên, vì hết “đất” nên sân thơ này phải diễn ra trong buổi chiều (thông thường, khán giả tập trung vào buổi sáng). Năm 2010, tương tự.
Sang năm 2011, lần đầu tiên sân thơ Thiếu nhi có phạm vi tổ chức lớn ngang với sân thơ Truyền thống và Hiện đại, tuy nhiên địa điểm diễn ra lại là Hồ Văn (cạnh Văn Miếu, không phải địa điểm chính), thành ra sân thơ này bị báo chí và khán giả “bỏ quên”. Năm 2012 không có sân thơ Thiếu nhi, mà chỉ có góc thơ Thiếu nhi, trưng bày những tác phẩm tiêu biểu viết cho thiếu nhi, không phải ai cũng để ý. Hai năm 2013, 2014, không ai nhắc đến sân thơ Thiếu nhi nữa.
Bởi tính đứt gãy, không liền mạch này mà việc sân thơ Thiếu nhi 2016 trở lại, lại xuất hiện một cách sang trọng, bình đẳng với các sân thơ khác, lại được diễn ra trong thời gian “vàng”, tại địa điểm chính nên đó là sự trở lại – đầu tiên.
Và trong lần trở lại mang tính bước ngoặt này, các em thiếu nhi đã cho công chúng thưởng thức một “món ăn” toàn đặc sản cây nhà lá vườn của mình. Những tác phẩm được chọn lọc trên sân khấu sân thơ Thiếu nhi 2016 đều là những bài tiêu biểu của làng thơ thiếu nhi Việt Nam như “Bài hát trồng cây” (Bế Kiến Quốc), “Con Vện” (Nguyễn Hoàng Sơn), “Mẹ và cô” (Trần Quốc Toàn), “Đồng hồ báo thức” (Hoài Khánh)… Ngoài ra, còn có “Hạt gạo làng ta” của nhà thơ Trần Đăng Khoa được biểu diễn thành bài hát, “Mời vào” (Võ Quảng) và hai tác phẩm cùng mang tên “Quê ngoại” của hai em Ý Nhi, Bảo Chân – 2 tác giả đạt Giải Cây bút Tuổi hồng.
Đạo diễn Nguyễn Anh Vũ cho biết: “Sự trở lại lần này của sân thơ Thiếu nhi tươi mới và đầy bay bổng với nhiều câu thơ hay, gợi cảm hứng lãng mạn, kích thích trí tưởng tượng của các em, chẳng hạn như: “Bình minh như viên kẹo ngọt/ Lăn theo bồng bềnh mây trôi/ Dung dăng bắt cầu đuổi bắt/ Chúng em chạm cổng… nhà trời”…
Thơ khá hòa quyện với hip hop đương đại, đồng dao. Âm nhạc lạ. Sân khấu được triển khai theo dàn đế như trong sân khấu chèo. Truyền thống mà hiện đại. Quen thuộc mà lạ lẫm. Nhìn tổng thể, trong 100%, nội dung chiếm vai trò 30%, nhảy múa chiếm 30%, âm nhạc chiếm 30%, 10% còn lại cho phép các em sáng tạo thỏa sức trên sân khấu. Và 10% này mặc dù chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng lại là một con số trọng lượng làm nên sự khác biệt của sân thơ Thiếu nhi 2016″.
“Trí tưởng tượng của các em như trang giấy trắng và rất mạnh mẽ. Chúng tôi gieo vào đó một nét màu nhỏ sẽ bung nở thành cả một vườn hoa. Tôi chỉ xin gieo với các em một giấc mơ be bé”, nhà thơ Nguyễn Anh Vũ tiếp lời. Một giấc mơ be bé thôi, nhưng sau mấy năm ngắt quãng, giờ đây, các em mới được thỏa sức vẫy vùng. Nhà thơ Nguyễn Thụy Anh gọi đây là một “khởi đầu ngây thơ”. Riêng người viết bài này, chỉ muốn dành mấy chữ “ngày thơ tỉnh thức” cho ngày hội thơ ca thường niên của dân tộc, khi mà suốt những năm qua, chúng ta đã vô tình bỏ quên mất một tiếng reo vang bình minh của thế hệ mới. Bởi nếu không có một “reo vang bình minh” thì làm sao có một “đường xuân” lồng lộng trong văn chương.
Rõ ràng, sự trong sáng vô tư ấy sẽ phải được bảo vệ, tồn tại trong một xã hội có nhiều ảnh hưởng làm ô nhiễm không gian, môi trường sống xanh tươi của các em thiếu nhi. Hay nói cách khác, ở một mặt nào đó, chúng ta cũng có thể hiểu rằng, sự ngây thơ này không phải là một “ngây thơ vị thành niên”, mà là ngây thơ của những người đã từng trải, hiểu biết rõ giá trị của tuổi thơ như thế nào. Chính vì hiểu rõ điều đó nên chúng tôi muốn bảo vệ sự trong sáng đó của các em.
Đó là nói chung, còn với riêng bản thân tôi, trong cuộc đời của mình, mỗi khi làm một việc gì, tôi thường không nhằm đến một mục tiêu cụ thể nào cho tôi, kể cả ngây thơ và rất không ngây thơ. Tôi không nhằm mục đích vật chất, tuy nhiên, tôi khá lãng mạn khi làm việc. Giữa tôi với Thụy Anh cũng như những cộng sự nhiệt thành khác nữa, chúng tôi có một sự đồng cảm rất rõ ràng, rành mạch về tâm hồn dành cho các em nhỏ. Chúng tôi mong những nỗ lực bé nhỏ của mình như một làn sóng, lan tỏa đi trong đời sống. Mặc dù, đôi khi, như cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từng viết: “Sống trong đời sống/ Cần có một tấm lòng/ Để làm gì, em biết không?/ Để gió cuốn đi/ Để gió cuốn đi”.
Nhà thơ Nguyễn Thụy Anh: Lần đầu tiên xuất hiện trang trọng
Sân thơ thiếu nhi trước đây vẫn được làm, nhưng lần đầu được xuất hiện trang trọng cùng với sân thơ trẻ. Tuy thời lượng cực ít, nhưng nó giống như một khởi đầu ngây thơ.
Tôi hy vọng tạo được một rung cảm nhỏ đối với người xem hội thơ, để họ sực nghĩ đến thơ cho bọn trẻ, thơ của bọn trẻ.
Sở dĩ đây là khởi đầu ngây thơ còn vì những đứa trẻ lên trình diễn một bài thơ thậm chí còn rất hồn nhiên, chưa hiểu thế nào là “Ngày thơ Việt Nam”. Và sân thơ Thiếu Nhi lần này hy vọng sẽ là kỷ niệm nhỏ của chúng. Có thể, các nhà thơ sẽ nghĩ đến chúng nhiều hơn. Có thể, các nhà giáo dục sẽ tôn trọng hơn cảm giác, cảm xúc, rung động… của chúng với mỗi bài thơ. Có thể, có đứa trẻ nào đó bỗng nhìn đời mơ mộng hơn qua câu chuyện thơ lơ mơ chưa thành hình rõ nét của các bạn trên sân khấu. Đó là khởi đầu. Và cũng biết đâu, mong muốn của những người tham gia làm sân thơ… cũng là “ngây thơ”?! Nhưng dẫu sao, nó có thật. Nó nồng nhiệt. Và vì thế, chắc chắn gây được hiệu ứng cảm xúc đối với người xem, dù là người lớn hay là các bạn nhỏ còn thờ ơ với thi ca. Đôi khi tôi thấy mình có những mong muốn cũng ngây thơ như thế.
Theo Đậu Dung (trích nguồn http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/Khoi-dau-ngay-tho-383346/)