(Tổ Quốc) – Trong bối cảnh hiện nay, khi văn hóa đọc đang bị mai một, lấn át, áp lực học hành tăng cao thì số em yêu sách một cách tự thân là rất ít. Vậy làm thế nào để các em yêu sách?
Thấy gì sau một buổi tham dự “Đọc sách cùng con”
Sáng chủ nhật, theo lịch của Câu lạc bộ Đọc sách cùng con sẽ là một buổi đọc sách. Trước giờ diễn ra, khá đông các em nhỏ đã có mặt sớm và tìm những cuốn sách để đọc. Một số em lần đầu đến với Câu lạc bộ được sắp xếp để bố mẹ đồng hành cùng con cả buổi, vừa để phụ huynh tìm hiểu, đánh giá vừa để các con không quá bỡ ngỡ.
Phụ huynh tham gia đọc sách cùng con (ảnh Hiền Nguyễn)
Vì không phải lớp học với cô giáo dạy như ở trường với những nội quy nghiêm ngặt được đưa ra để các em vào khuôn khổ, lại cộng thêm nhiều lứa tuổi khác nhau nên chúng tôi khá lo lắng không biết các cô giáo trẻ sẽ làm thế nào để các em ổn định trật tự cho buổi đọc sách diễn ra. Nhưng khi tiếng nhạc vận động nổi lên cùng với vài hiệu lệnh, các em đã khá nề nếp. Thậm chí, khi ngồi vòng tròn nghe đọc sách, các em thường có xu hướng thu hẹp vòng tròn và tiến dần về người đang đọc truyện.
Một tác phẩm văn học thiếu nhi được lựa chọn để đọc. Nhưng cách đọc truyện này không giống cách kể chuyện thông thường mà chúng ta từng thấy. Người đọc không vì câu chuyện hấp dẫn, không vì giọng đọc truyền cảm mà đọc từ đầu đến cuối để thỏa mãn tính tò mò, sự hồi hộp của các em. Các cô giáo ở Câu lạc bộ Đọc sách cùng con chỉ đọc vài ba câu ngắn rồi dừng lại, liên tiếp đặt ra những câu hỏi cho các em. Có câu hỏi đòi hỏi sự ghi nhớ, có câu hỏi đòi hỏi sự suy luận và có câu hỏi đòi hỏi sự tưởng tượng. Những cánh tay giơ lên liên tiếp hào hứng bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình. Bằng sự hồn nhiên, trong sáng, nhiều ý kiến của các em đưa ra khá thú vị và bất ngờ, có khi gần với tác giả, có khi… không liên quan mà vẫn có lý.
Một hoạt động tại CLB Đọc sách cùng con (ảnh do CLB Đọc sách cùng con cung cấp)
Điều thú vị ở những câu hỏi được đưa ra là khá thiết thực, tăng cường vốn sống và khơi gợi suy nghĩ của các em. Chẳng hạn tại sao bù nhìn lại chỉ lấy một chiếc tất của những chú mèo trên dây phơi để đi?. Câu trả lời là bù nhìn chỉ có một chân. Ngay lập tức hình ảnh chú bù nhìn – một hình ảnh vô cùng quen thuộc với học sinh nông thôn, nhưng lại quá xa lạ với học sinh thành phố, được hiện diện ngay trước mặt các em. Không những thế các em còn được biết thêm bù nhìn có tác dụng gì, khi nào cần dùng đến, và được hứa hẹn hướng dẫn cách làm bù nhìn như thế nào vào buổi học sau.
Khi đọc đến khái niệm trà hoa hồng các em sẽ được trực tiếp nhìn, sờ, ngửi hoa hồng khô và uống thử trà. Rồi pha trà xong các em sẽ được hướng dẫn mang ra mời người lớn tuổi thưởng thức trước, kèm với lời giới thiệu cũng như công dụng của trà.
Không thấy những lời mắng nhiếc, những chiếc roi làm vũ khí để trấn áp các em nhỏ mà thay vào đó là phần thưởng. Phần thưởng có khi chỉ là thứ rất nhỏ, như miếng dán bằng đầu ngón tay với hình ngộ nghĩnh được liên tiếp đưa ra cho các em. Mỗi miếng dán được dán lên thẻ như sự ghi nhận nỗ lực của các em và sẽ được quy đổi thành phần thưởng lớn hơn khi đạt được số lượng nhất định.
Các thành viên trong CLB giao lưu và chụp ảnh cùng những nhà văn nổi tiếng (ảnh do CLB Đọc sách cùng con cung cấp)
Làm thế nào để trẻ yêu sách?
Đặt câu hỏi cho cô giáo trực tiếp hướng dẫn các em đến với sách rằng tại sao không đọc hết hoàn chỉnh một cuốn sách cho trẻ mà chỉ đọc một đoạn?. Câu trả lời nhận được là, đọc một đoạn trong sách nhằm khơi gợi cho các em hứng thú đến với cuốn sách đấy. Có những cuốn sách nhờ vậy mà được các em hào hứng tìm đọc ngay sau buổi đọc sách ở Câu lạc bộ, dù cuốn này rất dày. Nhưng cũng ngược lại, có cuốn không phải các em sẽ tìm đọc ngay mà phải một thời gian sau đó.
Trong bối cảnh hiện nay, khi văn hóa đọc đang bị mai một, lấn át, áp lực học hành tăng cao thì số em yêu sách một cách tự thân, sẵn sàng tự đi tìm những cuốn sách mình yêu thích là rất ít.
Mỗi cuốn sách dù hay đến đâu nhưng nếu chỉ nằm yên một chỗ không có người đọc thì giá trị của nó không được tìm thấy. Trong khi không phải em thiếu nhi nào cũng đủ khả năng nhìn nhận ra giá trị của cuốn sách thì cách giới thiệu này là một cầu nối, một sự mời gọi hơn là áp đặt cho các em nghe hết. Các em muốn biết rõ câu chuyện thì phải tự tìm đọc.
Các em nhỏ vẽ cành đào ngày tết (ảnh do CLB Đọc sách cùng con cung cấp)
Để giới thiệu một cuốn sách cho các em hứng thú tìm đọc không chỉ có những trò chơi tương tác, câu hỏi tương tác được đặt ra mà còn phải làm phong phú cách kể. Có câu chuyện có thể cầm lên đọc, nhưng có câu chuyện lại phải dùng clip minh họa, sân khấu hóa bằng kịch với những vai diễn.
Vào các dịp lễ tết hay dịp hè câu lạc bộ còn tổ chức các buổi đọc sách theo chủ đề, giao lưu trò chuyện với các nhà văn, cho các em tham gia các hoạt động vận động gắn với sách.
Bên cạnh đó, không thể không kể tới vai trò của phụ huynh trong mỗi gia đình. Văn hóa đọc là một cái gì đó khó nhìn thấy thành quả trước mắt ngay lập tức, lại phải đầu tư thời gian, sự kiên nhẫn. Trong khi các em luôn bị đối mặt với thành tích học tập với áp lực điểm số cho bản thân, và cả cho… người lớn. Vì thế, không lạ gì ở các lớp học thêm, các trung tâm bồi dưỡng kiến thức, năng khiếu đua nhau mọc lên và nơi nào cũng đông. Một vị phụ huynh chia sẻ lý do cho con tham gia Câu lạc bộ đọc sách cùng con: Tôi cho con tham gia đã gần năm nay và thấy rất thiết thực. Con tôi vào đây sinh hoạt là để giảm bớt áp lực học tập, phần nữa là có kĩ năng giao tiếp, kĩ năng sống và thích đọc sách hơn. Hơn nữa, cho con sinh hoạt ở Câu lạc bộ tôi sẽ có thêm thông tin về các cuốn sách chất lượng để mua và cùng đọc với con.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm, hiện đang giảng dạy trường Tiếng Việt Lạc Long Quân tại Vacsava, Ba Lan có mặt theo dõi buổi đọc sách với lý do tìm hiểu và học hỏi thêm cách đọc sách, truyền đạt tình yêu sách để giảng dạy cho các em người Việt bên Ba Lan. Cô bày tỏ: Muốn trẻ yêu sách thì cũng phải có phương pháp khoa học và đã được trải nghiệm thực tế. Trước đây tôi chỉ tự mày mò và đúc kết cách dạy cho bản thân, nhưng từ khi tôi biết mô hình và phương pháp của Câu lạc bộ Đọc sách cùng con thì tôi thấy cần học hỏi vì rất bài bản, thú vị. Tuy nhiên, tôi thấy với trẻ nhỏ nếu chỉ chuyên môn hay phương pháp tốt thì chưa đủ mà còn cần tình người, sự ấm áp, tin tưởng nữa. Chính cái tình người ấy mới là cái lâu dài.
Các em nhỏ trong CLB tham gia Sân thơ Thiếu nhi trong Ngày thơ Việt Nam 2016 (ảnh do CLB Đọc sách cùng con cung cấp)
Được biết Câu lạc bộ đọc sách hoạt động đã 6 năm, nhưng 2 năm đầu không thu phí thành viên, gần đây bắt đầu thu nhưng chỉ 80 nghìn một tháng cho 1 em. Số kinh phí không đủ để duy trì hoạt động Câu lạc bộ. Để tìm nguồn thu khác bù vào các cô giáo ở đây phải đi dạy nhiều nơi. Có lẽ, vượt lên trên hết đó tình yêu trẻ, đau đáu với văn hóa đọc thiếu nhi thì Câu lạc bộ mới tồn tại được.
Mỗi trẻ em là một cá tính, một thế giới riêng, để trẻ yêu sách, có rất nhiều cách và dường như cũng không có cách nào hoàn chỉnh như một công thức được đưa ra. Nhưng có lẽ ngay từ các bậc làm cha làm mẹ phải thấy được giá trị của việc đọc sách, thì mới có thể hướng con em mình đến với sách.
Hiền Nguyễn (Bài được đăng trên Báo Tổ quốc – toquoc.vn)