Home / Bài Viết / Xây dựng văn hoá đọc từ “chuẩn bị một người đọc”

Xây dựng văn hoá đọc từ “chuẩn bị một người đọc”

Rất cần xây dựng một cộng đồng đọc và duy trì các hoạt động đọc chung giữa cộng đồng. Cộng đồng ấy có thể là gia đình nhỏ (bố-mẹ-con), thông qua đọc sách có thể giao lưu cảm xúc với nhau mỗi ngày. Cộng đồng ấy có thể là gia đình lớn (ông-bà-bố mẹ- cô chú- anh chị em họ), một nhóm bạn thân hoặc các câu lạc bộ đọc và trao đổi sách.

Bắt đầu từ phong trào nhưng đừng rơi vào hình thức

Ở Việt Nam 5 năm trở lại đây, có nhiều biến chuyển tích cực trong việc xây dựng và nâng cao văn hóa đọc. Trước hết đó là các động thái đáng mừng ở khía cạnh “ứng xử đọc” của cộng đồng xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước.  Nhiều tổ chức xã hội và cá nhân đã gây dựng phong trào đọc sách, xây dựng tủ sách, thư viện thân thiện như nhóm Sách hóa nông thôn, Không gian đọc, Sách cho em, Tủ sách cho Lý Sơn, các hoạt động của Room to read, Tầm nhìn thế giới v..v.. Giải thưởng Sách hay được trao hàng năm thông qua việc bình chọn của các nhà văn hóa, nhà giáo có uy tín cũng góp phần thúc đẩy văn hóa đọc ở nghĩa rộng. Các nhà xuất bản liên tục tham gia các hội chợ sách ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời hưởng ứng Ngày đọc sách Việt NamNgày đọc sách thế giới (21 và 23-4 hằng năm) cùng với các thư viện trung ương và địa phương, Hội nhà văn và các tổ chức hội đoàn khác.

Tuy vậy, nhiều hoạt động còn ở bề nổi, mang nặng tính hình thức mà chưa chạm được tới cá nhân từng người có tiềm năng trở thành người đọc. Nhiều người hô hào đọc sách, nhiều thầy cô đi tập huấn về đọc sách mà bản thân không mấy khi cầm đến cuốn sách. Nhiều trường học tổ chức ngày hội đọc thật tấp nập, vui tươi, nhưng sau ngày hội là lại chuỗi ngày chạy đua với chương trình học, việc đọc sách không được đả động mấy nữa. Như vậy, cần tìm giải pháp bền vững hơn: có bề nổi rồi nhưng ngay lập tức tìm đến bề sâu, tìm phương án kích thích từng đứa trẻ, làm sao chúng đến với sách tự nguyện, lâu dài, bền bỉ.

Ở thái cực ngược lại, người ta “trí thức hóa, quan trọng hóa” việc đọc, đưa ra những đánh giá, “dán nhãn” con người thông qua việc họ đọc sách hay không đọc sách, đọc truyện tranh hay truyện chữ, đọc sách “nghiêm túc, hàn lâm” hay ngôn tình sướt mướt. Việc áp đặt cho người trẻ: “phải đọc!”, hay “phải đọc sách này chứ không được sách kia” cũng là một động thái nguy hiểm triệt tiêu cảm hứng đọc ở những độc giả tiềm năng.

Một người đọc được chuẩn bị như thế nào?

Có lần, đến một trường tiểu học ở Hà Nội, tôi thấy các cháu nhỏ đang hí hoáy làm “Nhật ký đọc”. Chúng trình bày rất sáng tạo những tóm tắt, cảm nhận của mình về một cuốn sách. Thật vui mừng – vậy là việc xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường đã và đang được bắt đầu tích cực! Thế nhưng, vừa bước ra khỏi phòng, tôi giật mình, nghe bọn trẻ than thở: “Tuần sau lại phải làm Nhật ký đọc! Chán thế!”

Không nên ép trẻ đọc vì… “phải đọc” mà nên mời trẻ đọc hoặc tham gia hoạt động đọc cùng mình, đồng thời vẫn tôn trọng quyền lựa chọn “đọc” hoặc “không đọc” của chúng. Xây dựng văn hóa đọc cho gia đình, nhà trường, xã hội không chỉ là xây dựng thói quen đọc, hay trang bị các tủ sách sao cho phong phú, đủ đầy mà còn là xây dựng phông văn hóa, chuẩn bị kỹ năng đọc, phương pháp tiếp nhận sách, sử dụng sách và tạo một nhu cầu, tìm ra  động lực đến với sách cho một người đọc. Nói ngắn gọn hơn, cần “chuẩn bị một người đọc”!

Trên thực tế, rất cần xây dựng một cộng đồng đọc và duy trì các hoạt động đọc chung giữa cộng đồng. Cộng đồng ấy có thể là gia đình nhỏ (bố-mẹ-con), thông qua đọc sách có thể giao lưu cảm xúc với nhau mỗi ngày. Cộng đồng ấy có thể là gia đình lớn (ông-bà-bố mẹ- cô chú- anh chị em họ). Cộng đồng ấy có thể là một nhóm bạn thân hoặc các câu lạc bộ đọc và trao đổi sách mà hoạt động nhất thiết phải được xây dựng có kế hoạch, phương pháp và nội dung lâu dài. Đọc cũng có thể là một hình thức giao tiếp thú vị, độc đáo và tinh tế giữa các thành viên trong cộng đồng, có khả năng lôi cuốn, làm xuất hiện nhu cầu đọc thông qua nhu cầu giao tiếp và luôn được củng cố bằng những buổi đọc, trò chuyện, chia sẻ, đi thực tế cùng nhau. Nhìn ngắm, lắng nghe các bạn trẻ trao đổi trong khi xếp hàng đợi nhận chữ ký của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ngày 28-2-2016 vừa rồi ở phố sách Đinh Lễ, tôi càng thấm thía hơn điều này. Họ bàn bạc về nhân vật, hỏi han nhau về tác giả, và cả đọc những đoạn thơ họ nhớ được từ tác phẩm nữa! Tôi đã nghĩ thầm: “Đây chính là văn-hóa-đọc!”.

Độc giả trẻ xếp hàng để xin chữ ký nhà văn họ yêu thích. Ảnh: Việt Khôi

Những cuốn sách cũng vậy, có thể đọc chúng bằng nhiều cách. Im lặng mà đọc dưới ánh đèn bàn sáng sủa, lòng bâng khuâng nghĩ ngợi hoặc bên cạnh cửa sổ của một ngày nắng lạnh. Lại có thể đọc to lên cùng nhau như những đứa trẻ mới học đánh vần thường làm. Ngoài ra, còn có thể đọc, như trình diễn một nhạc phẩm tại chỗ trên cơ sở đọc văn bản, không phải sân khấu hóa tác phẩm mà xây dựng một kịch bản tương tác gồm các hoạt động đọc, nghe, diễn giải, vẽ, hát, động tác cơ thể… làm sao cho việc đọc cũng cuốn hút người nghe theo dòng cảm xúc của mình, và người đọc tham gia tích cực vào quá trình này, rơi vào không gian của câu chuyện lúc nào không hay. Từ đó, người đọc cảm nhận, tiếp thu thông điệp của cuốn sách, đồng thời cũng không ngần ngại bày tỏ suy nghĩ theo cách của mình (điều mà những đứa trẻ không phải lúc nào cũng dám làm hoặc được phép làm trong giờ học). Quá trình đọc cũng là quá trình suy ngẫm và sách chỉ là cái cớ để chúng ta bắt đầu quá trình ấy. Các hoạt động đọc trong một câu lạc bộ có thể diễn ra theo cách đó để  rèn luyện kỹ năng đọc cá nhân, tạo động lực tự nguyện đến với sách, tạo thói quen làm việc với văn bản, phát triển kỹ năng mềm phục vụ học tập và kỹ năng chia sẻ với cộng đồng, tạo mối giao lưu cảm xúc giữa những người đọc, nâng cao năng lực rung động với tác phẩm và cuộc sống, kích thích niềm yêu thích sách lâu dài, trọn đời.

TS Nguyễn Thụy Anh (Bài được đăng trên Báo Nhân dân )

About admin

Scroll To Top