Home / Thơ - truyện / Kiếm Tết

Kiếm Tết

Đó là những ngày giáp Tết năm 1969, mưa bụi bay lất phất trên đường phố Hà Nội. Gió lay động những cành cây trơ trụi ướt át run rảy, vài lá non hiện ra xanh mướt ngơ ngác rụt rè ngắm nhìn những dãy hầm trú ẩn phòng không đứng lầm lỳ bên hồ Gươm. Bên bờ làn nước xanh gợn sóng lăn tăn của con hồ mấy trăm năm tuổi này đáng lẽ là nơi của những luống hoa tỏa hương thơm, ngày ấy lại là một dãy hầm xây bằng gạch nửa chìm nửa nổi, được bao phủ bởi lớp đất dày cỏ mọc xanh um…Dãy hầm ấy vẫn đứng y nguyên bên hồ, chưa bị phá bỏ đều đó chứng tỏ rằng “hòa bình” vẫn là một điều gì “ không chắc chắn”. Kia, trên sân thượng của những ngôi nhà cao, nơi đáng lẽ ra là chỗ của những chậu cây cảnh tuyệt đẹp , giờ đây vẫn hiển hiện các ụ pháo cao xạ tầm thấp đang giương những nòng súng thép chĩa lên trời sãn sàng nhả đạn vào bất cứ một chiếc máy bay thù địch nào xâm phạm bầu trời Hà Nội. Loa phóng thanh trên đỉnh Nhà hát lớn thành phố vẫn hướng đi bốn phía, nơi mà đáng lẽ ra chỉ để dành cho âm thanh du dương của các bản nhạc vang lên, giờ đây từ cái loa ấy dường như có thể bất thình lình truyền đi tiếng còi báo động : Ù, U, Ú…Ú.

Nhà văn Lê Phương Liên tại CLB Đọc sách cùng con một ngày gần Tết

Thế mà ngày 25 Tết năm ấy, dòng người gồng gánh, dòng xe đạp, xích lô , những chuyến xe điện chặt ních hành khách…đang chạy về trung tâm Hâ Nội càng ngày càng tấp nập đông đúc. Bởi vì tổng thống Mỹ Johnson đã tuyên bố ngừng ném bom đánh phá từ phía bắc vĩ tuyến 20 trở ra và Hội nghị Paris đã bắt đầu họp để Các Bên đàm phán hòa bình…

Ngày ấy, cô giáo sinh năm thứ nhất trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (là tôi) sung sướng được đón mẹ tôi từ nơi sơ tán ở Thuận Thành ( Bắc Ninh), trở về căn nhà xưa ở phố cổ, ăn Tết Hà Nội sau ba năm xa cách. Nhìn mẹ tôi nước da xạm đen hốc hác, thân hình gầy gò đang bước đi trên vỉa hè với dáng xiêu xiêu trong mưa rơi và gió lạnh, lòng tôi thắt lại, thương xót quá. Hai mẹ con vừa về đến đầu ngõ, bà hàng nước đon đả chạy ra chào, cười nói ríu rít:

– Kìa bà và cô đã về đấy ư, mừng quá, bà sắm Tết được nhiều chưa?

Mẹ tôi dừng chân lại nét mặt tươi lên mừng rỡ vì gặp lại người hàng xóm thân quen: “ Bác Tý đấy à, quý hóa quá, hai bác vẫn được khỏe chứ?” Ngừng lời một lát, mẹ tôi thoáng một vẻ buồn, đáp lại câu hỏi của bà Tý hàng nước: “ Bác Tý ạ, nói thật với bác vừa rồi tôi bị ốm một trận khá nặng, tốn tiền mua thuốc lắm, bây giờ cạn cả tiền rồi, chẳng biết lo Tết ra sao đây?”

Bà Tý nhìn mẹ con tôi vẻ trìu mến rồi tủm tỉm cười, nụ cười với hàm răng đen nhánh và cái miệng đỏ tươi quết trầu nom thật là ấm áp trong cảnh phố phường lạnh lẽo.Bà hạ giọng nói nhỏ với mẹ tôi:
– Bà đừng lo, mình “kiếm Tết” rồi có tiền “sắm Tết”, bà cứ lên nhà nghỉ đi, rồi tôi sẽ lên chơi với bà nhé.
Chẳng biết mẹ tôi và bà Tý bàn soạn với nhau chuyện gì mà ngay chiều hôm ấy, mẹ tôi bảo tôi lấy xe đạp đưa mẹ tôi đi chợ Bắc Qua.

Từ nhà tôi lên chợ Bắc Qua, đường phố đã tưng bừng vẻ Tết. Hình như phố nào cũng có một lò làm gia công “Bánh quy xốp” mới mở cửa, hương thơm của bơ, đường, bột mỳ, vừng, lạc, dừa…hòa quyện thành một mùi bánh nướng thơm phức tỏa ra ngào ngạt…Ở các cửa hàng mậu dịch quốc doanh, người người xếp hàng dài dằng dặc để mua những túi hàng Tết theo tiêu chuẩn hộ gia đình. Những ông, bà áo quần đồng phục cán bộ, dáng bơ phờ vừa thoát khỏi đám đông người quây kín quầy hàng, tay giơ cao những túi hàng Tết lóng lánh miếng bóng bì , gói miến dong, gói măng khô, gói chè mạn, ít mộc nhĩ, một tí mì chính… Thế mà ai nấy mặt mày hoan hỉ như Tết đã đủ cả rồi, khiến cho kẻ đi đường cũng cảm thấy hí hửng vui lây. Mẹ con tôi thì chưa dám nghĩ đến “Bánh quy” hay “Túi hàng Tết”, bởi vì còn phải nghĩ đến chuyện “ đầu tiên”!

Chợ Bắc Qua ngày ấy là một cái chợ nối liền với Chợ Đồng Xuân, nơi qui tụ hầu như tất cả của ngon vật lạ của miền Bắc thủa ấy. Vừa bước vào cổng chợ là đã cảm thấy sực nức mùi của rừng núi với dãy hàng măng khô, mộc nhĩ, nấm hương… Đi một vài bước nữa là đã ngào ngạt mùi biển với cá, mực, tôm khô, mắm tôm, mắm tép… Rau thơm, rau mùi, rau húng… của làng Láng ngày ấy thơm ngan ngát cả một góc chợ…Rồi tiếng gà vịt kêu quang quác, càng cạc trong lồng tre, tiếng cá quẫy, tôm nhảy rào rào trong những cái thúng sơn đen đầy nước sóng sánh…Nhưng mẹ tôi chẳng để ý gì đến những hàng sơn hào hải vị, mà bước thẳng đến dãy hàng ngô, khoai, sắn…Hóa ra cuối cùng mẹ tôi chọn mua khoai Nghệ, thứ khoai ruột vàng luộc ăn rất ngọt. Mẹ tôi mua tới 10 kg! Tôi ngạc nhiên quá và hỏi:

– Sao mẹ mua nhiều thế?

– Mẹ sẽ làm mứt khoai Nghệ mà.

– Ô, mứt khoai Nghệ ngon lắm, con rất thích nhưng mà nhà mình đâu có đông khách, sao ăn hết cả chừng này mứt?

– Mẹ làm không phải để ăn đâu mà là để bán kiếm tiền sắm Tết đấy.

À, hóa ra “kiếm Tết” là thế này đây! Thế là từ buổi ấy, hai mẹ con tôi dồn hết tâm trí vào việc làm mứt khoai nghệ, nào gọt khoai, rửa khoai, ngâm khoai trong nước vôi trong, rồi lại ngâm khoai trong đường và cuối cùng là dim mứt trong một cái chảo lớn. Cái Tết đầu tiên trở về căn nhà cũ sao mà bận rộn tất bật, nào lau dọn tất cả đồ đạc đã bị phủ bụi suốt mấy năm, nào sắp xếp lại bếp núc đã tàn nguội từ lâu, nào gói bánh chưng, nào muối dưa hành, nào phải mua…Tất cả đang trông chờ vào chảo mứt khoai mà bà Tý hàng nước đã hẹn lấy vào tối ngày 28 Tết. Không phải là dim một chảo là xong một mẻ, mà tới ba lần, ba mẻ mứt… Tối 28 Tết ấy, mẹ tôi đang cố gắng mau tay đảo nốt mẻ mứt cuối cùng trên bếp lửa hồng. Nhìn gương mặt mẹ tôi hồng hào lên trong ánh lửa , tôi cảm thấy vui lắm, mấy hôm nay dường như niềm vui được trở về căn nhà xưa khiến mẹ tôi khỏe ra, nhanh nhẹn hơn… Trong căn bếp hẹp có lan can nhìn ra hồ Gươm, chợt có làn gió hồ lùa vào lạnh buốt. Đột nhiên tôi thấy nét mặt mẹ tôi tái nhợt đi , người mẹ tôi lả xuống, tưởng như mẹ tôi có thể ngã nhào vào chảo mứt… “Mẹ ơi, mẹ ơi!” tôi hét lên và ôm chặt lấy mẹ tôi. Nghe tiếng hét của tôi, bà tôi lập cập từ trên nhà lò dò đi qua cái sân thượng ướt át để đi đến bếp cùng giúp tôi đỡ lấy mẹ tôi đang gục xuống sàn. Bà tôi hét to lên : “ Bà con láng giềng ơi, cứu lấy mẹ con tôi…!” Nghe tiếng kêu thất thanh của bà tôi, bác Tý trai (chồng của bà Tý hàng nước) là một ông đạp xích lô, may quá hôm nay bác Tý trai nghỉ làm ở nhà lo Tết, bác ấy đã vội vàng chạy lên gác nhà tôi , bế xốc mẹ tôi vào trong nhà để mợi người cùng lo cấp cứu. Nào người xoa dầu nóng, nào người lấy chổi rễ cho vào một cái chậu để đốt lửa sưởi cho mẹ tôi. Lát sau mẹ tôi mở mắt tỉnh dậy được nhìn thấy tôi, mẹ hỏi ngay : “ Con ơi, chảo mứt thế nào, sợ cháy mất con ơi!

“ Dạ, không sao đâu , con dập lửa nhỏ rồi, mứt sắp được rồi, bà Tý sắp đến lấy hàng, sắp có tiền rồi , mẹ ơi , mình sắp có Tết rồi !”

Vâng, Tết năm ấy đã đến thật. Những miếng mứt khoai nghệ vừa trong vừa dẻo vừa ngọt vừa bùi tươi mầu đỏ đẹp đã được lấy ra khỏi chảo, đã được chuyển đi đến các hàng nước, hàng quà xung quanh hồ Hoàn Kiếm, kịp thời làm món quà vui miệng cho những đoàn nam thanh nữ tú đi chơi xuân.Ngày ấy những chàng trai bộ đội về nghỉ phép, những cô gái đi công tác xa Hà Nội được vài ngày về chơi phố phường gặp nhau chốc lát chia nhau miếng mứt khoai là thấy ấm lòng vô cùng, ngon quá nhỉ, ngon đến tận kiếp sau.

Bài đã đăng trên báo Người Hà Nội số Tết

Đêm Giao thừa năm ấy, mẹ tôi đã bình phục lại, mẹ tôi vui lắm vì thấy con gái của mẹ đã biết làm mứt thật là ngon! Khi tiếng pháo giao thừa nổ ròn trên đường phố, mẹ tôi thong thả đứng dậy thắp hương trên bàn thờ để tiễn năm cũ đi và đón năm mới đến. Mẹ tôi ngắm nhìn những món ăn bầy lên mân cúng tất niên có đủ cả bánh chưng, giò và mứt… mẹ tôi chắp tay vái tổ tiên và nhìn mãi đi xa xăm về phương nam, tận phía nam vĩ tuyến 17 còn mù mịt vời vợi, đất nước khi ấy còn chia cắt Bắc- Nam…

Đã bao nhiêu năm trôi qua,đất nước đã liền một dải hòa bình, những dãy hầm trú ẩn ở hồ Gươm đã biến mất hoàn toàn, những ụ súng cao xạ trên những sân thượng nhà cao cũng chẳng bao giờ còn thấy nữa, Nhà hát lớn Hà Nội giờ đây chỉ còn tiếng nhạc âm vang dào dạt thanh bình… Và, ký ức xưa cũ trong tâm hồn những người từng trải đột nhiên hiển hiện về trong những làn mưa lạnh bay mù mịt khắp phố phường.

Nhà văn Lê Phương Liên, mùa đông năm 2017

About admin2

Scroll To Top